"Sóng ngầm" quanh chuyện con heo

Thứ Ba, 16/05/2017, 15:50
"Đợt này nhà em lỗ khoảng 100 triệu, như vậy chẳng bõ bèn gì so với người ta, có nhà thiệt hại vài tỉ đồng, không biết lấy gì mà trả nợ. Có người phải tự tử vì heo" - chị Gái vừa kể nhưng cũng tự an ủi mình...


Nỗi khổ không của riêng ai

Tại xã Cẩm Đường, địa phương có nhiều hộ chăn nuôi heo được "xếp hạng" tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, những câu chuyện buồn được người dân kể cho nhau nghe khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

"Đợt này nhà em lỗ khoảng 100 triệu, như vậy chẳng bõ bèn gì so với người ta, có nhà thiệt hại vài tỉ đồng, không biết lấy gì mà trả nợ. Có người phải tự tử vì heo" - chị Gái vừa kể nhưng cũng tự an ủi mình. Nhà chị nuôi 90 con heo. Tới kỳ xuất chuồng, thương lái tới trả 28.000 đồng/kg. Tính ra mỗi con, chị Gái lỗ hơn 1 triệu đồng.

Mỗi con heo tới ngày xuất chuồng ăn hết 2,6 triệu đồng tiền thức ăn.

Nhà chị Loan không được may mắn như nhà chị Gái. Bầy heo nhà chị Loan khoảng 200 con, trong đó có 60 con được xuất chuồng. Thương lái tới mua với giá tương tự, đặt cọc 10 triệu, hiện lũ heo trong chuồng mỗi con trên 1 tạ, nhưng cả tháng nay không thấy họ tới bắt. Sốt ruột, chị Loan điện thoại giục, thương lái đành "bỏ của chạy lấy người". 

Nuôi nhiều lỗ nhiều, nuôi ít lỗ ít. Khi giá heo lên tới "đỉnh", 54.000 đ/kg, người nuôi heo không giấu được sự vui mừng. Bỗng dưng chỉ trong thời gian ngắn giá heo xuống tận "đáy", có lúc 1 kg thịt heo chỉ bằng 1 kg khoai lang, 12-13 ngàn, nên có không ít người bị đột quỵ, có người phải bỏ trốn, thậm chí có người tự tử. Chuyện gia đình bất hòa vì heo cũng không hiếm.

Chị Khuyên, trong lúc đi nuôi con gái sinh ở bệnh viện, ở nhà ông chồng lớ ngớ thế nào bán đứt bầy heo của chị với giá như cho… 16.500 đ/kg. Xót của, khi về nhà chị Khuyên cằn nhằn chồng suốt ngày khiến anh phải tìm nơi "lánh nạn". Tưởng rằng mấy ngày thì vợ bỏ qua ai ngờ khi về bà vợ còn làm dữ hơn. Bà vợ vừa xơi xơi mắng nhiếc vừa cầm gậy đuổi chồng.

Bao năm nay quan hệ đại lý - khách hàng rất tốt đẹp. Mọi người đến với nhau bằng niềm tin và chữ tín, cho nhau nợ là chuyện bình thường. Đại lý bao cám cho hộ chăn nuôi, khi nào bán heo xong sẽ thanh toán. Không may, giá heo lao dốc, người chăn nuôi không đủ tiền thanh toán nợ. Là đại lý nhỏ nhưng số tiền khách hàng nợ lên tới tiền tỉ, bà Hoa phát hoảng. Lúc này bà mới thông báo cho chồng biết về số nợ.

Tưởng được chồng an ủi, động viên, chia sẻ cùng nhau tìm cách tháo gỡ, không ngờ ông chồng nổi trận lôi đình liền thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ. Bà Hoa chỉ biết gạt nước mắt, rồi lại bán cám thiếu cho bà con. Bà biết bây giờ chẳng thể nào lấy được tiền. Nếu buông, họ chết mình cũng chết theo.

Ông Đính, chủ đại lý cám hiện đang phải gồng mình cung cấp thức ăn cho 3 trang trại heo. Trại nào ít nhất cũng lên tới 1.000 con. Trung bình từ nhỏ tới khi xuất chuồng (1 tạ/con) một con heo ăn hết 2,6 triệu đồng tiền thức ăn. Chỉ 3 trại chăn nuôi trên ít nhất ông Đính phải "găm" vào đó gần chục tỉ đồng, chưa kể hộ nuôi nhỏ lẻ. Mỗi ngày ông phải bỏ ra 200 triệu đồng để nhập thức ăn về, xuất đi cũng từng ấy. Nhưng nợ của công ty cung cấp cám thì phải trả ngay, bằng tiền mặt, trong khi người chăn nuôi nợ ông cho tới khi bán heo mới trả.

Bà Xuyên, chủ một trang trại, nói, trang trại của vợ chồng bà Xuyên có khoảng 2.000 con heo. Đàn heo này đã "ăn" của ông bà 15 ha mì, hơn 1ha tiêu và vẫn tiếp tục “ăn”. Tính sơ sơ vợ chồng ông Xuyên  mất đứt… 3 sổ đỏ, có sổ trị giá 3 tỉ đồng.

Tự tử vì… heo

Vụ việc  đau lòng xảy ra từ ngày 19 tháng giêng âm lịch. Nơi xảy ra vụ việc thuộc xã Xuân Bắc, Xuân Lộc, Đồng Nai.

Tiếp chúng tôi là người phụ nữ với dáng vẻ khắc khổ, nỗi buồn vẫn hiện trên khuôn mặt vốn đã nhàu nhĩ của bà. Bà kể, chồng bà là một cựu chiến binh chống Mỹ, tuổi cũng gần thất thập. Quê gốc Nam Định, vợ chồng đưa nhau từ Bắc vào Nam, xuống miền Tây rồi ngược lên miền Đông, qua bao nhiêu vất vả vợ chồng ông bà cùng đàn con nheo nhóc bám trụ tại xã Xuân Bắc, Xuân Lộc, Đồng Nai này.

Lúc đầu vốn liếng ít ông chỉ nuôi một con heo nái, nhưng kết quả thành công ngoài mong đợi. Trúng hết lứa này đến lứa khác, ông quyết định mở rộng mô hình chăn nuôi. Dồn hết tiền bạc, vay nợ ngân hàng, kể cả vay  bên ngoài với lãi suất cao. Ông mở rộng chuồng trại, nhân đàn. Heo càng lớn càng ăn nhiều, giá cả thì như xe lao dốc không phanh. Người cựu binh phải bán đổ bán tháo cả đàn lấy tiền trả nợ.

Lỗ vốn, nợ nần, buồn chán ông quay ra cấm cẳn với vợ con, lại thêm tuổi cao, sức khỏe giảm sút, ông đâm ra cạn nghĩ. Chuyện gì đến ắt đến, sáng hôm ấy không thấy ông chửi bới như mọi ngày, vợ ông chạy qua xem thì hốt hoảng thấy ông đã chết từ bao giờ với sợi dây trên cổ. Ông ra đi để lại món nợ vài trăm triệu đồng cho vợ con. Nợ có thể trả, nhưng cái chết của ông sẽ làm cho người thân day dứt không biết bao giờ nguôi.

Chúng tôi đem câu chuyện buồn trên trao đổi với ông Chủ tịch xã Cẩm Đường  và  tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Ông Chủ tịch xã Dương Đình Biên cho biết, hiện trên địa bàn chưa xảy ra vụ việc đáng tiếc nào. Tuy nhiên "sóng ngầm" xoay quanh chuyện nợ nần thì rất dữ dội. Rất có thể sẽ xảy ra những vụ kiện cáo, tranh chấp quyền lợi xoay quanh con heo.

Còn ở xã Suối Nho, huyện Định Quán, đã có chủ đại lý và người chăn nuôi phải  kéo nhau ra tòa vì nợ. Có gia đình tán gia bại sản, nửa đêm bồng bế nhau ra khỏi nhà cũng chỉ vì heo.

Hiện chính quyền địa phương đang thống kê số lượng heo trên địa bàn để báo cáo lên các cấp cao hơn nhằm tìm biện pháp khắc phục. Đồng thời tuyên truyền cho bà con hạn chế phát triển đàn theo tính tự phát. Tình trạng nhà nhà nuôi heo, người người nuôi heo sẽ dẫn đến bão hòa, heo xuống giá, thiệt hại trước mắt người dân phải gánh chịu.

Đức Hà
.
.