Tết với nữ nghệ sĩ

Thứ Hai, 16/02/2015, 14:40
Ba nữ nghệ sĩ nổi tiếng, ba cuộc đời, ba số phận khác nhau, cùng nghe họ trải lòng mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Đạo diễn, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc

Thế là lại sắp đến Tết, một cái Tết thôi nhưng mang nhiều tên gọi. Tết Nguyên đán, Tết cổ truyền, Tết ta hay còn gọi là Tết âm lịch. Người Việt trong năm có nhiều ngày lễ lớn nhưng có lẽ Tết âm lịch được đông đảo công chúng đón đợi nhiều nhất. Còn mình vậy là đã 9 năm theo chồng định cư ở Mỹ, ăn Tết nơi xứ người mỗi lần đến những ngày này lại càng cảm thấy khắc khoải, nhớ những kỷ niệm về Tết  hồi còn ở quê nhà.

Ngày đó, mình vừa là đạo diễn, biên kịch, vừa là diễn viên, đến Tết, sân khấu nhỏ ký hợp đồng với nhiều xí nghiệp để biểu diễn, có những ngày lên đến 3 suất diễn kịch tâm lý. Kịch tâm lý có những cảnh khóc cười sướt mướt, hao thần kinh ghê lắm. Mình vừa diễn xong, son phấn nhòe nhoẹt, ăn vội miếng bánh chưng đồng nghiệp mang đến, nghỉ được một chút, trải chiếu ra nằm nghỉ vật vờ đâu đó để đến giờ diễn suất tiếp theo lại thêm một trận khóc cười khác. Ròng rã diễn kín lịch như vậy đến mồng 10 tháng Giêng.

Nghệ sĩ biểu diễn là như vậy đấy. Mình lúc đó chưa lấy chồng, Tết cùng đoàn biểu diễn phục vụ bà con. Mấy ngày Tết vừa vui, lại vừa buồn. Giờ đây, sau khi theo chồng bỏ cuộc chơi, mình rời xa nghiệp diễn, nhiều khi rất nhớ nghề, nhớ sân khấu.

Trước đây chưa bao giờ mình giỏi việc nữ công gia chánh, nhưng sang xứ người hành trang mình mang theo là những quyển sách dạy nấu ăn. Mình phải nghiên cứu những món ăn truyền thống của người Việt. Ngoại trừ nghiên cứu nấu những món ăn, hàng ngày mình còn phải tìm hiểu để nấu những món ăn ngày tết, nhất là món ăn đưa ông Táo về trời, cúng giao thừa, bữa cơm mời ông bà tổ tiên về ăn tết... để thể hiện thiên chức của người phụ nữ.

Chỗ mình ở xa không có người Việt. Nơi đây không có đốt pháo, không có múa lân, bạn bè không đến nhà nhau chúc tụng, không có tiếng trẻ thơ và những bao lì xì, hoàn toàn không có chuyện ồn ào. Ngày Tết diễn ra thật lặng lẽ. Chỉ khi kim đồng hồ nhích sang thời khắc 12 giờ để bước sang năm mới, khoảnh khắc đó mình nhìn lên trời và thầm mong mỏi sang năm mới những vận hạn xấu sẽ được hóa giải và năm mới sẽ bắt đầu một cuộc sống tốt đẹp hơn, may mắn hơn, luôn bình an. Bình an với mình và những người thân yêu dù đang rất gần hay ở rất xa.

NSND Minh Hòa

Ngày bé, thời bao cấp, mình thích Tết lắm. Trước Tết cả tháng cứ mong mỏi từng ngày để đến Tết vì lúc đó sẽ được ăn ngon, mặc đẹp, trẻ con có tiền mừng tuổi. Đến khi lớn lên rồi thì lại lo lắng cơm áo gạo tiền nhưng Tết vẫn là niềm vui. Ngày thường đi làm gặp gỡ  bạn bè rồi cả hội kéo nhau đi ăn uống, nhưng riêng Tết từ ngày mồng 1 đến mồng 8,  mồng 9 mình dành tất cả thời gian này cho gia đình, họ hàng. Ông bà mình có 11 người con, theo tập tục gia đình bao nhiêu năm nay bước sang năm mới, tính từ ngày mồng 1 mỗi nhà làm một bữa cơm.

Hôm nay đi ăn nhà người này mai lại đến nhà  người khác, luân phiên như vậy cho hết 11 nhà. Tết trong gia đình người Việt bao giờ cũng có những món ăn truyền thống. Bánh chưng mình không tự gói được, bạn bè hay cho bánh chưng ngon. Mình vẫn cùng phụ với mẹ làm món ăn để đón tiếp các cậu, các dì. Cứ lần lượt và thế là nhà nào cũng được trổ tài nấu bếp. Chính vì thế mà trong gia đình mình người phụ nữ nào cũng biết nấu ăn.

Thú chơi cây, chơi hoa không thể thiếu được mỗi dịp Tết đến, xuân về. Mình không áp đặt là nhất định Tết năm nào cũng phải có đúng loại cây và hoa đấy mà mình chơi theo hứng. Có năm  trong nhà vừa có đào, lại vừa có quất. Có năm chỉ mang về cành đào rừng rất to hoa năm cánh, màu phớt hồng, thân xù xì chắc khỏe. Năm khác là một cây đào thế hoặc một chậu cam Canh. Hoặc có năm là một cây quất chi chít quả, nở hoa trắng xóa. Năm thì là một chậu lan rừng.

Đến Tết không thể không nói đến việc đi lễ chùa đầu xuân. Mẹ mình theo đạo Phật còn mình luôn thờ Phật ở trong tâm. Hằng năm cứ sáng mồng 1 Tết là mình đưa mẹ đi Thiền viện Sùng Phúc ở Bồ Đề (Gia Lâm). Mồng 2 Tết, hai vợ chồng mình lại đưa bố mẹ đến vãn cảnh chùa Trấn Quốc, đền Quan Thánh. Nhà mình ở quận Cầu Giấy thì mình ra chùa Hà hoặc ra đình làng nơi gần nhà mình đang ở nhất để thắp nén tâm nhang.

Còn đi những ngôi chùa xa nữa thì mình để cho mọi người đi vãn rồi mới đi, thường là sau rằm. Vì mình thấy đến chốn tâm linh mà chen chúc nhau, xô đẩy nhau, không khí đấy làm cho tâm mình không cảm thấy thanh thản, sẽ mệt, mà thật ra đi lễ là phải thấy sự thanh thản tĩnh lòng.

NSƯT Thanh Hiền

Tết là nghĩa vụ của người phụ nữ Việt Nam. Trẻ trung còn hứng thú chứ giờ mình có tuổi rồi... Đôi khi nghĩ cũng chán vì mình lo toan nhiều thứ vất vả quá. Ăn chẳng ăn được, chơi chẳng chơi được chơi, cứ thấy mệt mỏi. Qua Tết xong là lại thấy gầy đi mấy cân. 

Bố mình mất được 29 năm, mẹ mình mới mất được 2 năm. Mình thích nhất là ngày gần Tết về quê, ra mộ bố mẹ, cặm cụi  lau chùi mộ, cắm hoa, thắp hương. Mình mua hàng chùm hoa cúc, cắm thành một vườn hoa trên mộ của bố. Gần đến Tết là được về quê dọn dẹp sạch sẽ ngôi mộ của ông bà, bố mẹ, rồi mình tâm sự với bố mẹ những chuyện vui, chuyện buồn trong năm, những chuyện mình đã làm được và cả những chuyện mình chưa làm được, lúc đấy là thích nhất.

Đấy là niềm vui của tuổi già. Rồi mình cứ ngồi ở đấy với ông bà cha mẹ mấy tiếng mới về.  Có Tết trời đông giá rét buốt, lạnh căm căm, thức ăn thì đắt đỏ lúc bấy giờ mình lại suy nghĩ đau hết cả đầu, làm thế nào có từng ấy tiền mà mua đủ mọi thứ cần thiết cho Tết.

Cách đây khoảng chục năm nghĩ đến Tết mình vẫn hào hứng lắm, mình vẫn thích tự đi mua gạo, ngâm đỗ, rửa lá xong nhờ người đến gói bánh chưng. Mình nghĩ hình ảnh nhà mình từ hồi xưa, nên cứ muốn duy trì hàng năm gói bánh chưng ngày Tết. Nhưng nhiều năm trở lại đây mình mua bánh chưng gói sẵn ở cửa hàng.

Sau lễ cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp xong thì lại tất tả đi thăm mộ ông bà, bố mẹ, quay về còn có vài ngày nữa là đến Tết. Lúc nào cũng cảm thấy thiếu thời gian. Lẽ ra Tết người ta được ngủ đến 8, 9 giờ, mình chẳng được ngủ. 6 giờ sáng mình đã dậy thay nước ở các lọ hoa trên ban thờ, rồi pha trà mời các cụ về để hưởng mâm cơm Tết. Loanh quanh làm cơm sáng mồng 1, cúng xong rồi đến nhà họ hàng để chúc Tết.

Nhà thì ít người nên việc gì cũng đến tay, tự mình mua từ củ hành cho đến ngọn rau, con gà, tấm bánh. Mình cứ tất bật ngày giáp Tết nhiều khi muốn hụt hơi nên mệt quá nói đùa là: "Sắp chết rồi" chứ không phải là "Sắp Tết rồi". Đến mồng 4 Tết lại làm một mâm cơm để cúng hóa vàng. Mọi người có thời gian nhàn nhã chơi chợ hoa Tết chứ mình chẳng năm nào được thảnh thơi. Có 7 ngày trời bao nhiêu công việc, nghĩ đến Tết là đã thấy sợ rồi.

Ngày Tết, trong nhà không thể thiếu mấy lọ hoa. Mình đã xác định mỗi năm là một bó hoa ly. Một cành đào, một cây quất và một cây hoa Dạ Minh Châu. Hoa Dạ Minh Châu nở một chùm như hoa phong lan nhỏ li ti màu trắng, rất thơm, chơi qua rằm thì hoa mới tàn. Mình dành thời gian nhiều nhất là sắm cây quất. Đi đến chợ hoa chọn cây quất làm sao có lộc, quả chín, quả xanh, và hoa. Mặc dù nhà nhỏ thôi nhưng mình mua một cây quất rất to để trong nhà, rồi cắm một lọ hoa ly và một đĩa hoa lan. Trồng cây quất rất vất vả, bê cây về xong phải tìm chậu, lấy đất xong bê ra nặng  lắm.

Thế là một mình loay hoay dọn. Có khi nhờ được người, có khi không nhờ được phải tỉa từng cành mới bê ra được. Một mình bê về, một mình dọn. Cây quất cứ xoay tròn trong chậu, hôm nay thích hướng này, đến mai ngủ dậy thấy hướng này không đẹp mình lại để hướng khác đến khi nào đúng hướng có nhiều quả, nhiều lộc chĩa ra phía ngoài.

Ba năm nay mình thấy mình có tuổi rồi, Tết vẫn đầy đủ nhưng không cảm thấy háo hức như mọi năm, vẫn cúng ngoài sân thượng để đón đêm giao thừa, một con gà, một đĩa xôi, cùng bánh trái, rượu thuốc. Đấy cũng là mâm cỗ quan trọng trong sắm Tết. Ngày xưa bố mình làm như thế nào thì bây giờ mình làm như thế nấy. Đến khi cúng giao thừa xong mình lại đứng bên ban thờ tâm sự với các cụ mong sao bố mẹ sớm được siêu thoát, bố mẹ phù hộ độ trì cho họ tộc, con cái được khỏe mạnh bình an. Nhưng giao thừa rất buồn với mình. Giá như mà còn bố mẹ thì sáng mồng 1 chạy về với bố mẹ chuyện trò, mừng tuổi bố mẹ. Không còn bố mẹ nữa thì đêm giao thừa là đêm buồn nhất.

Chiều mồng 2, rồi cả ngày mồng 3 mình đi chùa. Mình vào chùa ở Hà Đông, dọc trên phố Lạc Long Quân, quay về chùa Hoàng Ân, sang chùa Quán Sứ. Nhiều người bảo đi lễ nhiều thế? Chỉ cần lễ một chùa cũng được. Mình đi để giãi bày mong muốn của mình trong năm mới và đi vãn cảnh chùa ngày xuân, ngắm người đi lễ chùa để sau này có những chi tiết của người đi lễ chùa mình áp dụng vào vai diễn.

Mỹ Trân
.
.