Tấm bản đồ kho báu ở phố cổ Hội An là bịa đặt

Thứ Hai, 14/04/2008, 15:00
Chuyện về tấm bia đá có vẽ bản đồ kho báu được phát hiện trong gốc cây đa ở phố cổ Hội An, Quảng Nam, đã gây xôn xao dư luận. Có người nói rằng, sau khi tấm bia được phát hiện, Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An đã đào được một xe vàng ròng... Sự thật về tấm bản đồ kho báu được vẽ trên tấm bia cổ có đúng như lời đồn đại?

Tấm bia đá và Tấm bản đồ

Cây đa hàng trăm năm tuổi nằm ở đầu đường Phan Chu Trinh, thuộc tổ 2, khối 4, phường Cẩm Phô, có gốc to trên chục người ôm, cành lá sum suê nhưng phần ngọn của nó đã bị ai đó chặt trụi nên đứng xa nhìn chẳng khác gì một sản phẩm của thú chơi bonsai.

Một anh chạy xe ôm tuổi ngoài 40 tỏ vẻ rành rõi, kể với tôi rằng: Tấm bia cổ nằm giữa gốc cây đa này đã được bốn thanh niên hiện đang sinh sống tại TP Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi cùng về đây “khai mở” vào ngày mồng Chín tháng Giêng. Họ là tri kỷ của nhau nên một hôm đi cùng đến điện thờ một vị thánh tại Cẩm Lệ, Đà Nẵng, rồi tìm đến cây đa.

Khi ấy, gốc cây đa to lớn, rễ phụ che kín um tùm nên chẳng ai biết được trong ruột của nó có tấm bia vẽ bản đồ kho báu. Mấy thanh niên kia đã tìm tới đặt la bàn, sau đó theo hướng kim la bàn chỉ họ bắt tay vào đục khoét gốc cây, từ tờ mờ sáng tới sẩm tối thì phát hiện tấm bia.

Dọn dẹp những rễ cây chặt bỏ xong, họ thắp hương cầu khẩn điều gì đó. Chờ cho hương tàn, cả bốn người cùng xúm lại ghi chép những chữ viết trên bia, vẽ lại bản đồ, rồi im lặng ra về. Còn việc những người kia tìm tấm bia cổ với mục đích gì chẳng ai hay biết...

Thế nhưng, chủ nhân của ngôi nhà số 139, Phan Chu Trinh; nằm đối diện với cây đa, là ông Hà Tin đã khẳng định chuyện về những thanh niên trên đến gốc đa có thể là bịa đặt. Ông Tin nói rằng, năm nay ông đã bước sang tuổi 57. Khi tóc còn để chỏm, ông đã thấy cây đa cao lớn đến 6-7 người ôm rồi. Như vậy, cây đa đã mọc trên đất này từ hàng trăm năm về trước.

Về tấm bia đá, ông Tin cũng khẳng định, thuở nhỏ ông cũng có thấy nó đã được rễ của cây đa ôm chặt. Người dân sống ở khu vực này chẳng ai có thể đọc được những chữ viết, cũng như hiểu được hình vẽ khắc trên tấm bia. Trải qua hàng chục năm, bây giờ cây đa to lớn hơn ra và thế là tấm bia bị lọt thỏm vào giữa gốc cây...

Ông Tin kể rằng, đã có một nhóm người có thể là người Nhật trẻ tuổi đến phố cổ Hội An tìm tới gốc cây đa, bỏ công cắt rễ, đục gốc cây chừng một buổi để tìm tấm bia. Có thể những người này là hậu duệ của những thương gia Nhật Bản từng đến sinh sống, buôn bán ở thương cảng vào thế kỷ XVII. Sau khi xây dựng Chùa Cầu, các thương gia người Nhật đã dựng tấm bia và có thể những hình thù bí ẩn trên tấm bia là bí mật của họ.

Vì ghi chép, vẽ lại các hình thù đó, những người trẻ tuổi tìm tới một cây đa cổ thụ khác nằm sau lưng đình Cẩm Phô, đối diện với cây đa này non trăm mét và đào tìm cổ vật trong lòng đất có giá trị. Tôi hỏi: “Chú có tận mắt thấy những "người Nhật" đào đất ở gốc cây đa sau đình Cẩm Phô tìm kho báu?”, ông Tin cười ngượng ngùng, trả lời rằng, ông chỉ thấy họ tìm tới tấm bia cổ ghi chép, chụp ảnh lại văn bia, hình vẽ; còn việc tìm thấy cổ vật chỉ nghe người ta đồn đại...

Dò hỏi thêm nhiều người dân sống xung quanh khu vực cây đa có tấm bia cổ, tôi được một số người rỉ tai rằng, khi những người Nhật trẻ tuổi tìm được tấm bia, Trung tâm Quản lý bảo tồn (QLBT) di tích Hội An cũng cử một tổ công tác đến tìm hiểu, nghiên cứu. Và trong một đêm, các cán bộ của Trung tâm QLBT di tích đã đào đất tìm thấy bên gốc cây đa một hầm toàn là "vàng ròng và cổ vật". Họ nói với tôi là tận mắt nhìn thấy tổ công tác dùng xe bò chở số vàng và cổ vật về kho Trung tâm QLBT di tích...     

Sự thật về những bí ẩn trên tấm bia đá

Nhiều khách nước ngoài cũng tìm tới cây đa cổ thụ có tấm bia cổ để tham quan.

Có thật Trung tâm QLBT di tích Hội An đã tìm thấy hầm vàng và cổ vật khi đã giải mã được những bí ẩn hình vẽ trên tấm bia cổ trong gốc cây đa? Câu trả lời tất nhiên phải là “người trong cuộc”.

Mặc dù đang rất bận rộn nhiều công việc để có phương án mới phát triển Hội An, một thành phố trẻ vừa được công bố thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng anh Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung tâm QLBT di tích Hội An, khi nghe tôi hỏi về tấm bia cổ, liền gác lại mọi việc để tiếp chuyện.

Anh nói: “Tôi cũng đang muốn tờ báo các anh đăng tải thông tin đúng sự thật về tấm bia cổ, chứ dư luận đồn thổi, thêu dệt nhiều chuyện hoang đường quá!...”.

Theo lời anh Trung, Trung tâm QLBT di tích đã biết tấm bia trong gốc cây đa trước khi một số người Nhật trẻ tuổi đến Hội An tham quan và đã chụp ảnh, ghi chép văn tự và hình vẽ khắc trên nó.

Tuy nhiên, sau khi có những tin đồn về bản đồ kho báu ghi trên tấm bia, Trung tâm QLBT di tích cử tổ công tác đến phát quang, đục rộng gốc cây để lộ công khai tấm bia cho mọi người có thể xem được. Những rễ cây cắt ra, Trung tâm QLBT di tích cho người hốt lên xe bò đi đổ chỗ khác để dọn dẹp vệ sinh quanh gốc đa, nào hay người dân lại tung ra tin đồn là tìm được hầm vàng và kho báu chất lên xe chở về...

Theo anh Trung, văn tự được ghi trên tấm bia cổ trong gốc cây đa là chữ Nôm, song vì viết theo lối “trấn yểm” nên rất ít người đọc được. Trung tâm QLBT di tích đã nhờ một sử gia có tên tuổi đọc những dòng chữ này và ông cho biết, đây là một câu của người phương Đông theo đạo Lão.

Theo nghiên cứu của anh Trung, trong suốt ba thập niên đầu của thế kỷ XVII, với chính sách Shiunsen (Châu Ấn thuyền) của Mạc phủ Tokugawa, cho phép các thương nhân Nhật Bản vượt biển ra nước ngoài buôn bán với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Từ năm 1601 đến năm 1635, Nhật Bản đã có 356 Châu Ấn thuyền xuất dương, trong số này chỉ có 37 thuyền cập bến Đông Kinh, thuộc khu vực của Chúa Trịnh và 71 thuyền cập bến Hội An, Quảng Nam. Hầu hết thương gia Nhật Bản tới Hội An, xuất phát từ cảng Nagasaki mang theo những hàng xa xỉ phẩm, vũ khí, lưu huỳnh... ưu tiên bán giá gốc cho quan lại địa phương, nên được chúa Nguyễn Hoàng rất ưu đãi.

Chúa Nguyễn cũng thường giao cho họ phụ trách việc cảng vụ, thuế vụ, chịu trách nhiệm mọi hoạt động trong khu phố người Nhật, lúc đó có khoảng 200-300 người.

Các thương gia người Nhật ở Hội An hồi đó đã xây dựng Chùa Cầu, còn gọi là Cầu Nhật Bản. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu ngự giá đến Chùa Cầu và đã ban cho ba chữ “Lai Viễn Kiều”. Bên cạnh chiếc cầu bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, có miếu thờ thần Trấn Võ Bắc Đế, vị chủ thần về phương Bắc, còn gọi là Huyền Thiên Đại Đế.

Theo thuyết ngũ hành khởi nguyên từ Trung Quốc, phương Bắc ứng với hành thủy, màu đen, thần Trấn Võ Bắc Đế được thờ với bức tượng ngài chân đạp con rùa, tay cầm con rắn, thể hiện sức mạnh, uy lực trị thủy, diệt trừ thủy quái.

Có thể nói các thương gia Nhật Bản và cộng đồng cư dân Hội An lúc ấy cũng đã bị “thuyết phục” bởi thuyết ngũ hành nên thờ thần Trấn Võ Bắc Đế để cầu mong vượt qua được thủy nạn hằng năm, giữ cho Chùa Cầu bền vững.

Lần theo lạch nước Ồ Ồ chảy từ Chùa Cầu về địa điểm cây đa có tấm bia thì rõ ràng, vùng này rất trũng thấp. Như vậy, sau khi Chùa Cầu được các thương gia Nhật Bản xây dựng qua nhiều mùa lũ lụt tàn phá vẫn đứng vững như bàn thạch nên cộng đồng cư dân Hội An sinh sống tại Cẩm Phô, ngay họng nước khe Ồ Ồ đã tiếp tục làm tấm bia đá với mục đích trị thủy như đã thờ thần Trấn Võ Bắc Đế.

Trên tấm bia còn có những hình tròn nhỏ nối với nhau bằng những vạch ngang, mà những người không am hiểu cho rằng, đó là hình vẽ bản đồ kho báu. Thực chất, những hình tròn tượng trưng cho ngôi sao (hồng tinh), cũng lối trấn yểm ma quái theo Lão giáo...

Như vậy, những thông tin đồn đại về tấm bia cổ trong lòng cây đa trên đường Phan Chu Trinh, Hội An, có vẽ bản đồ kho báu, chỉ là sự đồn thổi thêu dệt, tạo ra những chuyện huyễn hoặc làm xáo trộn dư luận.

Anh Nguyễn Chí Trung cho biết, Trung tâm QLBT di tích Hội An đang đề xuất lãnh đạo chính quyền TP Hội An cho xây dựng tường rào quanh gốc đa có tấm bia, cắm biển ghi rõ ràng sự việc, biến  đây trở thành một điểm tham quan của khách du lịch thập phương...

Long Vân
.
.