Thái Lan với nỗ lực “hóa hổ” lần nữa

Thứ Bảy, 28/03/2020, 08:10
Từ những năm 1980 đến giữa những năm 1990, Thái Lan từng được coi là một con hổ châu Á mới nổi, tiếp bước Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan và Singapore. Nền kinh tế nước này khi ấy có mức tăng trưởng trung bình hằng năm từ 8-9%, thậm chí có năm đạt mức tăng trưởng 2 con số.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và đặc biệt là kể từ khi chìm trong khủng hoảng chính trị (2006), nền kinh tế Thái Lan rơi vào đình trệ, với tốc độ tăng trưởng trung bình chỉ khoảng 3%. Và bây giờ, những dự án táo bạo đã bắt đầu được đặt ra, với tham vọng đưa đất nước Chùa tháp “hóa hổ” lần nữa.

Tổng thư ký Văn phòng Kanit Sangsubhan ước tính trong 5 năm tới, EEC sẽ thu hút được khoản đầu tư 300 tỷ baht hằng năm.

Kế hoạch Thái Lan 4.0

Mục tiêu của khu vực phát triển đặc biệt Hành lang kinh tế phía Đông (EEC) là nhằm biến các tỉnh lớn của Thái Lan ở phía Đông Bangkok thành một trung tâm bao gồm các ngành công nghiệp công nghệ cao, đổi mới và logistics cũng như một cửa ngõ cho thương mại và đầu tư của khu vực.

Chính phủ Thái Lan hy vọng EEC sẽ là một động lực thúc đẩy tăng trưởng mang tính bước ngoặt cho nền kinh tế và tập trung vào 3 tỉnh lớn: Chachoengsao, Chonburi và Rayong - nằm ở ngay phía Đông Bangkok với tổng diện tích hơn 13.000km2. EEC sẽ được xây dựng dựa trên sự thành công của dự án ven biển phía Đông vốn được ra mắt cách đây 30 năm, nhằm thúc đẩy Thái Lan phát triển vượt bậc theo hướng công nghiệp hóa.

EEC sẽ là trọng tâm của chiến lược Thái Lan 4.0 nhằm chuyển dịch cơ cấu và khôi phục nền kinh tế của nước này, vốn mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình trong hơn một thập niên. Mặc dù dự án đã đạt được những bước tiến quan trọng kể từ khi mới hình thành, song tham vọng cũng như quy mô của nó đồng nghĩa với việc chắc chắn sẽ có nhiều thách thức ở phía trước.

Trong khi các nền tảng kinh tế vĩ mô của Thái Lan được cho là vẫn tương đối thuận lợi - lạm phát khoảng 1%, thặng dư tài khoản vãng lai hơn 3 tỷ USD tương đương với khoảng 7,5% của GDP, nợ công ở mức 41% GDP và dự trữ ngoại tệ trên 200 tỷ USD - nền kinh tế Thái Lan rõ ràng đang hoạt động kém do các vấn đề cơ cấu dần tích tụ. Chẳng hạn như sự sụt giảm năng suất trong ngành nông nghiệp và chế tạo, nhu cầu cải thiện nguồn nhân lực, những nút thắt về quản lý và cơ sở hạ tầng yếu kém. Nếu không có chiến lược dài hạn nhằm cải cách nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu thì Thái Lan sẽ khó đưa nền kinh tế vào một quỹ đạo tăng trưởng cao hơn.

Phó Thủ tướng Somkid Jatusripitak và ê-kíp của ông đều là các nhà kỹ trị trở thành chính trị gia.

Sau khi quân đội can thiệp và lên nắm quyền vào năm 2014, Chính phủ Thái Lan mới bắt đầu triển khai các kế hoạch nhằm thúc đẩy cải cách chính trị và kinh tế. Đáng chú ý nhất là việc soạn thảo Chiến lược quốc gia 20 năm, trong đó đặt ra tầm nhìn đảm bảo an ninh, thịnh vượng và sự bền vững của đất nước. Nhân tố căn bản là phải đặt ra các mục tiêu chiến lược và đường hướng rõ ràng trong tương lai.

Các nhân vật chính trong sáng kiến này được cho là Phó Thủ tướng Somkid Jatusripitak và ê-kíp của ông bao gồm các cố vấn đáng tin cậy. Tất cả đều là các nhà kỹ trị trở thành chính trị gia.

Hành lang kinh tế phía Đông

EEC của Thái Lan được mô tả là một sáng kiến phát triển dựa trên khu vực theo mô hình kinh tế Thái Lan 4.0. Nó được ví là một chiếc khuôn chính sách trong đó các chính sách, sáng kiến và phương pháp tiếp cận mới được thử nghiệm nhiều lần. 3 tỉnh miền Đông gồm Chachoengsao, Chonburi và Rayong được chọn làm địa điểm triển khai sáng kiến này vì khoảng cách địa lý gần với Bangkok và nhu cầu giải tỏa ùn tắc trong thủ đô.

Khu vực này vốn đã là cơ sở công nghiệp quan trọng và tại đây, hạ tầng hiện thời của vùng bờ biển phía Đông có thể được nâng cấp và mở rộng để thu hút một làn sóng đầu tư mới vào các ngành công nghệ cao và logistics. EEC được cho là cũng sẽ trở thành một cửa ngõ cho thương mại, đầu tư và dịch vụ trong khu vực, do vị trí nằm ở giao điểm của hành lang vận tải và kinh tế lớn trên toàn tiểu vùng sông Mekong.

EEC sẽ được pháp luật bảo vệ. Điều này sẽ giúp cho số phận của nó không phụ thuộc vào những biến động trong nền chính trị Thái Lan nữa, nếu có. Một ủy ban chính sách báo cáo trực tiếp với thủ tướng đã được thành lập, cùng với một văn phòng thường trực do một tổng thư ký đứng đầu và được ủy quyền thực thi và giám sát trình thực hiện EEC. Điều quan trọng là các đạo luật có liên quan đã trao cho Văn phòng phụ trách EEC quyền quyết định đáng kể để điều phối, giám sát và nếu cần sẽ quyết định các vấn đề trong phạm vi EEC.

Dự án sân bay U-Tapao mới được cho là sẽ thay đổi đáng kể cơ sở hạ tầng cho EEC.

Có 10 ngành công nghiệp mục tiêu (S-curve) được xác định sẽ là trọng tâm của EEC, được chia làm 2 nhóm. Nhóm đầu tiên bao gồm 5 ngành công nghiệp cốt lõi hiện sẽ được nâng cấp: Ngành ôtô thế hệ mới, thiết bị điện tử thông minh, du lịch y tế và spa, thực phẩm giá trị cao và công nghệ sinh học. Nhóm thứ 2 là 5 ngành công nghiệp S-curve mới mà Thái Lan có tiềm năng mạnh mẽ: Hàng không và logistics, robot, nhiên liệu sinh học và hóa sinh, kỹ thuật số và chăm sóc y tế toàn diện.

Ngoài ra còn có 2 ngành S-curve được thêm vào danh sách, đó là giáo dục và quốc phòng. Ngành giáo dục được bổ sung do nhu cầu cấp bách về nhân công lành nghề để hỗ trợ các ngành công nghiệp mới.

Mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng

Bước tiếp theo là tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại và hiệu quả, như trường hợp dự án vùng biển phía Đông thành công, cụ thể là ưu tiên 4 dự án quy mô lớn bao gồm dự án xây dựng một sân bay quốc tế mới tại U-Tapao, một đường sắt cao tốc nối các sân bay Don Muang, Chabang và Map Ta Put. Một dự án lớn khác nữa là dự án liên doanh giữa hãng hàng không Airbus và Thai Airways nhằm xây dựng và vận hành một trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu hiện đại ở U-Tapao. Tổng số vốn đầu tư vào các dự án này cũng như các dự án cơ sở hạ tầng khác ước tính lên tới 1.500 tỷ baht (tương đương khoảng 45 tỷ USD) trong 5 năm từ 2020 đến 2025.

Các dự án trên được cấp vốn thông qua hình thức quan hệ đối tác công - tư (PPP). Một chiến lược đã được xây dựng theo cách mà phần lớn nguồn vốn sẽ được huy động từ khu vực tư nhân. Kế hoạch đặt ra là việc đầu tư vào hầu hết các dự án sẽ tạo ra khoản thu đủ lớn để thu hút sự quan tâm của khu vực tư nhân. Để đẩy nhanh các dự án này, Chính phủ Thái Lan đã phải sửa đổi các quy định nhằm đảm bảo rằng toàn bộ quá trình, từ khâu chuẩn bị dự án cho đến kêu gọi đấu thầu đều có thể tiến hành trong 8 tháng thay vì 40 tháng như thông thường.

Tuy vậy, vẫn có những chậm trễ không lường trước được. Chẳng hạn như trường hợp dự án đường sắt cao tốc, sau khi hiệp đoàn do tập đoàn lớn nhất Thái Lan, Charoen Pokphand (CP) dẫn đầu thắng thầu, các cuộc đàm phán sau đó về chi tiết của hợp đồng đã phải mất thêm gần một năm nữa để hoàn tất. Đối với sân bay U-Tapao, các nhà chức trách đang cân nhắc khía cạnh kỹ thuật của đề xuất của hiệp đoàn do hãng hàng không Bangkok Airways và tập đoàn BTS dẫn đầu, được cho là đề xuất có giá thầu cao nhất.

Dự án cảng biển nước sâu Laem Chabang đang chờ phán quyết của tòa án về đơn kháng cáo do một tập đoàn bị truất quyền đấu thầu trình lên. Các cuộc thảo luận giữa Airbus và Thai Airways về trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu vẫn chưa kết thúc. Trong khi các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao, chính phủ chắc chắn nóng lòng muốn thấy tất cả các dự án này khởi động càng sớm càng tốt, sao cho việc thi công có thể bắt đầu.

Sân bay U-Tapao mới, từng là căn cứ không quân Mỹ, dự kiến sẽ trở thành sân bay quốc tế thứ ba của Thái Lan khi cả sân bay Suvarnabhuni và Don Muang đều đang bị quá tải. Một khi hoàn thành vào năm 2025, sân bay U-Tapao dự kiến có thể tiếp nhận 30 triệu lượt khách mỗi năm trong vòng 5 năm. Sân bay này được thiết kế nằm ở trung tâm của một đô thị hàng không, nơi tập trung các ngành công nghiệp hàng không và máy bay chẳng hạn như với các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu, các nhà máy sản xuất phụ tùng máy bay, các dịch vụ logistics và hoạt động kinh doanh có liên quan.

Thái Lan mong muốn đưa dự án đường sắt cao tốc vào hoạt động năm 2023.

Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu do Airbus và Thai Airways sẽ phục vụ cho loại máy bay thân rộng A350 và A380 - không chỉ của Thai Airways mà còn của các hãng hàng không khác trong khu vực. Việc mở cửa trung tâm này là để dự phòng cho sự gia tăng mạnh mẽ trong ngành du lịch hàng không và nhu cầu máy bay ở châu Á. Tàu cao tốc sẽ kết nối 3 sân bay này, giảm thời gian di chuyển từ U-Tapao đến Bangkok xuống còn 45 phút.

Các phương thức giao thông hiệu quả hơn sẽ tạo ra các cộng đồng và khu đô thị mới, giải phóng mật độ dân số đông đúc và tình trạng giao thông tắc nghẽn ở Bangkok hiện nay. Việc mở rộng hai cảng biển nước sâu cũng sẽ tăng cường khả năng kết nối Thái Lan và các nền kinh tế mới nổi của các nước láng giềng với các thị trường toàn cầu. Mục tiêu bao trùm của các dự án này là tạo sự kết nối liền mạch, giảm chi phí logistics và kinh doanh tại EEC.

Ngoài 5 dự án cơ sở hạ tầng này, Chính phủ Thái Lan đã thành lập một trung tâm đổi mới ở EEC và triển khai các kế hoạch về một công viên kỹ thuật số và trung tâm y tế chuyên ngành. Trung tâm y tế này sẽ hỗ trợ việc nghiên cứu và phát triển cho các ngành công nghiệp S-curve.

Nhìn từ góc độ khu vực

Chính phủ Thái Lan không hề giấu giếm tham vọng biến EEC thành một trung tâm thương mại, đầu tư và logistics của khu vực. Một trong những lợi thế lớn của dự án này là vị trí nằm ở giao điểm của mạng lưới các kết nối khu vực ngày càng gia tăng nối liền Thái Lan với các nền kinh tế mới nổi của tiểu vùng sông Mekong và ra bên ngoài, tới Trung Quốc và Ấn Độ.

Mạng lưới này bao gồm các hành lang vận tải Bắc - Nam và Đông - Tây cũng như đường cao tốc Thái Lan - Myanmar - Ấn Độ theo dự kiến. Có một dự án ba bên khác gồm Thái Lan, Myanmar và Nhật Bản về việc xây dựng một cảng biển nước sâu ở Dawei, bờ biển phía Đông Nam Myanmar, cách biên giới Thái Lan khoảng 150km. Mặc dù có nhiều chậm trễ, kế hoạch này dự kiến kết nối Dawei với cảng biển nước sâu Laem Chabang của Thái Lan bằng đường bộ và đường sắt, từ đó kết nối biển Andaman và Ấn Độ Dương với vịnh Thái Lan, Biển Đông và Thái Bình Dương.

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Thái Lan đã tích cực tham gia thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong và tham gia cả sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Nhiều phái đoàn doanh nghiệp cấp cao từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong, Pháp, Anh, Mỹ và Nga đã đến để tìm các cơ hội kinh doanh ở EEC, làm gia tăng đáng kể các kỳ vọng ở đây. Tiến sĩ Kanit Sangsubhan, Tổng Thư ký Văn phòng EEC ước tính trong 5 năm tới, EEC sẽ thu hút được khoản đầu tư trung bình hằng năm tới 300 tỷ baht (khoảng 9,6 tỷ USD). Một ví dụ điển hình cho trường hợp này là quyết định của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc về việc thành lập một trung tâm kỹ thuật số thông minh tại EEC để hỗ trợ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của tập đoàn này tại khu vực.

Chính phủ đã sửa đổi các quy định hải quan để giúp khách hàng ở Thái Lan có thể mua và trả lại sản phẩm trong vòng 14 ngày mà không phải trả thuế. Về phần mình, Alibaba cam kết đào tạo nông dân và người bán hàng Thái Lan kinh doanh trong thế giới kỹ thuật số và cung cấp một nền tảng để xuất khẩu nông sản Thái Lan sang thị trường Trung Quốc.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.