Tản mạn về chuột

Thứ Sáu, 01/02/2008, 16:30
Tôi thành kiến với chuột, nhưng lắm khi cũng “cả nể”. Một lần sau bữa cơm trưa, tôi cùng khách ngồi xỉa răng uống nước.  Hai chú chuột lò dò xuất hiện, mắt nhìn liên láo, rồi đánh bạo bò ra giữa nhà nhặt những hạt cơm rơi. Thấy tôi không phản ứng gì, khách hỏi nhà tôi nuôi chuột à. Tôi cười, trả lời không, nhưng vẫn mặc kệ nó.

Hồi nhỏ tôi rất thích theo bọn trẻ chăn trâu đi hun chuột đồng. Tháng mười ta, lúa chiêm đã gặt xong, cánh đồng khô nẻ trơ ra từng gốc rạ. Chúng tôi nhổ rạ nhét vào hang chuột, lấy lửa từ những cúi rơm hay thân cây dứa dại mang theo, đốt rạ và ra sức quạt. Lúc sau, chuột hốt hoảng lao ra, chui tọt vào cái rọ có hom hứng sẵn ở bên ngoài, có con phóng vọt lên liền bị chó săn vồ giúp.

Mỗi hang được vài ba con chuột. Những con chuột lông vàng hung hung, bụng trắng, bị lột da, nướng lên thơm phức. Thịt tập trung nhiều nhất ở đùi, xương nhỏ như xương ếch. Chuột đồng ăn lúa nên rất sạch, thịt thơm. Bọn trẻ truyền tay nhau, xé ăn bên đống lửa giữa cánh đồng gió hanh se lạnh. Chiều đến, chuột từng xâu từng xâu xách về nhà làm lông, mổ banh bụng, moi hết phủ tạng, nhồi lá chanh vào, luộc, ép ráo nước, ăn nguội ngon hơn thịt gà.

Ở quê tôi cỗ cưới dù có thịt trâu, thịt bò đi nữa mà trên mâm thiếu đĩa thịt chuột thì vẫn không được coi là cỗ to. Có anh bộ đội miền Trung ra Bắc tập kết (1954) ngạc nhiên khi vào chợ thấy thịt chuột bày la liệt. Anh bảo quê anh nghèo lắm, bữa cơm rặt khoai sắn, nhưng nhà nào ăn thịt chó, thịt mèo, hay thịt chuột thì bị cả làng khinh, con cái ắt ế chồng. Ở Bến Lức, Cai Lậy đồng bằng sông Cửu Long, thịt chuột lại là đặc sản.

Món chuột quay lu (hay nướng lu) đúng là một đỉnh cao của nghệ thuật ẩm thực. Khách du lịch thập phương đưa vào miệng thử, mắt sáng lên, giơ ngón tay cái xác nhận “nâm bơ oan!”. Chuột quay lu xương giòn, thịt dai, đã thơm lại béo. Nhưng sạch hơn cả chuột đồng là chuột ở cù lao sông Tiền, sông Hậu. Mùa nước nổi, các hang chuột bị lấp, chuột leo lên ngọn dừa, trung bình mỗi cây có hai, ba con. Chúng khoét trái dừa, hút nước, ăn cùi và cổ hũ dừa, con nào con nấy béo trắng nung núc, đem nướng lu thì...

Trong thế giới sinh vật có ba loại chất cơ bản: đường, mỡ và đạm. Khi phân rã, đường trở nên chua, mỡ chuyển thành hôi, còn đạm thì có mùi khó chịu. Hễ trong nhà có mùi khó chịu, người ta nghĩ ngay đến chuột hoặc cóc chết. Vì giàu đạm nên thịt cóc sấy khô, xay bột, đóng gói làm thuốc cam cóc chữa suy dinh dưỡng trẻ em.

Cóc và chuột là thức ăn khoái khẩu nhất của loài rắn. Có loài rắn mang tên “rắn bắt chuột”. Mặc dù thịt chuột ngon với hàm lượng đạm cao, nhưng hiện nay hầu như không  có những công trình nghiên cứu giá trị dinh dưỡng của nó. Thời chiến tranh, thực phẩm khan hiếm, nghe đồn có hàng sủi cảo làm bằng thịt chuột nhà, nhiều người sợ, tôi chén tỉnh bơ. Chỉ có chuột chù mõm dài mới hôi mà thôi. Lại có người bảo làm gì có chuyện đó, chẳng qua tung tin đồn bậy để bêu riếu.

Hồi ấy, sinh viên chúng tôi thường học thi dưới bóng điện ngoài đường phố. Đêm khuya gặp người đi bắt chuột là rất thường... Lẽ nào họ bắt về để phóng sinh? Bên Campuchia người ta bán thịt chuột làm sẵn, từng rổ từng rổ như thịt heo ngoài chợ. Nghe nói còn xuất sang cả Việt Nam theo con đường “tiểu ngạch”.

Thịt chuột có kẻ thích người không, con chuột thì ai cũng ghét (trừ chuột Micky). Chuột là con vật trung gian truyền dịch hạch, thông qua bọ chét ký sinh. Ngòai ra, chuột còn có cái tội hay đục khoét, gặm nhấm. Cũng tại trời sinh ra thế, răng loài gậm nhấm dài ra từng ngày, phải được bào mòn liên tục.

Chúng khoét hòm tủ, cắn đứt dây điện thì không sao, còn cắn xé quần áo có người là điềm gở, báo hiệu kinh tế gia đình sa sút. Trái lại nếu chuột túc, “gáy” liên hồi về đêm, ắt hẳn sẽ khấm khá, làm ăn tiền của vào như nước: “Thứ nhất chuột túc trong nhà, thứ nhì đom đóm, thứ ba hoa đèn”.

Tôi thành kiến với chuột, nhưng lắm khi cũng “cả nể”. Một lần sau bữa cơm trưa, tôi cùng khách ngồi xỉa răng uống nước.  Hai chú chuột lò dò xuất hiện, mắt nhìn liên láo, rồi đánh bạo bò ra giữa nhà nhặt những hạt cơm rơi. Thấy tôi không phản ứng gì, khách hỏi nhà tôi nuôi chuột à. Tôi cười, trả lời không, nhưng vẫn mặc kệ nó.

Đôi khi ghét chuột mà vẫn phải chiều để nó đỡ phá phách. Nửa đêm nghe chuột lục đục giữa đống chai lọ, sợ vỡ tôi bật điện, nằm im chờ nó rút lui có trật tự rồi mới tắt điện thở phào, ngủ tiếp. Chuột có biệt tài nhớ đường, thuộc địa hình, để chạy trốn và thoát chết dễ dàng khi bị săn đuổi. Biết chắc có con chuột nhắt bò trong hòm mà đố bắt được đấy.  Nó ém mình ở chỗ bất ngờ nhất, chờ ta lục soát xong chỗ nào thì rời ngay đến đúng chỗ ấy.

Chuột không dại gì cắn lúa  khu vực trước cửa hang mình. Nó “đánh bắt xa bờ”. Có ông nông dân giết con chuột, treo trên cái cọc giữa ruộng lúa để cảnh cáo, dọa những con khác. Sáng hôm sau ra thăm đồng, cả ruộng lúa bị quần nát. Chuột trả thù đấy.

Đã chung sống phải biết điều: “Con mèo mà trèo cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đường xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo”. Bức tranh Đông Hồ “Đám cưới chuột”, ta thấy cô dâu chú rể ngồi kiệu, con chuột đi đầu xách con cá chép to dâng lên cho chú mèo. Kẻ dưới muốn hạnh phúc, yên ổn chớ có quên người trên.

Mặc dù ta phát động phong trào toàn dân diệt chuột. Bả chuột, keo dính chuột, bẫy chuột… nhưng đố tiêu diệt hết được, vì mỗi lứa chuột đẻ nhiều con, lại mắn đẻ. Vậy nên một mặt diệt chuột, mặt khác vẫn cứ phải “chung sống” với chuột

Chu Bá Nam
.
.