Tâm sự các nhà văn tuổi gà…

Chủ Nhật, 29/01/2017, 13:05
"Thời mẹ tôi còn sống, mẹ tôi vẫn bảo, số tôi sao mà khổ, cùng một cha một mẹ đẻ ra, cùng là tuổi Dậu (cách nhau một giáp), mà chị ruột tôi là Tôn Nữ Thị Cung (Sau này là vợ Giáo sư, bác sỹ Đặng Văn Ngữ) thì sung sướng từ nhỏ tới lớn, còn tôi, sinh ra mất cha khi còn nhỏ dại nên chịu nhiều thiệt thòi, thương khó..." - nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai chia sẻ.

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai: Tuổi tôi "Khổ trước sướng sau"

Nhà văn, nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Ngọc Trai, sinh năm Quý Dậu 1933 tại Thừa Thiên Huế. Bà vốn có dòng dõi quý tộc trong triều đình Huế, nên bà có tên khai sinh là Tôn Nữ Ngọc Trai.

Bà có một tuổi thơ nhọc nhằn và cơ cực. Dù là con nhà dòng dõi, nhưng khi bà vừa sinh ra thì cụ thân sinh mất, người mẹ tần tảo một mình nuôi dạy cả một đàn con thơ bé, non nớt. Cũng chính vì thế, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai phải chịu nhiều thiệt thòi từ bé, làm lụng để giúp mẹ, giúp các em.

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai.

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai chia sẻ: "Thời mẹ tôi còn sống, mẹ tôi vẫn bảo, số tôi sao mà khổ, cùng một cha một mẹ đẻ ra, cùng là tuổi Dậu (cách nhau một giáp), mà chị ruột tôi là Tôn Nữ Thị Cung (Sau này là vợ Giáo sư, bác sỹ Đặng Văn Ngữ) thì sung sướng từ nhỏ tới lớn, còn tôi, sinh ra mất cha khi còn nhỏ dại nên chịu nhiều thiệt thòi, thương khó.

Cuộc sống thời thanh niên, cũng là cả một sự truân chuyên để có danh phận một nhà văn, nhà lý luận phê bình. Đó là cả một cuộc học hành gian nan với nhiều trường lớp. Cuộc đời của bà có những thay đổi khi gặp chồng bà, Giáo sư, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Nguyễn Hồng Phong. Bà đã cùng chồng vun đắp nên một cuộc sống lứa đôi với con đường văn chương song hành.

Ở tuổi 83, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn và nhớ hết những điều thuộc về ký ức, về quá khứ. Giờ chỉ còn một mình, bà được hai người con trai yêu thương, quan tâm hết mực. Bà bảo, số bà, khổ trước, sướng sau. Là con gà nên cứ phải bới để tìm thức ăn, tìm được no diều thì lên cây đi ngủ. Bà đã có một cuộc sống viên mãn trong những năm tháng tuổi già vì làm được nhiều việc có ý nghĩa.

Trong thời gian nghỉ hưu và còn có sức khỏe, bà làm giám đốc trung tâm nghiên cứu trợ giúp người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, giúp đỡ được nhiều người già. Hiện tại, bà ở nhà và viết hồi ký cuộc đời mình, để sống lại một thời văn chương, tuổi trẻ...

Nhà thơ Phạm Đức: Tuổi Ất Dậu mà vẫn yên bình là may mắn rồi!

Vào đầu những năm 1990, trong sổ chép thơ của những người yêu thơ hầu như ai cũng chép những bài thơ tình của nhà thơ Phạm Đức "Đơn phương", "Thì anh lại sợ", "Bên lề", "Ví dầu"…

Nhà thơ dù quá tuổi thất thập cổ lai hy nhưng luôn sống với những ảo mộng lãng mạn của cuộc đời. Ông trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm, đau khổ trong cuộc đời, nhưng với ông, cái tuổi Ất Dậu, lại sinh vào lúc trời tờ mờ sáng, thì cứ thế, phải gáy đợi bình minh và luôn phải đi kiếm ăn cho cả một ngày dài phía trước.

Nhà thơ Phạm Đức.

Nhà thơ Phạm Đức, trước khi về nghỉ hưu là Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Thanh niên (Thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) với gia tài có trong tay là hơn 20 tập thơ văn, tiểu thuyết và 6 giải thưởng lớn về thơ ca.

Hỏi ông về chuyện con gà, có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của ông, nhà thơ cười: "Có đấy, tôi vẫn hay nghĩ về chuyện ấy, có những số mệnh đã được ông trời định sẵn. Tôi sinh vào năm Ất Dậu, cuộc sống đói khổ, bao nhiêu người chết đói, mà không hiểu sao gia đình tôi, có tất cả 8 anh chị em lại chống chọi để vượt qua được. Rồi lớn lên, tôi đi bộ đội. Quân đội là cái nôi và thời chống Mỹ hào hùng đã nuôi dưỡng khuyến khích cho nhiều cây bút phát triển, trong đó có tôi. Khi vào phục vụ trong quân đội, tôi có tác phẩm đầu tay là bài thơ "Ánh đèn" in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 1964). Điều này làm tôi hào hứng và hiểu ra rằng, mỗi trang viết phải là máu thịt của đời mình, mới mong được bạn đọc yêu mến".

Nhà thơ Phạm Đức thừa nhận, mình là "Chú gà trống" gáy đợi bình minh, nhưng phải đi kiếm ăn mới đủ ăn chứ không ngồi đó để được hưởng thành quả. Nghỉ hưu ở NXB Thanh Niên, ông được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bố trí cho ông theo dõi các ấn phẩm của Trung ương Hội và các hội Văn học nghệ thuật địa phương, bên cạnh đó còn chịu trách nhiệm biên tập những cuốn sách, các tập kỉ yếu khi Hội tổ chức sự kiện văn học.

Ông có nhà ở phố Hà Nội, nhưng rồi vì nhiều lí do, nhà thơ Phạm Đức phải ở nhà thuê trong mấy năm. Cứ mỗi lần nhà tăng giá ông lại phải chuyển đến một căn phòng nhỏ hơn, xa trung tâm thành phố hơn để hợp với ngân quỹ có hạn.

Bây giờ, ngày ngày, ông phóng chiếc xe máy đã gắn bó mấy chục năm cuộc đời, đội chiếc mũ bảo hiểm to dày, đi hơn 30 km xuống làm việc tại Hội Nhà văn Việt Nam ở phố Nguyễn Đình Chiểu. Cuộc hôn nhân đầu tiên chấm dứt sau 12 năm chung sống. Năm năm sau, nhà thơ quyết định tái hôn với một đồng nghiệp làm cùng Nhà xuất bản. Nhưng cuộc vá víu hạnh phúc lần này cũng chỉ kéo dài được 5 năm.

Ông tâm niệm, cái tuổi Dậu như ông, cái vui nhất là đông bạn bè. Lúc nào cũng nhiều bạn quần tụ, chẳng cần gì nhiều, nghèo giàu cũng bằng nhau cả, lúc ngồi ở chiếu thơ, đọc và ngẫm rồi bàn luận về một cái truyện ngắn nào đó, một bài thơ nào đó của bạn bè, đồng nghiệp. Thôi thế cũng là sung sướng cả một kiếp Ất Dậu rồi!

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi không có ý niệm về năm tuổi

Năm con gà Đinh Dậu sắp tới là năm theo quy luật của đất trời, tôi tròn 60 năm hoa giáp. Với tôi đó chỉ là sự thay đổi nào đó về một nhịp, một vòng tuần hoàn của thời gian. Có thể với nhịp hay vòng tuần hoàn của thời gian thì có những biến động đối với cuộc sống của mình. Trước kia có lúc tôi nghĩ đến năm tuổi như mọi người, nhưng càng ngày tôi càng không để ý gì nữa.

Cuộc sống vô vàn điều bất trắc cũng như vô vàn điều kỳ diệu và sự bất trắc cũng như kỳ diệu có thể đến với tôi mà tôi không hề biết trước. Nhưng có một điều tôi biết trước đó là mình luôn hướng về những điều tốt đẹp.

Còn về hình tượng con gà ư? Tôi không nghĩ mình tuổi rồng thì mình thành rồng và tuổi gà thì mình thành gà. Nhưng có một điều rất ứng với tôi là : vì cầm tinh gà nên tôi phải lao động (bới) không ngưng nghỉ như một con gà thực sự.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Tôi chỉ có những ký ức, ý niệm về những ngày Tết, về tháng Giêng. Tết khi còn mẹ cha, đối với tôi nó mới thực sự có ý nghĩa. Dù có bận rộn đến đâu, thì đêm giao thừa, tôi cũng có mặt ở nhà, trước đó là để cúng đêm 30, sau đó là nép vào một góc để thưởng thức hương vị quê nhà đã gắn bó với mình trong cả cuộc đời. Tết những năm không còn cha mẹ, nó cay đắng và tủi hờn. Đôi khi tôi không có đủ thời gian để nghĩ về mình, về tuổi của mình.

Suốt từ ấu thơ cho tới bây giờ, lúc nào tôi cũng nhớ mẹ. Mỗi tuần về quê, khi trở lại thành phố, lòng tôi mang đầy cảm giác xa xôi và cô độc. Khi lên đến dốc đê, tôi nhìn về làng và không muốn đi. Nơi ấy có ngôi nhà tôi sinh ra và lớn lên. Nơi ấy có mẹ tôi mỗi tuần ngóng đợi các con về. Tôi luôn tự nhủ khi đến tuổi hưu sẽ về quê sống với mẹ. Nhưng tôi không kịp thực hiện mơ ước ấy. Mẹ tôi đã ra đi. Tôi suốt đời ân hận. Thuở nhỏ cứ chiều chiều anh chị em tôi ra đầu ngõ chờ mẹ. Kể cả những năm tháng đói nghèo đói và những năm tháng đời sống được cải thiện rất nhiều thì gia sản lớn nhất của chúng tôi vẫn là mẹ.

Có những chiều mưa giông, chúng tôi đứng bên hiên nhà đợi mẹ. Mẹ về, cả người mẹ ướt sũng và tái ngắt vì lạnh. Thấy mưa, mẹ ở lại bắt châu chấu vì mưa chấu chấu thường không bay xa được. Mẹ rang châu chấu với nước muối cà cho chúng tôi ăn. Sau này khi gia đình tôi không còn chạy ăn từng bữa thì mẹ vẫn ứa nước mắt khi nhớ những ngày các con phải chịu đói rét.

Hai tuần trước khi mất, mẹ tôi mơ thấy cha tôi về. Sau khi cha tôi mất, tôi về quê nhiều hơn với mẹ cho dù lúc đó anh trai tôi đã nghỉ hưu và thường xuyên ở nhà với mẹ. Những đêm ở quê tôi thường ngồi viết đến hai, ba giờ sáng và thắp hương liên tục cho cha. Những đêm như thế, mẹ tôi thường nói vọng từ trong màn ra : "Sau này mẹ mất, con đừng làm việc như thế nữa".

Khi chưa ốm nặng, mẹ thường thức giấc và đến bên giường tôi xem tôi đã cài màn kỹ chưa. Lúc nào tôi cũng chỉ là đứa trẻ lên ba với mẹ. Có phải như thế mà khi cha mất, tôi đau buồn nhưng cứng rắn. Còn khi mẹ mất, tôi hoàn toàn suy sụp như đứa trẻ lạc mẹ ở một chốn xa lạ hoang vắng không người. Tôi nhớ mẹ như đứa trẻ lên ba đợi mẹ trong những chiều mưa giông mà mẹ không về. Giờ tôi vẫn lẩn thẩn trong những buổi chiều và những đêm khuya trong ngôi nhà mỗi khi về quê.

Có lúc thoáng giật mình tưởng chưa nấu cơm chiều cho cha mẹ. Nhưng nhận ra cha mẹ không còn nữa. Và bây giờ, tôi mới thấu được nỗi mồ côi cha mẹ như thế nào. Mấy tháng trước khi mất, hai mẹ con tôi ngồi bên hiên nhà trong một đêm trăng. Đêm ấy mẹ nói với tôi: "Sau này mẹ mất, có còn ai yêu con nữa không?". Đấy chính là nỗi sợ cuối cùng của mẹ trước khi rời xa thế gian này cho dù lúc đó tôi đã ngoài 50 tuổi.

Tôi có bài thơ "Hồi tưởng tháng giêng", viết cũng đã lâu rồi, nhưng nó mang tinh thần Tết trong tôi: "Trong chiếu chăn ẩm ướt/ Mơ con đường hoa tầm xuân/ Chạy qua nghĩa địa/ Đã tản mát đồ cúng lễ đầu năm/ Một bà già ốm dậy/... Hy vọng đổ vô hồi/ Vào tháng Giêng câm tiếng/ Nhưng mùa xuân vẫn còn giấu mặt/ Chỉ thả ra một cánh bướm thăm dò/ Vào một ngày cuối Giêng/ Người hàng xóm goá chồng/ Trở về từ nghĩa địa/ Cắm đầy hoa tầm xuân trong phòng ngủ của mình...".

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.