Sự thật đằng sau thảm họa bùn đỏ tại Hungary

Thứ Bảy, 23/10/2010, 15:55
Những nguyên nhân dẫn đến thảm họa môi trường vừa xảy ra tại Hungary cho đến nay vẫn chưa chính thức được công bố, tuy nhiên nhiều tờ báo chính luận lớn tại quốc gia này đã bắt đầu lên tiếng tố cáo rằng: nguyên nhân sâu xa dẫn đến thảm họa bùn độc tại Hungary là xuất phát từ sức ép của Liên minh châu Âu trong việc quản lý chất thải khi quốc gia này gia nhập khối.

Ngày 4/10, bồn chứa bùn đỏ của nhà máy sản xuất nhôm Alumin TP ở thành phố Ajka, cách thủ đô Budapest khoảng 160km về phía tây đã bị vỡ, làm trào hơn 1 triệu mét khối bùn đỏ ra ngoài. Bùn đỏ là sản phẩm phụ của quá trình chế biến nhôm từ quặng bauxite.

Hậu quả ngay tại chỗ là có đến 7 ngôi làng bị ảnh hưởng kéo theo số lượng lớn người thương vong. Nhưng cái đáng sợ nhất trong thảm họa môi sinh này chính là những hậu quả từ bùn độc để lại trong môi trường. Theo các chuyên gia, tác hại lâu dài của loại bùn độc này được ví như chất độc da cam.

Tai nạn công nghiệp nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hungary còn đang đe dọa toàn bộ hệ sinh thái của dòng Danube, con sông lớn thứ hai tại châu Âu, chảy qua 7 quốc gia trước khi đổ ra Hắc Hải.

Trong khi hậu quả của đợt tràn bùn độc thứ nhất chưa khắc phục xong thì đến ngày 9/10, một lần nữa, cư dân ngôi làng Kolontár cạnh nhà máy sản xuất nhôm Alumin TP lại bị chuyển đi nơi khác vì giới chức lo ngại bể chứa số 10 lại có thể vỡ tại một vách chắn khác.

Toàn cảnh chụp từ trên không của nhà máy Alumin TP, nơi hàng triệu mét khối bùn đỏ đã tràn ra vào đầu tháng 10 vừa qua.

Cho đến nay nguyên nhân của thảm họa này vẫn chưa được xác định, nhưng phía lãnh đạo nhà máy sản xuất nhôm Alumin TP thì khẳng định, bùn đỏ được chứa trong các bể đạt tiêu chuẩn quy định và được trang bị các camera theo dõi ngày đêm.

Với phát biểu trên, nhà máy sản xuất nhôm Alumin TP đang muốn lái trách nhiệm của thảm họa này sang yếu tố thiên tai, nhất là do những đợt mưa lớn kéo dài trước khi xảy ra thảm họa, rằng đây là một sự cố ngoài ý muốn và không thể tính trước được.

Giám đốc nhà máy Alumin TP, ông Bakonyi Zoltán, đã có “một buổi trình diễn ngoạn mục” ngay tại hiện trường trước báo giới về vụ tai nạn, để chứng tỏ rằng họ đã làm tất cả để đảm bảo việc lưu giữ bùn đỏ. Các phóng viên mô tả quang cảnh tan hoang của bể chứa bùn đỏ bị vỡ khiến họ hình dung như đang đi trên mặt trăng hay sao Hỏa.

"Có hai điều chắc chắn: quá khứ và vách ngăn bùn đỏ" - ông Bakonyi tuyên bố, và khẳng định vách chắn của bể chứa bùn đỏ - có độ dày 40-50m, những nơi dày nhất là 65m - "là biểu tượng, là định nghĩa của sức mạnh".

Giám đốc Nhà máy Alumin TP cho rằng, việc vỡ vách chắn là đi ngược lại mọi định luật vật lý, và phủ nhận dư luận của cư dân các vùng bị lũ bùn đỏ hủy diệt, theo đó, trước đây bùn đỏ đã rò rỉ tại bể chứa số 10 định mệnh.

Ngay tại bể chứa bị vỡ, ông Bakonyi cho hay: "10h30' sáng 4/10, kiểm tra viên của chúng tôi còn có mặt tại đây và không nhận ra bất cứ dấu hiệu bất thường gì về vật lý hay hóa học. Vách chắn không bị rò rỉ, hàm lượng kiềm của bùn đỏ ở mức thích hợp theo quy định. Chất lượng của vách chắn đã thông qua kiểm tra cách đây 1 tháng. Cũng không phải do chúng tôi để nhiệt độ quá cao. Chắc chắn là không ai phạm lỗi ở đây".

Ông Bakonyi nói thêm, mọi lo ngại là không có cơ sở vì chất bùn đỏ đều lắng xuống và đọng lại trong bể chứa, đa phần chỉ có nước bị thoát ra. Ông cũng cho hay, tập đoàn đã sửa lại phần vách chắn bị vỡ, nhưng còn phải chờ xem chính phủ có cho phép tiếp tục hoạt động hay không. Theo ông, một doanh nghiệp có chừng 1.100 nhân công như Alumin TP, nếu được hoạt động, sẽ có khả năng chi trả mọi khoản bồi hoàn và thiệt hại.

Giới phóng viên cho rằng màn thuyết trình khoa học thực địa của người đứng đầu nhà máy Alumin TP có thể thuyết phục được họ trong một chừng mực nào đó, khiến họ tin rằng đây là một sự "thông đồng" của các yếu tố thiên nhiên mà khi thiết kế không thể lường trước được"- như diễn đạt của giám đốc nhà máy Alumin TP.

Tuy nhiên, bản chất của vấn đề đã được họ phanh phui: nguyên nhân chính là yếu tố bảo vệ môi sinh đã bị xem thường, coi nhẹ. Cho dù trách nhiệm của nhà máy Alumin TP là không thể phủ nhận, nhưng đây không phải là doanh nghiệp duy nhất có thể gây ra những thảm họa sinh thái trong quá trình hoạt động của mình. Bản thân việc các bể chứa bùn đỏ - cũng như rất nhiều khu chứa chất thải công nghiệp khác - được đặt rất gần các khu dân cư hoặc nguồn nước uống, gây ô nhiễm, đã cho thấy sự bất cẩn của chính quyền.

Làng Devecser nhìn từ trên cao chỉ thấy màu của bùn đỏ độc hại.

Sự tự tin bị coi là trâng tráo của nhà máy Alumin TP trong các tuyên bố đầu tiên của họ - rằng bùn đỏ không hề nguy hiểm, rửa đi là xong hết - theo báo chí Hungary, là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, trong hai thập niên qua, sự tồn tại của những doanh nghiệp lớn như vậy, tạo dựng cơ hội làm việc cho rất nhiều nhân công đóng thuế, là rất quan trọng đối với chính quyền địa phương và nhà nước - nghĩa là đối với chính giới.

Cho dù sau tấn thảm kịch này, đâu đâu cũng nhắc đến những tác hại của rác thải đối với môi trường, rằng sự ô nhiễm công nghiệp là nguy hại, nhưng trước đó chính quyền và các cơ quan chức năng đã nhắm mắt làm ngơ trước điều này. Hoặc nếu có, cũng chỉ là động thái "giơ cao đánh khẽ": Chưa một doanh nghiệp lớn nào của Hungary bị phạt một khoản đáng kể trong vấn đề môi trường. Ngay cả việc nhà máy Alumin TP chỉ có bảo hiểm 50.000USD cho bể chứa bùn đỏ của họ cũng cho thấy, họ chưa bao giờ nghĩ tới việc sẽ có sự cố xảy ra. Bởi lẽ nếu có gì đi nữa, theo thông lệ từ 20 năm nay tại Hungary, cũng không làm sao!

Báo chí Hungary cho rằng, trên bình diện thế giới, những chủ đề xa xôi như hiệu ứng nhà kính, hố ozon... luôn được nhấn mạnh và lưu ý, làm chìm đi rất nhiều nỗi lo thường nhật và thực tế hơn như ô nhiễm nước uống, ô nhiễm đất đai... Như thế, trọng tâm trong vấn đề môi sinh đã bị đặt sai. Những gì quan trọng và sát sườn nhất với đời sống cư dân và môi trường đã không được nhắc đến và chú tâm ở mức độ thích hợp.

Trong tấn thảm kịch hiện tại, những vấn nạn của hai thập niên qua cũng được thể hiện trong một chừng mực nào đó. Nền công nghiệp chế biến bauxite - Alumin, niềm tự hào một thời của Hungary, nhưng đồng thời cũng là ngạch gây nguy hại trầm trọng đến môi trường, đã rơi rớt lại một cách vô ý thức sau khi Hungary thay đổi thể chế chính trị vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước.

Nhà nước và các cơ quan chức năng Hungary đã tỏ ra thiển cận và thiếu nghiêm túc trong vấn đề này: không hề có một bộ phận chuyên trách để tiến hành những cuộc kiểm tra thường xuyên và đi vào thực chất. Một bài học có thể rút ra: khi một tấn thảm kịch ở quy mô lớn xảy ra, những quy luật cũ lập tức bị thay đổi và giới chính khách có thể theo sát điều này hơn các doanh nghiệp.

Cũng tương tự như ở vụ tràn dầu tại vịnh Mexico, thoạt tiên, các tập đoàn công nghiệp tỏ ra rất bình thản khi đối thoại với công luận và cái giá phải trả đối với họ rất đắt: không chỉ phải móc sâu vào túi để bồi thường mà họ còn phải đối mặt với cả hệ thống chính giới. Nhân dịp này, mọi vấn nạn của vấn đề môi sinh mới được đưa ra mổ xẻ một cách rốt ráo và thực chất hơn. Báo chí Hungary cho rằng, sự đồng thuận của công luận và quyết tâm của các chính giới trong vụ bùn đỏ là điều đáng mừng trong một thảm họa.

Chỉ còn lại điều cuối cùng, nhưng cũng là then chốt trong vấn đề này: nhà nước có khả năng thực hiện những gì họ muốn (nếu họ thực sự muốn), cũng như những gì họ nói hay không. Đó vẫn là câu hỏi của tương lai...

Thảm họa bùn độc vừa qua cũng đặt ra vấn đề về tính ưu tiên trong các chính sách môi trường của Hungary. Thời gian gần đây, Hungary đã tập trung mọi nguồn lực để đáp ứng những yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) sau khi nước này gia nhập khối, thiết lập hệ thống chọn lọc và xử lý chất thải gia dụng. Hậu quả là Budapest đã lơ là trong việc quản lý và xử lý chất thải công nghiệp. Điều đáng nói là chất thải công nghiệp lại nhiều và độc hại hơn rất nhiều so với rác thải gia đình. 

Báo chí Hungary cho rằng, thay vì tập trung quản lý tốt chất thải công nghiệp cùng với việc xử lý những hậu quả chất độc trong chiến tranh còn lưu lại, Budapest lại chi ra hàng tỉ euro, do sức ép từ EU, để xây dựng các nhà máy xử lý rác thải... không độc hại! Hungary hiện giờ, người ta nói đến kẻ thù số một của cuộc sống người dân là chai nhựa, bao nilon và nước uống đóng chai.

Đành rằng tất cả những vấn đề trên đều phải giải quyết nhưng vấn đề là theo giới quan sát, chính quyền Budapest nên cân nhắc cái nào làm trước, cái nào làm sau. Hungary mới gia nhập EU nên bắt buộc phải tuân theo những quy định của khối, đó là điều bình thường.

Nhưng trong khi các thành viên khác của EU đã có hệ thống quản lý chất thải công nghiệp và gia dụng vững chắc thì việc áp đặt những yêu cầu của các nước phát triển vào thành viên đang phát triển như  Hungary xem ra không được hợp cho lắm và hậu quả đã thấy rõ

Giang Khuê (tổng hợp)
.
.