Tết… một mình giữa khoảng trống

Thứ Năm, 20/03/2014, 15:55

Ba đạo diễn với ba số phận và tính cách vô cùng khác biệt. Họ có điểm chung là người nổi tiếng, tài năng, sau bao nhiêu năm lăn lộn sóng gió với cuộc đời thì giờ  cùng… một mình. Những ngày Tết đang đến gần thật gần. Bất chợt, tôi nhớ đến một câu thơ của ai đó: “Một mình chỉ một mình thôi/ Chơi vơi lẻ cánh chim trời tháng giêng”...

Mùa xuân, tháng giêng mùa của đất trời giao hòa, sự sống sinh sôi, vạn vật phát triển. Ôi, những “chú chim” đau khổ, một mình, độc hành trên con đường mênh mông xa vắng. Những nỗi niềm chất chứa, những tâm tư sầu muộn, những héo hon ủ dột, những nức nở đầy vơi, những thổn thức bi ca lặng lẽ, khối hỗn mang như cực đại dương lạnh lẽo, băng tuyết ngày qua ngày và Tết đến, tháng giêng rộn rã, ai có hiểu lòng ai?!

1. Năm nào cũng vậy, cứ đến mồng 4 Tết là nhà vua hổ của làng kịch nghệ, lão đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang lại tấp nập bạn bè trong giới văn nghệ sĩ. Mấy chục năm nay, khi còn ở ngôi nhà vẻn vẹn hơn 30m2 tại phố Huế cho đến khi ông chuyển tới ngôi nhà khang trang rộng lớn vùng Nghi Tàm, thú vui gặp gỡ đầu năm vào ngày này vẫn nguyên như thuở ban đầu. Không khí xuân tưng bừng trong nhà người đạo diễn.

Ở góc phòng năm nào cũng có cành đào rừng do con trai của ông, họa sĩ Doãn Hoàng Lâm lựa chọn mang về. Thân đào xù xì, phủ rêu mốc trắng. Năm cánh hoa đào tươi thắm líu ríu nhú hoa, duyên dáng ngả nghiêng uốn lượn theo thế đào phóng khoáng của núi rừng. Chậu lan hồ điệp với những bông hoa như cánh bướm trắng muốt rập rờn, xen lẫn cành tím ngăn ngắt một màu, hay bông hoa lan màu vàng chanh nhụy đỏ yêu kiều như một nàng công chúa đẹp đến mê hồn. Chậu hoa lan thanh tao sang trọng tỏa sắc trong căn phòng ăm ắp sách của đạo diễn.

Trong không gian Tết không thể thiếu một cái chum bằng sành cắm hàng trăm bông cúc vàng do vị đạo diễn kỳ công đặt của một bác nông dân chính hiệu trồng trong khu vườn gần nhà ông. Trong căn phòng đó còn bày những bức tượng cổ có niên đại cả trăm năm mà tình cờ được ông chuộc lại do thấy người ta định vứt tượng đi. Hương khói nghi ngút trong ban thờ tổ tiên gia tộc có một góc trang trọng ảnh nữ diễn viên Nguyệt Ánh, người vợ đầu tiên và duy nhất của ông.

Chúng tôi, những người khách có thể xem là thân thiết của ông gõ cửa nhà ông vào đầu năm mới, năm nào cũng đều viết vào một toan vẽ đóng trên khung gỗ. Mỗi năm khung gỗ có hình con vật khác nhau. Năm Dậu toan giấy trắng vẽ con gà. Năm Tý hình con chuột. Năm Dần hình con hổ. Năm Thìn phác họa con rồng. Năm Tị minh họa con rắn. Bạn bè mỗi người một câu, một chữ cứ nghí ngoáy đặt bút lên hình con vật tượng trưng cho năm.

Khi xưa, những tấm tranh hình con vật này do họa sĩ Doãn Hoàng Lâm thể hiện, có năm lão đạo diễn cao hứng cũng "múa may" bút pháp để trổ tài hội họa. Mấy năm gần đây, cháu nội của đạo diễn, cô bé mới có dăm bảy tuổi đã mang gien nghệ thuật bẩm sinh cho ra tác phẩm độc đáo, khác lạ, hấp dẫn chả thua kém ông nội hay bố là họa sĩ chuyên nghiệp.

Nhà ông có nhiều loại mứt lạ do các diễn viên xinh đẹp trong miền Nam gửi ra cho ông. Khi ông và các bạn như đạo diễn Lê Chức, họa sĩ Hoàng Song Hào, nhà văn Ngô Thảo, diễn viên Trung Hiếu, thầy giáo NSND Đình Quang… chuyện trò rôm rả thì dưới nhà mấy nữ diễn viên thân thiết của ông đang tất bật bếp núc.

Hai chị em Quế Hằng và Quế Phương trổ tài bún nem. NSND Lan Hương hì hụi làm bún thang. Mấy con gà ta mới được bà giúp việc nhà ông mang từ quê ra, đang được các người đẹp tận tình "chăm sóc". Những mỹ nữ của sân khấu và điện ảnh kỳ cạch pha nước chấm, rửa rau. Khi đã quây quần vào bàn ăn, như thường lệ hằng năm một món ăn không thể thiếu do ông tự tay làm: món giò tai. Thưởng thức vị thơm, dai, giòn, mịn của món ăn mới thấy ông đã tâm huyết đến thế nào.

Hóa ra, vào những ngày giáp Tết, ông ra chợ tự tay chọn những khoanh thịt bò ngon, kỹ lưỡng nhặt từng chiếc lá về để cuốn giò. Khi chúng tôi và ông quây quần ở bàn ăn, nghe các vị trò chuyện từ chuyện trong nước đến quốc tế, chuyện văn học nghệ thuật, chuyện sân khấu, điện ảnh, chuyện một người đàn ông, một người đàn bà vắng mặt, chuyện một kỷ niệm Tết năm nào… thì nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán vẫn có thói quen tác nghiệp bấm máy lia lịa. Tiệc tan, mọi người dần ra về. Hai vợ chồng họa sĩ Doãn Hoàng Lâm cùng với con gái rút về phòng riêng, còn lại một mình lão đạo diễn đơn côi trong căn phòng tràn ngập sắc xuân.

Ông, lúc này, phút yếu mềm nhất của một con tim dũng cảm và đa cảm, đứng trên ô cửa nhìn xuống đường nhẹ nhàng phả khói thuốc, vẩn vơ, dòng người đang dần trôi. Cây khế cạnh cửa sổ, quả chín vàng lúc lỉu, ông chợt nhớ ra, lúc nãy, chả hái quả cho "nhỏ" nào ăn nhỉ. Thôi lại đợi dịp Tết sau.

NSND Ngô Xuân Huyền.

2. Người ta vẫn bảo trong các đạo diễn sân khấu cả nước, Ngô Xuân Huyền mang tính cách rất riêng, đó là sự gàn dở của ông đồ xứ Nghệ. Ông khó tính đến độ cầu kỳ. Thực ra, ông chỉn chu và quyết liệt quá. Cá tính quyết liệt, mạnh mẽ của người làm nghề không chịu được cái bình bình, tàm tạm mà nhiều người mắc phải.

Cá tính thế nên trong công việc ông đã cho ra những sản phẩm nếu không phải là hàng đỉnh thì cũng là sản phẩm chất lượng cao. Và mọi người trân trọng ông vì lẽ đó. Đã mấy xuân rồi ông phải chịu cảnh một mình chăn đơn, gối chiếc.

Người bạn đời của ông ra đi từ cách đây dăm năm. Trong căn phòng tinh tươm của ông có ảnh của người vợ quá cố, cô con gái và cháu ngoại sinh sống ở trời Tây xa xôi cách hàng ngàn cây số, và cả thầy giáo người Nga mà trước đây đã có thời kỳ ông sang Liên Xô học đạo diễn. Những người thân hiện hữu xung quanh ông qua những tấm ảnh phóng to treo chung quanh giường. Một cảm giác hoang vắng, vừa gần, vừa xa, dìu dịu, ngòn ngọt len lỏi qua ký ức rồi ùa về, run lên theo cung bậc của cảm xúc.

NSND Xuân Huyền có thú đi dạo bộ vào sáng sớm và các buổi chiều dưới sân khu chung cư. Ông lững thững dắt cháu nội trên những phiến đá lát đường, bà giúp việc theo sau hai ông cháu. Trời xuân, gió se sắt lạnh, người ta chở đào, đưa quất nườm nượp lên chung cư, những chậu mai vàng hiếm hoi khiến cho mùa xuân thêm ấm áp. Ông đã trải qua bao nhiêu cái Tết, bao nhiêu mùa xuân, bao nhiêu biến thiên dâu bể của số phận một đất nước, cảnh ngộ một đời người. Tất cả với ông, chẳng thể xa lạ, nhưng hương vị ngày Tết, không khí xuân mời chào, vẫy gọi vẫn khiến trong ông chộn rộn chợt buồn, chợt vui.

Ông ốm, ngã bệnh đã mấy năm nay. Cơn đột quị khiến cho sức ông yếu hẳn, sự gắng gượng của sinh lực dù đến mấy vẫn thấy rõ bước chân ông chậm chạp, run rẩy hơn, thanh âm của giọng nói nhỏ hơn. Ngày Tết, chương trình xuân trên truyền hình, hình ảnh ông đồ cặm cụi bút nghiên lom khom cúi mình bên trang giấy, màu mực tàu đen, đặc quánh đối lập với cành đào đỏ tươi khoe sắc thắm, rực rỡ khiến ông ít nhiều rung động...

Thời gian đã lấy đi tuổi trẻ, sinh lực hay thời gian là một con tàu dần trôi về cuối chân trời. Để rồi, sau đấy, một ngày nào đó, một ngày định mệnh hoàn toàn không báo trước, ông sẽ gặp lại người bạn đời, những người bạn linh hồn vương vất quanh quẩn ở đâu đây. Từ lâu lắm, ông đã xa rời chốn náo nhiệt, (những ngày tung hoành trên "chiến trường" sân khấu tưng bừng) lui về ở ẩn. Ông nhìn những khóm lan rừng đung đưa theo gió ở ban công nhà.

Trong khoảng không gian riêng tư này, ông ngắm mây trời cây cối và tha hồ thỏa thê với những triết lý nhân sinh. Xuân đến, xuân đi. Mùa xuân của tuổi ấu thơ ngây ngô trong sáng. Mùa xuân của tuổi trẻ ăm ắp ước vọng và tình yêu. Mùa xuân của tuổi trưởng thành với trách nhiệm và gánh vác. Mùa xuân của tuổi già với những chiêm nghiệm được mất ở cuộc đời. Suy cho cùng, dù bất kỳ giai đoạn nào của đời người, mùa xuân vẫn là mùa của tình yêu dào dạt và nồng cháy. Mùa của những cơn say ngây ngất yêu thương bất tận. Ngay kể cả bây giờ, khi đã ngoài 80, tưởng như sinh lực đã cạn kiệt, nhưng tiếng gọi mùa xuân vẫn như đang gieo mầm vươn lên trong ông mạnh mẽ.

NSND Đào Bá Sơn.

3. Đạo diễn điện ảnh NSND Đào Bá Sơn lúc nào cũng mang gương mặt trầm buồn. Dường như chưa lúc nào ông thực sự vui ngay cả khi cười. Ông được cho là đạo diễn dịu dàng nhất trong các đạo diễn. Bản thân ông tự nhận cho dù cáu lắm, cảnh quay có quay đi quay lại nhiều lần thì cũng chưa bao giờ ông to tiếng quát nạt diễn viên. Từ một ý nghĩ chủ quan, khi con người ta đã quá buồn sẽ chẳng còn tâm sức đâu nổi nóng và cáu giận.

Nếu để ý, trong các tác phẩm từ phim truyện nhựa, phim video, phim truyền hình, đề tài của ông vẫn luôn hướng đến những góc khuất đau đớn, sâu lắng tận cùng của thân phận phụ nữ. Ông đồng cảm và chia sẻ với họ. Người ta tìm thấy ở trong đấy một chút mẹ ông, chị ông và cả con gái từ rất lâu đã sang thế giới bên kia.

Nghệ sĩ vốn là những tâm hồn quá nhạy cảm ngay kể cả người được coi là phái mạnh thì sự đa cảm lúc nào cũng thường trực và nức nở như những nốt nhạc run rẩy trong đêm. Ông, đồng cảm. Đa cảm. Đa đoan. Đa tài. Vì thế, tác phẩm điện ảnh của ông nhân vật nữ ấn tượng, số phận không ít long đong, trắc trở, có chiều sâu của tâm lý tính cách.

Ông vẫn nói: "Đàn ông làm nghệ thuật rất khó chiều, người đàn bà nào phải có tấm lòng bao dung lắm mới sống được với người đàn ông như thế". Tết vốn là chu kỳ chấm dứt một năm để bước sang năm mới. Có thể tốt lên, có thể xấu đi, tùy vào vận mệnh hên xui phúc đức căn kiếp của từng người. Ông không mong cầu lợi, cầu danh... Từ lâu lắm, từ ngày con gái ông mất, một sự ra đi định mệnh oan nghiệt, ông tìm đến triết lý nhân sinh nhà Phật, như một sự cứu rỗi linh hồn.

Bao nhiêu năm nay, Tết với ông là hương vị của cuộc sống. Nó vừa vui, vừa buồn. Vừa cô đơn, trống trải và hy vọng, khắc khoải. Tuy không có một mái ấm thực thụ đúng nghĩa nhưng xung quanh ông có không ít những bóng hồng vây quanh. "Niềm vui chóng qua, nỗi buồn ở lại", câu này thực đúng với ông. Ở trong ông vẫn là một góc khuất sâu thẳm của nỗi buồn day dứt như lòng hồ không đáy.

Bao năm nay, sang năm mới, khi người ta tấp nập gia đình, bạn bè tiệc tùng thăm hỏi, thì ông  một mình lặng lẽ ra ngôi chùa quen thuộc nơi ông gửi mẹ và con gái để thắp nhang tưởng nhớ người thân đã khuất. Tượng Phật trang nghiêm, mùi nhang khói, tiếng chuông chùa đem đến cho ông sự thanh thản, yên bình gần gũi. Những cái Tết lần lượt trôi, lập nghiệp trong Nam không ra đất Bắc, nhưng ông luôn nhớ sâu thẳm đâu đó tiếng hồng hoang của thuở khai sinh.

Chàng trai phương Bắc ám ảnh bởi cái lạnh heo hút, có mưa xuân lây phây, và ngõ đượm đỏ xác pháo, cả rừng đào hồng bát ngát của vùng Nghi Tàm, Quảng Bá giờ đã thành khu biệt thự sầm uất, tấp nập. Người đi đi mãi không về, vật cũng đổi thay. Kỷ niệm ùa về, len lỏi, thời ấy giờ đã xa thật xa…

* Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Trần Mỹ Hiền
.
.