Tác phẩm nghệ thuật giả trong bảo tàng Mỹ

Thứ Sáu, 01/02/2008, 16:45
Bộ ba gia đình Greenhalgh đã bỏ túi được 1,74 triệu USD từ việc bán đồ cổ và nghệ phẩm làm giả. Đã có không ít người bị lừa một cách "ngọt lịm".

Một tượng điêu khắc thu hút khách thưởng ngoạn nghệ thuật tìm đến Nhà bảo tàng Chicago mới được phát hiện là “đồ giả” do một người Anh làm ra. Có tin là Viện Nghệ thuật Chicago đã mua bức tượng giả này với giá 125.000 USD năm 1997 vì nhầm tưởng đó là tác phẩm của nghệ sĩ Pháp nổi tiếng ở vào thế kỷ XIX - Paul Gauguin. Nhưng thật ra đó là “sản phẩm” của “chuyên gia làm hàng giả” Shaun Greenhalgh. Eric Hogan, Giám đốc về các vấn đề công chúng của Viện, nói: “Không ai tưởng được chuyện như thế này lại xảy ra trong nhà bảo tàng!”.

Tháng 11/2007, Cảnh sát Anh cho biết gia đình Greenhalgh đứng đằng sau vụ làm giả tác phẩm nghệ thuật với số lượng nhiều nhất và kéo dài nhất trong lịch sử này. Gia đình Greenhalgh - gồm Shaun (con), Olive (mẹ) và George (cha) - âm mưu lừa gạt các viện nghệ thuật từ giữa tháng 6/1989 đến tháng 3/2006. Tại Tòa đại hình Boston tháng 11/2007, cả ba người đã cúi đầu nhận tội lừa gạt và rửa tiền. Cảnh sát cho biết, họ đã có bằng chứng cho thấy bức tượng gốm "Nửa người nửa dê" của Gauguin trong Nhà bảo tàng Chicago là đồ giả, mặc dù không biết đồ thật đang ở đâu.

Shaun Greenhalgh là người có biệt tài làm giả đồ cổ và tác phẩm nghệ thuật. Shaun đã bị xử phạt tù 4 năm 8 tháng, bà mẹ 83 tuổi lãnh 12 tháng tù treo vì tội đồng lõa, và người cha 84 tuổi sẽ được xét xử sau khi có báo cáo y khoa về tình trạng sức khỏe của ông ta.

“Bộ ba” lừa đảo, từ trái qua: Olive, George và Shaun.

Bộ ba gia đình Greenhalgh đã bỏ túi được 1,74 triệu USD từ việc bán đồ cổ và nghệ phẩm làm giả. Đã có không ít người bị lừa một cách "ngọt lịm". Ví dụ, Hội đồng thành phố Bolton đã trả hàng ngàn bảng Anh để sở hữu tác phẩm gọi là “Công chúa Amarna” vì tin rằng đó là nghệ phẩm cổ 3.300 năm tuổi, song 3 năm sau các chuyên gia thẩm định nó là đồ giả.

Đây là bức tượng thể hiện một trong những người con gái của pharaon Akhenaten và Nữ hoàng Nefertiti, mẹ của Tutankhamun. Vụ gian lận trong thế giới nghệ thuật phơi bày sau khi George Greenhalgh (người cha) “chào hàng” 3 bức phù điêu thời Assyrie - nghệ thuật tường đá cổ - với Nhà bảo tàng Anh để kiểm tra vào năm 2005.

Những lỗi trong ký tự cổ khắc trên đá khiến cho nhà bảo tàng nghi ngờ tính chân thật của chúng. Từ đó, nhà bảo tàng đã liên hệ với đơn vị chuyên môn về nghệ thuật và đồ cổ của Sở Cảnh sát Metropolitan tiến hành điều tra

Diên An (Theo BBC)
.
.