Tác phẩm tham gia Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc bị hư hỏng: Trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ Ba, 19/01/2021, 11:54
Hơn một tháng sau Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 2020, các tác phẩm bị mất, bị hư hỏng của các nghệ sĩ vẫn chưa được Ban Tổ chức đền bù hay giải quyết thỏa đáng. Nhiều họa sĩ đã có đơn gửi Ban Tổ chức yêu cầu bồi thường tác phẩm cho họ. “Đó là thái độ thiếu trân trọng nghệ sĩ và đứa con tinh thần của họ, gửi tranh đi triển lãm không khác gì đem con bỏ chợ”, họa sĩ Thân Trọng Dũng nói.


Nghệ sĩ bức xúc vì Ban Tổ chức đùn đẩy trách nhiệm

Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2020 diễn ra từ ngày 1 đến ngày 10-12 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội). Triển lãm trưng bày gần 500 tác phẩm chọn lọc từ 1.382 tác giả của các họa sĩ khắp mọi miền đất nước. Triển lãm được coi là dịp để đánh giá thành tựu của nền mỹ thuật Việt Nam trong 5 năm qua. Đây là một sự kiện lớn được mong chờ của giới mỹ thuật cũng như công chúng yêu hội họa.

Nhưng, ngay từ khi chuẩn bị khai mạc, triển lãm đã gặp phải nhiều sự cố khiến giới họa sĩ thất vọng và bất bình. Ngay trước khi diễn ra triển lãm, họa sĩ Nguyễn Quốc Huy đã thông báo rút tranh vì tác phẩm bị hư hại thì đến ngày khai mạc, nhiều tượng và tranh bất ngờ biến mất. Cụ thể, tranh của họa sĩ Hùng Anh không xuất hiện tại triển lãm. Nhà điêu khắc Triệu Ngọc Thạch cũng phát hiện bộ tượng gồm 7 bức của mình bị mất 1 tác phẩm, 1 tác phẩm bị vỡ... 

Một tác phẩm bị xước tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc.

Tại cuộc họp sau buổi khai mạc, ban tổ chức thông báo các tác phẩm bị hư hại của tác giả sẽ được xem xét, giải quyết. Nhưng cho đến nay, sau hơn 1 tháng diễn ra triển lãm, sự việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Hiện có 9 tác giả đã gửi đơn về ban tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam liên quan đến các tác phẩm mất, hỏng. Cục Mỹ thuật cho biết đang tổ chức lần lượt gặp các tác giả để bàn cách giải quyết, còn trường hợp bị mất phải... chờ Công an xác minh.

Họa sĩ Thân Trọng Dũng chia sẻ, hiện nay anh không rõ số phận đứa con tinh thần của mình ra sao. Anh nói: “Tôi nghe nói, tác phẩm của tôi đã được mang trả lại cho Bảo tàng Đà Nẵng nhưng tôi chưa được thông báo gì. Khi gửi đi tham gia triển lãm, tranh của tôi không bị hư hỏng, có giấy chứng nhận của ban tổ chức đàng hoàng. Tôi rất bức xúc với ứng xử của ban tổ chức, họ nói rằng sẽ xem xét khâu tổ chức nào làm hỏng tranh của tôi thì sẽ xử lý, họ đang đùn đẩy trách nhiệm về phía một cá nhân nào đó, trong khi tác phẩm tham dự triển lãm của tôi bàn giao cho ban tổ chức. Họ không coi trọng nghệ sĩ và đứa con tinh thần của họ”.

Tác phẩm của họa sĩ Thân Trọng Dũng bị hư hỏng nặng.

Họa sĩ Thân Trọng Dũng đề xuất mức đền bù cho tác phẩm của anh là 15.000 USD. “Nhưng họ không có thiện chí, không có một động thái nào. Tôi chỉ nhận được duy nhất một cuộc điện thoại xin lỗi của ông Mã Duy Anh khi sự việc xảy ra mà thôi. Ông bảo sẽ điều tra xem cá nhân nào làm hỏng thì phải chịu trách niệm chứ Nhà nước không có tiền đền. Như vậy khác nào đem con bỏ chợ. Tôi không muốn kiện cáo mệt mỏi nhưng tôi sẽ theo vụ này đến cùng, đó là tác phẩm tâm đắc nhất của tôi và bị hư hỏng nặng không thể sữa chữa được”.

Họa sĩ Phạm Hùng Anh cũng thẳng thắn: “Tôi đã 3 lần gửi đơn lên ban tổ chức nhưng họ chưa có những giải quyết thỏa đáng. Hiện tại, ban tổ chức đã gặp tôi và muốn giải quyết sự việc bằng tình cảm nhưng tôi không chấp nhận, tôi muốn họ trả lời tôi bằng văn bản. Việc tôi gửi tác phẩm dự thi có giấy biên nhận của ban tổ chức, họ phải có trách nhiệm bảo quản, bảo vệ tác phẩm cho nghệ sĩ, đó là tài sản của nghệ sĩ. Nếu họ không giải quyết, tôi sẽ gửi đơn lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nếu không giải quyết được nữa, tôi sẽ kiện ra tòa”.

Tác phẩm “Mầm sống” của tác giả Triệu Ngọc Thạch bị vỡ.

Họa sĩ Hùng Anh chia sẻ, anh thực sự hụt hẫng bởi đây là một triển lãm lớn có quy mô toàn quốc do Nhà nước đứng ra tổ chức, tạo sân chơi cho các nghệ sĩ mang tác phẩm của mình giới thiệu với công chúng, triển lãm 5 năm tổ chức một lần mà họ làm việc thiếu đồng bộ, làm mất niềm tin cho giới nghệ sĩ.

Cùng gửi đơn lên ban tổ chức, nhà điêu khắc Triệu Ngọc Thạch cho biết, hiện tại anh vẫn chưa nhận được phản hồi gì từ ban tổ chức về bức tượng bị mất của anh. “Tôi sẽ tiếp tục gửi đơn lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thanh tra Bộ. Họ thuê địa điểm tổ chức Triển lãm ở Vân Hồ, thuê cửu vạn bốc vác tranh như những món hàng nên mới xảy ra cơ sự này. Lúc tôi gửi tác phẩm cho ban tổ chức, có giấy xác nhận đàng hoàng, tôi sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ quyền của mình”. Theo thông tin phóng viên tìm hiểu, nhà điêu khắc Triệu Ngọc Thạch cho rằng ban tổ chức có dấu hiệu đổ lỗi và bảo chờ công an kết luận. Ông Thạch đưa mức đền bù 5.000 USD cho tác phẩm bị mất và 1 tác phẩm bị vỡ trong chùm tượng của mình.

Nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông cho rằng, việc mất, hỏng tác phẩm tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc là sự cố nghiêm trọng. Anh cho rằng, đây là những vấn đề không thể chấp nhận trong một cuộc triển lãm lớn nhất cả nước, sự kiện tâm điểm của giới mỹ thuật. Đồng quan điểm với nhà phê bình Vũ Huy Thông, nhiều họa sĩ lớn đã không gửi tranh tham gia triển lãm  vì cho rằng ban tổ chức không trân trọng các sáng tạo nghệ thuật và càng mất niềm tin hơn khi sự cố xảy ra, ban tổ chức đã không có những phương án giải quyết kịp thời đền bù cho những thiệt hại mà họ gây ra đối với các nghệ sĩ.

Tác phẩm bị mất của họa sĩ Hùng Anh.

Họa sĩ Hiền Nguyễn chia sẻ, 10 năm nay chị không còn tham gia những triển lãm của Hội Mỹ thuật nữa dù chị là hội viên. Chị chia sẻ rằng, không cảm thấy an toàn cho tranh của mình. “Một triển lãm lớn như thế nhưng công tác bảo quản, giao nhận tranh không được đảm bảo. Thường những trường hợp hư hại, họa sĩ là người chịu thiệt vì không có bất kỳ sự bảo hiểm nào cả”, họa sĩ Hiền Nguyễn nói.

Họa sĩ Phạm An Hải cũng đồng quan điểm với họa sĩ Hiền Nguyễn. Anh cho rằng, ban tổ chức cần công khai người chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố tại triển lãm, bởi nếu không có người chịu trách nhiệm, những sự cố này không được giải quyết thỏa đáng, họa sĩ sẽ không có niềm tin gửi tranh tham dự triển lãm. 

Ai phải chịu trách nhiệm?

Theo luật sư Võ Ngọc Dao (Đoàn Luật sư Hà Nội), Nghị định 113/2013/NĐ-CP ngày 2-10-2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật; Nghị định 23/2019/NĐ-CP, ngày 26-2-2019 đã quy định "Về hoạt động triển lãm" đã  quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động mỹ thuật, triển lãm mỹ thuật. Nghị định có quy định về quyền của tổ chức, cá nhân khi tổ chức, tham gia tổ chức triển lãm, cụ thể: các tổ chức, cá nhân khi tham gia "được bảo vệ các quyền lợi chính đáng, hợp pháp theo quy định của pháp luật".

Luật sư Võ Ngọc Dao, Đoàn luật sư Hà Nội.

Trong trường hợp này, các tác phẩm do các tác giả gửi tham gia triển lãm đã bị làm hư hỏng nặng hoặc mất, rõ ràng họ đã bị xâm phạm quyền lợi nghiêm trọng. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà trực tiếp là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, là đơn vị tổ chức triển lãm, phải có trách nhiệm làm rõ sai phạm, hậu quả để đảm bảo quyền lợi cho các tác giả, đồng thời xử lý các sai phạm theo mức độ quy định pháp luật, nhất là các cá nhân có trách nhiệm liên quan đến tổ chức, triển khai, giám sát, bảo vệ của cuộc triển lãm, rút kinh nghiệm sâu sắc cho công tác tổ chức các cuộc triển lãm mỹ thuật lần sau.

“Mặc dù các tác giả có tác phẩm bị mất đã gửi đơn yêu cầu nhưng ban tổ chức không có động thái trả lời và giải quyết thỏa đáng thì các tác giả có thể gửi đơn trình báo đến Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an), là cơ quan quản lý nhà nước về an ninh trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, để cơ quan này xác minh, làm rõ, có phương án đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án xử lý: các cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm gây hậu quả hư hỏng, mất, hướng khắc phục, giải quyết bảo vệ quyền lợi cho tác giả. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì cần chuyển hồ sơ vụ việc cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra theo đúng quy định của pháp luật”, luật sư Dao nói.

Lan Tường
.
.