Số phận di sản văn hóa Syria giữa cuộc nội chiến khốc liệt

Chủ Nhật, 19/01/2014, 18:30

Trung tâm Di sản thế giới thuộc Khu vực Arập (ARCWH) đặt trụ sở tại thủ đô Manama của Bahrain được thành lập dưới sự bảo trợ của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) để công nhận những di sản tự nhiên và văn hóa của thế giới Arập. Giữa mối lo ngại đang tăng về công tác bảo tồn những kiến trúc lịch sử ở Syria, Trung tâm đang nỗ lực huấn luyện những chuyên viên lưu trữ văn thư mới và tiến hành một chương trình giáo dục bảo tồn di sản văn hóa đầy tham vọng.

Theo Mounir Bouchenaki, người Algeria, Giám đốc  ARCWH, tình hình an ninh ở Syria khiến chuyên viên trung tâm không thể viếng thăm được nhiều địa điểm di tích, nhưng vào đầu năm 2013, trung tâm đã sắp xếp một đường liên kết Internet giữa các chuyên gia bảo tồn tại 6 khu vực di sản văn hóa của nước này được UNESCO công nhận với các cơ quan quốc tế có liên quan.

Bouchenaki giải thích: "Chúng tôi phải bảo đảm rằng họ không cảm thấy bị cô lập. Do đó, chúng tôi luôn duy trì các đường liên kết Internet từ trung tâm". Các chuyên gia khảo cổ cũng lo ngại cho tương lai của những kiến trúc lịch sử bởi vì giữa cuộc nội chiến hiện nay ở Syria, chúng vô tình trở nên quan trọng về mặt chiến lược quân sự!

Giám đốc các nhà bảo tàng và di tích cổ ở thủ đô Damascus của Syria cũng đã viếng thăm trụ sở ARCWH để bàn luận về 6 khu vực di tích - bao gồm: cổ thành Damascus, cổ thành Bosra, cổ thành Aleppo, khu khảo cổ Palmyra, hai lâu đài cổ Crac des Chevaliers và Qalat Salah El-Din (Pháo đài Saladin) và cuối cùng là những ngôi làng cổ ở miền Bắc Syria - trong danh sách di sản thế giới của UNESCO đang gặp nguy hiểm. UNESCO không có khung pháp lý để giới hạn sự tổn hại cho các khu di tích bằng cách áp đặt những vùng cấm bay hay triển khai các lực lượng quốc tế.

Bà Irina Bukova, Tổng giám đốc UNESCO, nhấn mạnh: Tổ chức UNESCO quyết định sử dụng chuyên môn và các mạng lưới của mình để giúp nhân dân Syria bảo vệ di sản văn hóa quý giá của họ trước sự tàn phá của chiến tranh. Bà Irina Bukova phát biểu: "Bảo vệ di sản không thể tách rời nhiệm vụ bảo vệ người dân bởi vì di sản chứa đựng các giá trị của một dân tộc".

Cấu trúc tháp của Thánh đường Hồi giáo Umayyad - một trong những kiến trúc cổ nổi tiếng nhất ở Syria - đã bị phá hủy trong những cuộc giao tranh ác liệt ở thành phố Aleppo vào tháng 10/2012.

Cơ quan Thông tấn nhà nước Sana buộc tội quân nổi dậy đã đánh bom làm sập tháp Umayyad được xây dựng từ thế kỷ XI, trong khi đó các nhà hoạt động chính trị cho rằng tháp bị trúng đạn xe tăng của quân chính phủ. Thánh đường này được UNESCO công nhận di sản thế giới - rơi vào tay của quân nổi dậy vào đầu năm 2013 trong khi khu vực xung quanh vẫn còn diễn ra những cuộc giao tranh. Những hình ảnh đưa lên Internet cho thấy cấu trúc tháp đã thành đống gạch vụn trong khu sân lát đá!

Trụ sở ARCHW ở Bahrain.
Cấu trúc tháp của Thánh đường Hồi giáo Umayyad ở Aleppo trước và sau khi bị phá hủy (phải).
Pháo đài cổ Crac des Chevaliers ở Syria.

Những phần khác của thánh đường cũng bị tổn hại nặng nề do đạn pháo. Thánh đường Umayyad nằm ở trung tâm cổ thành Aleppo, được triều đại Umayyad xây dựng năm 715 trong khu đất Giáo hội Cơ đốc Byzantine. Thánh đường được xây dựng lại sau trận hỏa hoạn năm 1159 và một lần nữa sau cuộc xâm lược của quân Mông Cổ vào năm 1260. Cấu trúc tháp của Thánh đường Umayyad cao 45m được xây dựng từ năm 1090.

Theo một báo cáo của Sana, các chiến binh nhóm Jabhat al-Nusra liên kết với Al-Qaeda đã phá hủy di tích nổi tiếng này bằng chất nổ. Không chỉ dừng lại ở đó, một số đồ tạo tác cổ trong thánh đường Umayyad cũng bị cướp mất, trong đó bao gồm một chiếc hộp được cho là đựng món tóc của nhà tiên tri Muhammad. Tuy nhiên, quân nổi dậy cho biết, họ đã ra tay cứu giúp các bản thảo kinh Coran cổ viết tay khỏi bị thiêu trụi và sau đó cất giấu chúng vào một nơi an toàn.

Ngoài ra, các chuyên gia khảo cổ cũng đang lo ngại về số phận 2 tòa lâu đài cổ thuộc thế kỷ XI và XIII - đó là Crac des Chevaliers và Qalat Salah El-Din. Theo một báo cáo của chính quyền Syria gửi đến UNESCO, hai tòa lâu đài này "đang trở thành nạn nhân của bom đạn"

Thục Miên (tổng hợp)
.
.