Tết Nguyên Đán trong tâm thức Việt

Thứ Năm, 24/01/2019, 15:16
Tết Nguyên đán là ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam, là dịp để các gia đình quây quần, đoàn tụ bên nhau sau một năm làm việc. Tuy nhiên, theo xu hướng thời đại, mỗi năm đều có những đổi thay, giới trẻ ngày nay thường không quan tâm đến Tết truyền thống và họ có những lựa chọn đi chơi xa vì dịp Tết thường được nghỉ ngơi một thời gian dài.

Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với các nhà văn, nhà thơ, các nghệ sĩ để hiểu hơn về Tết truyền thống trong quan niệm của họ.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Hồi nhỏ, khi dưới mười tuổi, tôi rất nhớ khoảng mồng hai, mồng ba Tết là thế nào tôi cũng được mẹ dắt lên chùa làng. Ngôi chùa nhỏ xinh, thâm nghiêm với mùi hương trầm thoang thoảng, những pho tượng cổ trang nghiêm khiến tôi rụt rè nín thở, thấy có gì đó linh thiêng, cổ kính, ấn tượng còn mãi đến giờ.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn.

Và hồi ấy, gia đình tôi ở phía trong nhà bác Hai Phụng, ngày thường thì đi lại thoải mái, nhưng ngày Tết thì phải chờ nhà bác có người đến xông nhà, chúng tôi mới được đi ra phố. Những ngày Tết hai nhà chung một lối đi qua nhà bác cũng thật vui. Bác trai có tài gọt thủy tiên, cứ trước Tết khoảng một tháng là tối tối, chị em tôi xúm xít ngồi xem bác gọt củ thủy tiên. Sắp Tết, giàn thủy tiên bác bày giàn ngoài sân chung, tôi mỗi sáng lại nín thở theo dõi xem bình hoa nào có thủy tiên hé nở, khe khẽ lại gần rồi cúi xuống hít hà hương thơm tinh khiết... Tuổi nhỏ trong trẻo và đầy mộng mơ. Mơ ước lớn nhất của tôi, là chờ đến khi nào đủ 10 tuổi, bố mẹ sẽ cho theo các chị... đi chơi Bờ Hồ đêm 30 Tết,  mà cũng phải về trước giao thừa, vì con gái không được phép xông nhà!

Tôi đếm từng ngày, mong đón Tết năm 1954, khi tôi vừa tròn 10 tuổi. Tối 30 năm ấy, tôi được mặc áo dài xúng xính, theo hai chị lớn và hai chị nữa cùng xóm, dắt nhau đi tàu điện rồi đi bộ xuống Bờ Hồ tấp nập đông vui. Dưới đôi mắt ngơ ngác và háo hức của tuổi thơ, tôi thấy cái gì cũng lạ và đẹp quá. Ấn tượng còn mãi đến tận giờ... Đó là Tết của ngày xưa!

Gần đây, tôi cũng có một cái Têt đáng nhớ. Đó là Tết năm 2015. Hình như cũng đã... chán cảnh Tết bon chen ở thủ đô, tôi cùng bạn gái Mai Hương rủ nhau lên Sa Pa đón Tết mấy hôm, sau Tết mới về... May làm sao, hình như đúng trước ngày chúng tôi đến, thì cáp treo bắt đầu mở. Bạn tôi lại yếu không lên cao được, nên tôi một mình lên đỉnh Fansipan cao nhất Việt Nam - một địa danh mà tôi mơ ước từ lâu, vẫn nghĩ chắc chẳng khi nào mình leo lên được. Đó cũng là cái Tết ấn tượng không chỉ gặp độ cao hơn 3.000m của nước ta, mà còn được thấy đồng bào các dân tộc vùng cao, váy áo tưng bừng vui chơi nhảy múa, thấy hoa đào nở đầy sườn núi và dọc các nẻo đường.

Rồi du khách nước ngoài thanh thản - như hai chúng tôi - dạo bộ giữa phố tràn ngập không khí Tết vùng cao. Hoặc đeo balo leo núi như các chàng ngoại quốc du lịch bụi khắp Việt Nam ta. Có lẽ đi du lịch đến các vùng xinh đẹp trong và ngoài nước vào dịp Tết cổ truyền hiện nay cũng là một xu hướng được các bạn trẻ và nhiều gia đình yêu thích.

Em trai cả của tôi có lần bàn cùng các chị: "Hay là Tết này em gói bánh chưng cho các cháu biết thế nào là Tết cổ truyền". Tôi và hai bà chị gạt đi: "Cậu ơi,  gói bánh nhiều bây giờ ai ăn cho hết, mà các cháu cũng không thức bên nồi bánh như chị em mình ngày xưa đâu. Chúng nó còn mải chơi game cơ!". Thế là cậu em đành thôi.

Mỗi thời đại có một lối sống khác, một niềm vui khác. Có lẽ chúng ta cũng nên dần dần chấp nhận. Còn thơ Tết thì sao? Tôi vừa đi Hàn Quốc vào đúng mùa thu đẹp tuyệt vời. Mùa thu rực rỡ và mơ màng mà chắc là tôi chỉ gặp một lần trong đời. Tôi đã nghĩ tới một tứ thơ: "Anh cũng giống như màu sắc rực rỡ mà tinh khiết mộng mơ của mùa thu đẹp, mà em chỉ gặp một lần, nhưng sẽ còn đẹp trong em mãi mãi".

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Nói về truyền thống thì nghĩ đến tuổi già. Chẳng hạn tôi về già thì tôi thành người của truyền thống, người của thế kỷ 20 rồi. Đối với tôi, những ngày Tết, là những ngày gắn với kỷ niệm khó quên. Tôi còn nhớ, hồi lên 7 tuổi, tôi đã về quê nội Nam Định ở 3 năm vì đúng lúc chú tôi đón tôi về được vài tuần thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19-12-1946), Pháp chiếm Hà Nội.

Nhà thơ Vũ Quần Phương.

Quê nội tôi vẫn là vùng tự do. Chú tôi bảo: Không đi Hà Nội được nữa, mà có đi thì mẹ tôi cũng đã tản cư rồi. Không tìm được đâu. Tôi nghe thế thì biết thế. Chứ tôi cũng chẳng nghĩ ngợi. Nhưng trong lòng luôn luôn mơ hồ nỗi thiếu hụt, nét mặt ngơ ngác một thoáng buồn tội nghiệp.

Ngày Tết, bà tôi nấu cơm trong cái niêu bé tí, hai bà cháu ăn. Tôi chẳng chơi với ai, cũng chẳng có ai mà chơi. Các anh các em con bác, con chú bằng tuổi tôi ở cạnh nhà nhưng cũng ít sang chơi. Tôi muốn sang bên đó thì bà bảo: Sang làm gì, chúng nó có bố có mẹ, con mồ côi, con ở nhà chơi với bà. Thế là tôi ở nhà. Mà chuyện với bà thì chán lắm. Tôi hỏi: “Bà ơi, hôm nay ăn cơm với gì?”. Bà trả lời: “Ăn với mồm”. Thế là hết chuyện.

Tết bây giờ, no đủ, dư thừa, thịt mỡ ko dám ăn, sợ nhiều cholesterol, chính vì thế câu "thịt mỡ dưa hành" trở thành bộ lệ của quá khứ, chứ không còn dám ăn nhiều thịt mỡ nữa. Truyền thống cũng cần giữ nhưng cũng cần điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống bây giờ. Theo tôi, nói về Tết, không nói về truyền thống, thì không có Tết. Phải có mâm cỗ ngày 30, phải cúng giao thừa, đặc biệt là với bà con miền Bắc.

Lớp trẻ ngày nay theo phương Tây cũng đơn giản hóa đi rất nhiều, đặc biệt, đã có ông bà cha mẹ lo hết, nên cũng phải ôn cố tri tân, tùy thuộc vào mỗi gia đình để có thể có những ứng xử phù hợp cho các giá trị tinh thần khác để vừa truyền thống, vừa tốt đẹp và văn minh. Có những thứ không bỏ được như thờ tổ tiên, như là sự biết ơn và hài hòa về tâm linh, tôn giáo.

Bây giờ có nhiều ngày lễ của thế giới du nhập vào lớp trẻ như Lễ tạ ơn, Valentine, Halloween... Mình vừa chấp nhận cái của người ta, nhưng cũng phải nâng phong tục của mình. Du nhập nhưng phải tôn vinh văn hóa Việt. Tôn vinh không phải là làm một cái bánh chưng, bánh dày thật to, để ghi vào kỷ lục Guinness mà để phát huy truyền thống văn hóa Việt. Quan trọng, ngày Tết là chuyển giao năm cũ và năm mới với mong muốn những điều ước thành hiện thực, để có những dự định an lành.

Ngày Tết riêng với bản thân tôi là ngày sống với ký ức, với quá khứ, cha mẹ, ông bà, xa nữa là làng mạc, xứ sở. Nhất là trong thời điểm này, mọi thứ đều qua đi rất nhanh, kể cả tốc độ đô thị hóa cũng đã trở thành chóng mặt. Mọi thứ mất đi, chỉ còn lại những gì trong ký ức để mà lưu giữ và sống với những ký ức đẹp đẽ đó...

NSND Tiến Thọ: Theo tôi, Tết thực chất là một phong tục văn hóa. Tính văn hóa nằm trong Tết thì mới có giá trị, chứ Tết bây giờ, không phải để ăn như ngày còn đói kém nữa. Tết là lúc mà chúng ta cần một sự quay lại những giá trị mà ông cha để lại cho chúng ta, cho nên nó không thể mất được.

Nghệ sĩ nhân dân Tiến Thọ.

Vì vậy theo tôi, mình phải làm sao trong cơ chế thị trường, trong bùng nổ thông tin, trong thời 4.0 càng phải tạo ra được các giá trị ấy trong những vận động của thời cuộc. Vậy thì nhà nước phải làm thế nào để tổ chức được các sinh hoạt Tết thật là văn hóa. Đó chính là tính hiện đại trong văn hóa mình phải nuôi nấng nó lên. Cho nên, theo tôi, Tết phải tạo ra các lễ hội văn hóa đậm đà bản sắc và tôn vinh các giá trị truyền thống của dân tộc, chứ không phải chỉ đơn giản là vấn đề cúng lễ trong gia đình nữa.

Tất nhiên trong gia đình là quan trọng và cần thiết phải có rồi. Nhưng để nó mang tầm quốc lễ là mình phải tạo ra được những giá trị của dân tộc ấy để xứng với tầm của Tết. Giới trẻ đang xa dần Tết truyền thống, đơn giản vì chưa có nhiều hoạt động tôn vinh giá trị truyền thống, giá trị văn hóa quy tụ để cho Tết là phải với gia đình, về quê hương với truyền thống dân tộc.

Trong gia đình tôi, Tết là để thờ tổ, để rồi một năm nhìn lại, con cháu, gia đình rút ra được những điều được và chưa được để hướng tương lai...

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long: Tết bây giờ, tôi thấy rằng, giới trẻ thường chọn đi du lịch hoặc đi chơi xuân xa nhà. Điều này cho thấy trong quan niệm về Tết của chúng ta đang có xu hướng chuyển dịch từ Tết hướng nội sang Tết hướng ngoại.

Nhạc sĩ Quang Long.

Đối với riêng tôi, Tết là thuộc về gia đình. Mâm cỗ Tết ngày 30 và mâm cỗ cúng tổ tiên trong 3 ngày Tết là hết sức quan trọng, nó như một sự kết nối giữa các thế hệ, nhắc nhớ con cháu không được quên đấng sinh thành, ghi khắc công ơn tổ tiên. Không biết có phải do tôi sinh ra trong gia đình ở vùng Kinh Bắc và do bố mẹ tôi rất coi trọng mâm cỗ ngày 30 và dành thời gian Tết cho gia đình quây quần, sum vầy nên tôi chưa bao giờ có suy nghĩ Tết sẽ ở đâu đó mà không phải tại gia đình, bên những người thân yêu.

Tuy nhiên, tôi cũng không phủ nhận đi chơi xuân cũng có những thay đổi. Ví dụ trước đây tôi đi chơi xuân chỉ đi trong các vùng lân cận Kinh Bắc và Hà Nội nhưng gần đây, tôi đã nghĩ tới chuyện đi chơi xa, thậm chí năm nay, tôi sẽ có chuyến du lịch với những bạn thân của tôi. Nhưng đi đâu thì cũng phải sau 3 ngày Tết, sau khi hóa vàng.

Theo cá nhân tôi, Tết sẽ có những chuyển dịch nhất định nhưng với tâm thức của người Việt thì dù trở về sum vầy hay đi chơi xuân du lịch thì Tết vẫn là dịp dành cho gia đình, tổ tiên. Tôi cũng phụ giúp mẹ chuẩn bị mâm cỗ với thịt gà, canh măng, bánh chưng, dưa hành, bát thịt đông, đĩa giò hoa... những món ăn đó đã đi vào tâm thức của tôi và tôi muốn truyền lại cho các con cháu tôi. Bên cạnh đó, tôi cắm thêm một cành đào phai nhỏ, pha một ấm trà thật ngon. Thế là Tết của tôi đã thực sự đủ đầy. Cúng giao thừa xong, tôi bước ra đường để tận hưởng không khí linh thiêng trời đất, sau đó trở về tôi mừng tuổi đấng sinh thành cùng các thành viên trong gia đình...

Tôi là người đắm đuối với hát xẩm, nên trong năm nay, tôi muốn phát hành album cho nhóm Xẩm Hà Thành nhằm đưa nghệ thuật xẩm đến với nhiều khán giả trong nước và quốc tế...

Trần Hoàng Thiên Kim (ghi)
.
.