Sinh động hình tượng người chiến sĩ dấn thân vì bình yên cuộc sống

Thứ Hai, 29/06/2020, 10:41
Tiết trời những ngày cuối tháng 6 thật khủng khiếp, nắng nóng hầm hập như chảo lửa khiến cho ai nấy chẳng muốn ra đường. Vậy mà tập thể diễn viên nghệ sĩ ở các nhà hát từ Bắc chí Nam vẫn từng ngày, từng giờ hào hứng trên sân khấu, say sưa với từng vai diễn.


Họ muốn đưa những nhân vật hay nhất, giàu thuyết phục nhất đến với Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống CAND Việt Nam, 15 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc do Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức (lần thứ IV) dự kiến vào tháng 7 này.

Dù nắng cháy nhưng vẫn hăng hái luyện tập

Nhà hát Tuổi Trẻ được biết đến là một đơn vị tích cực ở các kì Liên hoan Nghệ thuật sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” ở những kì hội diễn trước, Năm nay có một điều khác biệt, trước đây vở diễn của nhà hát tham gia là những vở kịch hình thể do NSND Lan Hương đạo diễn dàn dựng, (kịch chỉ có hình thể động tác, không có lời) lần này nhà hát sẽ mang đến vở kịch nói “Bộ cảnh phục” do NSƯT Sĩ Tiến đạo diễn.

Giữa trưa nắng nóng nhưng dàn diễn viên vẫn mải miết tập. Lệ Quyên vai nữ cảnh sát, cùng tập thể nghệ sĩ Ngọc Anh, Thanh Dương, Thanh Tú, NSƯT Đức Khuê, Hoàng Trang, Mạnh Đạt, Trần Hoàng... đang tung hứng trên sân khấu nhỏ của Nhà hát Tuổi Trẻ. Những tháng ngày này, dàn diễn viên đang “vỡ hoang”, dàn dựng để kịp tổng duyệt vở diễn vào đầu tháng 7.

Diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ hăng hái tập để bước vào kì liên hoan.

Tác giả kịch bản “Bộ cảnh phục” là Đỗ Đức Trung, đây cũng là lần đầu tiên tác giả viết về đề tài công an. Trải lòng về lần đầu đạo diễn đề tài về người chiến sĩ công an, NSƯT Sĩ Tiến bảo: “Bản thân người làm nghề công an đã chịu nhiều vất vả, hy sinh nhưng gia đình, là bố mẹ, là vợ chồng, là con họ cũng chịu không ít thiệt thòi, đấy là ý tưởng mà mình theo đuổi. Cầm cuốn kịch bản, mình thấy lấp lánh  ý tưởng: Sự hi sinh của người chiến sĩ ấy, hay gia đình vợ con họ đều vì sự bình yên của xã hội và bộ sắc phục đấy có ý nghĩa rất nhiều trong bảo vệ trật tự an toàn xã hội. 

Tôi vẫn nói với diễn viên trong đoàn: “Một số người dân chưa hiểu đúng công tác của các chiến sĩ công an nên đôi khi có những lời chưa đúng về công an, thử hỏi xã hội một ngày không có công an thì chuyện gì sẽ xảy ra?”. Sự hi sinh thầm lặng, những cố gắng của cán bộ chiến sĩ thì cần phải được xã hội nhìn nhận cho đúng. Cả đoàn đang rất hào hứng với vở: “Bộ cảnh phục” và mong muốn mang đến hội diễn lần này hình tượng đậm nét về người chiến sĩ CAND.”

Những ngày này tiết trời oi bức và nắng nóng đến đỉnh điểm nhưng tập thể diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế, đóng tại 23 Nhật Lệ, tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn ráo riết tập vở để mang đến kì hội diễn lần này một không khí mới về hình tượng người chiến sĩ CAND. Đây là lần thứ hai, Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế tham dự Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND”.

Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế - nghệ sĩ Kiều Oanh chia sẻ: “Kịch bản “Những đứa con thời loạn” của nhà văn Nguyễn Xuân Đức, Ban Giám đốc Nhà hát thấy đây là một kịch bản hay và cả đoàn đã bắt tay ngay vào dàn dựng. Hơn 60 ngày nay, tập thể diễn viên ngày 3 buổi tập, sáng tập thoại, chiều tập diễn, tối diễn cả vở”.

Nhà văn Xuân Đức là một tác giả nổi tiếng không chỉ trên văn đàn, tiểu thuyết “Người không mang họ” của ông đã được Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh dựng thành phim gây nên cơn “bão” cho những ai hâm mộ điện ảnh, truyền hình. Sau này ông có nhiều kịch bản sân khấu và được nhiều đoàn nghệ thuật dàn dựng đi dự liên hoan hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Quê của nhà văn ở Quảng Trị, đoạn đường từ Huế đến Quảng Trị cũng gần nên từ lâu ông là một tác giả gắn bó lâu năm với Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế.

“Chuyên án Z5” đươc Nhà hát Ca múa kịch CAND đưa đến liên hoan lần này.

Ngay sau tết, NSƯT Kiều Oanh biết mùa hè năm nay có Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND”, người đầu tiên chị nghĩ đến là nhà văn Xuân Đức, chị điện ra hỏi nhà văn: “Chú có kịch bản nào về công an không?”. Nhà văn già thủng thẳng đáp: “Có đấy, hay là đằng khác. Viết về công an sau giải phóng”.

Nghe nhà văn danh tiếng nói, chị mừng quá, thay mặt ban lãnh đạo nhà hát, ngay hôm sau  nghệ sĩ Kiều Oanh chạy xe ra Quảng Trị. Nhà văn Xuân Đức đã 85 tuổi, mỉm cười, đưa kịch bản đánh máy cho Kiều Oanh rồi nói: “Làm cho ra làm, diễn cho ra diễn, phải thật hay vào nhé”. Lời căn dặn của nhà văn già ngày nào vẫn văng vẳng bên tai. Cầm cuốn kịch bản về, cả đoàn hào hứng dựng tập. Diễn viên có vai khoảng 8 nhân vật nhưng vai quần chúng thì trên 30 người phụ diễn.

Vậy mà, từ sau ngày cầm cuốn kịch bản của ông, chị không gặp ông nữa, cả đoàn chăm chú vào tập diễn. Mới mấy hôm nay, vở diễn “Những đứa con thời loạn” rậm rịch lên khuôn xong thì được tin của gia đình tác giả thông báo: Nhà văn Xuân Đức qua đời. Vậy là tập thể nghệ sĩ vào Quảng Trị đưa tiễn tác giả về nơi an nghỉ cuối cùng.

Nghệ sĩ Kiều Oanh nói: Muốn tri ân với tác giả kịch bản, cả đoàn càng phải gắng sức để không phụ lòng mong mỏi của tác giả. Vở kịch hoàn thành là món quá tri ân, là nén nhang lớn nhất tiễn đưa nhà văn về nơi vĩnh hằng:

Diễn viên làm nghề thì chỉ biết diễn nhưng còn văn phạm có khi chưa được chuẩn xác, nhất là vì đặc thù của ca kịch chuyển thể từ kịch nói sang kịch hát sợ không chính xác và để vở diễn tránh bị những hạt sạn nên ngày 28/6, vở ca kịch “Những đứa con thời loạn” sẽ được diễn tại sân khấu của Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế cho Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế xem để góp ý hoàn thiện vở diễn. Và tiếp đến, tối 30/6, vở diễn sẽ tổng duyệt trước khi Nhà hát mang vở đi tham dự hội diễn ở Hà Nội.

Những đơn vị nghệ thuật tham gia 2 vở

Nhà hát Chèo quân đội trong những ngày này luôn nhộn nhịp, đông đúc bởi dàn diễn viên bung tỏa trên sân khấu. Giám đốc Nhà hát - NSND Nguyễn Quốc Trượng hồ hởi bảo: “Ngày nào anh chị em diễn viên của nhà hát cũng tập 3 buổi, tập ráo riết để sẵn sàng bước vào liên hoan”.

Vở kịch “Vẫn sống” của Nhà hát Ca múa kịch CAND.

Trước đây, Nhà hát Chèo quân đội đã có nhiều vở về hình tượng người chiến sĩ CAND. Năm 2015 tham dự Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” đã được huy chương vàng với vở “Người chiến sĩ năm xưa”, tác giả nhà văn Chu Lai, đạo diễn NSND Lê Hùng.

Nghệ sĩ chèo hóm hỉnh: “Cùng lực lượng vũ trang thì mình phải ủng hộ, mình phải làm, phải có trách nhiệm chứ. Diễn viên quá hào hứng vì kịch bản hay thì “quất” luôn thôi, mà anh em diễn viên, nhạc công, mỹ thuật, trang trí... các cán bộ chiến sĩ rất hào hứng. Chuẩn bị chu đáo để đến đầu tháng 7 là sẵn sàng vào liên hoan mà trước khi vào liên hoan là công diễn cả hai vở thật nhuần nhuyễn  cho  công chúng xem để vào cuộc thi”.

Nói về công tác chuẩn bị, NSND Nguyễn Quốc Trượng cho biết: “Nhà hát Chèo quân đội thì đã ráo riết tìm chọn kịch bản có hơi thở cuộc sống của ngày hôm nay và đậm chất về CAND, ca ngợi những chiến công của lực lượng CAND. Đầu tiên cũng rất khó khăn về vấn đề kịch bản, nhưng sau đó được sự chuẩn bị kĩ càng nên năm 2015 được giải vàng, ngay sau đó năm 2016, 2017 chúng tôi tìm chọn kịch bản, chính vì có nhiều thời gian tìm chọn lựa nên có được tác phẩm hay. Nhờ có kịch bản hay nên vở diễn thuận lợi cho ê-kíp sáng tạo. Nếu không có sự chuẩn bị từ trước thì chắc cũng sẽ vất vả về vấn đề tìm kịch bản lắm”.

Vở “Gặp lại người đã chết” trước đây đã được Đoàn kịch CAND dựng và tham dự Hội diễn Sân khấu toàn quốc, đến khi hội đồng duyệt kịch bản của Nhà hát Chèo quân đội đọc kịch bản thấy phù hợp nên dựng chuyển thể sang chèo. Giám đốc nhà hát khẳng định: Chèo là một loại hình nghệ thuật khác và đây là lần đầu tiên Nhà hát Chèo dựng vở này.

Sau khi tiếp cận kịch bản: “Gặp lại người đã chết” của TS Đăng Chương, nhà hát chúng tôi đổi lại tên kịch bản và lấy tên là: “Ngày trở về” nghe tươi mới hơn. Vở đã được dàn dựng công phu, kĩ lưỡng và đã được diễn báo cáo xong từ giữa tháng 6. Vở “Ngày trở về” do Giám đốc nhà hát - NSND Nguyễn Quốc Trượng đạo diễn. Vở “Bóng ma tội ác” đổi tên thành “20 năm thù hận”, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang.

Nhà hát Ca múa kịch CAND, đang trong giai đoạn gấp rút làm vở kịch thứ hai với nhan đề “Chuyên án Z5”. Vở “Vẫn sống” đã được hoàn thành vào cuối hè năm ngoái. Giám đốc Nhà hát Ca múa kịch CAND - NSND Thúy Hiền cho biết: Vở “Vẫn sống” diễn từ mùa hè năm ngoái nên thời gian cũng tương đối xa nên bây giờ cho anh em ôn lại vai diễn.

Vào thời điểm này, nhà hát đang khẩn trương hoàn thành vở “Chuyên án Z5” vì đợt sau tết vướng vào đại dịch COVID-19. Cả ê-kíp sáng tạo, diễn viên, đạo diễn đang cố gắng  hoàn thành vở thứ hai là “Chuyên án Z5”, tác giả Đình Luyến, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu.

Trước khi bước vào cuộc thi, vở kịch “Chuyên án Z5” đã có buổi tổng duyệt với các lãnh đạo và các nhà chuyên môn. Sau buổi biểu diễn cũng có ý kiến để hoàn thiện vở  được tốt hơn nên nhà hát đã mời đạo diễn bay từ trong Nam ra để bàn bạc nâng cao chất lượng vở diễn, diễn viên trong những ngày này vẫn đang tiếp tục hoàn thiện vai diễn để đưa lên sân khấu những hình ảnh hay nhất, sinh động và sâu sắc nhất...

Giám đốc Nhà hát Ca múa kịch CAND - NSND Thúy Hiền xúc động nói: “Mỗi lần có Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” thì mình rất mong chờ. Đây là cơ hội để những vở giới thiệu về hình tượng  người chiến sĩ công an đến được với công chúng.

Trong cuộc đời làm nghệ thuật, trưởng thành từ diễn viên, tham gia nhiều vở kịch, mình đã đóng rất nhiều vai công an. Mỗi lần nhập vai là mỗi lần xúc động. Khi quan sát thấy khán giả xem những vở kịch về đề tài công an, mình thấy họ rất yêu quý công an.

Đã có những vở sau khi công chúng xem xong đã lặng người đi và nói: “Đến bây giờ mới hiểu được làm công an là vất vả như thế này”. Không phải ai cũng dễ dàng thông cảm và thấu hiểu lực lượng công an, bản thân tôi rất mong những vở diễn tốt đưa được ra càng đông công chúng. Và một vấn đề nữa là kịch bản về đề tài công an, cá nhân tôi rất mong muốn tất cả các tác giả tập trung hơn nữa để có những đề tài đi sâu được vào những góc khuất của người chiến sĩ công an thì kịch bản sẽ giàu sức thuyết phục hơn”.

Trần Mỹ Hiền
.
.