Tổng kết và trao giải cuộc thi Sáng tác Văn học đề tài "Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống" (2017 - 2020):

Sức lan tỏa của đề tài văn học Công an nhân dân

Thứ Năm, 29/10/2020, 10:33
Ngày 28/10, tại Hội trường Bộ Công an (44 Yết Kiêu, Hà Nội) diễn ra lễ tổng kết và trao giải cuộc thi sáng tác văn học về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" (2017-2020). Sau 3 năm phát động, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 120 bản thảo tham dự và hưởng ứng cuộc thi, khẳng định những đóng góp lao động sáng tạo của các tác giả sáng tác văn học trong và ngoài lực lượng CAND.

Cuộc thi kết thúc đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống lực lượng CAND (19/8/1945 - 19/8/2020), 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2020) là nguồn động viên các tác giả không ngừng say mê sáng tạo nhiều tác phẩm và công trình văn học có giá trị về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” phục vụ đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ công an, góp phần nâng cao uy tín của lực lượng Công an với bạn đọc cả nước.

Kết quả về tiểu thuyết: 2 giải A; 3 giải B; 4 giải C; 7 giải Khuyến khích. Về ký và truyện ký: 1 giải A; 2 giải B; 1 giải C; 1 Khuyến khích.

Hình tượng người chiến sĩ Công an lan tỏa

Dõi theo đề tài văn học CAND trong 75 năm qua, đã có nhiều tác phẩm đánh dấu vai trò, vị trí của hình tượng người chiến sĩ CAND. Các chuyên án, vụ án nổi tiếng của lực lượng CAND đã được các nhà văn khai thác, sáng tạo thành tác phẩm văn học có giá trị như: Chuyên án chống phỉ và phản động ở Hà Giang năm 1959 có tác phẩm “Bên kia cổng trời” của nhà văn Ngôn Vĩnh; “Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot dInville” của nhà văn Văn Phan viết về chiến công của người nữ anh hùng CAND cùng với tổ công tác đặc biệt đã lập chiến công ở biển Sầm Sơn; chuyên án chống gián điệp, biệt kích PI 27 được tái hiện đầy hấp dẫn trong tác phẩm “Yêu tinh” của nhà văn Hồ Phương; Chuyên án CM12 có tác phẩm “Đêm yên tĩnh” của nhà văn Hữu Mai; “Mật danh AZ” của nhà văn Phạm Thanh Khương viết về chuyên án BK63 gián điệp biệt kích ở Quảng Ninh.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chụp ảnh với đại biểu tham dự Lễ phát động cuộc thi (Hà Nội, tháng 8/2017).

“Cổ cồn trắng” của nhà văn Như Phong viết về những vụ án kinh tế điển hình, hay mới nhất trong cuộc thi lần này là chuyên án ma túy ở Lóng Luông, Sơn La cũng được nhà văn Phạm Thanh Khương khai thác để xây dựng nên cuốn tiểu thuyết có tên “Giáp mặt”...

Có thể khẳng định, sự ra đời của cuộc thi “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” đã dần trở nên gần gũi với giới sáng tác và có sức lan tỏa, thu hút được nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh sinh động các hoạt động của lực lượng CAND, xây dựng hình tượng người chiến sĩ CAND trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần đấu tranh với những quan điểm sai trái, cái nhìn thiên lệch, tiêu cực về người chiến sĩ CAND, nhất là trong giai đoạn hiện tại.

Thông qua các cuộc thi, nhiều cây bút mới đã thành danh. Nối tiếp thành công của 3 cuộc thi trước về số lượng tác giả tham dự cũng như chất lượng bản thảo nhận được, nét mới của cuộc thi lần thứ tư này là khuyến khích các tác giả đi sâu vào tìm hiểu, phản ánh những chiến công của lực lượng Công an trong đấu tranh tội phạm an ninh phi truyền thống, các loại tội phạm mới, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm về môi trường, ma túy, tội phạm lợi dụng công nghệ cao...

Trong khuôn khổ cuộc thi cũng đã tổ chức thành công 2 trại sáng tác văn học tại Hạ Long (Quảng Ninh) và Đồng Hới (Quảng Bình). Trong mỗi trại sáng tác, Ban Thường trực cuộc thi đã tổ chức tọa đàm văn chương về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Đây là diễn đàn văn chương về một đề tài mang tính chuyên biệt, các trại viên có thể chia sẻ kinh nghiệm viết của mình đến các đồng nghiệp, đồng thời học hỏi được kinh nghiệm từ những người khác (cách khai thác chất liệu đưa vào tác phẩm, kỹ thuật viết...).

Nhiều tác giả đã có tác phẩm gửi dự thi sớm và có chất lượng cao như các nhà văn Lương Sĩ Cầm, Nguyễn Đăng An, Laị Văn Long, Đỗ Xuân Thu, Nguyễn Như Phong, Phạm Thanh Khương, Nguyễn Trí, Phan Thế Cải, Đoàn Hữu Nam, Phong Điệp, Trầm Hương, Hồ Thủy Giang, Lê Ngọc Minh, Chu Thanh Hương...

Nơi các nhà văn gửi gắm tâm tư...

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đồng Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo cuộc thi khẳng định: “Đây là lần thứ tư Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”.

Nhìn lại chặng đường hơn 20 năm qua, khi phát động cuộc thi lần thứ nhất với hàng trăm tác phẩm dự thi, nhiều tác phẩm đã được giải thưởng, trong đó có tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, có sức lan tỏa rộng rãi trong công chúng yêu văn học. Qua đó, chúng ta thấy rằng, chủ trương phát động cuộc thi ngay từ ban đầu là hoàn toàn đúng đắn, có tầm nhìn xa, chẳng những đáp ứng nhu cầu trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài.

Các nhà văn tham quan thực tế tại cầu Hiền Lương (Quảng Trị, tháng 4/2019).

Với tất cả những gì đã đạt được, chúng tôi có thể khẳng định, đây là một cuộc phát động sáng tác văn học, một cuộc thi tài có giá trị thiết thực, vừa đề cao chủ nghĩa nhân văn, đề cao tấm gương cao đẹp xuất hiện trong cuộc chiến đấu thầm lặng vì những lý tưởng cao cả, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân của các chiến sĩ CAND".

Trong cuộc thi lần này, một số tác phẩm đã bắt kịp những chính sách đổi mới của Bộ Công an trong 5 năm qua và phản ánh một cách cụ thể trong tác phẩm. Nhà văn Phạm Thanh Khương với tiểu thuyết "Giáp mặt" đã khắc họa hình tượng người "Tư lệnh lực lượng", khẳng định vai trò, vị thế và sự chỉ đạo đúng đắn của Bộ trưởng Bộ Công an trong một chuyên án ma túy, là một câu chuyện có thật. Tác phẩm của Phạm Thanh Khương đã nêu rõ một trong những chủ trương đúng đắn của Bộ Công an "Bộ tinh - Tỉnh mạnh - Huyện toàn diện - Xã bám cơ sở".

Tác phẩm nêu bật được sự thành công của chuyên án, đó là biết cách xây dựng các cơ sở an ninh từ cấp thôn, bản, xã, nhằm đổi mới về nhận thức và thống nhất được sự chỉ đạo từ cấp Bộ xuống đến cấp cơ sở về việc nắm các đối tượng khi thực hiện các chuyên án. Có những hoàn cảnh khó khăn đưa con người ta vào con đường tội lỗi để thấy được cái nhìn mới trong công tác dân vận, sự nhân văn và tính chất khoan hồng của pháp luật. Gốc rễ chính là vai trò giữ gìn an ninh từ sức mạnh quần chúng tham gia từ cơ sở.

Nhà văn Phạm Thanh Khương chia sẻ, lần đầu tiên anh phác họa chân dung vị Bộ trưởng Bộ Công an và để viết được tác phẩm này, anh đã mất nhiều thời gian tìm hiểu tư liệu, dựa trên một số nét cơ bản anh nắm được về sự chỉ đạo chặt chẽ, tỉ mỉ từ thái độ tác phong cụ thể của một chuyên án chứ không phải là cách nhìn chung chung, bao quát, ví von...

Sự chỉ đạo từ cấp trên có vai trò quan trọng và đã thay đổi được nhận thức của cán bộ cấp dưới kể cả trong nhận thức và trong nghiệp vụ. Để thành công trong một chuyên án, đòi hỏi nhiều trí tuệ, cái tâm, cái dũng của các chiến sĩ CAND. Một yếu tố then chốt và một lần nữa, nhà văn khẳng định chủ trương chính sách hoàn toàn sáng suốt của Bộ Công an.

Cuộc thi cũng đã thu hút nhiều nhà văn trẻ trong và ngoài ngành tham gia. Nhà văn trẻ Chu Thanh Hương, một trong những người đoạt giải lần này đã chia sẻ: “Đây là lần thứ ba tôi tham dự cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký đề tài vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Từ “Hoa bay” năm 2010 đến “Phận liễu” năm 2020, 10 năm có lẽ không phải là một khoảng thời gian quá dài nhưng cũng đủ để tôi trưởng thành hơn theo năm tháng.

Chỉ có cảm xúc khi tác phẩm dự thi của mình được vào vòng chung khảo cuộc thi và phát hành đến tay độc giả là chưa bao giờ thay đổi. Giải thưởng của cuộc thi lần này càng có ý nghĩa vô cùng đặc biệt với tôi, bởi đây giống như là món quà tôi tự dành tặng cho 10 năm thanh xuân theo đuổi đam mê sáng tác của mình, đồng thời cũng là niềm tự hào vì một lần nữa tôi lại được viết về những người đồng chí đồng đội của mình trong cuộc chiến chống tội phạm, bảo vệ bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân”.

Nếu “Hoa bay” viết về đề tài buôn bán phụ nữ, “Bí ẩn Phụng Hoàng Sơn” viết về nạn cướp bóc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thập niên 90 và kéo dài đến hiện tại, thì “Phận liễu” là tiểu thuyết viết về cuộc chiến chống buôn lậu của vùng biên.

Thông qua cuộc đời thăng trầm, chìm nổi, từ một cô sơn nữ trở thành bà trùm buôn lậu khét tiếng vùng biên và hành trình tìm lại tình yêu trắc trở nhưng đã khắc sâu vào vận mệnh của Liễu “Tiền Tấn”, tiểu thuyết “Phận liễu” đã phần nào khắc họa lại cuộc chiến chống buôn lậu dữ dội và đầy biến động ở vùng biên. Tác phẩm cũng phản ánh những trăn trở, ưu tư về cuộc sống, về giá trị của tình yêu, tình bạn, tình thân trước sự cám dỗ của đồng tiền và những phẩm chất đáng quý của người phụ nữ sau muôn trùng dông bão.

Nhà văn Phong Điệp, một trong những nhà văn trẻ "chung thủy" với đề tài văn học CAND và đoạt giải cũng đã chia sẻ nguyện vọng: “Mong rằng trong thời gian tới, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các nhà văn, tác giả trong và ngoài lực lượng Công an, đặc biệt là các cây bút trẻ có thể phản ánh chân thực hơn nữa về lực lượng CAND thông qua các buổi thâm nhập thực tế, cởi mở trong chia sẻ thông tin; tiếp tục tổ chức các cuộc thi viết, các trại sáng tác chất lượng, hiệu quả; tạo điều kiện in ấn, phát hành... để ghi nhận, động viên, khuyến khích, phát hiện, bồi dưỡng các tác giả, nhà văn viết về đề tài CAND. Đồng thời, mỗi tác giả viết về đề tài văn học CAND cũng cần tìm hiểu, nghiên cứu, thâm nhập thực tiễn, nâng cao kiến thức, hiểu biết về lực lượng CAND và những vấn đề liên quan để viết nên những tác phẩm mang tính chiều sâu, phản ánh khách quan, chân thực, hấp dẫn về lực lượng CAND. Để văn học CAND tiếp tục là mảnh đất màu mỡ trên cánh đồng văn học Việt Nam, là nơi để những người chiến sĩ CAND gửi gắm tâm tư tình cảm, phản ánh khách quan, chân thực, toàn diện nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Trên nền tảng 75 năm xây dựng và trưởng thành của lực lượng CAND, văn học CAND, thông qua các tác phẩm đã tái hiện sinh động khí thế cách mạng của tầng lớp Nhân dân trong phong trào "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống", góp phần làm nên những chiến công, thành tích, xây dựng hình tượng cao đẹp của người chiến sĩ CAND.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.