TPP tái khởi động mạnh mẽ

Thứ Tư, 15/11/2017, 14:17
Những tưởng sau khi Mỹ rời bỏ, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ “chết” nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm của các quốc gia còn lại, tại APEC 2017 được tổ chức ở Đà Nẵng, Việt Nam, TPP đã hồi sinh và đạt được những bước tiến quan trọng.

Tuy nhiên, để hiệp định này đi vào đời sống thì còn cả một quãng đường dài mà các nước thành viên cần phải đoàn kết mới vượt qua được.

TPP do chính quyền Tổng thống Barack Obama “chủ xị” và đã ký tham gia nhưng khi ông Donald Trump lên thay vào tháng 1-2017 thì ngay lập tức rút khỏi hiệp định này vì cho là không có lợi cho nước Mỹ. Washington rút, TPP như rắn mất đầu, người ta nghĩ rồi hiệp định này cũng sẽ chết yểu như bao hiệp định thương mại khác vì chỉ riêng Mỹ đã chiếm tới 69% tổng sản phẩm nội địa GDP của toàn bộ các nước trong TPP.

Hơn nữa, TPP quy định là phải có ít nhất 6 quốc gia đại diện cho 85% GDP của toàn khối phê chuẩn, thì hiệp định này mới có hiệu lực. Với quy định như vậy thì TPP bắt buộc phải có sự tham gia của Mỹ. Nay nước này rút đi thì các nước còn lại sẽ phải thương lượng lại về quy định này. Nhưng không, ngày 21-5-2017, sau phiên họp Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) cấp bộ trưởng diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam, các nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đồng ý nghiên cứu các phương thức để duy trì TPP dù Mỹ quyết định rút khỏi hiệp định.

Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi họp báo công bố việc TPP-11 đạt thỏa thuận cốt lõi bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, ngày 11-11.

Nhật Bản, nước đầu tiên trong nhóm đã phê chuẩn TPP, trở thành động lực đi đầu trong cố gắng “hồi sinh” bản hiệp định tự do mậu dịch này. Trước cuộc họp ngày 21-5, Nhật Bản đã được New Zealand tiếp sức sau khi Wellington phê chuẩn hiệp định này.

Để rồi đến đêm 10-11-2017 bên lề diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam, 11 nước thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương không có Mỹ (TPP-11) nhất trí với nhau về các “yếu tố cốt lõi” của thỏa thuận, một số khía cạnh còn bất đồng được gạt sang một bên để thương lượng thêm, trong đó có lĩnh vực văn hóa và giải quyết tranh chấp.

Tại cuộc họp báo sáng 11-11-2017, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh, mở đầu cuộc họp báo với sự tham gia của Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi, thông báo rằng các bộ trưởng của 11 nước đã thống nhất những vấn đề cốt lõi của hiệp định mới theo hướng giữ nguyên các nội dung của hiệp định TPP cũ, “nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để đảm bảo sự cân bằng trong bối cảnh mới”.

Ông cũng cho biết Hiệp định TPP-11 giờ có tên chính thức là “Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership”, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là CPTPP.

“Chúng tôi cho rằng những đoạn đường khó khăn nhất chúng ta đã đi qua và có thể nói đang đến rất gần với một Hiệp định TPP-11”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói với các phóng viên.

TPP chính thức được ký kết tại Auckland, New Zealand tháng 2-2016.

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết ông hy vọng rằng xúc tiến hiệp định thương mại này sẽ là một bước tiến tới việc đưa Mỹ quay trở lại. Xin nói thêm là trong bản tuyên bố ngày 21-5-2017 của các bộ trưởng kinh tế, thương mại các nước tham gia TPP có hai nội dung quan trọng. Một là làm sao để hiệp định sớm có hiệu lực cho khối TPP-11, mà thời điểm dự trù là vào năm 2018.

Điểm thứ hai cần chú ý là tạo điều kiện để cho một nước đã ký kết thỏa thuận, nhưng sau đó rút ra, có thể quay trở lại. Điểm thứ hai này được cho là nhằm để ngỏ cửa cho Mỹ trở lại vào khối nếu chính quyền Donald Trump thay đổi ý kiến.

Để đạt được đồng thuận về việc xúc tiến hiệp định này vào ngày 10-11, 20 điều khoản của hiệp định nguyên thủy sẽ bị đình chỉ, ông Motegi cho biết. Trong số những điều khoản của Hiệp định TPP nguyên thủy có những điều khoản đề ra những tiêu chuẩn cao trong những lĩnh vực như môi trường, quyền người lao động và quyền sở hữu tài sản trí tuệ - một trong những điểm khúc mắc lớn sau khi Mỹ rời đi.

Kể cả không có Mỹ, việc tham gia TPP-11 của Việt Nam vẫn có lợi.

Thực tế, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP, có “những khó khăn nhất định” để tiếp tục duy trì hiệp định với những tiêu chuẩn cao như vậy “trong những điểm cân bằng mới về quyền lợi, lợi ích và nghĩa vụ cam kết của các thành viên”. Ông Motegi nói thêm rằng đã có “một quan điểm thực tiễn hơn” để đảm bảo khả năng thực thi và tính hiệu quả đối với 11 quốc gia còn lại của TPP, và quan điểm này đã đưa các nước tới thỏa thuận về những vấn đề cốt lõi của TPP-11.

Thỏa thuận của TPP-11 cũng gặp phải chút khó khăn từ phía Canada nhưng sau đó mọi khúc mắc đã được giải đáp. Tại Đà Nẵng tuần qua, đàm phán về TPP-11 có lúc tưởng đã đi vào bế tắc sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau bất ngờ không đến dự cuộc họp của các lãnh đạo TPP-11 vào tối 10-11. Sau khi 2 Bộ trưởng Thương mại của Việt Nam và Nhật thông báo đạt thỏa thuận về TPP, Bộ trưởng Thương mại Canada Francois-Philippe Champagne đã hoan nghênh những tiến bộ đạt được, nhưng phía Canada trong một thông cáo cũng đã nhấn mạnh là “vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết”. Canada vẫn có 2 bất đồng lớn về hiệp định này, đó là về quyền sở hữu trí tuệ và các miễn trừ văn hóa.

Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, ngày 11-11 tuyên bố còn nhiều việc phải hoàn tất đối với Hiệp định TPP-11.

Nhưng trong các phiên họp ban đầu về TPP-11, Nhật Bản vẫn dứt khoát không chấp nhận bất cứ một sự biệt đãi nào về văn hóa. Canada có phần lưỡng lự vào phút chót nhưng cuối cùng cũng chấp thuận đề nghị của Nhật. Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, ngày 11-11 tuyên bố còn nhiều việc phải hoàn tất đối với Hiệp định TPP mà 11 nước nhất trí theo đuổi dù không có Mỹ.

Phát biểu với phóng viên về TPP, Thủ tướng Canada nhấn mạnh: “Vẫn còn nhiều việc quan trọng phải làm để đảm bảo đạt được thỏa thuận tốt nhất cho đất nước và người dân Canada”. Canada, nước có nền kinh tế lớn thứ hai trong số các nước TPP còn lại sau Nhật Bản, trước đó nói rằng họ muốn đảm bảo có một thỏa thuận mà sẽ bảo vệ công ăn việc làm.

Một khó khăn đối với Canada và Mexico là cả hai vừa đang đàm phán TPP vừa đang trong giai đoạn thương thảo lại Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ với Mỹ, nghĩa là nhiều vấn đề tương tự đang được đặt lên hai bàn đàm phán riêng biệt. Tuy nhiên, ông Trudeau ngày 11-11 cho biết thêm rằng thương lượng với Mỹ về Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ NAFTA không làm ảnh hưởng quan điểm của Canada trong các cuộc thảo luận về TPP với khu vực châu Á.

Toàn bộ 11 quốc gia tham gia TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, đều nằm trong khối 21 nước thành viên của APEC.

Ngoài ra, theo các nhà quan sát, một vấn đề dù xa xôi nhưng liên quan đến 2 nước đầu tàu trong việc hồi sinh TPP là Nhật Bản và New Zealand. Cho đến nay, Nhật Bản được cho là không muốn mở cửa TPP đón Trung Quốc, và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vẫn nuôi hy vọng là Mỹ sẽ hồi tâm chuyển ý và quay trở lại TPP. Trong lúc đó, New Zealand - một nước có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc - lại muốn lôi kéo người khổng lồ này vào TPP.

Các nước tham gia TPP-11, không có Mỹ.

Sau cuộc họp của các bộ trưởng kinh tế, thương mại APEC hồi tháng 5-2017 tại Hà Nội, Trưởng đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, trong một buổi họp báo nói rằng nước này vẫn kiên quyết không quay lại Hiệp định TPP và khẳng định "không gì có thể thay đổi được quyết định này”. Washington ưu tiên các hiệp định song phương với các nước trong vùng, vì theo ông Robert Lighthizer, "đối với Mỹ, đàm phán song phương có lợi hơn là đàm phán đa phương".

Để có hiệu lực, Hiệp định TPP-11 phải được các nước thành viên phê chuẩn từ giờ đến tháng 3-2018. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau khi 6 trong số 11 nước thành viên phê chuẩn. Hiện mới có Nhật Bản và New Zealand thông qua.

Riêng đối với Việt Nam, dù không còn Mỹ, TPP vẫn có lợi cho nền kinh tế và tiến trình cải tổ. Đúng là nếu có Mỹ trong TPP, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia hiệp định vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm đến 22,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ hai, kinh tế 2 nước bổ sung cho nhau, chứ ít có mặt cạnh tranh với nhau. Thị trường Mỹ là thị trường hết sức rộng lớn, bởi vì những sản phẩm mà Mỹ xuất khẩu thì Việt Nam chưa làm được, và những sản phẩm mà Việt Nam xuất khẩu thì Việt Nam làm có lợi hơn là Mỹ làm. Cho nên hợp tác kinh tế Việt - Mỹ là hai bên cùng có lợi, có tác động tích cực cho cả hai bên. Nhưng ngay cả khi Mỹ rút đi, Việt Nam vẫn có lợi về kinh tế với 10 thành khác của TPP-11.

M.T. (tổng hợp)
.
.