“Sức mạnh Siberia”: Cuộc chơi lớn Nga – Trung

Thứ Ba, 10/12/2019, 16:01
Ngày 2-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giám sát việc khánh thành đường ống vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Siberia đến khu vực Đông Bắc Trung Quốc mang tên gọi “Sức mạnh Siberia”. Đây là thành quả rõ nét nhất từ chiến lược xoay trục sang châu Á của Nga khi bị các nước phương Tây bao vây cấm vận sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea.

"Mở van!" ông Alexei Miller, Chủ tịch Tập đoàn Gazprom của Nga tuyên bố tại lễ khánh thành đường ống "Sức mạnh Siberia" ngày 2-12 tại Sochi. Sau tuyên bố này, khí đốt của Nga từ các mỏ phía Đông Siberia đã vượt qua biên giới vào Trung Quốc. Đường ống mới này vận chuyển khí đốt từ các mỏ Chayandinskoye và Kovytka ở phía Đông Siberia, đi qua Hắc Long Giang, giáp biên giới Nga và đi vào Cát Lâm, Liêu Ninh, trung tâm ngũ cốc hàng đầu của Trung Quốc. Đường ống này sẽ được phía Trung Quốc hoàn thành nốt vào năm 2022-2023 để mang khí đốt đến Thượng Hải.

"Sức mạnh Siberia" hiện đã xây dựng được hơn 2.000 km. Khi hoàn tất, toàn bộ mạng lưới sẽ dài hơn 3.000 km. Dự án này đã huy động tổng cộng khoảng 10.000 người làm việc trong 5 năm, kể cả ở những khu vực nhiệt độ có thể rơi xuống -50°C.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin trao đổi văn kiện hợp tác.

Chi phí để xây dựng "Sức mạnh Siberia" được Gazprom ước tính là 55 tỷ đô la, với công suất vào năm 2022-2023 là 38 tỷ m3 mỗi năm, tương đương 9,5% lượng khí đốt tiêu thụ ở Trung Quốc. Giá cả mà Trung Quốc phải trả để có khí đốt của Nga thông qua đường ống mới vẫn được giữ bí mật. Cả ông Putin và ông Tập đều từ chối bình luận về giá cả mà Bắc Kinh phải trả theo hợp đồng.

Một số người chỉ trích đường ống này, cho rằng với chi phí khổng lồ như vậy, có thể dự án sẽ không bao giờ có lãi và mục tiêu của nó là chính trị - ngoại giao hơn là kinh tế. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của S&P Global Platts, chúng ta đang chứng kiến sự "hồi sinh" của ngành khí đốt Nga".

Đường ống dẫn khí đốt Nga-Trung được kèm theo một hợp đồng cung cấp khí đốt khổng lồ cho Trung Quốc, ước tính trị giá hơn 400 tỷ USD trong thời hạn 30 năm, được ký bởi Gazprom và CNPC của Trung Quốc vào tháng 5-2014 sau một thập kỷ đàm phán.

"Sức mạnh Siberia" mang lại lợi ích cho cả Trung Quốc và Nga. Nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc gia, Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết, đối với Nga, trong bối cảnh nước này đang chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ và EU tại thị trường châu Âu trong những năm gần đây, việc dẫn khí đốt tự nhiên đến Trung Quốc thông qua tuyến đường ống "Sức mạnh Siberia" đã mở ra thị trường khí đốt tự nhiên rộng lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mở ra một trang mới cho việc tăng cường xuất khẩu khí đốt của Nga sang phía Đông, tạo triển vọng về thị trường rộng lớn hơn, qua đó tạo cơ hội quý giá để đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo việc làm ở khu vực Viễn Đông của Nga.

Điều này cũng có ý nghĩa to lớn đối với việc thực hiện chính sách cân bằng xuất khẩu năng lượng của Nga đối với phương Đông và phương Tây, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường năng lượng quốc tế giữa Nga với Mỹ và các nước Trung Đông.

"Sức mạnh Siberia" là một hàng rào giúp Nga chống đỡ lại mối quan hệ đang ngày càng xấu đi với châu Âu. Cho tới nay, phần lớn lượng khí đốt của Nga có điểm đến hướng tới là phương Tây, thông qua các đường ống ở Ukraine. Nga và Ukraine nhiều năm qua tranh cãi về chi phí quá cảnh. Moscow thậm chí đã 2 lần dừng cung cấp khí đốt vào giữa mùa đông. Dự án này còn tăng cường sức mạnh cho Nga trong các cuộc đàm phán về hợp đồng khí đốt với các nước châu Âu. Nếu Nga có thể chuyển sản lượng khí đốt của mình sang phương Đông, phương Tây sẽ phải trả nhiều tiền hơn để được bảo đảm nguồn cung.

Bên cạnh đó, Nga có nhiều trữ lượng khí đốt lớn chưa khai thác ở vùng Viễn Đông, sát vách với Trung Quốc hơn là châu Âu. “Dự án này quan trọng đối với đất nước chúng ta và cũng quan trọng đối với Trung Quốc”, phát ngôn viên Dmitry Peskov của Tổng thống Putin nói, nhấn mạnh rằng dự án có thể tạo ra việc làm và cơ sở hạ tầng mới tại vùng Viễn Đông của Nga.

Đối với Trung Quốc, việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên ổn định, quy mô lớn "từ Viễn Đông và Siberia của Nga trong gần 3 thập kỷ giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng sạch và nhu cầu phát triển nền kinh tế trong nước. Theo một số nhà phân tích, việc vận hành tuyến đường ống dẫn khí đốt giúp cải thiện cấu trúc năng lượng của Trung Quốc, khiến nguồn nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc trở nên đa dạng hơn. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc tìm tới Nga cũng giúp họ giảm phụ thuộc vào nhà cung cấp khí đốt tự nhiên khác là Mỹ. Từ tháng 6-2019, Bắc Kinh quyết định nâng thuế nhập khẩu đối với LNG của Mỹ lên 25%. Mức thuế khiến lượng LNG nhập khẩu vào Trung Quốc từ Mỹ bị chững lại đáng kể. Với "Sức mạnh Siberia", Bắc Kinh hoàn toàn có thể mua khí đốt của Nga đề bù vào khoảng trống thiếu hụt mà Mỹ để lại.

Không chỉ là "Sức mạnh Siberia", Gazprom và Công ty CNPC của Trung Quốc hiện cũng đang đàm phán việc cung cấp khí đốt thông qua một tuyến đường phía Tây, được đặt tên là "Sức mạnh Siberia-2", có khả năng chạy từ phía Tây Siberia đến Novosibirsk và biên giới Nga-Trung. Một dự án chung khác sẽ bao gồm việc cung cấp khí đốt thông qua tuyến đường Viễn Đông từ mỏ Sakhalin.

"Sức mạnh Siberia" cũng có thể được Nga sử dụng để tăng vị thế của mình trên thị trường khí tự nhiên hóa lỏng toàn cầu. Ngoài đường ống trên, Nga sẽ sớm khởi động 2 đường ống khác nhằm đưa khí đốt tới châu Âu mà không đi qua Ukraine.

Đường ống TurkStream, mà ông Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dự kiến khai trương vào tháng 1-2020, sẽ vận chuyển khí đốt từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, đường ống Nord Stream-2, giúp tăng gấp đôi lượng khí đốt xuất khẩu của Nga tới Đức, dự kiến đi vào hoạt động giữa năm 2020.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.