Thái Lan: Chống buôn lậu các bộ phận động vật

Thứ Tư, 07/08/2013, 15:15

Theo báo cáo của nhân viên bảo vệ đời sống hoang dã, ở Thái Lan đang gia tăng nhiều trường hợp voi hay những con thú khác bị tàn sát không chỉ vì bộ da hay ngà, mà còn để lấy tai, đuôi và cơ quan sinh dục - những bộ phận mang về lợi nhuận cao cho bọn săn trộm thú.

Chaiwat Limkhiqt-aksorm, lãnh đạo Công viên Quốc gia Kaeng, lắng nghe tên tội phạm Jan tự thú: "Chúng tôi bán dương vật voi với giá 4.000 baht/kg. Mà dương vật voi cân nặng cũng đến 7 hay 8kg. Chúng tôi cũng kiếm được 100.000 baht tiền bán ngà voi và thêm 4.000 baht tiền bán vòi và đuôi voi". Jan bị tống giam vào nhà tù Phetchaburi năm 2012 vì tội sát hại một con voi trưởng thành trong Công viên Kaeng.

Theo Chaiwat, chỉ riêng ở khu vực Kaeng đã có vài nhóm săn lậu hoạt động nhưng phần đông trong số chúng thậm chí không biết người mua là những ai và mục đích sử dụng các bộ phận voi là gì bởi tất cả giao dịch đều qua những phần tử trung gian. Nhưng, giới chức Thái Lan tin rằng ngoài nhu cầu mua ngà voi và da động vật làm kỷ niệm còn có thị trường tiêu thụ các bộ phận động vật hoang dã để ăn thịt, làm bùa hay biệt dược trong y học cổ truyền. Thongbai Charoendong, từng là thợ săn lậu và nay là chuyên gia cho Hội Bảo tồn Đời sống hoang dã (WCS), cho biết người ta ăn các bộ phận thú rừng hay treo chúng lên tường để cầu may mắn.

Thậm chí, trên các trang web bất hợp pháp còn bán lẻ những "bùa may mắn" như vòi, dương vật, âm đạo hay đầu vú voi - bởi vì người ta tin rằng ăn những bộ phận đó sẽ giúp tăng cường sinh lực, sự ham muốn tình dục hay thậm chí sống lâu!

Đầu vú voi cái cũng được dùng làm bùa may mắn.

Người ta tin rằng mỡ của loài sơn dương có tác dụng giảm đau; còn chiếc nhẫn làm bằng lông đuôi voi giúp tăng cường sinh lực. Do có niềm tin dương vật hổ kích thích tình dục cho nên loài này bị săn giết ở Thái Lan đến mức gần như tuyệt chủng. Các bộ phận hổ hiện nay hiếm được sử dụng làm thuốc ở Thái Lan song lại rất chuộng ở thị trường Trung Quốc và các quốc gia khác. Trong khi đó, Thái Lan có nhu cầu rất mạnh đối với răng, vuốt và da hổ để làm bùa cầu may mắn.

Theo Anak Pattanavibool, Thái Lan chỉ có một số ít khu rừng có thể duy trì sự sống cho hổ cũng như các loài thú lớn khác, bao gồm các khu rừng lớn Mae Ping ở miền Bắc và Phu Khieo cũng như Dong Phayayen Khao Yai ở miền Đông Bắc. Các khu rừng nhỏ hơn là Kaeng Krachan và Huay Kha Kheng-Thung Yai. Tuy nhiên, do nạn săn trộm kéo dài cho nên thú rừng biến mất dần trong những môi trường sống hoang dã này.

Anak cho biết giới chức Công viên Quốc gia Khao Yai đã cho lắp đặt camera nhằm giám sát dân số hổ song không bắt hình ảnh được một con nào cho nên có sự nghi ngờ rằng loài hổ ở khu rừng này đã bị tận diệt. Tình hình càng đáng lo ngại hơn ở Công viên Kaeng Krachan vì camera chỉ thu được hình ảnh một con hổ duy nhất.

Các bộ phận động vật hoang dã được coi là thành phần chính để làm thuốc trong y học cổ truyền Thái Lan trong suốt nhiều thế kỷ, song nhằm bảo vệ động vật và chấm dứt tình trạng săn trộm cho nên chính quyền nước này đang có nhiều nỗ lực làm thay đổi điều đó.

Tiến sĩ Pramote Stienrut, Giám đốc Viện Y học cổ truyền Thái Lan, cho biết trong quá khứ người Thái làm thuốc trị bệnh từ cây cỏ và thú rừng dù có ít bằng chứng cho thấy tính hiệu quả của loại thuốc dân gian hỗn hợp này. Hiện nay, Viện Y học cổ truyền Thái Lan đang nghiên cứu các loại cây cỏ có hiệu quả thay thế các bộ phận động vật hoang dã dùng trong y học cổ truyền

Duy Minh (tổng hợp)
.
.