Diễn biến mới nhất vụ bê bối ở Viện Hàn lâm Thụy Điển:

Tạm dừng giải Nobel văn chương 2018

Thứ Tư, 09/05/2018, 21:12
Vụ bê bối quấy rối tình dục liên quan đến Viện Hàn lâm Thụy Điển (SA) đã trở nên nghiêm trọng hơn, khi ngày càng nhiều lời tố cáo từ những người phụ nữ từng là nạn nhân, từ đó dẫn đến việc SA buộc phải tạm dừng trao Giải Nobel Văn chương năm 2018.

Việc tạm dừng trao Giải Nobel Văn chương được quyền Thư ký thường trực của SA Anders Olsson thông báo vào hôm 4-5 vừa qua. Trong phát biểu của mình, ông Olsson cho biết ngay cả khi xảy ra chuyện lùm xùm cãi vã giữa cựu Thư ký thường trực Sara Danius với nữ thi sĩ Kararina Frostenson được báo chí đăng tải, mọi việc tại SA vẫn diễn ra bình thường.

Cho đến đầu tháng 5, SA vẫn tiến hành việc tìm kiếm và chốt danh sách ứng viên cho giải năm nay theo lịch trình thường niên. Tuy nhiên, những lời tố cáo bê bối từ cuối năm 2017 đến nay đã làm cho uy tín SA trong cộng đồng thế giới sụt giảm nghiêm trọng, và đặc biệt là việc hàng loạt giám khảo từ chức khiến cho Hội đồng Giám khảo không còn đủ số lượng giám khảo theo quy định (hiện chỉ còn 10 giám khảo, theo quy định phải có ít nhất 12 giám khảo).

Phiên họp tháng 12-2017 của Viện Hàn lâm Thụy Điển.

Đây là lần thứ 2 Giải Nobel Văn chương bị đình chỉ trong lịch sử 117 năm của giải. Lần trước đã xảy ra cách đây gần 70 năm, vào năm 1949, khi giải tạm dừng trao vì nhà thơ William Faulkner không chịu nhận giải (sau đó giải được trao cho ông Faulkner vào năm 1950). Tuy Giải Nobel Văn chương năm nay không được trao, nhưng các giải khác vẫn được trao như thường lệ.

Câu chuyện bê bối ở SA bắt đầu khởi phát từ tháng 11-2017, khi đó tờ báo Dagens Nyheter của Thụy Điển phanh phui việc 18 phụ nữ tố cáo nghệ sĩ nhiếp ảnh Jean Claude Arnault, chồng của bà Frostenson, có những hành vi tấn công tình dục, quấy rối và cả cưỡng hiếp, diễn ra trong hơn 20 năm.

Bên cạnh đó, Arnault còn bị tố cáo đã từng nhiều lần làm lộ danh tính người trúng giải trước khi giải thưởng được công bố, làm ảnh hưởng đến uy tín của giải, đồng thời làm lợi cho những người chơi cá cược. Arnault và vợ được xem như những ngôi sao trong giới văn hóa nghệ thuật Thụy Điển.

Cả hai cùng sở hữu Trung tâm Văn hóa Forum ở Thụy Điển, nhận tài trợ của SA, là nơi lui tới của giới văn nghệ sĩ cao cấp ở Stockholm. Những nữ nạn nhân tố cáo ông Arnault đã lợi dụng quyền lực của mình trong giới văn nghệ sĩ để cưỡng ép họ quan hệ tình dục. Arnault thường thực hiện hành vi bê bối của mình tại Forum và một số cơ sở của SA ở Stockholm (Thụy Điển) và Paris (Pháp).

Bà Ebba Witt-Brattstroem, vợ cũ của ông Horace Engdahl, cựu Thư ký thường trực SA, đặt câu hỏi: “Viện Hàn lâm Thụy Điển có biết đến những hành vi quấy rối tình dục của Arnault diễn ra trong thời gian dài như vậy hay không?”. Câu trả lời là có.

Dagens Nyheter dẫn lời nữ nghệ sĩ Anna-Karin Byland kể rằng bà đã khiếu nại đến SA vào năm 1996 việc mình bị Arnault tấn công tình dục, nhưng đã bị phản bác. Năm 2007, đến lượt nữ tiểu thuyết gia Gabriella Hakansson khiếu nại việc bị Arnault tấn công nhưng cũng chẳng đi đến đâu.

Bà Hakansson cho biết, thông qua mối quan hệ của vợ, Arnault tạo được ảnh hưởng khá mạnh trong SA, trở thành bạn thân của nhiều vị giám khảo trong Viện. Chính vì thế mà đa số những lời tố cáo, khiếu nại của nạn nhân gửi đến Viện đều bị bác bỏ.

Đặc biệt, bà Hakansson còn kể rằng chính mắt bà chứng kiến Arnault đã sàm sỡ cả với Công chúa Victoria của Thụy Điển. Sự việc xảy ra vào tháng 12-2004, trong một dịp Hoàng gia Thụy Điển tổ chức yến tiệc chiêu đãi các thành viên SA.

Ngay sau khi thực hiện hành vi sàm sỡ Công chúa, Arnault đã bị các cận vệ của Công chúa túm cổ lôi ra ngoài. Sau đó, Hoàng gia Thụy Điển đã yêu cầu ông Engdahl tuyệt đối cấm Arnault ở cùng sảnh với Công chúa Victoria tại sự kiện tiếp theo vào tháng 12-2006.

Sau khi tờ báo Dagens Nyheter đăng tải những câu chuyện bê bối của Arnault, bà Sara Danius, khi đó là Thư ký thường trực của SA, đã ra lệnh cắt quan hệ với Trung tâm Văn hóa Forum và Arnault, đồng thời cấm Arnault tham dự các sự kiện do SA tổ chức. Đi xa hơn, bà Danius còn thuê một công ty luật tư nhân tiến hành điều tra các cáo buộc đối với ông.

Tuy nhiên, ở một tổ chức được mệnh danh là “nơi chỉ dành cho đàn ông” và hoạt động theo tôn chỉ “kín như bưng”, việc bà Danius có những hành động mạnh tay để buộc ông Arnault chịu trách nhiệm cho những hành vi bê bối đã tạo nên tác dụng ngược đối với bà. Từ khi vụ bê bối được báo chí đưa tin, đã có 8 giám khảo từ chức (dừng hoạt động nhưng vẫn là thành viên SA), trong đó có cả bà Danius và bà Frostenson.

Một số giám khảo từ chức để phản đối cách xử lý vụ việc của lãnh đạo SA. Riêng bà bị buộc phải từ chức Thư ký thường trực vì dám công khai hóa những vụ việc bê bối vốn lâu nay được giữ kín vì SA không muốn uy tín bị ảnh hưởng.

Và câu chuyện bê bối không chỉ gói gọn trong SA. Đất nước Thụy Điển hiện cũng đang chia rẽ giữa hai luồng quan điểm đối chọi nhau. Việc bà Danius, người đứng ra hạch tội Arnault trước công chúng, bị buộc phải từ chức đã khiến dư luận phẫn nộ vì cái gọi là “đàn ông trên hết” vẫn còn tồn tại khá nặng nề trong xã hội Thụy Điển.

Ngày 19-4, hàng trăm người (chủ yếu là phụ nữ) đã kéo đến trước cổng SA để phản đối. Người ta chỉ trích SA đã “hy sinh” bà Danius để bảo vệ, che chắn cho những hành vi sai trái của những người đàn ông trong Viện. Cộng đồng thế giới cũng thể hiện sự thất vọng vì SA – một trong những hình mẫu của một tổ chức văn hóa chất lượng cao trên thế giới – lại là nơi dung túng, che lấp cho những hành vi bẩn thỉu, sai trái.

Như vậy là ý nghĩa tôn vinh phụ nữ của SA đã không còn, và khi bà Danius cùng một số nữ giám khảo khác từ chức, đã không còn người phụ nữ nào trong Hội đồng giám khảo giải Nobel Văn chương. Và đất nước Thụy Điển – một hình mẫu về bình đẳng giới của thế giới bấy lâu nay, bỗng khiến cho cộng đồng thế giới nghi ngờ rằng liệu sự bình đẳng giới mà nước này hô hào lâu nay có thực chất hay không?

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.