"Tây" trong làng giải trí Việt

Thứ Hai, 30/03/2015, 16:50
Hơn 15 năm trước, các đạo diễn không dễ tìm một diễn viên đóng vai nhân vật người nước ngoài. Bí quá, một số đạo diễn đành chọn những người Việt có nhân dạng hơi giống người phương Tây nhét vào vai. Những nhân vật “Tây” này khi vào vai nói tiếng Việt lơ lớ ngọng nghịu nhưng nói tiếng Tây cũng lơ lớ ngọng nghịu nốt khiến người xem không thể không bật cười.

Để cải thiện tình hình, một số đạo diễn “bắt cóc” đại một Tây du lịch balô nào đó vào vai. Khổ nỗi, những người này chỉ biết du lịch chứ không biết diễn xuất nên không ít cảnh diễn gượng gạo khiến người xem cũng ái ngại thay.

Bây giờ, làng giải trí Việt không những có diễn viên Tây mà có cả model Tây, PG Tây, ca sĩ Tây...

Nghệ sĩ ngoại tỏa sáng ở Việt Nam

Có thể nói, đạo diễn người Mỹ Aaron Toronto là một trong những nghệ sĩ Tây đầu tiên định cư trong làng giải trí ở TP HCM. Từ năm 2001, người viết đã có cơ hội làm quen với anh trong một buổi chụp ảnh mẫu tại studio ở quận 3. Khi ấy, anh chỉ mới đến Việt Nam vài lần và đang tìm cơ hội len lỏi vào giới showbiz Việt. Anh đã làm chúng tôi ngạc nhiên khi khả năng nói tiếng Việt chuẩn và lưu loát.

Aaron nói với chúng tôi rằng, cha anh là một cảnh sát liên bang Mỹ (FBI), khó tính. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp đạo diễn điện ảnh tại Mỹ, anh muốn tìm một chân trời mới, thoát ly khỏi gia đình. Đúng thời điểm đó, anh quen với một cô bạn người Việt. Cô bạn này đã rủ rê anh sang Việt Nam lập nghiệp. Trước khi sang Việt Nam, anh dành một năm học tiếng Việt. Hai năm đầu sang Việt Nam, với visa du lịch, anh không tìm được hợp đồng chính thức nào chỉ vì "không có giấy phép hành nghề" tại Việt Nam.

Mặc dù đói việc làm nhưng nghị lực tự chủ đã ngăn anh mượn tiền gia đình. Thất nghiệp nhưng phải trả tiền nhà trọ hàng tháng (lúc ấy anh thuê nhà trọ ở Phú Nhuận) và rất nhiều thứ chi phí đời sống, anh lấy tên Thành để tìm vai quần chúng. Dù đã mang tên Việt nhưng màu mắt xanh, sóng mũi cao, luôn tố cáo anh là người phương Tây. Biết anh gặp khó khăn về "giấy phép hành nghề", một số đạo diễn đã trả anh cátsê ở mức... vừa đủ ăn cơm Việt. Anh đã phải nhận làm người mẫu ảnh để kiếm thêm thu nhập. Có lúc người ta còn thấy anh làm công việc của một công nhân đoàn phim.

Nhưng Aaron vẫn quyết tâm bám trụ lại Việt Nam. Mãi đến năm 2003, anh mới có được hợp đồng đạo diễn một phim ca nhạc (bối cảnh ở Vũng Tàu). Clip ca nhạc này đã đoạt giải thưởng "Bài hát tôi yêu". Từ đó, anh có được “visa” làm nghệ thuật tại Việt Nam. Và hiện nay, Aaron Toronto trở thành một nghệ sĩ thương hiệu Tây khá thành công trên đất Việt ở nhiều thể loại sân khấu, điện ảnh.

Không giậm chân tại chỗ, Aaron tiếp tục học và tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn Hà Nội với mong muốn tiếp cận sâu vào văn hóa Việt.

Ngoài Aaron Toronto, làng giải trí Việt còn xuất hiện nhiều gương mặt khác như ca sĩ Ryan Fort (có tên Việt là Duy Hùng), ca sĩ Lee Kirby, ca sĩ Kyo York, Paynton, người mẫu diễn viên Edwood, người mẫu diễn viên điện ảnh Natalie, người mẫu Irina, người mẫu Nali, Gosia, Yan, Karo...

Trừ những người theo gia đình định cư từ nhỏ tại Việt Nam như Ryan, những gương mặt khác đến Việt Nam vì con đường nghệ thuật ở quê nhà của họ quá chật hẹp, không có chỗ chen chân.

Đạo diễn Aaron (bìa trái).

Chen chân xứ Việt

Chúng tôi có dịp theo chân một hãng phim để casting vai cho sêri phim quảng cáo sản phẩm châu Âu tại một địa điểm ở trung tâm TP HCM. Đạo diễn cần 5 vai diễn là người phương Tây, gồm cặp vợ chồng có 2 con và cặp vợ chồng trẻ. Yêu cầu đặt ra là tất cả các diễn viên đều phải có nghề, kể cả 2 trẻ em. Trước đây, để tìm một diễn viên phương Tây chính hiệu là điều khó.

Tuy nhiên, qua sự giới thiệu của một công ty quản lý người mẫu, hãng phim đã tiếp cận được hàng chục diễn viên chính hiệu phương Tây gồm đủ các quốc gia: Nga, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha... Sau buổi casting đầy thử thách, hãng phim cũng chọn được 5 diễn viên ưng ý.

Theo bà giám đốc hãng phim thì: "Mặc dù đa số những người đến casting vai chỉ được đào tạo làm người mẫu, chưa qua đào tạo diễn xuất phim nhưng họ nhận thức rõ sự nghiêm túc trong vai diễn và diễn xuất đạt yêu cầu nên chúng tôi chọn họ. Họ diễn không thua kém những diễn viên Việt được đào tạo bài bản".

Còn giám đốc một công ty quản lý người mẫu cho biết, hầu hết những người mẫu phương Tây đều có khả năng diễn xuất phim. Hiện công ty này đang quản lý vài chục người mẫu đến từ phương Tây, trong đó có những gương mặt sáng giá trên sàn catwalk xứ Việt. Những người mẫu phương Tây đã mang không khí làm việc nghiêm túc vào Việt Nam. Họ khiến nhiều người mẫu Việt thay đổi một phần tư duy sàn diễn “ao làng” của giới người mẫu Việt.

Nhiều người trong làng giải trí Việt cho biết, các người mẫu, diễn viên phương Tây đổ bộ vào Việt Nam từ rất lâu nhưng mãi đến năm 2005 họ mới thật sự tạo được thiện cảm của công chúng Việt. Một trong những nguyên nhân khiến họ chậm tỏa sáng nằm ở chỗ: Những người phương Tây không thích bỏ tiền đánh bóng tên tuổi như cách người Việt thường làm. Họ chỉ muốn khẳng định tên tuổi bằng sự nỗ lực thật sự của bản thân. Và họ vấp phải rất nhiều khó khăn, kể cả những định kiến.

Tại trường quay S5 ở quận Tân Bình, TP HCM, người mẫu Taio là bác sĩ có phòng mạch tư tại quận 7, TP HCM, bộc bạch: "Tôi và nhiều bạn đến từ phương Tây đều yêu thích nghề diễn. Nhưng ở quê nhà, chúng tôi không thể chen chân lên sàn diễn thời trang hay trong tầm nhìn của đạo diễn phim. Ở đó đã có quá nhiều nhân vật tên tuổi. Và việt Nam là cơ hội của chúng tôi. Con đường nghệ thuật ở Việt Nam còn rộng để chúng tôi đặt chân vào. Tôi phải hành nghề bác sĩ để có lương thực đi tiếp vào con đường nghệ thuật".

Cô người mẫu Katya Kazanova, gốc Siberia, Nga thì đến Việt Nam bằng con đường... vòng. Sau 2 năm hành nghề biểu diễn thời trang ở quê hương nhưng không tạo được sự chú ý, cô sang Bangkok (Thái Lan) hành nghề DJ. Vẫn không tạo được ấn tượng ở Thái Lan, cô đến Việt Nam. Năm 2010, cô lọt vào tầm ngắm của một công ty đào tạo người mẫu ở TP HCM. Từ đó, Katya trở thành người biểu diễn thời trang và diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp.

Andrea Aybar CarmonaMarc theo chân cha là một doanh nghiệp Tây Ban Nha đến Việt Nam tìm hợp đồng kinh tế vào năm 2007. Tình cờ, cô gặp người đồng hương đang học diễn thời trang. Nghe lời bạn, Andrea đăng ký học. Với năng khiếu bẩm sinh và vóc dáng chuẩn, chỉ sau vài tháng, cô đã có được hợp đồng biểu diễn của các hãng thời trang tên tuổi: Adidas, Levis, Bally, Mango, BCBG... Nhờ tỏa sáng ở Việt Nam, cô được các kênh truyền hình lớn ở quê hương Tây Ban Nha mời về làm MC.

Đạo diễn Văn Thắng - Công ty Ẩn Số Vàng đang casting diễn viên nước ngoài.

Khó có thể thống kê đủ số người mẫu, diễn viên người nước ngoài đang hành nghề ở Việt Nam. Tại TP HCM, dân trong nghề chỉ tạm đếm được hơn 100 diễn viên, người mẫu Tây. Trong đó chỉ có khoảng 30 người chuyên nghiệp và khoảng 20 gương mặt có thương hiệu. Ngoài những nhân vật đã nêu tên ở trên còn có: Marcus (cha người Việt, mẹ người Pháp); Viola Johansson (Thụy Điển); Saphi Lina (Nga); Nacho Navarro Regne (Tây Ban Nha), Andrea, Guihem, Gosia, Ryby, Nali...

Muôn mặt chợ nghề

Ngày nay, muốn tìm một diễn viên, người mẫu phương Tây, các đạo diễn không cần phải lăng xăng kiếm tìm đỏ mắt như trước đây. Họ chỉ cần đến những lò đào tạo người mẫu. Ở đó, có đủ đẳng cấp diễn viên, người mẫu, từ những người đã có thương hiệu cho đến mới chập chững vào nghề, thậm chí có cả trẻ em "tóc vàng, mắt xanh".

Giám đốc một công ty đào tạo người mẫu cho biết: "Không chỉ riêng công ty chúng tôi mà rất nhiều công ty khác đều có sẵn đội ngũ diễn viên cung ứng. Rất nhiều sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học tập nhưng yêu thích sàn diễn catwalk và điện ảnh đã tìm đến công ty đăng ký học. Đó là nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của khách hàng".

Cũng như diễn viên, người mẫu Việt, trên con đường đi tìm thương hiệu, những người đến từ phương Tây cũng gặp không ít cảnh "nước mắt lưng tròng".

J. - một nữ diễn viên 24 tuổi, gốc Pháp, đang thuê nhà trọ tại quận 4, TP HCM chia sẻ: "Vì quá đam mê nghề diễn nên em quyết ở lại Việt Nam. Ở Pháp em hoàn toàn không có cơ hội tiếp cận đạo diễn phim nên khó có cơ hội nhận vai, kể cả vai quần chúng. Ở Việt Nam, dù chưa có tên tuổi nhưng em vẫn thường xuyên được nhận vai trong các phim quảng cáo. Thu nhập chỉ đủ để em thuê nhà trọ bình dân. Một số đàn ông lầm tưởng em là gái bán hoa nên cứ hay gợi ý em đi khách sạn. Thường thì em chỉ cười và cố gắng giải thích cho họ hiểu em không phải hạng người như thế. Tuy nhiên, có lần do quá bực mình, em to tiếng, thế là bị họ đánh".

J. kể thêm, một số nữ diễn viên phương Tây đang tìm cơ hội làm nghệ thuật tại Việt Nam, do thu nhập bấp bênh không đủ trang trải các khoản chi phí nên không tránh được chuyện tiêu cực. Cô bảo rằng, có một số người phải tìm "nhân vật đỡ đầu" để làm hậu thuẫn kinh tế. Cô giải thích: "Nhân vật đỡ đầu thường là doanh nhân giàu có. Mình phải làm người yêu hoặc vợ ngắn hạn của họ để họ thuê phòng khách sạn dài hạn cho mình".

Diễn viên nước ngoài đang chờ đến lượt diễn tại phim trường S5.

Khi chúng tôi hỏi về hiện tượng bán dâm của người phương Tây sinh sống tại Việt Nam, cô ngập ngừng giây lát rồi thở dài: "Ở đâu cũng có người tốt và người xấu. Một số nữ diễn viên nước ngoài đang sinh sống ở TP HCM cũng có đi chơi với người lạ. Nhưng không phải là kiểu ăn bánh trả tiền mà giống như... tôi thích anh, tôi đi chơi với anh vài ngày. Khi chia tay, anh lịch sự cho tôi một số tiền chứ tôi không đòi hỏi. Thế nhưng, cũng có trường hợp đi chơi cả tuần, khi chia tay, họ không cho đồng nào. Đành chấp nhận thôi".

Hầu hết những diễn viên, người mẫu phương Tây đều khẳng định: Về mặt đời sống xã hội, họ cũng giống như người Việt. Nhưng về mặt nghệ thuật, họ luôn ý thức làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp. Bởi, họ xem nghệ thuật là con đường đã chọn.

Nhận định về diễn viên, người mẫu xứ người đang hành nghề tại Việt Nam, một diễn viên gạo cội nói rằng: "Họ đã góp phần tạo thêm màu sắc đa dạng cho làng giải trí Việt. Mức độ làm việc chuyên nghiệp của họ đáng để chúng ta học hỏi. Cái đáng học hỏi nhất là giờ giấc. Họ luôn đúng hẹn. Kể từ khi làn sóng người nước ngoài tràn vào Việt Nam, giới nghệ sĩ Việt chúng ta giảm bớt tính lề mề và hành nghề nghiêm túc hơn".

Nông Huyền Sơn
.
.