"Taxi" trên không trong tương lai

Thứ Ba, 19/02/2008, 13:30
Khi trên mặt đất đầy nghẹt xe cộ, người ta nghĩ đến khái niệm “taxi trên không" - những chiếc máy bay cỡ nhỏ chuyên chở hành khách qua lại giữa các sân bay theo yêu cầu, tránh được nạn tắc nghẽn giao thông và sự chậm trễ của các sân bay lớn. Taxi trên không - tên gọi chính thức là Hệ thống Vận tải bằng máy bay nhỏ (SATS)..

Trong giới doanh thương, thời giờ là tiền bạc. Di chuyển càng nhanh, công việc làm ăn càng thuận lợi. Ngay đến kỳ nghỉ hè họ cũng không muốn có sự chậm trễ cho hành trình. Đòi hỏi về tốc độ đang ngày càng gây sức ép đến các phương tiện vận chuyển.

Khi trên mặt đất đầy nghẹt xe cộ, người ta nghĩ đến khái niệm “taxi trên không" - tức là những chiếc máy bay cỡ nhỏ chuyên chở hành khách qua lại giữa các sân bay theo yêu cầu, tránh được nạn tắc nghẽn giao thông và sự chậm trễ của các sân bay lớn. Taxi trên không - tên gọi chính thức là Hệ thống Vận tải bằng máy bay nhỏ (SATS) - có thể vận chuyển hành khách đi lại giữa hai điểm trong thời gian ngắn nhất.

Hiện nay, chỉ có khoảng ba mươi sân bay lớn trên đất Mỹ, và mỗi một chiếc trong số đó phải chuyên chở chừng 100 triệu người/năm. Với lượng người chọn phương tiện máy bay đông đúc như thế, nhiều sân bay bị tràn ngập hành khách và quá tải, từ đó dĩ nhiên dẫn đến tình trạng chậm trễ hoặc phải hủy chuyến bay. Không những thế, giá vé rất đắt nếu muốn di chuyển bằng máy bay lớn.

Còn những hạn chế khác nữa: khách phải bay theo lịch quy định khắt khe. Kết quả là phần đông chọn xe hơi thay cho máy bay. Nhưng tránh mưa thì gặp nắng: những trục lộ ôtô cũng bị nghẹt cứng xe cộ đủ loại.

Nguyên tắc cơ bản đằng sau SATS khá đơn giản: thay vì dựa vào vài sân bay lớn, SATS sử dụng 5.000 sân bay địa phương, nhỏ hơn nằm rải rác trên khắp nước Mỹ. SATS cũng phát triển các máy bay nhỏ an toàn hơn, tiện nghi hơn, đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để vận chuyển hành khách trên không không thua kém gì máy bay lớn.

Ngoài ra, hệ thống sân bay và máy bay nhỏ này có giá rẻ hơn, rộng đường lựa chọn về tuyến đường hay giờ giấc bay cho hành khách. Do có khá nhiều sân bay nhỏ nằm rải khắp nơi trên đất Mỹ, nên hành khách có thể chọn sân bay nào gần nhà hay nơi làm việc của mình hơn, tiết kiệm được thời gian di chuyển.

Các máy bay SATS rất thích hợp với hệ thống sân bay nhỏ nằm rải rác khắp nước Mỹ.

Một số tiến bộ công nghệ trong những năm gần đây cũng mang đến tính khả thi và tiện nghi cho SATS. Năm 1996, NASA khởi xướng chương trình GAP (General Aviation Propilsion) nhằm kích thích phát triển kỹ nghệ máy bay hạng nhẹ của Mỹ. Mục tiêu chính của chương trình GAP là giúp phát triển các động cơ phản lực thích hợp hơn cho máy bay nhỏ.

Ví dụ, Hãng Williams International kết hợp với NASA cho ra lò loại động cơ tuabin cánh quạt đẩy FJX-2 nhỏ nhất lúc đó. Động cơ thương mại nặng không đến 45,4 kg này cho phép phát triển một loại máy bay hạng nhẹ mới. Công nghệ đột phá này là bước khởi đầu quan trọng để chế tạo loại máy bay đủ nhỏ để sử dụng được hệ thống sân bay địa phương, nhưng cũng đủ tinh tế để đáp ứng các yêu cầu về tốc độ, tầm bay xa, tiện nghi và an toàn đối với chiếc máy bay thương mại.

Năm 1998, trong lúc đang phát triển động cơ FJX-2, chủ tịch và đồng sáng lập Hãng Williams International, ông Sam Williams, hợp tác với doanh nhân Vern Rabum thành lập Tập đoàn Hàng không Eclipse.

Đầu tiên sử dụng phiên bản thương mại của động cơ FJX-2, gọi là EJ22, rồi sau đó chọn động cơ tuabin PW610F của Hãng Pratt&Whitney thay vào và Eclipse xây dựng chiếc máy bay phản lực Eclipse 500. Xuất hiện năm 2005, Eclipse 500 trở thành máy bay đầu tiên thuộc thế hệ máy bay phản lực cực nhẹ mới (VLJ) phục vụ cho SATS.

Một số lợi ích hiển nhiên nhất của SATS bao gồm: ít gây tắc nghẽn trong các sân bay lớn lẫn trục lộ ôtô, lịch bay thoải mái hơn, nhiều điểm xuất phát và điểm đến hơn, giá vé rẻ hơn. SATS cũng có vài lợi ích khác nữa. Ví dụ, SATS có thể kích thích kinh tế tăng trưởng nhờ gia tăng lượng hành khách (không sống gần các sân bay lớn) đi nghỉ ngơi hoặc du lịch. Thêm vào đó, SATS còn giúp những khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế, nếu như chúng tọa lạc gần sân bay địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay kế hoạch SATS của Mỹ còn đụng phải một số vấn đề. Mặc dù giá cả bay với taxi trên không sẽ hạ thấp khi hệ thống trưởng thành và phổ biến rộng, song xem ra nó vẫn còn đắt hơn những chuyến bay truyền thống với máy bay lớn. Tại thời điểm khởi đầu này, phương tiện taxi trên không vẫn chủ yếu phục vụ cho giới doanh nhân và những người coi trọng thời gian hơn tiền bạc.

Thêm một vấn đề nữa là sự an toàn. Để giải quyết vấn đề này, khi phát triển máy bay mới, các nhà chế tạo đã sử dụng công nghệ máy tính và điện tử tiên tiến nhất để gia tăng độ an toàn và đáng tin cậy của máy bay của họ.

Ngoài ra, NASA cũng đưa vào sử dụng hệ thống kiểm soát không lưu tự động xử lý yêu cầu hạ cánh và xếp chỗ đậu. Một hệ thống khác phát hiện máy bay đến gần do căn cứ vào độ cao, hướng bay, vị trí và trao đổi thông tin này với chiếc máy bay lân cận khác. Điều này đặc biệt quan trọng đối với sự hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu - một vấn đề đáng quan tâm của hệ thống sân bay nhỏ địa phương.

Theo dự đoán của NASA, ít nhất phải đến năm 2015, hệ thống SATS mới được nhân rộng thật sự, và cũng mất nhiều năm nữa để cho taxi trên không từ sự lựa chọn mới mẻ chuyển thành phổ thông

Thục Miên (tổng hợp)
.
.