Thảm họa cháy nổ từ các cơ sở sản xuất trong khu dân cư

Thứ Sáu, 14/05/2021, 12:19
TP Hồ Chí Minh có trên 300.000 nhà ở kết hợp với kinh doanh. Người dân tận dụng tầng trệt để buôn bán kinh doanh, khai thác các tầng trên làm kho chứa hàng, các chất cháy chủ yếu là hàng hóa. Nhà ở trong các khu dân cư hầu như đều dạng hình ống, không lối thoát hiểm... Đó là những nguyên nhân chính gây nên thảm họa khi xảy ra cháy nổ thời gian qua.


Thảm kịch

Chiều 8-5, nhà tang lễ An Bình (Q.5) bao trùm nước mắt và nỗi đau. Người đàn ông ngồi thu mình trong một góc tường, liên tục cúi gục đầu xuống để lau nước mắt. Nỗi đau mất em gái đột ngột ập đến khiến anh T.K dù mạnh mẽ đến mấy cũng không thể nào chịu đựng nổi.

Tối 7-5, nghe tin có vụ cháy ở nhà 47/58/2, đường Lạc Long Quân, P1, Q11, TP Hồ Chí Minh (do bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, sinh năm 1975 làm chủ) nhưng anh K. hoàn toàn không nghĩ đến cô em gái Nguyễn Thị Y Linh của mình, bởi hôm nay Linh không có tiết dạy thêm. Danh sách nạn nhân được công bố chỉ có 7 người, vẫn không có tên Linh. Nhưng, khi anh K. gọi điện cho Linh thì không liên lạc được. Hàng chục cuộc điện thoại đến số máy của cô gái đều không có hồi âm. 

Đưa các nạn nhân xấu số trong vụ cháy căn nhà 47/58/2 Lạc Long Quân, quận 11 ra ngoài.

Cảm thấy chuyện chẳng lành nhưng anh K. và mẹ vẫn không ngừng hy vọng vào điều tốt nhất. Mọi thứ kết thúc khi gia đình nhận được thông báo từ công an. Đó thật sự là sét đánh ngang tai, nỗi đau trời không thể thấu. Ngay trong đêm, bà X. tức tốc từ Cà Mau lên TP Hồ Chí Minh. Còn anh K. vào nhà tang lễ nhận dạng em gái. 7 nạn nhân xấu số đã được gia đình đến nhận từ tối hôm trước, chỉ còn một mình Linh ở đây. Vừa nhìn thấy thi hài em gái, anh K. nhận ra ngay vì cặp kính cận quen thuộc vẫn còn nguyên vẹn. 

Cha mẹ ly hôn, Linh và anh trai rời Cà Mau lên TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Hai anh em đều có những ước mơ của mình. Linh say mê dạy học, cô được phụ huynh và học sinh rất quý mến, ai cũng khen cô giáo Linh nhiệt tình và có trách nhiệm với công việc. Trong gia đình, Linh là cô con gái ngoan hiền, chịu khó và có tính tự lập rất cao. Và quá bất ngời, cô trở thành nạn nhân thứ 8.

Nhắc lại giấy phút kinh hoàng ấy, bà Nguyễn Thị Tuyết, người trong trong hẻm nói mà nghẹn lại: “Cánh đàn ông chạy qua chạy lại nhưng không tài nào tiếp cận được cánh cửa căn nhà. Tôi nghe rõ tiếng gào thét ngằn ngặt của mấy cậu con trai. Chỉ 5 phút sau thì im bặt. 3 đứa trẻ ôm nhau chết trong nhà tắm”.

Bà Võ Thị Biết (mẹ vợ ông Lục Chấn Tâm) khóc cạn nước mắt khi thấy con gái cùng các cháu mình bị lửa thiêu cháy.

Ông Tiến (65 tuổi), nhà ở đầu hẻm 47 Lạc Long Quân là người đầu tiên phát hiện ra vụ cháy. Ông chạy thật nhanh tới đó thì khói đã đen đặc bịt bùng cánh cửa. Chân ông run rẩy, luống cuống, không biết phải làm gì. Một vài nhà dân vác bình chữa cháy mini ra nhưng không thể đến gần. Tiếng kêu cuối cùng ông Tiến nghe được là một giọng nữ, rồi vụt tắt.

Khi cảnh sát PCCC đến nơi, đám cháy đã bao trùm toàn bộ căn nhà. Chất cháy chủ yếu là do keo AB (loại keo dán gỗ, nhựa cứng, sắt thép...) cùng sáp nến nên cháy lan rất nhanh. Nhiệt độ cao, nhiều khói, khí độc gây khó khăn cho lực lượng cảnh sát PCCC. Vị trí cháy tại khu vực lầu 1 và chỉ có lối thoát hiểm duy nhất của ngôi nhà qua lối cửa chính, cửa bên hông đã bị khóa.  Các nạn nhân không thể thoát ra ngoài và chết ngạt trong tầng 1 và tầng 2. Ngoài ra, con hẻm dẫn vào nhà khá nhỏ, các phương tiện chữa cháy khó tiếp cận. Lực lượng chữa cháy phải kéo ống dài gần 500m mới lấy được nước từ các trụ chữa cháy...

Hiện, Cơ quan công an vẫn chưa công bố nguyên nhân dẫn đến vụ cháy ở nhà số 47/58/2 đường Lạc Long Quân, P1, Q11.  Nhưng, theo lời trình bày của anh Tựu (em trai bà Thanh), trong lúc anh cùng ông Thắng khiêng thùng xi đánh bóng gạch vừa được nấu trên lò lửa ra, do bất cẩn đã làm đổ trên sàn nhà, chảy lan sang bếp lửa đang nấu sáp đèn cầy cách đó khoảng 1m.  

Ngọn lửa bùng lên dữ dội không thể kiểm soát. Anh Tựu nhanh chân chạy được ra ngoài nhưng cũng bị bỏng nhiều chỗ. Những người khác không kịp phản ứng nên người bị lửa thiêu, người bị ngạt khí dẫn đến tử vong. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cơ sở sản xuất của bà Thanh không được cấp phép, mà là sản xuất “chui”.

Ẩn họa luôn chực chờ

Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Phó Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tại TP Hồ Chí Minh có trên 300.000 nhà ở kết hợp với kinh doanh. Người dân tận dụng tầng trệt để buôn bán, kinh doanh, khai thác các tầng trên làm kho chứa hàng, các chất cháy chủ yếu là hàng hóa. Khi xảy ra sự cố cháy nổ, hàng hóa bị cháy đổ sập gây cản trở lối thoát hiểm, hàng hóa cháy tạo ra khí độc gây ảnh hưởng đến tính mạng những người trong nhà.

Các nhà ở kết hợp với kinh doanh nằm sâu trong hẻm càng phức tạp, gây khó khăn cho công tác chữa cháy... Nhà trong hẻm xây sát nhau, hẻm chỉ rộng 1-2m, khi cháy khói tích tụ trong hẻm gây ảnh hưởng đến người xung quanh.

Hiện trường vụ cháy gây tử vong 6 người ở phường Cát Lái, TP Thủ Đức

Bên trong các hộ kinh doanh đặt tại các hẻm thường chứa chất dễ cháy như hóa chất, bìa các tông, nhựa... tạo ra một hỗn hợp khói cực độc. Nếu những nạn nhân trong đám cháy hít phải chỉ 30 giây là có thể ngất đi vì ngạt. Để tiếp cận chữa cháy đối với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp cũng rất khó khăn, dù đã mặc áo chống cháy, đeo bình CO2 để tiếp cận, đi qua lửa, qua khói dập lửa tìm kiếm nạn nhân.

Thường thì các hộ kinh doanh này chỉ có một lối thoát nạn duy nhất. Những nhà ở kết hợp kinh doanh thường tận dụng diện tích căn nhà nên thiếu lối thoát nạn. Nhiều nhà ở kết hợp kinh doanh thường cũ, xây dụng hàng chục năm trước, hệ thống điện không đảm bảo dễ dẫn đến chạm chập điện. Ngoài hàng hóa thì bên trong các căn hộ này còn chứa nhiều xe gắn máy, hệ thống bếp nấu nướng, thờ cúng.

Thượng tá Kháng khuyến cáo, đối với những hộ nhà ở kết hợp với kinh doanh thì chủ hộ phải có kiến thức về PCCC để nhắc nhở những người trong nhà, hàng hóa trong nhà nhiều thì cần có ý thức sắp xếp gọn ghẽ, phải đảm bảo lối đi lại và dứt khoát phải có lối thoát nạn thứ hai. Quan trọng nữa là phải quản lý chặt chẽ các nguồn lửa, nguồn nhiệt, các hệ thống phát sinh nguồn nhiệt như dây điện hoặc nơi thờ cúng. Các gia đình cần thường xuyên kiểm tra cải tạo, đánh giá các thiết bị tải điện, tiêu thụ điện. 

Phải trang bị các phương tiện PCCC như báo cháy tự động, bình chữa cháy, máy bơm, bể nước. Các khu vực chứa hàng, bình chữa cháy phải để nơi dễ thấy. Phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phải được các thành viên trong gia đình nắm rõ để dễ dàng xử lý khi sự cố cháy nổ xảy ra.

Ngay trong gia đình cũng cần có những nội quy, quy định chặt chẽ (phải tắt điện, tắt nguồn nhiệt trước khi đi ngủ), trang bị các phương án, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm. Đừng chủ quan để dẫn đến các hậu quả đáng tiếc về người và tài sản khi cháy nổ xảy ra.

Cửa ra vào căn nhà bị cháy ở phường Cát Lái, TP. Thủ Đức là lối thoát hiểm duy nhất nhưng đã bị khóa trái và còn bị chặn bởi 5 xe gắn máy trong thời điểm ngọn lửa bùng phát

Sau khi sự việc xảy ra, đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã làm việc với lãnh đạo quận 11, yêu cầu cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở nhìn nhận nguy cơ của việc sản xuất kinh doanh có liên quan đến hóa chất dễ cháy trong khu dân cư. Ông yêu cầu UBND TP Hồ Chí Minh cần có chỉ thị chấn chỉnh ngay, cùng công an tham mưu về việc này. Không thể chấp thể đưa những hóa, chất dễ cháy vào khu dân cư để sản xuất...

Đức Cương – Ngọc Hoa
.
.