Tăng cường chống dịch tả lợn châu Phi
- Vào nơi ổ bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã được khống chế
- Tăng cường kiểm soát các tuyến giao thông dịch tả lợn châu Phi
- Lợn có triệu chứng mắc bệnh tả lợn châu Phi, tiêu huỷ ngay không cần lấy mẫu xét nghiệm
Tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa lây lan
Dịch tả lợn Châu Phi (AFS) xuất hiện vào năm 1921 tại châu Phi, năm 1957 lan sang châu Âu và châu Mỹ. Một số nước đã thanh toán được dịch bệnh này, tuy nhiên, như Tây Ban Nha phải mất 30 năm mới khống chế được bệnh dịch mà biện pháp quan trọng nhất chính là tiêu huỷ đàn lợn.
Việc lây lan chủ yếu là do vận chuyển lợn, sản phẩm thịt lợn bị nhiễm mầm bệnh. Chủng virus bệnh này lây lan rất chậm trong đàn lợn nhiễm bệnh, song nếu lợn mắc bệnh lại có tỷ lệ chết rất cao, gần như 100%. Sau gần một thế kỷ phát hiện ra, đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, chống AFS.
Cán bộ Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh phun thuốc tiêu độc, sát trùng trước khi cho xe vào cơ sở giết mổ. |
Trước tình hình dịch tại các tỉnh phía Bắc chưa có dấu hiệu được kiềm chế, các tỉnh Nam Trung bộ và phía Nam đang nỗ lực chặn dịch với các biện pháp gắt gao. Đồng Nai là "thủ phủ heo" của cả nước lại là cửa ngõ phía đông của TP Hồ Chí Minh.
Trên địa bàn tỉnh có đường cao tốc, 3 tuyến quốc lộ, nguy cơ dịch lây lan, phát tán trên địa bàn tỉnh này là rất cao. UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên 2 tuyến quốc lộ đi qua tỉnh.
Lực lượng đóng chốt gồm cán bộ liên ngành thuộc quản lý thị trường, thú y, cảnh sát... ngày đêm túc trực. Các chốt kiểm dịch động vật tạm thời nói trên sẽ kiểm tra động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên vận chuyển qua địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Công tác kiểm soát tập trung vào các nội dung kiểm dịch, xuất xứ, nguồn gốc; đặc biệt là kiểm tra từng con heo về các dấu hiệu của bệnh AFS. Cảnh sát giao thông và quản lý thị trường cũng phối hợp trong việc kiểm tra nhằm đảm bảo không để các xe chở động vật và sản phẩm động vật có dấu hiệu bị bệnh vượt trạm.
Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương Đồng Nai nhấn mạnh, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền đến người tiêu dùng là dịch AFS hoàn toàn không lây sang người, tránh việc tẩy chay gây thiệt hại cho toàn ngành chăn nuôi. Cần có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành liên quan để có giải pháp căn cơ trước mắt và lâu dài. Trong đó, phải tính đến phương án bình ổn thị trường heo sau dịch gắn với vai trò của những doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi.
Tại TP Hồ Chí Minh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch từ đầu vào đến đầu ra.
Tại đầu vào, các trạm kiểm dịch động vật kiểm tra chặt chẽ các xe vận chuyển động vật và sản phẩm động vật. Trung bình một ngày lượng heo vào thành phố đi qua trạm kiểm dịch khoảng 20-30 xe, mỗi xe 70-80 con. Khi xe qua trạm, cán bộ thú y phải kiểm tra lâm sàng và phun thuốc sát trùng tiêu độc, nếu phát hiện bất thường phải có biện pháp xử lý kịp thời. Những ngày qua chưa phát hiện trường hợp heo chết, heo bệnh, vì đã có kiểm dịch ngay từ nơi xuất xứ, đi qua trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức.
Tại đầu ra, Chi cục thú y TP Hồ Chí Minh cũng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở giết mổ nhằm ngăn ngừa bệnh dịch lây lan.
Tự cứu mình trước khi được cứu
Bộ NN&PTNT đã có đề xuất hỗ trợ 80% giá thị trường đối với heo con, heo thịt và tăng gấp 1,5 - 1,8 lần đối với heo nái và heo đực giống buộc phải tiêu hủy. Nếu không có sự hỗ trợ phù hợp, kịp thời dịch bệnh lây lan rất cao bởi bà con chăn nuôi tiếc của sẽ lén giết mổ hoặc giấu dịch... khi đó sẽ là thảm họa.
Ông Cảnh, một hộ chăn nuôi lợn ở huyện Long Thành cho biết, ông và nhiều hộ chăn nuôi trong khu vực thực hiện nghiêm tất cả hướng dẫn, tuyên truyền, cùng các biện pháp phòng chống dịch. Còn nhớ đầu năm 2017, giá heo tụt dốc khiến nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng. Những lúc đó cả nước phải chung tay giải cứu, không có sự trợ giá từ Nhà nước vậy nhưng bà con vẫn trụ được.
Lần này, theo ông Cảnh, ông sẵn sàng tiêu hủy đàn heo nếu dịch AFS "tìm" đến trang trại của ông. Ông còn vận động đồng nghiệp chủ động phòng dịch, thực hiện tốt 5 không: không giấu dịch, không bán tháo, không vận chuyển heo mắc bệnh, không cho ăn thức ăn thừa, không vứt xác heo chết ra môi trường…
Trang trại của ông Cảnh hiện nội bất xuất, ngoại bất nhập. Ông không cho mua rau củ quả, thực phẩm bên ngoài và tăng cường rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng tiêu độc. Những bầy heo con đã đến ngày tách đàn cũng bị tạm ngưng... "Hãy tự cứu mình trước khi... được cứu!", ông Cảnh mượn câu nói.
Nhiều hộ chăn nuôi heo ở Đồng Nai đã bán bớt hoặc giảm đàn, đồng thời tạm ngưng nuôi lứa mới... để giảm thiểu thiệt hại. Các hộ còn thường xuyên kiểm tra sức khỏe con heo để có chế độ dinh dưỡng hợp lý và phòng trừ bệnh kịp thời. Nhiều người cắn răng bán heo, giảm đàn nhằm tránh thiệt hại nặng trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.
Giá lợn hơi tại các tỉnh phía Bắc đang giảm mạnh, chỉ còn 38.000 - 41.000 đồng/kg. Tại các tỉnh phía Nam giá heo hiện dao động trên dưới 50 ngàn đồng/ kg heo hơi. Vì thế, ngay bây giờ cả hộ chăn nuôi lẫn cơ quan quản lý đều quan niệm phải "chống dịch như chống giặc"!