Singapore dẫn đầu cuộc đua trở thành trung tâm công nghệ tài chính châu Á
- Người phụ nữ Việt biến Trung tâm Tài chính thế giới thành sàn diễn thời trang
- Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, ngân hàng
Công nghệ tài chính (Fintech) là một xu hướng mới xuất hiện nhưng đã đóng vai trò không thể chối từ trong thế giới hiện đại, nó là sự kết hợp các dịch vụ tài chính và công nghệ với nhau để tối ưu hoá trải nghiệm người dùng trong lĩnh vực tài chính như: thanh toán di động, chuyển tiền, vay nợ, lập quỹ startup hay thậm chí là quản lý tài sản cá nhân. Nếu như Grabtaxi và Uber kết nối người cần di chuyển và người có xe nhàn rỗi thì Fintech lại kết nối những người có nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính và các đơn vị cung cấp dịch vụ này.
Theo nghiên cứu tổng kết năm 2015 ngành ngân hàng của McKinsey cho thấy, số lượng công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính tại châu Á đang tăng rất nhanh, từ 800 vào tháng 4/2015, đến thời điểm hiện tại, con số đã hơn 2.200.
Việc Singapore dẫn đầu cuộc đua không chỉ giúp quốc gia nhỏ bé này duy trì vị thế hàng đầu trong lĩnh vực tài chính và công nghệ trong khu vực mà còn giúp nước này trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động.
Góc nhìn thành phố Singapore từ nóc tòa nhà chính phủ. Nguồn: Reuters. |
Cú hích Brexit
Cuộc trưng cầu dân ý với quyết định rời khỏi liên minh châu Âu của Anh là một tín hiệu xấu với xu hướng toàn cầu hoá tại lục địa già nhưng lại có những tác động tích cực đến nền công nghệ tài chính Singapore. Hậu Brexit, Singapore đang thu hút sự quan tâm của số đông trong số 60.000 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực tài chính với một thị trường quy mô 9 tỷ USD từ London, Anh.
“Từ lâu chúng tôi đã có kể hoạch đưa các trụ sở công ty tại Anh đến châu Á để tiếp cận thị trường rộng lớn và phát triển này và Brexit đã thúc đẩy chúng tôi làm điều đó khẩn trương hơn” Markus Gnirck, sáng lập viên một công ty tư vấn công nghệ tài chính lớn tại London chia sẻ với TheEconomist. Trong trường hợp Anh rời liên minh EU, những ưu đãi mà trước đây các doanh nghiệp đang hoạt động tại London được hưởng sẽ ngày càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận.
“Trong chiến lược dài hạn, châu Âu ngày một chật chội và rời rạc hơn sẽ ngày càng bớt hấp dẫn hơn trong mắt của giới doanh nhân, châu Á thì ngược lại” Taveet Hintikus, Giám đốc điều hành công ty chuyển tiền TransferWise đã phát biểu tại diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra ở Thiên Tân, Trung Quốc mới đây. Ông này cũng cho hay công ty của mình đã nhìn thấy tiềm năng vô cùng lớn tại châu Á và Singapore đã xuất hiện như một trung tâm công nghệ tài chính sôi động hơn Hong Kong.
Theo một báo cáo của KPMG – một trong 4 đại gia ngành tài chính, số lượng công ty cung cấp các dịch vụ tài chính tại Singapore cho biết phần lớn trong số 210 công ty công nghệ tài chính tại Singapore mới được khai sinh trong vòng 2 năm trở lại đây - tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á.
Đối thủ chậm chân
Trở thành một trung tâm công nghệ tài chính là một mơ ước đối với bất kì quốc gia nào. Việc tập trung các công ty công nghệ tài chính lớn sẽ đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế của quốc gia đó. Tuy nhiên do chưa có môi trường đầu tư đủ hấp dẫn, Hong Kong (Trung Quốc) hay các quốc gia như Malaysia, Indonexia và Việt Nam lại đang là nhưng “tay chơi nhỏ” trong một lĩnh vực đầy tiềm năng.
Hong Kong, một đế chế tài chính từng xếp thứ 3 thế giới hiện nay đang ngày càng bớt hấp dẫn với các nhà đầu tư do những quy định về việc cấp phép cho những dịch vụ tài chính ngày càng khó khăn hơn để xin và duy trì, những cơ chế về đầu tư và pháp luật không thay đổi kịp để thích nghi với sự phát triển của công nghệ. Chỉ trong một năm, Singapore đã hai lần vượt lên Hong Kong để trở thành đế chế tài chính thứ 3 thế giới và nay là trung tâm công nghệ tài chính hàng đầu châu Á.
Một ví dụ điển hình về sự khó khăn trong đầu tư tài chính tại Hong Kong, Jumubox, một công ty nổi tiếng tại Trung Quốc trong ứng dụng công nghệ tài chính vào cho vay cá nhân đã mất cả năm cố gắng xin cấp phép hoạt đông tại thành phố này và rồi phải huỷ bỏ kế hoạch do các quy định nghiêm ngặt về quy định đóng/ mở tài khoản khiến nó trở lên rắc rối cho khách hàng.
Đồng sáng lập Công ty Jimubox nói với the Economist họ đã mất rất nhiều tiền để thuê những chuyên gia tốt nhất về xây dựng sản phẩm nhưng lại không thể đưa sản phẩm vào kinh doanh do những rắc rối trong việc sử dụng sản phẩm theo yêu cầu của các quy định sẽ làm khách hàng không còn muốn sử dụng chúng nữa.
"Chúng tôi đã thay đổi quá chậm" bà Laura Cha, Chủ tịch Hội đồng phát triển dịch vụ tài chính của Hồng Kông (FSDC) thừa nhận với Reuter, "Đây là một lĩnh vực phát triển tất yếu và là yếu tố rất quan trọng của ngành công nghiệp tài chính mà chúng tôi đã đánh mất cơ hội tốt nhất cho Singapore”.
Việc Singapore dẫn đầu cuộc đua trở thành trung tâm công nghệ tài chính của châu Á cũng đi kèm những thách thức khi nó đóng vai trò là một ngân hàng tư nhân và đang có nguy cơ trở thành miền đất hứa cho các vụ rửa tiền quy mô hàng tỷ đô la của các công ty nước ngoài do các ưu đãi về thuế.
Một thách thức khác đến đến từ công nghệ tài chính là nguy cơ ảnh hưởng đến các dịch vụ tài chính truyền thống. Fintech được dự đoán sẽ làm chao đảo ngành tài chính truyền thống tại Singapore như cách mà Uber và Grabtaxi gây ra cho các doanh nghiệp taxi trên toàn châu Á.
Để chuẩn bị cho những thách thức trên, Singapore đã đưa ra một loạt các đạo luật mới để hài hòa quyền lợi các doanh nghiệp truyền thống lẫn các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Ngoài ra, một số đạo luật về ngăn cản việc nhập cư ồ ạt sẽ giúp nước này hạn chế được số lượng lao động nước ngoài để đảm bảo quyền lợi cho người dân bản địa. Mặc dù vậy, với cách thức làm việc gần gũi với doanh nghiệp Singapore ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.