Thái Lan nỗ lực phục hồi kinh tế
Ngân hàng Thái Lan ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến giảm tới 8,1% trong năm nay - một con số đáng lo ngại hơn hẳn các nền kinh tế lớn khác trong khu vực và cũng có thể là mức sụt giảm GDP lớn nhất của Thái Lan từ trước tới nay, thậm chí là so với cả giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á 2 thập niên trước.
Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng này chính là việc ngành du lịch - một trong những huyết mạch kinh tế của Thái Lan, đóng góp khoảng 15% GDP thường niên - chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 cùng các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại. Trong những năm gần đây, du lịch là động lực tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này.
Trước khi bùng phát dịch COVID-19, Thái Lan hy vọng doanh thu từ du lịch sẽ đóng góp ít nhất 20% GDP trong năm 2020. Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực của dịch bệnh với các lĩnh vực định hướng xuất khẩu chủ chốt cũng là một cú sốc lớn đối với GDP của Thái Lan.
Một số nhà phân tích dự đoán nền kinh tế Thái Lan sẽ sụt giảm mạnh hơn các quốc gia khác ở Đông Nam Á, với mức tăng trưởng âm 6% và có thể sẽ hồi phục nhẹ trong năm 2021, đạt mức tăng trưởng âm 4%.
Bãi biển Pattaya vắng người do lệnh phong tỏa vì dịch COVID-19. |
Lệnh khẩn cấp quốc gia, lệnh giới nghiêm ban đêm cùng việc hoạt động kinh doanh trên toàn quốc bị đóng cửa để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh đã phá vỡ chuỗi cung ứng tiêu dùng tư nhân và đầu tư, vốn đã có xu hướng chững lại từ năm ngoái. Hoạt động mua sắm và tiêu dùng dự kiến sẽ tăng nhẹ khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ và chính phủ triển khai các gói kích thích kinh tế, tuy nhiên giới đầu tư chắc chắn sẽ vẫn dè dặt bởi triển vọng không mấy sáng sủa.
Theo ước tính của Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), ngành du lịch Thái Lan sẽ mất khoảng 47 tỷ USD trong năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh. Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT) cảnh báo khoảng 1/3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở quốc gia Đông Nam Á này sẽ không còn thanh khoản để duy trì kinh doanh trong nửa cuối năm 2020. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu bán tài sản như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng và cửa hàng bán đồ lưu niệm, song không đạt được nhiều kết quả như trông đợi do kinh doanh bất động sản cũng bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế.
Thái Lan đã đóng cửa biên giới từ tháng 3, đồng nghĩa với việc gần 4 tháng nay không có du khách nước ngoài nào đặt chân tới xứ sở Chùa Vàng. Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan ước tính quốc gia này sẽ chỉ đón được 9 triệu lượt du khách trong năm nay, thấp hơn nhiều so với gần 40 triệu lượt du khách trong năm 2019. Dù đã có kế hoạch mở cửa trở lại với một số quốc gia nhất định, song giới chức vẫn tỏ ra hết sức thận trọng và tìm cách nới lỏng phong tỏa từng bước, do lo ngại về những bài học tái bùng dịch ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và một số nước châu Âu.
Giới chức đã chuẩn bị kế hoạch 3 giai đoạn, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8 tới, dự kiến đón khoảng 1.000 du khách mỗi ngày tới Thái Lan qua cửa khẩu tại 5 tỉnh thành. Bộ Du lịch và Thể thao cũng đã yêu cầu Hiệp hội Lữ hành Thái Lan (ATTA) và TCT thiết kế một số gói tour du lịch tại 5 tỉnh thành là Chiang Mai, Koh Samui, Krabi, Phuket và Pattaya, những địa phương đã sẵn sàng thử nghiệm việc mở cửa trở lại với du khách nước ngoài.
Những nỗ lực kích cầu du lịch nội địa không thể bù đắp tổn thất mà ngành công nghiệp then chốt này đang phải gánh chịu, vốn chiếm 1/5 nền kinh tế Thái Lan trong năm 2019. Du lịch nội địa trên thực tế cũng chịu nhiều tác động do nhu cầu đặt phòng khách sạn giảm vì các hội nghị và hội thảo của các tập đoàn đều bị hoãn hoặc hủy. Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cũng đang xúc tiến một gói các biện pháp, gồm giãn nợ cho doanh nghiệp trong ngành du lịch, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào nhiên liệu xe buýt và tàu thủy công cộng, tài trợ cho các công ty lữ hành trực tuyến để giảm hoặc miễn tiền hoa hồng trong 6 tháng, song song với việc phát triển các chương trình thúc đẩy tính cạnh tranh của các nhà điều hành du lịch.
Hồi cuối tháng 6, nội các Thái Lan đã thông qua 2 gói kích thích trị giá 22,4 tỷ baht (tương đương 723 triệu USD) để hỗ trợ các ngành du lịch địa phương. Trong 5 tháng đầu năm nay, tổng số chuyến bay nội địa tại Thái Lan đã giảm gần 60%, trong khi doanh thu giảm hơn 55%.
Điểm sáng hiếm hoi đem lại hy vọng cho nền kinh tế Thái Lan là sự tăng mạnh trong việc bán ra các lô hàng vàng. Thoạt nhìn, nền kinh tế Thái Lan có vẻ như đã chèo lái khá tốt trong giai đoạn đầu năm nay, khi cả thế giới chao đảo vì COVID-19, với thực tế là tăng trưởng chỉ sụt giảm trong 2 trên tổng số 5 tháng đầu năm 2020. Nhìn một cách cụ thể hơn, tăng trưởng đột biến trong ngành xuất khẩu vàng đã giúp quốc gia này chống đỡ được phần nào các thiệt hại kinh tế.
Giá vàng tăng trong đợt bùng phát dịch COVID-19 càng kích thích các nhà đầu tư địa phương bán vàng, thúc đẩy tổng khối lượng xuất khẩu. Ngoại trừ mặt hàng này, hoạt động xuất khẩu nói chung đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự gián đoạn nhu cầu và chuỗi cung ứng toàn cầu bị đình trệ đột ngột.
Đồng baht Thái Lan đã tăng gần 6% so với đồng USD trong quý II-2020, đồng nội tệ gia tăng giá trị cao thứ hai khu vực. Ngân hàng Thái Lan đã 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, đưa tỷ lệ tiêu chuẩn xuống mức thấp kỷ lục là 0,5% song chính thành công của Thái Lan trong công tác phòng dịch đã giữ đồng bath không bị trượt giá mà thậm chí còn mạnh lên.
Tuy nhiên, Ngân hàng Thái Lan lại bày tỏ lo ngại về việc đồng nội tệ liên tục tăng giá, một thực tế sẽ ảnh hưởng tới ngành xuất khẩu và khiến các nỗ lực phục hồi kinh tế trở nên khó khăn hơn. Giới chức rất có thể sẽ phải có những biện pháp can thiệp để kiềm chế đồng nội tệ trong trường hợp cần thiết.