Sự độc hại của thuốc hoá trị liệu ung thư

Thứ Tư, 20/08/2008, 13:45
Là bác sĩ ung thư, ông Suby Rao luôn nghĩ rằng nghề của mình phải hướng thiện, chuyên cứu sinh mạng bệnh nhân bằng mọi giá. Nhưng một bức fax có nội dung đơn giản đến phòng mạch của ông tại Chicago (Mỹ) lại tiết lộ một khía cạnh làm giàu đen tối và bất nhân mà ông không thể tưởng tượng nổi.

Bức fax đến từ một dược phòng tại Canada, đề nghị bán lại cho ông một số thuốc hóa trị liệu IV nhập khẩu có chiết khấu cao đến mức khó tin! Bác sĩ Rao nói: “Thật không thể tin có kẻ dám làm chuyện động trời như thế, vô lý hết sức. Tôi chắc rằng những thầy thuốc có lương tâm không khi nào dám đặt mua thuốc điều trị ung thư của những dược phòng xa lạ và không có tiếng tăm ấy”.

Thuốc nhập khẩu lậu như trên có thể là giả - hoặc thậm chí độc hại. Không lâu sau khi Rao nhận bức fax đó, một đồng nghiệp trị ung thư thú nhận ông ta cũng đang cho bệnh nhân của mình điều trị loại thuốc hóa trị liệu rẻ tiền đó. Bắt đầu từ đó, bác sĩ Rao bị mất ngủ nhiều đêm liền để suy nghĩ về lợi và hại của các loại thuốc chào mời rẻ tiền đó! Một khi không biết rõ nguồn gốc các loại thuốc dùng điều trị cho bệnh nhân của mình, nguy cơ mà bệnh nhân phải đối mặt là gì? Ông lý giải: “Nếu mua các nguồn dược liệu không có sự xác nhận của FDA, chúng ta vô tình đẩy mạng sống bệnh nhân đến nguy cơ nghiêm trọng nhất”.

Động cơ của những dược phòng này là gì? Đó là lợi nhuận, và lợi nhuận này thường rơi vào túi của những bác sĩ không suy nghĩ chín chắn. Vô tình chính bác sĩ điều trị là người trục lợi bệnh nhân của họ cao nhất.

Thử làm một phép tính đơn giản: Tại Mỹ, một ca điều trị ung thư buồng trứng bình thường tốn kém vào khoảng 4.000 USD. Nếu dùng thuốc tương đương được nhập khẩu không rõ nguồn gốc chỉ tốn khoảng 3.000 USD. Mỗi trường hợp bác sĩ bỏ túi khoản lợi nhuận là 1.000 USD, như vậy hàng năm mỗi bác sĩ có thể kiếm nhiều triệu USD!

Thế nhưng thường thì người dân (người nộp thuế) phải gánh chịu những khoản đó, bởi các bác sĩ chẳng dại gì thanh toán lại với bảo hiểm y tế (Medicare hay Medicaid) với giá thấp. Trong vai trò nhà điều tra và khi đã nắm đủ các chứng cứ gian manh trong kinh doanh dược phẩm của dược phòng Canada nọ tại tiểu bang Texas, bác sĩ Rao yêu cầu FBI (Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ) tiến hành kiểm tra hành chính. Tại đó, họ phát hiện tên tuổi của hàng trăm bác sĩ trên khắp nước Mỹ là bạn hàng lâu năm của hãng dược phẩm lậu nọ.

Một trong những bác sĩ bị bắt mới đây nhất là vào tháng 5/2008, bác sĩ Kee Shum ở New York. Ông này thề không làm gì sai trái nhưng đồng ý trả lại cho chính phủ (tức Medicare) một khoản tiền không đáng kể (275.000 USD).

Thế nhưng, các viên chức Mỹ lẫn Canada không thể định ra tội trạng gì cho các dược phòng như thế. Và nếu bị ngăn cấm ở quốc gia này, chúng vẫn có thể làm ăn suôn sẻ khi ra nước ngoài tiếp tục công việc kinh doanh thuốc giá rẻ. Cũng không thể biết chắc bệnh nhân bị tổn thương thêm từ các loại dược phẩm đó ra sao, vì “mọi biến chứng của bệnh nhân có thể bị đổ lỗi cho ung thư”

Minh Nhựt (Tổng hợp)
.
.