TP HCM: Cuộc "đấu bóng" trên mảnh đất “Tam Giác Vàng”

Thứ Ba, 09/06/2009, 11:35
Việc liên danh Thái Sơn rút khỏi dự án đầu tư vào khu đất nằm giữa 3 con đường Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học thuộc trung tâm quận 1, TP HCM  được mệnh danh là “Tam Giác Vàng” gây chấn động giới đại gia bất động sản. Bởi trước đó, vấn đề tranh giành quyền lợi để đầu tư vào khu đất này được ví như một trận đấu bóng diễn ra tưởng chừng không có hồi kết.

"Kẻ tám lạng, người nửa cân"

Mở màn vòng loại cho chiếc “Cup vô địch League” mà phần thưởng là việc trúng thầu khu đất được mệnh danh là “tam giác vàng” trên đã có đến 27 nhà đầu tư và liên danh được xem là những “câu lạc bộ” cùng tham gia ứng thí. Để một giải đấu được xem là công bằng nhất, các “câu lạc bộ” sẽ tham gia thi đấu bằng chính năng lực của mình thông qua hình thức đấu thầu, thay vì chỉ định như trước đây.

Có lẽ phần thưởng quá lớn, quá hấp dẫn khiến các “câu lạc bộ” quyết tranh giành để không vuột mất cơ hội đầu tư vào mảnh đất được dự đoán chắc chắn sẽ đem về món lợi nhuận khổng lồ khi trúng thầu. Có diện tích 13.110m2, trên khu đất “tam giác vàng” sẽ có tòa nhà cao đến 55 tầng vươn lên ngạo nghễ, nhiều dự đoán có thể che khuất tất cả những tòa nhà chọc trời hiện hữu khác tại TP HCM với các hạng mục thương mại, khách sạn cao cấp, dịch vụ văn phòng...

TP HCM có đến 20 khu đất vàng, song đây là khu đất khiến các “câu lạc bộ” thèm thuồng hơn tất cả khi đạt được vinh dự ôm về cho mình chiếc “cup” này. Bởi thế, lắm chuyện đã xảy ra xung quanh trận đấu một mất một còn ở “vòng chung kết” của giải đấu.

Tuy có đến 27 “câu lạc bộ” cùng dự định ghi danh vào cuộc chơi, thế nhưng chỉ có 4 “câu lạc bộ” thật sự tự tin để tiến vào vòng trong cùng chơi trận đấu play-off là liên danh Thái Sơn, liên danh Khánh Gia, liên danh Lê Đại Nam và liên danh Ree – Hocico – Savimex. Cả 4 “câu lạc bộ” cùng phô trương sức mạnh “đỉnh cao” của mình khi đặt ra những mức thầu cao nhất có thể.

Song, trận cầu nào cũng phải có “kẻ tám lạng, người nửa cân” để vào đá một trận quyết tử giành lấy phần thưởng cao quý nhất. Theo quy định của “tổ trọng tài”, mức giá sàn để được lọt vào “trận chung kết” phải trên 4.700 tỉ đồng. Do đó, liên danh Thái Sơn và liên danh Khánh Gia được xác định khi mỗi “câu lạc bộ” đều có thể với tới chiếc “cup” vô địch.

Nhận định của “tổ trọng tài” về hai đối thủ này đều thỏa mãn tất cả điều kiện về kinh nghiệm, năng lực tài chính, ý tưởng đầu tư... Điểm số của liên danh Thái Sơn là 93,5 điểm và liên danh Khánh Gia là 88 điểm khi thang điểm được chấm ở mức 100. Hội đồng đấu thầu như là “tổ trọng tài” được coi là rất công tâm trong một trận đấu nảy lửa này nhưng vẫn làm đối thủ còn lại thất bại “không tâm phục khẩu phục”.

Liên danh Thái Sơn bất ngờ ghi bàn trước nhưng ngay sau đó  xuất hiện một số lời xì xào về việc có sự hậu thuẫn từ “Ban tổ chức” là UBND TP HCM. Bàn thắng được công nhận ở phút “đá bù giờ” khi liên danh Thái Sơn quyết định tăng mức hỗ trợ cho ngân sách thành phố từ 200 tỉ đồng lên 1.900 tỉ đồng để giành lấy “chiếc cup” quý giá.

Giá dự thầu mà Thái Sơn đưa ra chỉ ở mức 6.818 tỉ đồng. Trong khi đó, mặc dù liên danh Khánh Gia có giá dự thầu 7.148 tỉ đồng; trong đó mức đầu tư vào khu đất “tam giác vàng” của liên danh Khánh Gia là 6.752 tỉ đồng nhưng chỉ hỗ trợ ngân sách thành phố 360 tỉ đồng và hỗ trợ quỹ phúc lợi quận 1 là 36 tỉ đồng nên bị... xử thua cuộc (!?).

Uất ức, liên danh Khánh Gia kiện “Ban tổ chức” thiếu công bằng trong “trận cầu” nảy lửa ở trận chung kết trên. Sau đó, còn dọa đòi kiện ra Tòa án quốc tế được hình dung như “FIFA” để giải quyết khiếu nại. Đến lúc này, có một “VFF” là Thanh tra Chính phủ buộc lòng phải vào cuộc để giải quyết mâu thuẫn.    

“Đoản khúc buồn” và dư vị “chua”

Theo kết luận từ “VFF”, “Tổ trọng tài” được thành lập đã sai ngay về nguyên tắc hoạt động của mình. Việc tổ chức đấu thầu được thực hiện có nhiều sai phạm và khuất tất. “Ban tổ chức” tự ý áp dụng phương pháp thí điểm đấu thầu không thông qua Thủ tướng Chính phủ và chỉ báo cáo kết quả khi mọi sự đã rồi. Không những vậy, chính vì sự yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ hay vì lý do nào đó đã khiến kết quả đấu thầu thiên về hướng có lợi cho liên danh Thái Sơn.

“Tổ trọng tài” được ví như “thầy bói xem voi” khi có đến quá nửa số thành viên chưa có chứng chỉ đào tạo, chưa được bồi dưỡng về nghiệp vụ đấu thầu và không đủ điều kiện tham gia hoạt động đấu thầu. Thể hiện sự yếu kém của “Ban tổ chức” khi treo giải là không quy định thời hạn sử dụng đất, tính tiền sử dụng đất và xử lý tài sản trên đất...

Có ý kiến cho rằng, “bỗng dưng” liên doanh Thái Sơn đột ngột tăng số tiền hỗ trợ ngân sách thành phố từ 200 tỉ lên 1.900 tỉ đã khiến đối thủ còn lại là liên danh Khánh Gia “muốn khóc”... khi biết rằng mình thua thầu do số tiền hỗ trợ ngân sách ít hơn.

Hơn nữa, liên danh Thái Sơn bao gồm 8 nhà đầu tư, trong đó 4 đơn vị được thành lập chưa tròn 1 năm tuổi là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thái Sơn, Công ty Cổ phần BĐS BIDV Land, Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Ánh Dương và Công ty Cổ phần Đầu tư Chí Thành.

Trong khi đó, Ngân hàng BIDV được xem là nơi để liên danh Thái Sơn khẳng định mình có nguồn năng lực tài chính dồi dào nhất. Về năng lực quản lý, khai thác dự án BĐS thì Công ty Hanwha E&C là đủ năng lực trong liên danh Thái Sơn. Cũng cần nhấn mạnh, theo quy định của luật mời thầu thì các nhà đầu tư phải có ít nhất là 2 năm kiểm toán tính từ lúc tham gia đấu thầu.

Song điều đáng ngạc nhiên, phải chăng đây là lần đầu tiên tổ chức đấu thầu nên do sơ suất hay lý do gì khác, “Ban tổ chức” đã ban hành một số nội dung “không phù hợp” với quy định của pháp luật? Song, từ lý giải của “Ban tổ chức” thì 1 trong 8 công ty trong liên danh Thái Sơn có kiểm toán trên 2 năm nên thỏa mãn điều kiện đấu thầu.

Cuối cùng, “VFF” đưa ra 3 phương án để giải quyết sự vụ trên. Phương án nhanh gọn nhất hủy kết quả đấu thầu và cũng được xem là phương án sáng giá nhất của “trận cầu” quá tệ trên.

Hai phương án còn lại là hồ sơ dự thầu của liên danh Thái Sơn không đáp ứng được các quy định nên liên danh Khánh Gia trúng thầu, ngược lại chấp thuận phê duyệt kết quả đấu thầu của UBND TP HCM là cho liên danh Thái Sơn trúng thầu, kèm theo các điều kiện bổ sung.

Sự lựa chọn một trong hai “câu lạc bộ” trước một “trận cầu” mà cả “Ban tổ chức” và “Tổ trọng tài” đều có khiếm khuyết là quá khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng, hủy kết quả trận đấu trên là giải pháp tốt nhất cho cả “Ban tổ chức”, “Tổ trọng tài” và thể hiện tinh thần minh bạch, công tâm của “VFF”.

Trong khi chờ đợi Thủ tướng Chính phủ có phán quyết cuối cùng về ngôi vị “vô địch” từ kiến nghị của “VFF” thì đột nhiên, liên danh Thái Sơn rút khỏi cuộc chơi. Quyết định chấm dứt theo đuổi đấu thầu của liên danh Thái Sơn được xem là cứu cả “Ban tổ chức” lẫn “Tổ trọng tài” một bàn thua trông thấy khi trận đấu từ đầu đã có quá nhiều sai phạm.

Thế nhưng, còn lại “món nợ” 230 tỉ đồng mà liên danh Thái Sơn trót đặt cọc cho “Ban tổ chức” khi cứ ngỡ đã chắc chắn nắm trong tay gói thầu trên vẫn chưa có hồi kết. Đây có lẽ sẽ là “đoản khúc buồn” và là dư vị “chua” của một cuộc chơi giữa các “câu lạc bộ” khi mà “Ban tổ chức” cùng “Tổ trọng tài” thể hiện sự yếu kém.

Với mục đích đưa đến độc giả thông tin đa chiều về vấn đề này, lúc 8h sáng ngày 22/5, chúng tôi đã liên hệ đến Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thái Sơn theo số điện thoại 08.39973164. Nhân viên nam trực số máy trên thông báo cho chúng tôi: Ban giám đốc công ty đồng ý gặp chúng tôi vào lúc 9h cùng ngày.

Tuy nhiên, sau khi đến trụ sở của công ty tại số 282 đường Nguyễn Trọng Tuyển, phường 10, quận Phú Nhuận thì một nhân viên nữ lại thông báo: Ban giám đốc đã đi công tác.

Được biết, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thái Sơn là 1 trong 8 công ty trong liên danh Thái Sơn trúng thầu khu đất “tam giác vàng”.

Kinh Hữu - Đỗ Hưng
.
.