Tác giả “Bóng làng” – Trần Quốc Quân: Đi xa để trở về

Thứ Ba, 09/05/2017, 10:55
Đột ngột xuất hiện trên văn đàn với "Tuyết hoang" - cuốn tiểu thuyết về cộng đồng người Việt trên đất nước Ba Lan, đúng 3 năm sau, Trần Quốc Quân tiếp tục hội ngộ bạn đọc với tập truyện liên hoàn "Bóng làng".

Xoáy sâu vào những góc khuất cuộc sống của người Việt nhưng Trần Quốc Quân cũng chia sẻ rất thật rằng, hầu hết các nhân vật trong tác phẩm của anh đều có bóng dáng của chính mình và bạn bè.

3 năm trước, cầm cuốn tiểu thuyết "Tuyết hoang" cùng lời giới thiệu: đây là  tác phẩm đầu tay của một Việt kiều, doanh nhân thành đạt, có lẽ không ít người, trong đó có tôi không khỏi nghi ngại về một dạng sách được xuất bản bởi những người... "thừa" tiền của đang khao khát kiếm tìm danh vọng?

Có lẽ, với phần lớn bạn đọc ngày ấy, sức hấp dẫn ban đầu của "Tuyết hoang" là những thông tin úp mở về những góc khuất có thật, thậm chí được phơi bày đến mức trần trụi của cộng đồng người Việt ở xứ tuyết được tác giả chuyển tải trong tác phẩm. Nhưng, có một điều chắc chắn khác, nếu đọc được ít trang đầu, độc giả sẽ dần bị tác giả "Tuyết hoang" chinh phục.

Sức hút của "Tuyết hoang" không nằm ở văn phong hay sự đặc biệt nào của bút pháp mà sự hấp dẫn tự thân của chính câu chuyện được kể. Theo từng trang sách, công cuộc mưu sinh của một thế hệ người Việt, đặc biệt là trí thức Việt sau "cái mác" du học tại các nước Đông Âu thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước hiện lên chân thực, sống động với những chuyện, những chi tiết và cả những mánh lới sinh tồn mà dường như chỉ người trong cuộc mới tận tường.

Kể về cuốn tiểu thuyết đặc biệt và hành trình đến với văn chương của mình, Trần Quốc Quân cho biết, ban đầu, anh không có ý định viết văn. "Tuyết hoang" bắt đầu bằng những dòng trải lòng của anh trên Facebook. Cuộc sống nhiều năm nơi xứ người chính là động lực đầu tiên thôi thúc Trần Quốc Quân cầm bút. Và, những chuyện được kể là chuyện hoàn toàn có thật của cuộc đời chính tác giả, gia đình, bạn bè từng du học rồi mưu sinh trên đất Ba Lan.

Viết một thời gian, người đọc ngày càng nhiều, một số bạn bè gợi ý anh ra sách. Nghĩ cũng hợp lý và hợp ý, anh quyết định tập hợp các trang viết thành hồi ký. Một vài bạn văn lại cho là để dạng hồi ký thì phí quá, nên viết thành tiểu thuyết cho hấp dẫn. Không mất nhiều thời gian suy nghĩ, anh... gật đầu.

Chuỗi ngày bớt ngủ vài giờ đồng hồ để dành thời gian viết cũng bắt đầu. Hơn 26 tháng miệt mài như thế, "Tuyết hoang" mới hoàn thành. Sau này, biết chuyện, một nhà văn chuyên nghiệp và có tiếng tại Việt Nam phải thốt lên rằng kiểu làm việc này của Trần Quốc Quân còn hơn cả lao động của một nhà văn chuyên nghiệp.

Chưa bàn chuyện thực hư của lời khen nhưng anh có thể tự hào khẳng định, với Trần Quốc Quân, cách ép mình vào kỷ luật không khó. Bởi lẽ, anh là một doanh nhân nhưng cũng từng làm người lính.

Tác giả Trần Quốc Quân.

Cả hai vị trí này đều đòi hỏi sự nghiêm khắc với chính mình. Thế nên, mỗi ngày, bên cạnh các công việc bình thường của người làm kinh doanh, đêm nào anh cũng dành 3-4 tiếng đồng hồ để viết. Ngày "Tuyết hoang" hoàn thiện cũng là lúc người đọc bắt gặp một bản sao của Vũ Đại - là quê hương anh - thành hình bên sông Wilsa, trên đất Ba Lan.

Nhắc đến ngôi làng nổi tiếng từ văn chương đến món cá kho trứ danh đã, đang đi khắp trong nước và ngoài nước hiện nay, Trần Quốc Quân đùa vui rằng, anh viết văn cứ như thể ông Nam Cao cầm tay bắt viết. Trần Quốc Quân có chút năng khiếu viết, có lẽ vì sinh ra ở làng Vũ Đại? Người ở làng anh chủ yếu mang họ Trần. Nhà văn Nam Cao với Trần Quốc Quân cùng họ nhưng khác chi. Ngày nhỏ, anh ham chơi nên học cũng thuộc dạng bình thường. Học lực không đến mức ở lại lớp nhưng cộng thêm cơ thể thấp bé, Trần Quốc Quân luôn khiến bạn bè có đủ lý do để... xoa đầu (coi thường - PV).

Đến tận sau này, khi Trần Quốc Quân đã thành công về kinh doanh, nhiều năm là một trong những cây bút chủ lực cho một trong số các ấn phẩm của cộng đồng người Việt ở Đông Âu, tham gia viết báo, viết văn ở trong nước, bạn bè cũ vẫn không khỏi ngạc nhiên. Không ít người bán tín bán nghi bảo rằng: "Sao ngày xưa học dốt thế mà giờ viết cũng giỏi nhỉ!". Đáp lại,Trần Quốc Quân chỉ thủng thẳng: Biết mình không học cũng thi đỗ thì học... làm gì?!

Quả thực, suốt thời niên thiếu cho đến nhiều năm sau đó, thành tích học tập của Trần Quốc Quân không thể nói là niềm tự hào của gia đình. Dù rằng, so với nhiều bạn bè cùng trang lứa, tuổi thơ của anh không quá thiếu thốn.

Là con trai trong gia đình nông thôn nên anh khá được nuông chiều. Học lực kiểu bình bình mỗi năm một lớp nhưng sau này, khi bắt buộc phải cạnh tranh bằng kết quả học tập, Trần Quốc Quân tự hào mình là một trong 5 nghiên cứu sinh có kết quả học tập cao nhất được chọn sang Ba Lan. Phần nhiều quãng thời gian trên xứ người này đã được Trần Quốc Quân chuyển hóa thành tiểu thuyết.

Trần Quốc Quân cho biết, anh là một trong số nguyên mẫu chính của Nguyên - nhân vật chính trong "Tuyết hoang". Hình ảnh tuyết chồng lên tuyết trải khắp một màu trắng xóa hoang dại, hành trình mưu sinh khốc liệt trên xứ người, biến các lưu học sinh, sinh viên, trí thức du học trở thành dân buôn bán, quay cuồng với cơn lốc kiếm tiền, những giả trá, được mất của những Nguyên, những Lan, những Tuấn trong truyện là những câu chuyện hoàn toàn có thật. Chỉ có điều, Nguyên trong "Tuyết hoang" ác hơn ngoài đời.

Nguyên dám đạp lên tất cả để thành danh còn Trần Quốc Quân thì không. Anh vẫn tin vào nhân quả ở đời. Riêng những phi vụ làm ăn, những ngày bỏ học, đầm mình trong gió tuyết, vượt qua những quãng đường dài tìm nguồn hàng và tiêu thụ hàng, những chuỗi ngày nhịn ăn nhịn tiêu, tích cóp rồi mất trắng, những mánh lới bán buôn, kể cả chơi xấu nhau của các trí thức du học trong hành trình nỗ lực đổi thay số phận là những chuyện được Trần Quốc Quân góp nhặt từ cuộc sống của chính bản thân và bạn bè.

Nhà văn Trần Quốc Quân (giữa) giao lưu với độc giả trong buổi ra mắt tiểu thuyết “Tuyết hoang”.

Chúng thực đến nỗi, cho đến tận hôm nay, khi cuốn sách thứ hai của Trần Quốc Quân - "Bóng làng" ra mắt bạn đọc, bạn bè đến chia vui, những câu chuyện được mất ngày bán buôn chốn "chợ trời" trên xứ người từng được đề cập trong "Tuyết hoang" vẫn là một trong các chủ đề chưa hết tính thời sự.

Bản thân Trần Quốc Quân cũng thừa nhận, nhiều lúc đọc lại đứa con tinh thần đầu tiên của mình, anh tự cảm thấy đỏ mặt. Anh thấy xấu hổ với chính mình bởi nhận ra nhiều chỗ trong cuốn sách viết theo lối tự nhiên chủ nghĩa quá. Vì vậy, đến "Bóng làng", anh cố gắng tiết chế lại, cố gắng sử dụng kĩ thuật viết văn nhiều hơn, cố gắng tối đa để cho truyện nhiều hơn chuyện. Đến nay, những cố gắng này đã được đáp đền.

9 nhân vật trải trong 9 truyện liên hoàn của tập sách giống như những cánh hoa của một bông hoa, xoáy sâu vào 9 số phận, 9 tính cách, 9 cái xấu của người Việt mà trong đó, như cách nói của Trần Quốc Quân là mỗi nhân vật đều có bóng dáng của chính anh trong đó.

Trần Quốc Quân cho biết, ban đầu, anh định viết 12 truyện, tương ứng với 12 con giáp nhưng sau quyết định chỉ đầu tư cho 9 truyện. Bởi, nhiều năm làm người cầm bút, hơn ai hết, anh ý thức được những "cái tham" không có lợi cho bạn đọc. Thực ra, khi viết, anh cũng tham viết dài, tham chuyện, tham chi tiết, phải bỏ cái nào cũng tiếc. Nhưng, tính anh vốn cầu toàn. Từ sản phẩm mang đến với khách hàng cho đến tác phẩm văn chương, Trần Quốc Quân phải thật ưng ý mới công bố rộng rãi.

Công việc kinh doanh cho anh hiểu hơn ai hết, cái giá phải trả cho sản phẩm lỗi đắt đến như thế nào. Tất nhiên, để có những "sản phẩm văn chương" ít lỗi nhất dành cho bạn đọc hôm nay, cái giá mà anh phải trả càng không phải nhỏ. Có khác chăng, tất cả đã được anh biến thành vốn sống. "Sản phẩm được khuyến mãi" thêm trong những đêm dài thức để viết, nhiều khi là lời cằn nhằn kèm thoáng lo âu của vợ, rằng: Viết gì mà lắm thế...

Trần Quốc Quân cũng cho biết, ngoài tờ Quê Việt ở xứ người, anh còn cộng tác viết bài cho một số báo chí ở trong nước. Riêng truyện ngắn, anh có 5 tác phẩm đăng trên Văn nghệ quân đội và một số truyện đã đăng tải trên Báo Văn nghệ công an. Viết văn, viết báo với anh hiện nay như là một nhu cầu tự thân và một thú vui của bản thân. Dù rằng, thú vui này không ít nhọc nhằn và cũng khiến anh phải đánh đổi không ít.

Những cuốn sách "ra lò" cũng là lúc một số bạn bè quay lưng, giận hờn vì cho rằng anh nói xấu họ, vì Trần Quốc Quân "vạch áo cho người xem lưng". Nhiều hội đoàn đã không còn nhiệt tình, không mặn mà mời anh tham gia các chương trình hội họp, vui chơi như trước. Nhưng, cuộc sống luôn nhiều mặt, có khi trong cái rủi có cái may. Nhờ hạn chế lời mời mọc, vui chơi, anh có thêm nhiều thời gian hơn để viết.

Nhà văn Như Bình hẳn có lý khi chị đặt vấn đề rằng, Trần Quốc Quân có khi nào cảm thấy ân hận khi dấn thân với văn chương? Bởi lẽ, nghề viết đòi hỏi nhiều lao tâm khổ tứ. Sách xuất bản, dù may mắn được đón nhận thì những tung hô chỉ qua nhanh trong thời gian ngắn. Đa số thời gian còn lại, với người cầm bút, có khi là sự cô đơn đối diện với trang giấy, thậm chí là cả sự cô độc trên hành trình đã chọn... Trần Quốc Quân chỉ cười hiền lành.

Anh chia sẻ rằng mình may mắn vì cầm bút không phải để mưu sinh. Trần Quốc Quân viết chỉ vì cảm thấy cần viết, nên viết. Anh tiếc những vốn sống về một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước, của một thế hệ nên cầm bút. Trần Quốc Quân cũng tự tin, với người từng sinh gia trong một gia đình đặc biệt trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt: bên nội toàn người theo cách mạng còn bên ngoại lại có người ở bên kia chiến tuyến, những tháng năm gian khó của thời kinh tế tập trung, đi học, đi bộ đội rồi nghiên cứu sinh, vật lộn mưu sinh trên xứ người, chắc chắn, anh sẽ có rất nhiều điều thú vị dành cho bạn đọc của mình. Người ta nói đi xa là để trở về. Mấy chục năm chìm nổi với đời giúp anh có những trải nghiệm, một vốn sống mà không phải ai cũng có được.

Trần Quốc Quân cũng chia sẻ rằng, với văn chương, anh vẫn đang còn những ấp ủ lớn lao, lớn hơn cả "Tuyết hoang" và "Bóng làng" cộng lại. Nhưng, đó là chuyện của tương lai. Để chạm đến đích mong muốn, chắc chắn, anh không chỉ cần một cuộc bứt phá ngoạn mục hơn với chính mình, mà còn là sự bứt phá với văn chương nói chung. Riêng với hiện tại, nếu phản hồi từ bạn đọc với đứa con tinh thần mới - "Bóng làng" cho kết quả không ổn, nếu tập truyện không được bạn đọc tiếp nhận, nếu có quá nhiều những lời khuyên nên dừng lại, anh sẽ chấp nhận "bẻ bút". Dù rằng, với anh, đây có thể là quyết định nhiều đau đớn...

Minh Hà
.
.