Sự nghiệp của Bác mãi song hành cùng dân tộc

Thứ Ba, 31/05/2011, 08:35
Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, chào mừng thành công của kỳ Bầu cử Quốc hội khóa XIII và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, Báo CAND, Công ty cổ phần Truyền thông ASEAN C&C, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật "Chúng con bên giấc ngủ của Người" vào tối 28/5.

“Đất nước đẹp vô cùng, nhưng Bác phải ra đi”, khoảnh khắc thời gian lịch sử, ngày mùng 5/6/1911, địa danh hành chính lịch sử, Bến cảng Nhà Rồng, TP HCM mãi lưu trong tâm khảm muôn triệu người Việt Nam như một dấu ấn không thể phai mờ, có tính quyết định vận mệnh dân tộc: Thời điểm người thanh niên Nguyễn Tất Thành không chịu nhìn cảnh nhân dân mình tiếp tục sống kiếp nô lệ lầm than, đã ra đi tìm đường cứu nước.

Gần 100 năm qua tính từ ngày ấy, đất nước đã ngày càng tươi đẹp, giàu mạnh, người dân ngày càng được thụ hưởng một cuộc sống ấm no hạnh phúc, nhiều nguyện ước của Bác Hồ đã dần được các thế hệ cháu con chung tay thực hiện.

Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, chào mừng thành công của kỳ Bầu cử Quốc hội khóa XIII và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, Báo CAND, Công ty cổ phần Truyền thông ASEAN C&C, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật "Chúng con bên giấc ngủ của Người" vào tối 28/5.

Đông đảo công chúng, các văn nghệ sĩ nổi tiếng, cả các Anh hùng của thời đại Hồ Chí Minh đã tụ hội về chương trình, để tưởng nhớ tới Bác Hồ, ôn lại con đường mà Bác đã đi, hồi ức về khoảnh khắc đã trở thành bất tử trong hành trình đi lên của dân tộc, và cùng báo công dâng lên Bác.

Sân khấu chương trình “Chúng con bên giấc ngủ của Người”.

Bắt đầu từ ngày 5/6/1911, trải 30 năm bôn ba qua 3 đại dương, 4 châu lục, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường đi duy nhất đúng cho Cách mạng Việt Nam, con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước và tự do cho nhân dân: “Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc/ Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin/ Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp/ Tưởng bên ngoài đất nước đợi mong tin/ Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc: Cơm áo là đây, hạnh phúc đây rồi/ Hình của Đảng lồng trong hình của Nước/ Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười" như nhà thơ Chế Lan Viên đã khái quát hóa bằng những câu chữ đầy thăng hoa trong bài "Người đi tìm hình của Nước".

Chương trình được chia làm 4 phần, mở đầu với khúc tráng ca "Hồ Chí Minh - Cả cuộc đời vì nước vì dân" của Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước do ca sĩ Đăng Thuật và dàn hợp xướng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam thể hiện. Từ 3 năm qua, "Hồ Chí Minh - Cả cuộc đời vì nước vì dân" đã trở thành bài hát "tủ" của giọng nam cao Đăng Thuật, luôn được anh trình bày trong các sự kiện âm nhạc, nghệ thuật trọng đại, có tầm cỡ quốc gia. Bài hát này cũng được tặng thưởng trong Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" năm 2009.

Trong độ dài gần 2 giờ đồng hồ của chương trình Giao lưu nghệ thuật "Chúng con bên giấc ngủ của Người", qua phần Mở đầu, tới các chủ đề "Người đi tìm hình của Nước", "Vang mãi tên Người" và "Bên giấc ngủ của Người", công chúng còn có cơ hội lắng lòng với những ca khúc viết về Bác Hồ đã vượt qua thử thách của thời gian: "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh" (Nhạc sĩ Trần Hoàn - Lời thơ Đỗ Quý Doãn), "Người là niềm tin tất thắng" (Nhạc sĩ Chu Minh), "Từ làng Sen", (Nhạc sĩ Phạm Tuyên), "Dấu chân phía trước" (Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn), "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng" (Nhạc sĩ Phong Nhã), "Chúng con bên giấc ngủ của Người" (Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước) qua giọng ca của các nghệ sĩ: NSND Quang Thọ, Đăng Thuật, NSƯT Việt Hoàn, Trọng Tấn, Phương Thảo, Quang Tám, các em bé trong đội văn nghệ Nhà Thiếu nhi quận Ba Đình (Hà Nội), những người góp phần thắp lửa cho chương trình…

Chào mừng thành công của kỳ Bầu cử Quốc hội khóa XIII và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp

Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Chương trình do Báo CAND, Công ty cổ phần truyền thông ASEAN C&C, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức.

Chỉ đạo nội dung: Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước.

Chủ nhiệm chương trình: Nguyễn Trung Thành.

Kịch bản: Nguyễn Huy Du.

Chỉ đạo nghệ thuật: Nhạc sĩ Đăng Nước.

Đạo diễn: NSƯT Trịnh Lê Văn.

Dẫn chương trình: MC Mỹ Vân.

Đặc biệt, những người có mặt tại Hội trường 15 Trần Bình Trọng, Hà Nội và khán giả theo dõi qua truyền hình trực tiếp còn trải qua nhiều cung bậc chứa chan cảm xúc khi được theo dấu chân Bác trên hành trình tìm đường cứu nước bằng loạt phóng sự ấn tượng, được thực hiện công phu, chắt lọc tâm huyết của cả một êkíp.

Đúng chủ trương của một chương trình giao lưu nghệ thuật, điểm nhấn của "Chúng con bên giấc ngủ của Người" chính là phần gặp gỡ, chuyện trò với những gương điển hình tiên tiến, những Anh hùng đích thực của ngày thường, những cái tên tiêu biểu được nhắc tới trong cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Có mặt tại chương trình, bộc bạch những nghĩ suy, công việc chính mình đã hoàn thiện trong hành trình "Theo chân Bác" có Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, người đã trực tiếp tham gia triệt phá nhiều chuyên án buôn lậu ma túy lớn, làm nức lòng dư luận nhân dân.

Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Giám đốc Công ty 36 Bộ Quốc phòng, Anh hùng Lao động, một doanh nhân điển hình của thời đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và đương đầu với những khó khăn để đưa đơn vị mình đi lên, không ngừng phát triển.

Người nhỏ tuổi nhất có mặt tại chương trình, cũng chính là đại biểu nhỏ tuổi nhất tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII, tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2010. Cô học sinh nhỏ của Hà Nội thực sự là một "cháu ngoan Bác Hồ", một bông hoa nhỏ trong vườn hoa nghìn việc tốt kính dâng lên Bác.

Không còn là những gương mặt xa lạ với công chúng, khách mời hiện diện trong những giây phút giao lưu, qua những chiến công, những thành tựu đã đạt được trong công tác và học tập, khẳng định một điều: Con đường Cách mạng mà Bác Hồ đã đi, luôn được muôn đời cháu con tiếp nối không ngừng, sự nghiệp Cách mạng mà Bác đã chọn, còn mãi song hành cùng dân tộc.

"Cả một đời vì nước vì dân", những bước chân của Bác Hồ tuy đã nghỉ ngơi sau dặm dài dằng dặc, nhưng những khao khát cống hiến, những mơ ước của Người cho một nước Việt Nam hùng cường chưa bao giờ dừng lại. Chương trình giao lưu nghệ thuật "Chúng con bên giấc ngủ của Người" sẽ khép lại giữa ngập tràn giai điệu thân thuộc của bài hát "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" (Nhạc sĩ Phạm Tuyên) để thêm một lần minh chứng, 100 năm sau ngày Người khởi đầu hành trình dân tộc, từ Bến cảng Nhà Rồng, thế hệ hôm nay, những người con mang trong tim hình bóng Bác Hồ vẫn mãi tiếp bước trên con đường của Người. Hàng triệu bàn chân đang xốc tới trên mọi nẻo đường để đất nước thực sự trở nên giàu đẹp, công bằng, dân chủ, văn minh như mơ ước cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.

Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước

Bài hát “Chúng con bên giấc ngủ của Người” xuất hiện lần đầu tiên trên Báo CAND”: Năm 1976, tôi từ chiến trường ra. Lúc đó, tôi được bố tôi đưa đi thăm Lăng Bác. Hòa trong dòng người vào lăng viếng Bác, lòng tôi dạt dào cảm thương, những nỗi niềm rất khó gọi tên. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, sự nghiệp lớn lao, vĩ đại của dân tộc đã hoàn thành như mong ước của Bác, nhưng Bác đã đi xa.

Ngay từ năm 20 tuổi, khi còn ở trong chiến trường, tôi đã có những bài hát được dư luận chú ý. Lúc này, năm 1976, tôi tròn 22 tuổi rưỡi, mỹ cảm nghệ thuật cũng chín muồi, cảm xúc lại trào dâng mãnh liệt. Tôi trở về nhà, bắt tay ngay vào viết bài hát “Chúng con bên giấc ngủ của Người”. Tôi háo hức đưa ngay tới Báo CAND, hát cho mọi người nghe. Tổng biên tập của Báo ngày ấy thích lắm, nhưng vẫn băn khoăn nói rằng, bài hát còn thiếu một điều gì đó, nghe vẫn bi thương quá. Tôi về, tiếp tục trăn trở và chợt nhận ra một điều, tuy Bác đã vĩnh viễn ra đi, nhưng sự nghiệp của Người còn mãi trong lòng non sông, dân tộc, còn mãi với các thế hệ nhân dân Việt Nam. Tâm tư như thế, tôi viết lại đoạn kết.

Bài hát lập tức được đăng trên Báo CAND. Sau đó, tôi đưa đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Phụ trách Ban Âm nhạc ở Đài, các nhạc sĩ Lê Lôi, Văn An cho dàn dựng hợp xướng luôn, với giọng lĩnh xướng của ca sĩ Trần Thụ. Từ năm 1978, tôi để ý thấy trong các cuộc Hội diễn văn nghệ quần chúng của Bộ Công an, hầu như đoàn nào, đơn vị nào tham gia cũng hát bài hát này.

NSND Quang Thọ

Cảm ơn những chương trình nghệ thuật tri ân quá khứ, nhắc nhớ lịch sử: Đã nhiều lần thể hiện ca khúc “Người là niềm tin tất thắng” của nhạc sĩ Chu Minh, nhưng lần nào trong tôi cũng dâng lên những xúc cảm lạ lùng. Bài hát này nhạc sĩ Chu Minh viết đã hơn 40 năm, ngay sau ngày Bác Hồ từ biệt chúng ta, ra đi mãi mãi và luôn được công nhận như một trong các sáng tác hay nhất, công phu mực thước nhất về Bác Hồ.

Lần này, hát lại “Người là niềm tin tất thắng” trong Chương trình giao lưu nghệ thuật “Chúng con bên giấc ngủ của Người”, để nhớ về thời khắc lịch sử, 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, tôi cũng vẫn không khỏi xao xuyến bồi hồi. “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, tôi thấy phải cảm ơn những chương trình nghệ thuật tri ân quá khứ, nhắc nhớ lịch sử, giúp cho các thế hệ trẻ hôm nay có được mường tượng rõ ràng, cụ thể hơn về con đường đã qua của dân tộc để thêm hiểu, thêm yêu và tự hào.

Ngô Hương Sen
.
.