Sự thật tin đồn Phật hiện hình trong thân ghẹ

Thứ Sáu, 09/08/2013, 16:20

Ngày 17/7 vừa qua, một loạt các trang mạng tâm linh đưa tin ở quận 7, tp HCM có hiện tượng đức Phật hiển linh. Những trang mạng này trích dẫn nhưng không nêu rõ nguồn tin, rằng một gia đình mua ghẹ ở chợ về luộc ăn. Khi ăn đến con thứ 3 thì phát hiện trên thân ghẹ có in hình đức Phật đang ngồi thiền nên không dám ăn nữa. Gia chủ đã đưa chiếc mai ghẹ vào tủ kính để thờ. Những trang mạng này còn cho biết, hiện nay có rất nhiều người dân hiếu kỳ lũ lượt đến nơi đó chiêm ngưỡng, chụp ảnh đức Phật trên thân ghẹ. Như để xác tín thông tin, những trang mạng này còn đính kèm hình ảnh thân ghẹ hiện hình đức Phật.

Không chỉ những trang mạng tâm linh không giấy phép mà rất nhiều trang mạng chính thống của Phật giáo đồ như pgvn.vn, Hoa Linh Thoại, chùa A Di Đà, Hương Từ Bi, chùa Phúc Lâm… cũng đều đưa tin thời sự ở trang chủ. Bản tin này viết: "Cách đây vài ngày, tại một ngôi nhà trên đường Lâm Văn Bền, quận 7, TP HCM, chủ nhà ra chợ thấy ghẹ ngon và mua về luộc để cả gia đình cùng dùng, ăn con thứ nhất và con thứ 2 thì thấy bình thường nhưng đến con thứ ba thì phát hiện hình đức Phật hiện lên trên phần thân của con ghẹ. Mọi người hoảng sợ dừng ăn và đưa thân con ghẹ lên bàn thờ đốt nhang khấn vái…

Hiện nay rất nhiều người dân hiếu kỳ kéo đến xem và chụp hình… Nhất thế chúng sanh vô sát nghiệp, hà sầu thế giới động đao binh. Do chúng sanh gieo trồng nghiệp sát, nên thế giới mới có chiến tranh. Đức Bồ Tát Quán Thế Âm vì lòng từ bi muốn cứu độ chúng sanh nên có lúc hiện làm thân người, có khi hiện làm thân súc sanh để cảnh tỉnh cho chúng ta bớt tạo nghiệp sát… Nhân mùa Vu lan báo hiếu tất cả mọi người chúng ta hãy phát tâm dõng mãnh ăn chay để hồi hướng công đức cầu siêu Cửu huyền Thất tổ và cầu an cho cha mẹ hiện tiền được tăng long phước thọ…".

Có vẻ như các trang mạng này copy tin từ một nguồn nên giống nhau từng chi tiết nhỏ, kể cả những bức ảnh đính kèm. Những bức ảnh đính kèm cho thấy phần thân bụng thịt của con ghẹ hiện hình ảnh đức Phật đang ngồi thiền rất rõ nét. Và tất cả các bản tin đều nêu chung chung hiện tượng đó xảy ra ở khu dân cư trên đường Lâm Văn Bền, quận 7, TP HCM. Cách đưa tin của những trang mạng trên khiến nhiều người nhầm tưởng thông tin được trích dẫn từ những trang báo chính thống. Duy nhất trên trang blog.zing.vn của nick Anh Ba Khía có nêu địa chỉ cụ thể của gia đình chủ nhân chiếc mai ghẹ ở số 62, đường Lâm Văn Bền.

Xem xét kỹ những bức ảnh cho thấy, tác giả đã xóa phông nền xung quanh mai con ghẹ. Hình ảnh đức Phật trên mai ghẹ có vẻ như được cắt ghép một cách vụng về, thiếu tay nghề.

Mai ghẹ hiện hình đức Phật chỉ là xảo thuật photoshop được các trang mạng minh họa.

Để làm sáng tỏ thông tin, ngay lập tức chúng tôi đi xác minh tìm hiểu thực hư.

Chúng tôi đi dọc theo tuyến đường Lâm Văn Bền, bắt đầu hỏi thăm từ số nhà 02 tại giao lộ Trần Xuân Soạn. Hàng trăm người được hỏi đều trả lời dứt khoát: "Không hề có hiện tượng đó".

Điều lạ là số nhà trên tuyến đường Lâm Văn Bền không có số 62. Trên dãy phố số chẵn, cạnh ngôi nhà mang số 60 là Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ. Cạnh ngôi trường là con hẻm mang số 62 rồi đến ngôi nhà mang số 64.

Chúng tôi đi sâu vào con hẻm 62 hỏi thăm những cư dân địa phương. Nhiều người bật cười khi nghe chúng tôi nêu sơ lược thông tin. Họ cho biết, tin đồn đó bắt đầu xuất hiện từ giữa năm ngoái. Từ đó đến tận bây giờ, lai rai hàng ngày đều có người từ nơi khác mang nhang, bánh, trái cây đến hẻm hỏi thăm về hiện tượng lạ đó để rồi thất vọng ra về. Có người ở rất xa như Cà Mau, Quảng Ngãi khăn gói tìm về con hẻm. Một số người, ngay khi biết mình bị hố đã văng tục chửi đổng kẻ phao tin vịt kia.

Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Hoàng, tổ trưởng tổ dân phố 14 (hẻm 62 đường Lâm Văn Bền, phường Tân Kiểng, quận 7, TP HCM). Ông Hoàng khẳng định: "Hiện tượng này không hề xảy ra ở hẻm 62 và cũng không xảy ra ở toàn bộ khu vực phường Tân Kiểng. Nếu có, tôi đã biết".

Trên con hẻm 62 có một ngôi am của một cư sĩ ẩn cư tại gia. Nghi ngờ, thông tin giả tạo có thể xuất phát từ đó, chúng tôi đã ghé vào tìm hiểu. Sau khi tiếp xúc chúng tôi nhận thấy không có lý do gì để vị cư sĩ này tung tin như vậy. Bởi, hầu như ông ta tuyệt giao với xã hội, không chấp nhận người lạ ghé am cúng viếng.

Chiếc mai ghẹ được cho là hiện hình thiếu nữ.

Như vậy đã rõ. Đó chỉ là thông tin không có thật. Một kẻ xấu nào đó ngụy tạo thông tin với mục đích gây mất an ninh trật tự xã hội. Chúng tôi đề nghị các trang mạng tín ngưỡng đính chính thông tin với độc giả, không vô tình tạo cơ hội cho kẻ xấu thực hiện ý đồ đen tối. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cũng cần ra tay truy tìm kẻ tung tin đồn giả để làm rõ động cơ.

Cách nay không lâu, nhiều người ở địa bàn TP HCM cũng từng bị hố to khi lũ lượt kéo nhau đến hẻm 28, đường Lương Văn Can, phường 15, quận 8 để tận mục sở thị một mai ghẹ hiện hình phụ nữ. Họ đã tin vào lời đồn: Một gia đình mua ghẹ về luộc. Đang luộc thì từ thân một con ghẹ máu tứa ra đỏ au nước. Khi ăn, cả nhà phát hiện trên mai một con ghẹ có in hình… một thiếu nữ có đầy đủ khuôn mặt, mái tóc, hai bàn chân.

Lời đồn vô căn cứ đó được các trang mạng tâm linh vô tình loan tin hộ. Từ các trang mạng, nhiều người có máu mê tín dị đoan bình luận ma mị rằng những thiếu nữ chết đuối đã hiện hình vào mai ghẹ. Một số người còn quả quyết tận mắt chứng kiến "hình thiếu nữ rõ mồn một".

Thật ra, chiếc mai ghẹ đó giống như tất cả các mai ghẹ khác đều có những khe rãnh tự nhiên. Với đầu óc mụ mị mê tín người ta đã mường tượng đủ thứ hình hài để thỏa mãn tính hiếu kỳ và loa lên để dụ lừa người nhẹ dạ

Nông Huyền Sơn
.
.