Tại sao Sawaco xin tăng giá nước?

Thứ Tư, 18/11/2009, 10:45
Trong những ngày gần đây, việc tăng giá nước  tại TP HCM là một vấn đề nóng bỏng. Giá nước tăng, tác động rất lớn  đến mặt dân sinh xã hội cũng như chỉ số giá tiêu dùng cuối năm đang có xu hướng tăng trở lại. Chúng tôi đã  đi tìm ra lời giải vì sao Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) kiến nghị tăng giá nước.

Vì không kiểm soát được “thất thoát” nên phải tăng

Trong lần kiến nghị tăng giá nước của Sawaco vào tháng 2/009, Chuyên đề ANTG cũng đã có bài phản ánh những nguyên nhân vô lý mà Sawaco đã nêu ra trong việc kiến nghị xin tăng giá nước. Bài báo đã nhận được những sự đồng thuận từ dư luận người dân đang sinh sống tại TP HCM và sự "lạnh nhạt" của Sawaco trong việc trao đổi thông tin nhằm có thể đưa đến bạn đọc những thông tin khách quan nhất. Lần này, phía Sawaco đã được Sở Tài chính TP HCM "giúp đỡ" rất nhiều trong việc "tìm ra" các nguyên nhân để tăng giá nước một cách đột ngột.

Ông Nguyễn Quốc Chiến - Trưởng ban Vật giá Sở Tài chính TP HCM cho rằng giá nước hiện nay được điều chỉnh từ năm 2004. Và chi phí giá thành cho 1m3 nước ở thời điểm hiện tại đã tăng 132%. Và theo Nghị định 171 thì giá nước phải được tính đúng và đủ chi phí sản xuất.

Nên, nhằm tạo điều kiện cho Sawaco từng bước tự chủ về tài chính, có nguồn vốn đầu tư và cải tạo hệ thống cấp nước, giá nước buộc phải tăng giá. Tuy nhiên, điều này có vẻ như là sự "ưu ái" quá lớn mà Sở Tài chính TP HCM đã dành cho Sawaco. Chính vì vậy, theo phương án tăng giá nước được Sở Tài chính TP HCM thẩm định thì giá nước sẽ tăng nhanh như "giá vàng".

Theo đó, nếu dùng trong định mức 16m3/hộ/tháng thì giá được tính là 4.800 đồng/m3, tăng 77% so với mức giá cũ là khoảng 2.700 đồng. Đối với các hộ sử dụng quá 16m3/tháng thì giá tiền sẽ đội lên thành 5.400 đồng đến 8.400 đồng/m3. Còn đối với các đơn vị sản xuất, giá nước cũng sẽ tăng đến 89% từ 4.500 đồng/m3 lên đến 8.500 đồng/m3. Và phương án tăng giá nước này được đề xuất áp dụng trong giai đoạn 2009 - 2013.

Như vậy, nếu xét về kiến nghị tăng giá nước của Sawaco vào tháng 2/2009 là tăng từ 24%  đến 86%, thì Sở Tài chính đã "hào phóng" đến mức cho Sawaco được phép tăng giá nước lên thêm 3% nữa. Có lẽ, đây là sự "hào phóng" khiến người dân tại TP HCM rất... hãi.

Theo ông Chiến thì mức tăng như vậy là chấp nhận được, bởi thu nhập bình quân của người dân tại TP HCM đã tăng từ 1,2 triệu đồng/tháng vào năm 2004 lên 2,3 triệu đồng/tháng vào năm 2008. Thu nhập tăng nên giá nước phải tăng theo, đó chính là cách giải thích của Sở Tài chính TP HCM trong việc tăng giá nước một cách đột biến của Sawaco.

Nguyên nhân này của Sở Tài chính đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của ông Trương Văn Đa - nguyên Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) TP HCM bởi theo ông Đa thì "Người dân tăng thu nhập từ 1,2 triệu/tháng từ năm 2004 lên 2,3 triệu/tháng vào năm 2008, nhưng họ còn phải sử dụng tiền cho nhiều khoản sinh hoạt thiết yếu khác".

Rõ ràng, ông Nguyễn Quốc Chiến đã "quên bẵng" chuyện trượt giá vào năm 2008 cũng đã gấp nhiều lần năm 2004. Thế nên, kiểu lập luận của Sở Tài chính là không phù hợp với thực tế.

Tổng giám đốc của Sawaco là ông Trần Đình Phú cũng đã từng thừa nhận chuyện tỉ lệ thất thoát nước trong quá trình cung cấp cho người dân qua đường ống dẫn là khoảng 40% dẫu rằng phía Sawaco đã "cố gắng hết sức để tránh thất thoát". Và nguyên nhân của sự thất thoát nước rất khủng khiếp này là do "thiếu` vốn". Chính vì vậy, mức tăng giá nước như kiến nghị là hợp lý (?!).

Cuối cùng, bản chất sự việc tăng giá nước của Sawaco đã lộ rõ. Vì Sawaco làm thất thoát nước đến 40% trong quá trình cung cấp, nên người dân TP HCM buộc phải chịu phương án tăng giá nước từ 35% đến 89% nhằm "giúp" Sawaco có kinh phí để nâng cấp nhằm giảm tỉ lệ thất thoát nước.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, Nghị quyết HĐND TP năm 2007 đã cho phép Sawaco đưa 29% tỉ lệ thất thoát vào giá thành. Mỗi năm tỉ lệ thất thoát kéo giảm xuống 0,5% để đến năm 2013 còn 26%. Nhưng trong những năm qua, Sawaco không những không kéo giảm được tỉ lệ thất thoát mà còn làm tăng cao đột biến (42,54% năm 2008).

Điều đáng nói là Sawaco đã triển khai nhiều chương trình chống thất thoát nước, đặc biệt trong đó có dự án giảm thất thoát nước TP (thuộc giai đoạn 2 của dự án phát triển cấp nước đô thị Việt Nam) với tổng mức đầu tư lên đến hơn 44,6 triệu USD (vốn vay Ngân hàng Thế giới). Nhưng đến nay dự án này vẫn chưa phát huy được hiệu quả.

Không lẽ, nếu tỉ lệ thất thoát nước vượt quá con số 40% như Sawaco thừa nhận, thì người dân đang sinh sống tại TP HCM cũng phải buộc chấp nhận mua nước với giá tăng hơn 89% hay sao(?).

“Cơn ác mộng giá nước”

Liên quan đến nỗi khổ nước sinh hoạt, vốn dĩ bấy lâu nay luôn ám ảnh người dân vùng ven tại TP HCM, PV Chuyên đề ANTG đã ghi nhận được những "cơn ác mộng giá nước" tại khu vực mà 1m3 nước có khi giá lên đến 180 nghìn đồng/m3.

Ghé vào hai bên đường Huỳnh Tấn Phát, gần chân cầu Phú Xuân, thuộc phường Phú Mỹ, quận 7, dễ dàng nhận ra cảnh tượng người dân nườm nượp mua nước như đi trẩy hội. Cũng phải thôi, gần chục ngày nay, tình trạng thiếu nước khiến cuộc sống người dân luôn trong tình trạng "sợ thiếu nước hơn... sợ đói".

Bởi vậy, trước việc Sở Tài chính đồng tình trong kiến nghị tăng giá nước của Sawaco có thể tăng đến 89%, người dân càng hoảng loạn hơn và như tin "sái cổ" vào những tin đồn lan truyền nhau: "Nước sinh hoạt sẽ trở thành mặt hàng xa xỉ, đắt tương đương vàng".

Chị Trần Thị Cúc, một hộ dân sinh sống tại phường Phú Thuận, quận 7 thở dài: "Giá nước ở đây "nóng" như giá vàng đang leo thang từng ngày. Nếu như cuối tuần rồi, giá nước chỉ 80 ngàn đồng/m3. Sáng hôm sau, mở mắt xuống giường, giá nước nhảy dựng lên 160 ngàn đồng/m3.

Sang đến giữa tuần, giá nước chạm mức 180 ngàn đồng/m3. Vài ngày nữa, giá nước không biết còn leo thang như thế nào". Nước mà hộ chị Cúc cũng như các hộ khác mua được là từ... những hộ dân có nhà mặt phố. Bởi, bất cứ lúc nào nguồn nước của các hộ này cũng chảy đều ăm ắp.

Nước sinh hoạt dư dả, họ nghĩ ra chuyện dùng máy bơm nước vào bồn đem bán lại cho dân "vùng sâu vùng xa" với giá tiền tự họ nghĩ ra. Thấy việc bán nước sinh hoạt "vừa khỏe, vừa lãi nhiều lại vừa được người ta sợ" nên "nhà nhà mặt đường, người người mặt phố" đua nhau lắp đặt máy bơm để bơm nước trực tiếp từ vòi, bán lại cho người dân.

Không những thế, những hộ dân này còn làm thêm xe cải tiến tự chế để bán nước. Một xe cải tiến cõng thêm một bồn chứa nước loại 3m3, chở đi dọc các con hẻm để bán nước trực tiếp đến các hộ dân đang "khát nước".

Khi chúng tôi đề cập đến việc bơm nước lên và bán lại cho những người dân nằm khuất sâu trong hẻm, người đàn ông chuyên sinh sống bằng nghề bán nước kiểu này biện minh rằng: "Nếu không nhờ có chúng tôi bơm nước lên, đem vào vùng trong cho bà con, chắc hẳn bà con phía trong đó sẽ không có nước".

Trả lời cho câu hỏi "Vì sao bơm nước lên bán cho người dân lại mắc quá vậy, trong khi giá nước theo quy định chỉ vài ngàn đồng 1m3?". Ông này nói,  vì khi dùng máy bơm để lấy nước, thực tế 1m3 đo bằng đồng hồ chỉ được 100 lít. Thế nên, 1m3 nước được bơm lên, giá đã bị đội giá lên gấp nhiều lần.  

Nên tăng theo “lộ trình” cho dân dễ thở  

Từ câu chuyện "giá nước từ trên trời rơi xuống" đang xảy ra như chuyện thường ngày... ở quận, liên hệ lại với sự vô lý trong nguyên nhân tăng giá nước mà Sawaco lẫn Sở Tài chính TP HCM nêu ra có thể dễ dàng nhận thấy rằng, người dân đang sinh sống ở TP HCM gần như là không có sự lựa chọn cho nhu cầu thiết yếu của họ hằng ngày là... nước sinh hoạt. Ngoài chuyện, họ buộc phải chấp nhận sự vô lý đã được mặc định sẵn từ những đơn vị "ban phát" nước sinh hoạt cho mình.

May mắn thay, trong chiều ngày 11/11. Phó chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài đã có buổi làm việc với các đại biểu HĐND, Ủy ban MTTQ TP và các đơn vị liên quan xung quanh phương án tăng giá nước. Cuộc họp đã đi đến thống nhất sẽ có phương án tính toán lại chuyện tăng giá nước theo lộ trình chứ không tăng đột ngột như kiểu "Sawaco kiến nghị, Sở Tài chính cho thêm". Đồng thời, có hướng ưu tiên cho người nghèo.

Thay vì tăng từ 35% đến 89% như Sở Tài chính TP HCM thừa nhận là hợp lý, thì phương án tăng mới buộc Sawaco xây dựng phương án tăng giá nước theo lộ trình 10%/năm cho đến năm 2013. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng yêu cầu Sawaco phải thực hiện giảm dần tỉ lệ thất thoát nước hơn là chuyện cứ... nhăm nhăm đòi tăng giá(!).

Trước đây, Chuyên đề ANTG đã từng thử đưa ra giải pháp nên tăng giá nước theo lộ trình, tránh tăng gây sốc vì dễ dẫn đến chuyện "giá nước tăng, các mặt hàng khác đều tăng theo". Và lần này, Sawaco đã bị buộc phải tăng theo lộ trình 10%. Như vậy, tính cho đến năm 2013 thì tối đa, giá nước sinh hoạt tại TP HCM chỉ có thể tăng khoảng 40% hoặc 50%, tùy vào thời điểm giá nước tăng lần đầu tiên là vào năm 2009 hay 2010

Hữu Hưng
.
.