Tác giả Trần Trương: “Thi vân Yên Tử” không phải “đạo” văn

Thứ Năm, 23/08/2012, 14:45

Chỉ vài hôm sau hội thảo thơ “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” do Tạp chí Nhà văn tổ chức tại Hà Nội, một số tờ báo đã đăng bài viết của tác giả Nguyễn Minh Tâm với nội dung cho rằng, “Thi Vân Yên Tử” của Hoàng Quang Thuận là "đạo" từ cuốn sách “Chùa Yên Tử, Lịch sử - Truyền thuyết di tích và danh thắng” của tác giả Trần Trương, Trưởng ban Quản lý Yên Tử (1992-2003). Để giúp bạn đọc có thông tin 2 chiều về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trương, là tác giả cuốn sách “Chùa Yên Tử, Lịch sử - Truyền thuyết di tích và danh thắng”, hiện là Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh.

PV: Thưa ông! Xin ông cho biết quan điểm trước ý kiến cho rằng nhà thơ Hoàng Quang Thuận "đạo" văn từ cuốn "Chùa Yên Tử, Lịch sử - Truyền thuyết di tích và danh thắng" của ông?

Ông Trần Trương: Năm 1997, tôi và anh Hoàng Quang Thuận đã gặp nhau tại Yên Tử. Từ sự tâm đầu ý hợp, hai chúng tôi ngày càng thân thiết, quý mến, trân trọng nhau hơn và thường xuyên gặp gỡ, đàm đạo. Yên Tử ngày trước khó khăn lắm và chúng tôi đều có mối quan tâm là làm sao để vùng đất thiêng không trở thành phế tích. Năm 1998, khi anh Thuận viết tặng tôi tập "Thi vân Yên Tử", tôi thật sự xúc động khi thấy, chúng tôi đã có tiếng nói chung trước các cảnh quan của non thiêng Yên Tử cùng những ý tưởng mà 2 người quan tâm.

Nhưng khi viết, chắc tác giả Nguyễn Minh Tâm không biết mối quan hệ giữa tôi với anh Hoàng Quang Thuận đã là tâm giao, đồng điệu, nên mới so sánh kỹ lưỡng giữa cuốn sách "Chùa Yên Tử, Lịch sử - Truyền thuyết di tích và danh thắng" với "Thi vân Yên Tử" của anh Thuận và cho rằng, thơ của anh Thuận "đạo" từ cuốn sách của tôi. Tôi cho rằng, trong văn chương, việc ảnh hưởng lẫn nhau từ phong cách, đến ngôn từ sáng tác là điều bình thường, nhất là khi chúng tôi đã nhiều lần gặp gỡ, trao đổi về cùng một vấn đề mà cả 2 đều say mê. Nhưng tôi diễn đạt thành văn, còn anh Thuận diễn đạt thành thơ, thì sao lại gọi là "đạo" được? Chính vì đã quá thân thiết, mà sự ồn ào của dư luận mấy ngày qua chẳng những không ảnh hưởng đến tình cảm giữa tôi với anh Hoàng Quang Thuận, mà còn làm cho chúng tôi gắn bó và hiểu nhau hơn.

PV: Hẳn ông và tác giả Nguyễn Minh Tâm có mối quan hệ bạn bè thân thiết?

Ông Trần Trương: Trong bài viết, thấy tác giả nhận là bạn thân của anh Hoàng Quang Thuận, song liệu là bạn thì có xử sự như thế không? Vì thông thường, nếu đã là bạn tốt, người ta thường trao đổi thẳng thắn với bạn những điều gì thấy chưa được, chưa đúng, chứ sẽ không viết như Nguyễn Minh Tâm đã viết. Nhất là lại đưa lên mạng khi chưa kiểm chứng!

Tác giả Trần Trương.

PV: Ông có ngạc nhiên khi mình là tác giả "Chùa Yên Tử, Lịch sử - Truyền thuyết di tích và danh thắng" thì không lên tiếng, còn một người mà ông không biết lại nói về bạn ông, nhà thơ Hoàng Quang Thuận, như thế?

Ông Trần Trương: Trong văn chương, các cuộc tranh luận kiểu thế này cũng là bình thường vì vẫn diễn ra. Nhưng tôi chỉ nghĩ rằng, trong sinh hoạt của giới văn chương, phê bình, hay nghiên cứu nước mình, làm sao để lại sự lành mạnh, tránh gây phiền não, suy nghĩ cho nhau. Đặc biệt là với những người có trách nhiệm với bạn bè, nếu thấy có điều gì cần trao đổi với nhau, tốt nhất cứ nói thẳng, vừa gần gũi, vừa thân tình, thì rất đáng trân trọng. Chứ chưa tìm hiểu mà đã đưa lên mạng một cách vội vã, để gây nên sự ồn ào trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của bạn mình, thì rồi nhìn nhau thế nào đây?

Tôi rất buồn khi một việc không đáng có này đã bị đẩy thành chuyện, để rồi có quá nhiều người quan tâm. Cuộc sống đã nhiều âu lo, chúng ta không nên gây ra những âu lo cho người khác nữa. Vả lại, tôi tin rằng, mỗi người còn nhiều việc cần phải làm hơn là đi sâu vào việc này.

PV: Ông có muốn nói gì với người đã "nhóm lửa" cho việc này không?

Ông Trần Trương: Những điều tôi vừa nói chính là quan điểm của tôi! Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh với mọi người là: “Thi vân Yên Tử” không phải là đạo văn vì nó xuất phát từ cái Tâm của người viết với Yên Tử - vùng Đất Phật linh thiêng của chúng ta!

PV: Xin cảm ơn ông!

Dạ Miên (thực hiện)
.
.