Sự thật về “người đàn bà viết văn dưới chân đèo Ngang”

Thứ Tư, 13/05/2009, 15:50
Bà Đậu Nữ Vệ, tác giả kịch bản bộ phim "Miền quê thức tỉnh" đã công chiếu trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) từng được nhiều phương tiện truyền thông nhắc đến với nghệ danh của "người đàn bà viết văn dưới chân đèo Ngang". Sau đó bà cũng "nổi danh" không kém với vụ kiện những người làm phim ở Trung tâm sản xuất phim THVN.

Tranh cãi về vụ kiện “miền quê thức tỉnh”

Sau khi 18 tập phim truyền hình: "Miền quê thức tỉnh" được trình chiếu trên sóng của Đài THVN, đã xuất hiện nhiều tranh cãi giữa đội ngũ những người làm phim tại Trung tâm sản xuất phim THVN với tác giả kịch bản. Vụ việc kéo dài từ năm 2006 đến nay vẫn chưa có hồi kết và tệ hơn nữa, tranh chấp của những người làm nghệ thuật lại có nguy cơ được xét xử bởi một... phiên tòa. Bà Đậu Nữ Vệ đã gửi đơn kiện lên Tòa án nhân dân (TAND) quận Ba Đình, Hà Nội.

Nguyên nhân đến từ một sai sót rất nhỏ của đoàn làm phim là: Khi phát sóng, tên tác giả là Đậu Nữ Vệ do hiểu nhầm nghệ danh thành Bùi Vệ Nữ. Ngay sau khi phát sóng tập đầu tiên, tác giả đã gọi điện cho Trung tâm sản xuất phim THVN và cơ quan này đã thừa nhận thiếu sót.

Giám đốc xưởng phim lúc đó là NSND Nguyễn Khải Hưng đã gửi công văn xin lỗi đến cá nhân bà Vệ và Hội VHNT tỉnh Quảng Bình - nơi bà Đậu Nữ Vệ đang sinh hoạt nhưng do bộ phim đang được công chiếu nên việc thay đổi không thể thực hiện.

Bà Đậu Nữ Vệ.

Sự việc đơn giản chỉ có vậy, những tưởng thôi thì dân văn chương với nhau, coi như xí xóa. Nào ngờ, đây là khởi nguồn cho một loạt các rắc rối liên quan: bà Đậu Nữ Vệ đã khởi kiện ra TAND quận Ba Đình: bà cho rằng, Trung tâm sản xuất phim THVN đã "ăn bớt" bản quyền kịch bản của mình.

Nhưng trước khi kiện ra tòa thì bà Vệ đã viết đơn thư với nhiều nội dung không đúng sự thật gửi đi các nơi, trong đó có Ban Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Trong biên bản làm việc, Ban Thanh tra đã kết luận là bà Vệ không có bằng chứng gì để khiếu nại về những đòi hỏi của mình. Những tưởng chuyện này đã kết thúc ở đây. Nhưng hơn một năm sau, bà Vệ lại tiếp tục gửi đơn kiện ra TAND quận Ba Đình về tiền nhuận bút.

Tìm hiểu vụ việc tại Trung tâm sản xuất phim THVN, PV ANTG ghi nhận một câu chuyện khác hẳn với những gì người ngoài cuộc biết. Đúng là có "chui vào chăn mới biết chăn có rận", có tìm hiểu mới biết giới làm nghệ thuật cũng có lắm điều... chẳng giống bình thường! Càng bất ngờ hơn, tôi được nhà văn Phạm Ngọc Tiến bật mí nguyên nhân của vụ việc: "Là vì chị Thùy Linh thương người quá!".

Nhà văn Trần Thùy Linh, Phó giám đốc Trung tâm sản xuất phim THVN kể lại cho chúng tôi nghe quá trình có thể gọi là "cưu mang" tác giả của "Miền quê thức tỉnh". Lời kể này cũng chính là nội dung chính trong bức thư ngỏ và bản giải trình bà gửi thẩm phán TAND quận Ba Đình.

Theo lời kể của nhà văn Thùy Linh thì tháng 12/2004, chị được người bạn giới thiệu về một phụ nữ đang có ý định viết kịch bản, rất nghèo khổ cần giúp đỡ. Cảm động trước việc một người phụ nữ có chút năng khiếu văn chương nhưng hoàn cảnh khó khăn, phải lặn lội từ Quảng Bình ra để mong "đổi đời bằng nghiệp viết", nhà văn Thùy Linh đã nhận lời giúp đỡ, dù kịch bản của bà Đậu Nữ Vệ mới ở dạng phác thảo sơ sài và ít hiểu biết về chuyên môn.

Chị Thùy Linh sắp xếp chỗ làm việc cho bà Vệ, đưa bà về nhà mình ở trong khoảng hơn 2 tháng và tạo mọi điều kiện cho bà có thể làm quen với việc xây dựng các kịch bản phim.

Theo như những lời trong thư ngỏ của nhà văn Thùy Linh gửi thẩm phán TAND Quận Ba Đình thì: "Tôi lo mọi thứ cho bà ấy trong 2 tháng trời, lo chỗ ăn, chỗ ở, lo từng tờ giấy, từng cây bút viết, từng bữa ăn. Thậm chí trong thời gian ấy, có việc về quê, tôi còn cho bà ấy vay tiền. Khi bà ấy nhận nhuận bút, bà ấy gửi tôi ít tiền coi như công sức hướng dẫn của tôi nhưng tôi từ chối".

Nhà văn Thùy Linh quan niệm: Đó là lòng trắc ẩn mà người cầm bút nào cũng phải có. Nhưng có vẻ như, với những kiện tụng kéo dài suốt 2 năm nay, bà đã bắt đầu "ân hận" vì lòng trắc ẩn của mình.--PageBreak--

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến - Biên tập viên của Trung tâm sản xuất phim THVN được xem là người chứng kiến việc nhà văn Thùy Linh giúp đỡ bà Đậu Nữ Vệ từ đầu đến cuối. Nhưng ông lại trình bày quan điểm khác: "Ngay từ đầu tôi đã phản đối chị Thùy Linh, tôi cũng đồng ý với quan điểm là nghệ thuật không thể làm từ thiện được".

Ông chia sẻ với PV ANTG những cảm giác đầu tiên về tác giả của "Miền quê thức tỉnh": "Lúc đó, mới chỉ tiếp xúc được một, hai ngày nhưng trực giác của một người cầm bút đã nhắc nhở tôi phải cảnh giác”.

Bà Đậu Nữ Vệ nói rất nhiều, kể về hoàn cảnh nghèo khổ của mình, những sự thiệt thòi của mình thông qua các câu chuyện về đời sống và viết lách. Sự oán thán căm giận là chủ đạo và bà coi những nhà văn nghệ địa phương là xấu xa, bất tài. (Trong số đó có những nhà văn tôi biết mà cả tài năng lẫn đức hạnh đều không phải như bà Vệ kể như nhà văn Hữu Phương, tác giả truyện ngắn "Ba người trên sân ga" mà nhà văn Nguyễn Quang Lập đã chuyển thể thành kịch bản phim "Đời cát" nổi tiếng...).

Rồi chuyện bệnh viện đã mổ cho chị ta và bỏ quên gạc trong ổ bụng khiến bà Vệ phải mổ đi mổ lại vài lần. Cái cách phê phán người khác bằng thứ ngôn từ phải nói là rất nghiệt ngã khiến tôi phải bày tỏ thái độ. Tôi không đồng ý cộng tác với Đậu Nữ Vệ và chị Thùy Linh phải trực tiếp giúp chị ta".

Một nội dung nữa mà tác giả Đậu Nữ Vệ khởi kiện Trung tâm sản xuất phim THVN là việc bà cho rằng mình đã bị Trung tâm "ăn bớt" tiền nhuận bút kịch bản.

Về vấn đề này, chúng tôi đã có buổi làm việc với Luật sư Phạm Quốc Bình, Phó giám đốc Công ty Luật Hợp Danh V.I.P thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Công ty luật này sau khi biết  thông tin về một vụ kiện tương đối "khó hiểu" này đã tình nguyện đứng ra tiến hành các thủ tục pháp lý cho Trung tâm sản xuất phim THVN mà không thu bất kỳ khoản lệ phí nào.

Theo Luật sư Phạm Quốc Bình thì ông đã trình bày lên TAND quận Ba Đình các chứng lý chứng minh rằng Trung tâm sản xuất phim THVN không hề "ăn bớt" tiền tác quyền của bà Đậu Nữ Vệ. Thời điểm bà Đậu Nữ Vệ ký hợp đồng giao khoán việc viết kịch bản là ngày 15/9/2005. Sau khi ký, Đậu Nữ Vệ với sự giúp đỡ của nhà văn Thùy Linh đã hoàn thành 15 tập kịch bản phim "Miền quê thức tỉnh".

Thời điểm ký hợp đồng, mức nhuận bút Nhà nước quy định cho mỗi tập phim là 2.350.000 đồng, với 15 tập phim, bà Vệ nhận được 35.250.000 đồng. Luật sư Phạm Quốc Bình đã cho chúng tôi xem giấy biên nhận có chữ ký của bà Đậu Nữ Vệ.

Theo ông Bình thì cơ sở bà Vệ khiếu kiện là việc sau đó, vào ngày 31-12-2005, Đài THVN có quy định tăng mức tiền nhuận bút và bà Vệ cho rằng mình... phải được nhiều hơn thế! Đây là lý do bà cho rằng tiền tác quyền của bà bị "ăn chặn": "Có lẽ bà Vệ quên mất là hợp đồng ký vào trước thời điểm tăng nhuận bút đến hơn 3 tháng. Tôi đã giải thích cho bà về sự việc này nhưng bà Vệ không nghe và vẫn kiên quyết kiện Trung tâm sản xuất phim THVN ra tòa một cách vô căn cứ”.

Nhìn nhận trên quan điểm các chứng lý của luật sư là vậy, nhưng theo một số nhà văn công tác tại Trung tâm sản xuất phim THVN thì nguyên nhân là vì: sau đó, bà Đậu Nữ Vệ có gửi tiếp kịch bản nhưng do chất lượng không đạt, bị từ chối nên mới sinh ra kiện cáo thế này!  Theo nhà văn Thùy Linh thì: "Nếu chị Vệ gửi kịch bản đảm bảo yêu cầu thì  chúng tôi sẽ sản xuất, còn tôi không thể bỏ công sức sửa quá nhiều (thực chất là viết lại) như kịch bản đầu tiên cho chị ấy được".

PV ANTG sẽ tiếp tục tìm hiểu, xác thực thông tin trên, nhưng nếu quả có chuyện như thế thật thì cũng buồn thay cho một kiểu cầm bút: hành động như thế không xứng đáng với thiện tâm cần có của một người làm nghệ thuật.

Vì sao bà Đậu Vệ Nữ bị khai trừ khỏi Hội văn học nghệ thuật?

Chúng tôi cũng được các cán bộ của Trung tâm sản xuất phim THVN cho xem một bức thư của một người đàn ông viết là em của bà Đậu Nữ Vệ (xin không tiện nêu tên ra để tránh các rắc rối không cần thiết cho người viết thư). Bức thư có đề cập đến những chuyện riêng tư không tốt của bà Đậu Nữ Vệ tại Quảng Bình - nơi bà sinh sống, tuy nhiên do chưa kịp xác thực các thông tin nên chúng tôi tạm thời chưa nêu lên trong bài viết này.

Trong Văn bản số 109 - TB/VHNT Hội VHNT tỉnh Quảng Bình đã có thông báo về việc kỷ luật hội viên có một số điểm đáng lưu ý, theo chúng tôi là có ích trong việc giúp độc giả nhận ra đâu là bản chất sự việc đã nêu ở trên.

Hội VHNT tỉnh Quảng Bình cho rằng, trong 4 năm sinh hoạt tại đây, bà Đậu Nữ Vệ đã nhận được sự hỗ trợ, đầu tư của Hội nhưng đã 3 lần vi phạm các quy định của tổ chức này. Lần lượt trong 3 năm 2004, 2005, 2007, Đậu Nữ Vệ cho in ra 3 tác phẩm: "Ba giọt máu đào", "Tình viễn khách", "Mặt trái cuộc đời" mà không trình bản thảo cho Hội đồng nghệ thuật thẩm định.

Sau khi bị nhắc nhở, bà Vệ còn nhắn tin có những lời lẽ xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Bình. Những tin nhắn này được xác thực tại biên bản ngày 15/8/2007 của Ban Kiểm tra Hội VHNT Quảng Bình nhưng trên tinh thần tôn trọng độc giả cũng như ông Chủ tịch Hội, chúng tôi xin không trích dẫn ra đây bởi nó quá... vô văn hóa

Hoàng Thắng
.
.