Sống chung với...nước thải: Những dòng sông chết (bài cuối)

Thứ Ba, 11/11/2008, 10:45

Nước thải y tế, nước thải từ các làng nghề không được qua xử lý hoặc chỉ xử lý một cách thô sơ không đúng quy chuẩn đã là một trong những nguyên nhân chính biến những dòng sông thơ mộng thành những dòng sông chết. Sông Nhuệ, sông Đáy là những dòng sông như thế khi mà kết quả nghiên cứu của Bộ Tài nguyên - Môi trường cho thấy, nước sông đã bị ô nhiễm nặng nề do các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, chất lơ lửng và vi khuẩn. Trong đó, có những chỉ số vượt tiêu chuẩn cho phép tới... 16 lần.

Cái chết được báo trước!

Sông Nhuệ bắt nguồn từ sông Hồng ở đập Liên Mạc và chảy qua quận Cầu Giấy, huyện Từ Liêm, Thanh Trì, TP Hà Đông, huyện Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên thuộc Hà Nội rồi cuối cùng đổ vào sông Đáy ở Hà Nam. Hầu hết, hệ thống sông ở Hà Nội gồm sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu đều đổ vào sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt. Vì thế, sông Nhuệ là nguồn chứa và chuyển tải nước thải quan trọng nhất của TP Hà Nội. Nước sông Nhuệ là nguồn cung cấp chủ yếu cho các hoạt động nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong lưu vực.

Nhưng, những năm gần đây lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã bị ô nhiễm nặng nề. Đi qua thị xã Hà Đông, chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng thấy nước sông không còn trong xanh như vốn có. Có nhiều đoạn nước đen kịt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Có đoạn lòng sông ứ ngập rác. Bộ Tài nguyên - Môi trường đã tiến hành 18 đợt khảo sát lấy gần 600 mẫu nước mặt ở 50 vị trí khác nhau thuộc lưu vực sông cho thấy gần như tất cả các điểm quan trắc chất lượng nước mặt trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy hàm lượng các chất ô nhiễm hữu cơ không đảm bảo tiêu chuẩn đối với nguồn nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Kết quả quan trắc chất lượng nước sông của Bộ Tài nguyên - Môi trường cho kết quả giật mình: nhiều đoạn sông bị ô nhiễm ở mức nghiêm trọng do các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, chất lơ lửng và vi khuẩn. Đặc biệt tại hầu hết các điểm quan trắc đều có hiện diện của các loại vi khuẩn chỉ thị trong nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ, trong đó có loại vượt tiêu chuẩn cho phép tới 16 lần. Một số khu vực còn thấy cả các kim loại.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên - Môi trường, nước thải y tế, nước thải sinh hoạt và nước thải của các làng nghề như Chuyên đề ANTG đã phản ánh trong các số báo trước là thủ phạm gây ô nhiễm, là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hai con sông thơ mộng này.

Thống kê của các Sở Tài nguyên - Môi trường của các địa phương có sông Nhuệ - sông Đáy đi qua cho thấy hiện nay trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có các nguồn thải chính là: 8 khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN) với trên 157 dự án và cơ sở đang hoạt động, 266 cơ sở ngoài KCN và CCN, 358 làng nghề và các nguồn nước thải phát sinh từ: sinh hoạt của các đô thị, khu dân cư, du lịch, thương mại, khách sạn, nhà hàng; nước thải của các cơ sở y tế; nước thải của các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ; nước thải từ nông nghiệp; nước thải từ các hoạt động giao thông thủy,... chưa được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải.

Nước thải sinh hoạt đóng góp  56% tổng lượng nước thải trên toàn lưu vực sông. Do chưa được xử lý nên nguồn nước thải này  có tải lượng các chất ô nhiễm cao khiến cho chất lượng nước lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy bị suy giảm.

Sông Nhuệ biến thành sông rác.

Qua kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với 230 cơ sở, KCN, CCN và 7 làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao với tổng khối lượng nước thải trên 199.442m3/ngày đêm trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình chỉ có 12 đơn vị xử lý đạt QCVN, chiếm tỉ lệ 19,5%.

Còn tại các làng nghề, với đủ các loại ngành nghề dễ gây ô nhiễm như dệt nhuộm ở Vạn Phúc, Hà Đông, Tân Triều; tái chế nhựa ở Triều Khúc; chế biến thực phẩm (làng bún Phú Đô); thủ công mỹ nghệ; vật liệu xây dựng; nguồn nước ở đây thải ra cũng góp phần làm gia tăng ô nhiễm cho lưu vực sông. Phần lớn các cơ sở ở các làng nghề đều phát triển tự phát theo nhu cầu của thị trường với thiết bị và công nghệ sản xuất đơn giản, mặt bằng sản xuất chật hẹp, ít có khả năng xây dựng trạm xử lý nước thải hoặc có trạm xử lý thì cũng hạn chế hoạt động do chi phí vận hành cao, do ý thức bảo vệ môi trường chưa tốt.

Tại làng tái chế nhựa Triều Khúc, làng bún Phú Đô, làng dệt nhuộm Tân Triều, Hà Nội nước thải ở mương thải chung bị ô nhiễm nghiêm trọng: chất hữu cơ vượt từ 10 đến 14 lần, vi khuẩn vượt tới... 240 lần so với tiêu chuẩn. Cũng tại các làng nghề, hầu hết các cơ sở sản xuất đều bị ô nhiễm nghiêm trọng, có cơ sở chất hữu cơ vượt đến 180 lần và vi khuẩn vượt 80 lần.

9 làng nghề khác tại Hà Tây cũ gồm làng thuộc da trâu bò Thụy Ứng, làng mỹ nghệ Sơn Đồng, làng Đa Sĩ, làng Cự Đà, làng Phùng Xá và xã Tân Hòa, cụm làng nghề Cát Quế - Dương Liễu - Minh Khai thì nước thải ở mương trong làng trước khi xả ra cống chung cũng bị ô nhiễm nặng nề. Tuy mức độ ô nhiễm thấp hơn so với các làng nghề tại Hà Nội nhưng cũng vượt tiêu chuẩn cho phép từ 9 đến 25 lần.

Tại tỉnh Hà Nam, mới tiến hành kiểm tra 4 cơ sở trong làng nghề tẩy nhuộm Mộc Xá cũng đã thấy tất cả các chỉ số về ô nhiễm đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép, trong đó có những chỉ số vượt tới... 440 lần.

Nước thải  bệnh viện, nước thải sinh  hoạt, nước thải làng nghề ô nhiễm khủng khiếp đã đành nhưng nguy hiểm hơn là hầu như tất cả đều chưa được xử lý mà đổ thẳng ra đường thải chung để rồi cuối cùng, sông Nhuệ - sông Đáy phải hứng trọn. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội  mỗi ngày 72  cơ sở, KCN và CCN ở Hà Nội (cũ) xả ra khoảng 14.000m3 nước thải nhưng chỉ có 8 cơ sở xử lý nước thải đạt chuẩn. Tại địa bàn Hà Tây cũ, có 20 cơ sở thải ra môi trường mỗi ngày trên 2.600m3 nước thải nhưng cũng chỉ có 2 cơ sở xử lý đạt tiêu chuẩn.

Còn tại Hà Nam thì tệ hại hơn, trong số 22 cơ sở được kiểm tra chỉ có 9 cơ sở là đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng cả 9 hệ thống này đều... không đạt tiêu chuẩn. Nước thải với tất cả các chỉ số ô nhiễm đều vượt quá tiêu chuẩn, thậm chí vượt tới hơn 400 lần cứ thế ngày ngày đổ thẳng ra lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Vì thế mà cái chết của những dòng sông này là một cái chết được báo trước và nhìn thấy rõ từng ngày.

Giải pháp nào để cứu những dòng sông?

Để xử lý các vi phạm của các cơ sở, KCN, CCN gây ô nhiễm môi trường, trong đó có những vi phạm về xử lý nước thải không đạt yêu cầu, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã tiến hành kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 74 đối tượng vi phạm với số tiền phạt là 480.100.000 đồng và chuyển hồ sơ, đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường các tỉnh, thành phố lập thủ tục để xử phạt đối với 85 đối tượng vi phạm với mức phạt tiền từ 1.566.000.000 đồng đến 2.050.500.000 đồng.

Nhưng để cứu các dòng sông, xử lý vấn đề ô nhiễm thì phạt không phải là biện pháp tối ưu và duy nhất.

Trước tình trạng ô nhiễm nặng nề trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Đề án  tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020" với quan điểm giải quyết vấn đề ô nhiễm và bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy là vấn đề lớn, là nhiệm vụ của cả 6 tỉnh, TP trên lưu vực, có sự hỗ trợ đầu tư của Chính phủ, các bộ, ngành. Trong đó,  một trong những mục tiêu cụ thể của đề án này đến năm 2010 là các cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động trên lưu vực sông  phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; bắt buộc 100% các cơ sở mới đầu tư xây dựng phải có các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

Còn đối với các cơ sở vi phạm mới được phát hiện trong đợt kiểm tra đầu năm 2008, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã đề xuất hình thức xử lý cụ thể như sau:

Thứ nhất, cấm hoạt động xả nước thải vượt quy chuẩn Việt Nam về môi trường hoặc buộc di dời bộ phận gây ô nhiễm môi trường đến vị trí xa khu dân cư, phù hợp với sức chịu tải của môi trường đối với các cơ sở, KCN và CCN gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời, buộc các đối tượng vi phạm khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, tạm thời đình chỉ hoạt động xả nước thải, khí thải vượt QCVN về môi trường từ 5 lần đến dưới 10 lần với các thông số thông thường và từ 3 lần đến dưới 5 lần với các thông số nguy hại đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Các cơ sở, KCN và CCN nêu trên chỉ được phép đưa bộ phận đã gây ô nhiễm và các công trình xử lý chất thải vào hoạt động khi thực hiện xong các biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết và được Sở Tài nguyên - Môi trường xác nhận đã hoàn thành việc xử lý các nguồn chất thải đạt QCVN về môi trường

Huyền Thi
.
.