Sôi động thị trường tranh trực tuyến

Thứ Năm, 12/04/2018, 13:01
Trước đây, khi muốn mua một tác phẩm nghệ thuật, người ta phải đầu tư thời gian lẫn tiền bạc để tìm đến các gallery hoặc nhà đấu giá. Nhưng, ngày nay công nghệ đã thay đổi cách chúng ta tương tác, mua và bán tác phẩm nghệ thuật. Đó chính là nỗ lực của nữ họa sĩ Mỹ Ashley Longshore.

Các tác phẩm của bà được treo trong nhà của nhiều ngôi sao điện ảnh ở Hollywood như là Salma Hayek, Penelope Cruz và Blake Lively.

Ashley Longshore bắt đầu sử dụng mạng xã hội Facebook, Instagram... để giới thiệu tác phẩm của mình, đồng thời thu hút những khách hàng mới. Ashley quả quyết rằng việc bán trực tuyến giúp nghệ sĩ kiểm soát tốt tác phẩm của mình và giảm được chi phí trung gian.

Ashley chia sẻ: “Khi mua tranh thông qua gallery, bạn phải đầu tư 50% cho bên trung gian nên giá tăng cao. Tôi muốn các nghệ sĩ tự mình hành động như là doanh nhân, hay nói cách khác là doanh nhân -nghệ thuật - tức là những người kiểm soát toàn bộ quy trình bán tranh”.

Nữ họa sĩ Ashley Longshore.

Đó là chiến lược mà Ashley đánh giá là rất tốt. Ashley đã bán được rất nhiều tác phẩm trực tuyến, trong đó có 1 bức tranh giá 50.000 USD. Hơn nữa, việc đăng ký trước để mua tranh cũng có hiệu quả đối với những tác phẩm có số lượng giới hạn.

Bán tranh trực tuyến đạt khoảng 3,75 tỷ USD năm 2016, tăng 15% so với năm 2015 - theo báo cáo năm 2017 về thị trường nghệ thuật trực tuyến từ công ty bảo hiểm nghệ thuật Hiscox. Công ty cũng đánh giá thị trường nghệ thuật trực tuyến đang bùng nổ và dự kiến sẽ đạt 9,58 tỷ USD năm 2020.

Ngoài ra, nghiên cứu của trang web kinh doanh nghệ thuật Invaluable.com cũng cho thấy gần 44% người mua dưới 65 tuổi ưa thích loại hình mua bán trực tuyến hay thông qua các nền tảng xã hội như Facebook và Instagram. Ashley Longshore là nghệ sĩ tự học ở thành phố Montgomery, bang Alabama miền nam nước Mỹ.

Tác phẩm của Ashley có mặt trong các studio lớn ở New Orleans, khách hàng của bà là những người nổi tiếng và giàu có ở New York. Tuy nhiên, bà đã không nhận được sự giúp đỡ của các nhà quản lý hay đại diện các phòng tranh và 50% doanh thu của bà đến từ mạng xã hội cũng như nhờ các nhà sưu tập giàu có truyền miệng. Đối với Christies, nhà đấu giá thành lập cách đây 250 năm, việc sử dụng công nghệ hiện đại để kinh doanh là hành trình rất đáng quan tâm.

Marc Sands, Giám đốc tiếp thị của Christies, cho biết: “Chúng tôi đang thử nghiệm và học hỏi kinh doanh nghệ thuật trực tuyến. Lúc đầu, chúng tôi cho rằng sẽ không có ai đầu tư nhiều thời gian cho việc mua tranh trực tuyến. Cách đây 5 năm doanh thu trực tuyến trung bình chỉ 2.300 USD nhưng nay đã tăng gần 8.000 USD”.

Năm 2017, một phần ba người mua mới của Christies đến từ Internet giúp doanh thu tăng 12% so với năm trước đó. Hiện nay, Christies tiến hành 80 đến 100 phiên đấu giá trực tuyến trong 1 năm. Tuy nhiên, Marc Sand cũng nhận định rằng không phải mọi thể tài nghệ thuật đều bán tốt trên mạng. Ví dụ như những tác phẩm hội họa cổ lại có người mua không thông qua Internet.

Công ty đấu giá truyền thống Christies coi kinh doanh trực tuyến là con đường đầy hứa hẹn.

Mới đây, Christies hợp tác với Artsy tiến hành một số phiên đấu giá trực tuyến và Marc Sands cho rằng sự bắt tay như thế đang ngày càng phổ biến. Ví dụ như sự hợp tác cùng có lợi giữa 2 trang web đấu giá Paddle 8 (do Damien Hirst và Jay Jopling đầu tư) và Auctionata (có phần góp vốn của tỷ phú Bernard Arnault). Kết quả kinh doanh của trang web kinh doanh nghệ thuật trực tuyến ArtAndOnly cho thấy lượng khách hàng đến với trang web không ngừng tăng lên từ khắp châu lục thay vì từ châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ như trước đây.

Hiện nay, ArtAndOnly thu hút được hơn 10.000 nhà sưu tập và các tín đồ nghệ thuật đăng ký. Sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền tảng đấu giá trực tuyến như Invaluable với mức tăng trưởng 60% trong năm 2015 cho thấy rằng các công ty đấu giá nhỏ lẻ truyền thống đang ngày càng có xu hướng chuyển sang mô hình trực tuyến. Dữ liệu từ Invaluable cho thấy 45% lượng truy cập trang web của công ty này đến từ điện thoại di động, và 15% doanh số của Invaluable đến từ ứng dụng điện thoại di động.

Artsy cũng nhận thấy lượng truy cập trang web từ điện thoại di động và ứng dụng điện thoại di động tăng 3 lần trong thời gian qua. Ví dụ như 3 thương vụ được hoàn thành với giá cao ngất ngưởng trong năm 2015 đến từ ứng dụng điện thoại di động của Artsy, bao gồm doanh số 1,4 triệu USD đến từ ứng dụng iPad của Artsy. Các nền tảng xã hội phổ biến, đặc biệt là Facebook và Instagram, tác động đáng kể đến doanh số bán hàng của các đơn vị kinh doanh tác phẩm nghệ thuật - tăng 31% so với mức 24% trong năm 2015.

Các gallery cũng áp dụng chiến lược tiếp thị mạnh qua mạng xã hội để tăng doanh số bán. Đối với người mua, Instagram cho thấy sức hấp dẫn hơn cả với 34% người được hỏi lựa chọn mạng xã hội này vào năm 2015, trong khi mức này vào năm 2016 là 48%.

Với sự phổ biến mạnh mẽ của ứng dụng di động hiện nay, Sebastian Cwilich - đồng sáng lập Artsy - tin chắc kiểu kinh doanh nghệ thuật truyền thống qua gallery và nhà đấu giá đang thay đổi. Ông bình luận: Người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến kiểu mua hàng trực tuyến khá tiện lợi vậy thì tại sao thị trường nghệ thuật lại đứng ngoài cuộc? Sự hiện diện trên nền tảng xã hội cũng cho phép các gallery, nhà đấu giá và cả nghệ sĩ tiếp cận được nhiều khách hàng hơn cũng như có điều kiện kết nối với các người mua mới.

Về phần mình, Ashley Longshore cho biết mơ ước của bà là mọi nghệ sĩ sẽ giàu lên nhờ bán tác phẩm trực tuyến.

An An (tổng hợp)
.
.