TP HCM: Khi thị dân biến thành… “ngư dân”

Thứ Hai, 10/11/2008, 15:15
Trung tuần tháng 10/2008, Ủy ban Phòng chống lụt bão TP HCM đã gửi thông báo khẩn về đỉnh triều cường, Bản tin số 412 của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đợt triều cường giữa tháng 10/2008 là đợt triều cường cao nhất kể từ đầu năm 2008. Nghĩa là, nhiều khu vực TP HCM lại chìm sâu trong biển nước...

TP HCM ngập nặng, không còn là chuyện lạ. Đã có không ít cuộc hội thảo, dự án chống ngập, nhưng hàng ngàn hộ dân sinh sống ở các quận Thủ Đức, Nhà Bè, chỉ nghe đến hai từ "triều cường" là kinh hãi...

"Phố bỗng là dòng sông uốn quanh"

Liên tiếp trong những ngày đầu, trung tuần và cuối tháng 10/2008, triều cường đã gây không ít hậu quả đối với TP HCM, đợt triều cường từ ngày 8 đến 12/10 được nhận định tuy không cao nhưng cũng đủ gây tràn và bể bờ bao ở nhiều địa bàn, hàng loạt bờ bao tại các rạch Ông Cụ, Cầu Kinh, Cầu Chợ, Rỗng Gòn, Lò Rèn, Ba Vinh, Cầu Lò Heo, Ông Tư Hổ, Chú Kỳ, Trùm Bích, rạch Giao Khẩu thuộc khu phố 1 và 3B phường Thạnh Lộc, quận 12... đã được địa phương gia cố nhưng vẫn bị tràn bờ.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, từ nay đến tết Kỷ Sửu năm 2009, các quận, huyện ven sông rạch và khu vực có địa hình trũng thấp còn phải ứng phó với 7 đợt triều cường, với đỉnh triều từ 1,4 đến mức lịch sử 1,49m.

Đêm 16 rạng sáng 17/10, triều cường tiếp tục dâng cao, gây ngập nặng hơn ngày 15/10. Triều cường dâng cao 40 đến 50cm làm nước tràn vào nhà dân. Không ít hộ dân phải thức trắng đêm để... tát nước, đồng thời xếp gạch, bao cát chắn nước...

Tại quận Thủ Đức, triều cường không gây bể bờ bao nhưng có đến 7 điểm tràn bờ. Tại phường Hiệp Bình Phước, tràn 3 đoạn: bờ bao sông Sài Gòn, nước theo đường cống và tràn bờ vào khu dân cư, ảnh hưởng đến đời sống khoảng 50 hộ dân; bờ bao rạch Bằng Hòn, tổ 5, khu phố 5, nước tràn bờ một đoạn dài khoảng 50m; bờ bao rạch Ụ Lò 2, nước cũng tràn bờ gây ngập.

Trên địa bàn huyện Củ Chi, bể bờ 3 đoạn, tràn bờ 2 đoạn, may mắn không ảnh hưởng đến khu dân cư; bờ bao rạch. Cùng thuộc tổ 5, ấp 2 bể một đoạn dài 2m. Nhiều tuyến đường thuộc các quận 5, 6, 7, 8, Bình Thạnh bị ngập sâu từ 30 đến 40cm (do triều cường quá cao) gây ùn tắc giao thông ở nhiều nơi, mọi hoạt động kinh doanh ở những tuyến đường ngập nước đều bị tê liệt...

Tại buổi tổng kết thiệt hại do triều cường gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão (BCH PCLB) TP HCM đã đánh giá, thiệt hại về kinh tế tính ra khoảng... 200 triệu đồng. BCH PCLB khẳng định sở dĩ có tình trạng ngoại thành ngập nặng và vỡ đê bao hàng loạt là do công tác phòng chống triều cường của địa phương còn thụ động.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, đây mới là những đợt triều cường cao đầu tiên, TP HCM sẽ chịu đựng một mùa triều cường những tháng cuối năm rất phức tạp, người dân chắc chắn phải "sống chung" và lo đối phó với... triều cường. Những vườn hoa kiểng trị giá hàng tỉ đồng của nhiều hộ dân trên địa bàn quận Thủ Đức có nguy cơ mất trắng.

Người dân nhiều khu vực ngoại thành TP HCM sống chung với ngập nước do triều cường đã là chuyện cơm bữa, cứ triều cường dâng, đê bao lại vỡ, lại ngập, nhưng họ lại không biết tự mình phải đối phó với "nạn" ngập do mưa và triều cường như thế nào, ngoài chuyện cuộc sống bình thường bị đảo lộn, đi lại khó khăn, người dân còn phải lo đối phó với các loại dịch bệnh.

Nhiều nơi trong nội thành, chỉ mưa thôi cũng đủ gây ngập. Người đi đường cứ phải lội bì bõm trên đường phố, xe gắn máy, xe hơi, xe nào cũng ngập ngang xe, thiệt hại về kinh tế không kể xiết, những hộ kinh doanh trên những con đường ngập nước chỉ biết than trời vì ế ẩm, đến sinh hoạt bình thường còn khó khăn, nói gì tới chuyện bán buôn...

Theo một thống kê của Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) TP HCM, hiện thành phố còn khoảng 100 điểm ngập. Nhưng đây là thống kê của cơ quan chức năng, con số những điểm ngập thực tế, vượt xa con số 100 này.

Giữa tháng 9/2008, sau vài cơn mưa lớn đã xuất hiện thêm nhiều điểm ngập mới ngay khu vực trung tâm TP HCM: Nguyễn Trãi (quận 1, quận 5), Lê Lợi, Nguyễn Cư Trinh (quận 1)... "Nạn" ngập nước ngày càng tiến dần đến trung tâm thành phố...

Trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP HCM giữa năm 2008, ông Trần Quang Phượng - Giám đốc Sở GT-VT khẳng định, tình trạng ngập nước hiện nay có ba nguyên nhân chính: do mưa, do triều cường, do mưa kết hợp với triều cường.

Sau nhiều dự án chống ngập, dường như diễn biến của tình trạng ngập nước lại ngày càng phức tạp. Không phải UBND TP HCM hay các cơ quan chức năng không nhìn ra vấn đề hay thiếu phương án khắc phục tình trạng ngập nước, nhưng có lẽ TP HCM chưa quyết liệt trong việc khắc phục tình trạng ngập nước do mưa và triều cường.

Trong báo cáo mới nhất của BCH PCBL TP HCM cũng thừa nhận đến nay chỉ mới hoàn thành khoảng 10 trên 151 công trình của năm 2008, còn lại 141 công trình thuộc 11 quận, huyện cần đẩy nhanh tiến độ thi công.

Theo quy hoạch tổng thể về thoát nước cho TP HCM từ năm 2001 đến 2020 tiêu tốn khoảng 40.000-60.000 tỉ đồng. Từ đó đến nay, TP HCM đã tốn khoảng 5.000 tỉ đồng cho các dự án về thoát nước.

Những ngày cuối tháng 10-2008, mực nước hạ lưu các sông Sài Gòn - Đồng Nai đã lên dần và đạt đỉnh 1,42m. Đợt triều cường này kết hợp với mưa to, xả tràn của các hồ chứa trên thượng nguồn gây ngập úng trên diện rộng kéo dài ở TP HCM.

 "Để gia cố khẩn cấp cho những đoạn bờ bao dễ vỡ, BCH PCBL TP HCM đã xin thành phố chi 4,3 tỉ đồng, nhưng đến nay sau 3 lần đề xuất, thành phố vẫn im hơi lặng tiếng", ông Phạm Viết Thắng, Phó chi cục trưởng Thủy lợi TP HCM cho biết như vậy khi trao đổi với giới truyền thông.--PageBreak--

TP HCM hết ngập chờ đến bao giờ?

Cách đây không lâu, Viện Kinh tế TP HCM, UBND TP HCM và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) đã công bố rộng rãi dự án "Quy hoạch thủy lợi phục vụ việc tìm kiếm giải pháp chống ngập lụt cho TP HCM". Đây gần như là dự án cứu cánh cho tình trạng chống ngập lụt trên địa bàn TP HCM. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều vấn đề cần phải bàn đến để nhìn nhận rõ bản chất của vấn đề ngập tại TP HCM.

Vẫn với mục tiêu quan trọng nhất là chống ngập lụt cho TP HCM, tuy nhiên với dự án này thì có vẻ chuyện chống ngập cho TP HCM vẫn đang ở thì... tương lai. Theo Tiến sĩ khoa học Lê Long, thì mục tiêu dự án đã được xác định rõ ràng, nhưng cần nêu thêm một mục tiêu quan trọng nữa là sự kết nối giữa công trình chống ngập của thành phố với công trình chống ngập chung toàn quốc.

Trẻ em thị dân biến thành..."ngư dân".

Nếu không xem xét vấn đề này có khả năng trong tương lai sẽ xảy ra tình trạng cống chồng lên cống, bao chồng lên bao hoặc cống bao chống lại những công trình chống triều cường khác.

Đây là khả năng rất dễ xảy ra, bởi gần như nhiều ban, ngành tại TP HCM có "truyền thống" thi công cẩu thả, đường cáp quang nằm chen đường nước... nên hôm nay đơn vị này đào lên sửa, ngày mai đơn vị khác tiếp tục xới mặt đường vừa mới được thiết lập lại để... sửa tiếp.

Một ý kiến khác trong dự án nêu ý kiến, TP HCM 20 năm trở về trước tình trạng ngập lụt do mưa không nghiêm trọng vì không gian lúc đó còn thông thoáng. Nước mưa vẫn có đường thoát nhanh ra kênh rạch hoặc sông.

Hiện tại thì hoàn toàn khác, vì TP HCM đã không thể còn khu trữ nước trong các vùng dân cư, bờ bao ngăn nước còn tạm bợ, lộn xộn. Điều quan trọng hơn cả là việc xây dựng và nâng cấp công trình hạ tầng cơ sở đã làm cản trở việc thoát nước mưa. Đấy chính là những nguyên nhân chính gây ngập lụt sau mưa.

Thực tế rất dễ nhận thấy, sau mỗi trận mưa, nước trong kênh rạch tại các khu vực nội thành lên cao và tiêu thoát rất chậm, bởi kênh mương bị thu hẹp do lấn chiếm từ các khu nhà tạm lẫn các công trình công cộng. Điều này cản trở dòng chảy mặt, làm giảm khả năng tiêu thoát nước từ kênh ra sông, kéo theo là chất thải gây ô nhiễm cho môi trường nước và môi trường sống.

Vẫn ý kiến này cho thấy sự bất cập bởi quan điểm tách riêng quy hoạch tiêu thoát nội thị, nội đồng với quy hoạch chống ngập lụt tại TP HCM thành 2 quy hoạch riêng biệt là điều bất hợp lý cả về lý luận lẫn thực tiễn.

Điểm yếu khác nữa trong dự án này chính là dự án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP HCM đã không xây dựng bản đồ ngập lụt theo quan điểm khoa học và thực tế mà chỉ dựa vào bản đồ ngập lụt của Chi cục Thủy lợi và PCLB TP HCM xây dựng từ năm... 2003.

Đây quả là điều hết sức khó hiểu, bởi tại TP HCM bao giờ điểm ngập lụt năm sau cũng đều cao hơn năm trước. Điều khó hiểu nhất là sau mỗi lần UBND TP HCM hô hào chống ngập thì tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố lại diễn biến phức tạp và càng nặng nề hơn.

Dự án đã phân TP HCM và khu vực lân cận thành 3 vùng để kiểm soát lũ, triều. Vùng I bao gồm toàn bộ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn kể cả Cần Đước - Cần Giuộc của Long An. Vùng II là khu vực ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn đến Bình Dương và Đồng Nai.

Vùng III bao gồm khu vực bờ tả sông Nhà Bè - Soài Rạp. Tuy nhiên, trong dự án không nêu ra tiêu chí để phân vùng nên không có cơ sở để đánh giá. Thế nên, có thể nhận thấy một vùng đô thị phát triển (nội thành TP HCM) lại được ghép với một vùng nông nghiệp như vùng I là điều bất hợp lý. Bởi tần suất chống lũ và mức độ xử lý nước thải cho vùng đô thị khác hẳn với vùng nông nghiệp.

Trong một hội nghị chuyên đề do HĐND TP HCM tổ chức về chống ngập trên địa bàn TP HCM. Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Đào Xuân Học cho biết, ngập lụt diễn ra mỗi năm làm thiệt hại từ khoảng 1.500 đến 2.000 tỉ đồng. Con số thiệt hại này cao gấp hàng trăm lần thiệt hại do BCH PCLB TP HCM đánh giá.

Còn theo đại biểu Phạm Minh Trí, đây là quy hoạch chống ngập úng nên phải đồng bộ, gắn với các vùng nhưng rất tiếc quy hoạch lại quá chú trọng đến chống ngập do triều, lũ mà... bỏ qua nước mưa.

 "Không cần mưa lớn, mưa lâu, không cần nói đến thủy triều, hễ mưa xuống là ngập. Người dân bình thường, không am hiểu khoa học cũng biết chuyện này. Vậy tại sao không đặt chiến lược chống ngập do mưa và lũ trước, sau đó hãy giải quyết căn cơ là chống ngập vì triều?", ông Trí thắc mắc.

Ông Trịnh Công Vấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng thủy lợi II - thành viên nhóm nghiên cứu - giải thích: "Không phải khi thực hiện xong đề án quy hoạch thủy lợi này thì thành phố đương nhiên hết ngập bởi việc đó còn phải xem năng lực, hệ thống cống thoát nước của thành phố nữa.

Tuy nhiên, hệ thống cống kiểm soát triều mà quy hoạch nêu ra sẽ làm cho mực nước của tuyến thoát nước cấp 1 (các kênh, rạch chính) thấp hơn so với bình thường. Khi đó, dung tích chứa nước của kênh rạch sẽ tăng lên và sẽ không gây ngập".

Cũng trong hội nghị này, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, hiện toàn thành phố có 100 điểm ngập, trong đó có 61 điểm khu vực nội thành sẽ được giải quyết vào năm 2011.

Nhưng phải thực hiện được quy hoạch thủy lợi với kinh phí dự toán từ 500 đến 700 triệu USD, bài toán ngập của thành phố mới được giải quyết căn cơ

Thuận Thiên-Kinh Hữu
.
.