TP HCM bảo tồn kiến trúc cổ: Đã nóng nhưng chưa đủ… chín!
- Vụ sập biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo: Ai phải chịu trách nhiệm?
- Sức khỏe nạn nhân vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo tiến triển tốt
- Di chuyển toàn bộ hộ dân ra khỏi nhà cổ bị sập tại phố Trần Hưng Đạo1
- Đau thương vụ sập biệt thự Pháp cổ
- Công tác cứu hộ, cứu nạn vụ sập nhà cổ đã hoàn tất
- Vụ sập ngôi nhà cổ ở phố Trần Hưng Đạo: 2 người đã tử vong
- Giải cứu thêm một nạn nhân trong ngôi nhà cổ bị sập
- Những hình ảnh cứu hộ tại hiện trường vụ sập ngôi nhà cổ
- Đã tìm ra nguyên nhân vụ sập nhà cổ tại phố Trần Hưng Đạo
Qua đó, cho thấy công tác bảo tồn các công trình kiến trúc cổ ở TP HCM hiện nay còn nhiều điều đáng nói.
Bị lãng quên?
TP HCM có lịch sử phát triển trên 300 năm, trong suốt chiều dài lịch sử hơn 3 thế kỷ đó có nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có những công trình kiến trúc được xây dựng khác nhau. Giai đoạn 1859 - 1954, người Pháp chọn quận 1, quận 3 xây dựng những công sở, khu biệt thự dành cho công chức Pháp và người bản địa có địa vị xã hội và giàu có. Kiến trúc mang phong cách phương Tây kết hợp hài hòa với văn hóa phương Đông và văn hóa bản địa. Sài Gòn lúc bấy giờ cho thấy có sự đầu tư nghiêm túc, bài bản, xây dựng cảnh quan kiến trúc hài hòa, tạo được bản sắc đô thị.
Giai đoạn 1954 - 1975, Sài Gòn chịu ảnh hưởng văn hóa Âu Mỹ. Các công sở, biệt thự hình thành trong giai đoạn này chủ yếu dành cho các chuyên gia, cố vấn cao cấp và các quan chức chế độ cũ ở Sài Gòn. Một lối kiến trúc hiện đại, mang bản sắc đô thị với hình thái kiến trúc đặc trưng đó là kiến trúc nhiệt đới.
Cho dù ở giai đoạn nào, dưới góc độ xã hội nó là tài sản văn hóa, lịch sử, lưu giữ những giai đoạn lịch sử phát triển nhất định không thể tách rời của thành phố. Do vậy, việc bảo tồn các công trình kiến trúc này được xem là rất quan trọng. Thế nhưng từ năm 1990 trở về trước, do đời sống kinh tế quá khó khăn, công tác bảo tồn dường như bị lãng quên. Sau năm 1990, đất nước đổi mới, đến lúc này cái bụng đã no, cái thân đã ấm người ta mới chợt ngoảnh lại để hưởng thụ cái đẹp thì hỡi ôi hầu hết kiến trúc cổ đã xuống cấp, một số không biết biến mất tự lúc nào?
Nhưng cũng rất may, vào thời điểm Sài Gòn 300 năm, UBND TP HCM chỉ đạo bảo tồn một số công trình kiến trúc cổ, kể từ đó công tác bảo tồn có được quan tâm hơn. Cụ thể là vào năm 2003, thành phố đã tiến hành điều tra toàn diện các công trình kiến trúc cổ trên địa bàn có niên đại tạo lập 100 năm trở lên.
Kết quả điều tra cho thấy, các công trình kiến trúc cổ của thành phố hiện nay có 2 loại: loại công trình kiến trúc cổ được công nhận Di sản quốc gia thì do Luật Di sản bảo vệ; loại công trình kiến trúc có giá trị nhưng chưa được công nhận di sản thì do thành phố bảo tồn.
Giáo sư Larry Berman và Ban Giám đốc khách sạn Continental gắn bảng đồng trước phòng 307, nơi làm việc của nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn. |
Hiện nay có khoảng trên dưới 90 công trình, địa điểm được cho là đủ tiêu chí xếp hạng di tích. Các đối tượng này (công sở, nhà ở, cầu đường…) cũng đã được thành phố kiểm kê và đưa vào kế hoạch bảo tồn. Tuy nhiên, các đối tượng thuộc diện được bảo tồn này đang gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục, tài chính… Chẳng hạn như khu vực quận 1 và 3, nơi tập trung nhiều biệt thự cổ tư nhân nằm trong diện này.
Song, có một thực tế là các ngôi nhà cổ tư nhân đa số thuộc sở hữu gia đình nên công tác bảo tồn luôn gặp khó khăn. Vì xung đột bởi lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội. Câu hỏi đặt ra ở đây là bảo tồn họ được lợi gì? Trong khi Nhà nước chưa có chính sách hợp lý cho họ? Đây cũng là lý do mà nhiều nhà cổ tư nhân trong thời gian qua bị tự ý phá bỏ hoặc chuyển công năng.
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển TP HCM, cho biết đến nay mới xúc tiến thành lập Hội đồng Bảo tồn cho từng loại di tích, nhưng cũng đang vướng rất nhiều thứ, chủ yếu là thủ tục hành chính. Do vậy có thể nói công tác bảo tồn di sản đến nay chưa thật sáng sủa.
Ký ức dần mai một
Tại TP HCM, ngoài các ngôi nhà cổ dân dụng hiếm hoi hiện nay được chủ nhân chăm chút gìn giữ, bảo tồn còn khá nguyên vẹn, còn có rất nhiều biệt thự cổ khác được chính quyền trưng dụng làm công sở có tuổi đời xây dựng cách nay xấp xỉ 100 năm, như trụ sở Tòa án thành phố, UBND và HĐND quận Bình Thạnh, Sở Thông tin - Truyền thông, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố…
"Công năng của các công trình công cộng này được khai thác một cách tối đa, song công tác bảo tồn chưa thật sự đúng mức" - một kiến trúc sư được yêu cầu giấu tên nói. Nhìn bên ngoài các công trình này tuy chưa thấy có dấu hiệu xuống cấp đến mức nghiêm trọng, đe dọa cho những người làm việc thường xuyên ở đây. Nhưng bên trong các mảng tường, cốt thép tưởng chắc chắn kia chưa ai dám khẳng định chúng sẽ tồn tại một cách an toàn, vì đến nay chưa có một kết quả khảo sát, thẩm định tuổi thọ của hầu hết các tòa công sở này được đưa ra, hoặc khuyến cáo một cách cụ thể.
Trong khi phần lớn những tòa công sở này trên lý thuyết đã hết niên hạn sử dụng. Chính điều này càng khiến cho nhiều người tỏ ra lo âu khi sống, làm việc trong những tòa công sở này, nhất là sau sự cố sập biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội mới đây.
Mấy ngày qua cũng từ đây dấy lên những cuộc tranh luận không chính thức giữa những người có trách nhiệm quản lý xã hội: đập bỏ những tòa nhà cổ đang dùng làm công sở, hoặc di dời tất cả những người đang làm việc tại các nơi này ra ngoài, vì sự an nguy của họ?
Theo thăm dò dư luận của chúng tôi, cuộc tranh luận sẽ không có hồi kết nếu như không có một "trọng tài" được cho là đủ quyền năng và đủ tư cách chịu trách nhiệm trước xã hội đưa ra quyết định cuối cùng. Do vậy, quyết định đập bỏ hay di dời để bảo tồn khẩn cấp các tòa nhà cổ quá niên hạn sử dụng này được dự báo sẽ là câu chuyện dài của các nhà quản lý thiếu "dũng cảm".
Về phía người viết, chúng tôi cho rằng lâu nay người ta nói nhiều đến việc xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc, tiên tiến, hiện đại cho các đô thị Việt Nam, nhưng có một nghịch lý là những gì từng đem lại bản sắc độc đáo cho một hòn ngọc Viễn Đông ngày xưa, ít nhiều còn tồn tại đến nay thì đang dần bị phá hỏng bởi các công trình cao tầng hiện đại, vô cảm với khung cảnh lịch sử xung quanh.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đã từng nói đại ý như vậy tại Hội thảo Định hướng phát triển bản sắc không gian trung tâm TP HCM trong thế kỷ XXI, diễn ra cách đây chưa lâu.
Theo đó, việc xác định khu trung tâm lịch sử của thành phố là rất cần thiết. Giả dụ như lấy trục đường Đồng Khởi kéo dài từ nhà thờ Đức Bà đến khách sạn Majestic, trong đó bao gồm tòa nhà Bưu điện thành phố, Trường Trần Đại Nghĩa, khách sạn Continental… làm điểm nhấn.
Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, một công trình kiến trúc nghệ thuật nằm trong diện được bảo tồn. |
Trong khu vực lịch sử này, thành phố cần đưa ra chính sách cụ thể hướng dẫn việc xây mới hoặc cải tạo các công trình kiến trúc, để tránh tình trạng các công trình cao tầng hoặc nhà phố xây mới không phù hợp, làm hỏng bản sắc các công trình di sản. Trong chu vi trung tâm lịch sử, người dân phải được hưởng những chính sách ưu đãi đặc biệt khi bảo tồn hoặc cải tạo theo các quy định hướng dẫn.
Thật sai lầm cho những ai nghĩ rằng bảo tồn không đem lại lợi ích kinh tế. Kinh nghiệm thực tế tại các nước cho thấy, ngoài ý nghĩa văn hóa xã hội, lợi ích đem lại từ nguồn thu du lịch, thương mại thường rất cao nếu như có chiến lược bảo tồn đúng đắn.
Không ở đâu xa, phố cổ Hội An đã và đang chứng minh những giá trị mang lại từ việc làm tốt công tác bảo tồn di sản của địa phương mình. Bởi hơn 65% GDP của Hội An là từ dịch vụ - du lịch và thương mại mang lại, xấp xỉ với các trung tâm du lịch lừng danh trên thế giới.
Khoảng chục năm trở lại đây, nhiều tòa nhà mới đã được xây dựng trên trục đường Đồng Khởi, tuy mang lại vẻ hiện đại nhưng cũng làm mất đi giá trị lịch sử vốn có của nó. Công viên nhỏ Chi Lăng, tòa nhà Eden, quán cà phê Givral… nổi tiếng một thời, bây giờ nhiều người trẻ đã không còn biết đến. Trong khi ở bất kỳ lứa tuổi nào, những công trình kiến trúc có tuổi đời từ 100 năm vẫn luôn hấp dẫn họ ở nhiều góc độ khác nhau: kiến trúc nghệ thuật, dấu ấn lịch sử...
Ở góc độ này, khách sạn Continental Saigon được xem là rất khôn ngoan, sau nhiều lần trùng tu vẫn giữ lại kiến trúc cũ. Sẽ có người cho rằng do thiếu tiềm lực đầu tư, người viết khẳng định chắc chắn không phải vậy, cái chính là họ nhận ra "thương hiệu văn hóa" làm nên tên tuổi của Continental hơn 100 năm qua kể từ khi đi vào hoạt động năm 1880.
Cùng với đó còn lưu giữ các ký ức về sự kiện từng diễn ra ở đây, những nhân vật lừng danh thường lui tới chốn này, rồi cảnh quan, giá trị lịch sử… Trong đó có những nhân vật nổi tiếng như nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore (đoạt giải Nobel văn chương 1913), văn hào Pháp André Malraux, văn hào Anh Graham Greene, nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn cũng từng có phòng làm việc tại khách sạn này.
Trước cửa phòng làm việc của ông Phạm Xuân Ẩn ngày nay, khách sạn cho đóng một tấm bảng bằng đồng để ghi nhận nơi một thời lưu dấu tên tuổi nhà tình báo huyền thoại của Việt Nam, một nhân vật được giáo sư sử học Larry Berman gọi là "Điệp viên hoàn hảo".
Việc khai thác các giá trị di sản văn hóa tuy vô hình, nhưng rất bền vững, vì nó tác động vào tình cảm con người, tiếp nối ký ức qua nhiều thế hệ.