Thâm nhập chợ sỉ thuốc tây ở TP HCM: Những điều trông thấy

Thứ Hai, 03/03/2014, 14:50

Ở TP HCM, hiện có một số chợ sỉ thuốc tây. Đó là chợ Tân Định, quận 1, chợ Hưng Đạo nằm trên đường Nguyễn Văn Đừng, quận 5 nhưng chợ này hầu như lúc nào cũng vắng như chùa Bà Đanh, và một chợ nữa ở quận 11 - nghe nói là sắp giải thể. Có thâm nhập thế giới này mới thấy nhiều điều mà tưởng như khó thể tin nổi nhưng lại là “chuyện thường ngày..” tại đây.

1. 10 giờ 30 phút sáng, tại chợ sỉ thuốc tây ở số 134/1 đường Tô Hiến Thành - hay chính xác hơn là nó nằm dọc theo đường Nguyễn Giản Thanh, quận 10, TP HCM. Mặc dù chưa "hết mùng" - nghĩa là chưa đến mùng 10 tháng Giêng nhưng không khí của "chợ" đã rất sôi động.

Theo ước lượng của tôi, chỉ tính riêng người "đi chợ" thôi - chứ không tính người bán - đã lên tới con số trăm. Đang nhìn ngược ngó xuôi thì một chiếc xe ba gác chất đầy thùng các tông được một thanh niên đẩy từ trong chợ, ngang qua chỗ tôi, ra cổng. Đọc những chữ in trên vỏ thùng, tôi biết đó là loại kháng sinh Augmentin 625mg. Và mặc dù ở ngay góc bên phải còn có thêm dòng chữ "Below 25oC - nghĩa là bảo quản ở nhiệt độ dưới 25oC nhưng trong cái nóng khoảng 30oC, những thùng kháng sinh vẫn được chất thành đống trên nền đường nhựa, sát cạnh bức tường khuôn viên chợ. Phơi nắng vài tiếng, chất lượng của nó còn bao nhiêu phần trăm thì có trời biết!

Hỏi thăm người đẩy xe, anh nói mặt hàng này được một số hiệu thuốc và phòng mạch tư đặt từ trước tết. Khi anh lấy đủ số lượng từ một cái kho gần đó, sẽ có ôtô đến vận chuyển, giao cho họ. Tôi hỏi ở chợ này, muốn mua thuốc nhưng mua ít,  được không? Anh chỉ tay vào các quầy thuốc: "Trong đó đầy nhóc, cứ nói mua về làm mẫu thì 1 hộp họ cũng bán". Tôi hỏi tiếp: "Còn nếu mình có thuốc muốn bán thì sao?". Anh ta cười: "Nếu là hàng chính hãng thì các quầy thuốc mua liền, còn hàng trôi nổi thì phải kiếm  đầu nậu".

Kẻ mua người bán tấp nập tại chợ sỉ thuốc tây.

Vẫn theo chỉ dẫn của anh đẩy xe ba gác, tôi đến gặp một đầu nậu tên Tuấn, lúc đó đang ngồi uống cà phê ở cái quán cóc nằm ngay cổng ra vào. Móc từ túi xách ra vỉ thuốc kháng sinh có tên Preflacine, hàm lượng 400mg - trên vỉ in hàng chữ màu đỏ: "Sample - Not for sale" (hàng mẫu, không được bán). Vỉ thuốc này, một trình dược viên đã biếu cô bác sĩ bạn tôi để cô kê toa cho bệnh nhân - nhưng cô tặng lại tôi để tôi có điều kiện đi thực tế.

Vừa nhìn thấy vỉ thuốc, Tuấn đã lắc đầu: "Hàng này khó chơi lắm huynh ơi. Mua về phải tẩy cái chữ đó đi, mất công lắm. Mà huynh có nhiều không?". Tôi xạo: "Khoảng 100 vỉ". Cầm vỉ thuốc trên tay, Tuấn săm soi, coi kỹ hạn sử dụng rồi phán một câu chắc nịch: "Thôi, tui mua giúp huynh. 1.500 đồng/viên (trong lúc giá ngoài thị trường là 9.500 đồng/viên). Huynh cho địa chỉ, chiều tui ghé lấy". Tôi nói: "Anh có số điện thoại để liên lạc không vì tôi thường xuyên bận việc, ít khi ở nhà". Tuấn lắc đầu: "Huynh cứ cho địa chỉ đi chứ tôi không xài điện thoại" mặc dù ở túi quần anh ta, hằn rõ hình chiếc điện thoại - có lẽ là Galaxy Note 3, to đùng (sau này tôi mới biết Tuấn đã từng bị cơ quan chức năng "sờ gáy" nên với người lạ, anh ta rất cảnh giác).

2. Ở TP HCM, hiện có một số chợ sỉ thuốc tây. Đó là chợ Tân Định, quận 1, chợ Hưng Đạo nằm trên đường Nguyễn Văn Đừng, quận 5 nhưng chợ này hầu như lúc nào cũng vắng như chùa Bà Đanh, và một chợ nữa ở quận 11 - nghe nói là sắp giải thể. Tuy nhiên, bề thế và tấp nập nhất vẫn là chợ sỉ Tô Hiến Thành.

Theo nguyên tắc, chợ chỉ bán sỉ chứ không bán lẻ nhưng như tôi vừa nói ở trên, muốn mua 1 hộp thuốc cũng có người bán. Hình thành từ năm 2007 với diện tích khoảng 14.000m2, chợ chia làm nhiều khu, tổng cộng có 270 quầy thuốc của hơn 140 công ty tham gia kinh doanh. Bình quân mỗi ngày, có khoảng 5.000 lượt người vào chợ giao dịch, mua bán.

Trong chợ, các quầy thuốc diện tích chỉ chừng 30m2, nằm sát cạnh nhau, còn ở nhiều lối đi, thuốc chất thành đống. Thỉnh thoảng, lại có vài chiếc ôtô vào lấy hàng khiến không gian càng thêm chật chội. Hỏi thăm một chị, chị cho biết chị ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, lên đây mua rồi đem về dưới, bỏ mối lại cho một số tiệm thuốc tây trong huyện. Cứ mỗi lần lên, chị mua khoảng 20 triệu đồng.

Thấy anh nhân viên bán hàng nhìn tôi có vẻ dò xét, tôi nói tôi ở miệt Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, cũng đang muốn mua một số loại thuốc để kinh doanh thì anh ta mau mắn đưa tôi tờ giấy trắng cùng cây bút: "Anh kê tên thuốc và số lượng ra đây đi, tôi tính giá mềm cho. Nếu ít thì khoảng 15 phút là có hàng, còn nhiều thì anh chịu khó đợi cỡ nửa tiếng. Tụi tôi mua bán có hóa đơn đàng hoàng nên anh khỏi lo, cứ chở về dưới thoải mái".

Một trong những cổng vào chợ sỉ dược phẩm quận 10.

Vẫn trong vai người ở Tân Hồng đi mua thuốc, rảo qua hơn chục quầy, tôi mới biết không phải quầy nào cũng có một chủ mà lắm quầy, một cá nhân đứng ra ký hợp đồng thuê quầy với đơn vị chủ quản rồi cho 1 hay 2 người khác thuê lại một phần diện tích để giảm chi phí và để hỗ trợ lẫn nhau trong việc mua bán. Thế nên, một quầy có vài ba chiếc tủ kính trưng bày thuốc - mỗi tủ một chủ - là chuyện bình thường.

Anh Thành, chủ một quầy ở lô L  cho biết: "Giá thuê quầy là 6 triệu đồng/tháng tùy theo vị trí. Nếu phải mướn bằng dược sĩ thì mỗi tháng thêm 5 triệu đồng". Ngoài những người bán chính thức, có đăng ký với cơ quan chức năng, chợ còn kéo theo khá nhiều đầu nậu, chuyên thu mua hàng trôi nổi, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Với những đầu nậu này, thứ gì họ cũng mua và thứ gì họ cũng có để bán - kể cả Morphin, Seduxen, Lemoxil, còn Viagra hay Cialis là… chuyện nhỏ!

Chả thế mà khi tôi gặp một đầu nậu tên Chi, rồi khi nghe tôi than thở, rằng "có ông anh bị ung thư vòm họng, đang cần ít Morphine để giảm đau" thoạt đầu, Chi nguây nguẩy: "Thứ đó không có đâu. Muốn đi tù sao cha nội". Tuy nhiên, lúc nghe tôi năn nỉ dữ quá, cộng với bộ mặt "cực kỳ đau khổ" của tôi thì Chi đổi giọng: "Để tui ráng hỏi coi. Đầu giờ chiều anh quay lại. Mà tui nói trước thuốc đó mắc lắm nghe". Hỏi mắc là bao nhiêu, Chi đáp: "200 nghìn một ống".--PageBreak--

Một dược sĩ trước đây đã từng là giám đốc của một công ty dược trực thuộc trung ương xin giấu tên, cho biết: "Họ - tức đầu nậu - không đứng chân ở bất kỳ một quầy thuốc nào nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với các nguồn cung ứng thuốc. Mọi giao dịch của họ với khách hàng diễn ra âm thầm, nhanh gọn, người ngoài nhìn vào khó biết lắm".

Một trong những nguồn cung ứng thuốc cho đầu nậu là giới trình dược viên. Phương, hiện là trình dược viên cho Công ty P, tiết lộ: "Thông thường, khi đến các phòng mạch tư để giới thiệu những loại thuốc mới - gọi là thuốc mẫu -  công ty giao tụi em mỗi phòng mạch 4 vỉ, mỗi vỉ 4 viên nhưng nhiều phòng mạch tụi em chỉ tặng 2 vỉ. Hầu hết bác sĩ sau khi nhận thuốc, thì ký tên vào sổ cho xong chứ ít ai để ý số thuốc thực tế được tặng là bao nhiêu. Có bác sĩ do bận khám bệnh, họ vẫy tay ra dấu cho tụi em cứ để xuống bàn còn chuyện ký tên thì tụi em tự ký…".

Lấy thí dụ một trình dược viên được giao tặng thuốc mẫu cho 20 phòng mạch tư chẳng hạn, thì chỉ với một mặt hàng Paracoib - là hợp chất gồm Acetaminophen, Cafein, Ibuprofen - có tác dụng hạ sốt kháng viêm, giảm đau, họ cũng "ăn gian" được 40 vỉ và cứ mỗi vỉ, đầu nậu ở chợ sỉ quận 10 thu vào 2.500 đồng. Phương, nói tiếp: "Đó là một trong những loại thuốc rẻ tiền nhất chứ có loại biệt dược trị ung thư, đầu nậu mua 5, 6 trăm nghìn đồng một vỉ 2 viên".

Ngọc, trình dược viên của Hãng V, cho biết tiếp: "Có hãng dược khi thấy mặt hàng nào đó chỉ còn vài tháng nữa là hết hạn sử dụng thì họ "hóa giá" cho trình dược viên với giá rất bèo. Vậy là tụi em hùn nhau lại mua rồi bán cho lái, kiếm chút lời". Những loại thuốc này khi mua về, nếu là thuốc mẫu thì đầu nậu xóa dòng chữ Sample - Not for sale, còn thuốc gần hết hạn thì dập lại hạn sử dụng thêm 2, 3 năm nữa tùy chủng loại. Chưa hết, để biến nó thành hàng hợp pháp thì cần phải có hóa đơn, chứng từ. Mà làm giả hóa đơn chứng từ đối với dân đầu nậu thuốc tây chỉ là chuyện vặt!

Viagra giả nhiều như lúa!.

Không chỉ mua thuốc mẫu, thuốc gần hết hạn sử dụng, nhiều đầu nậu còn sẵn sàng mua cả thuốc nhái, thuốc giả. Tại thị trường thuốc tây TP HCM, mặt hàng thuốc cảm sốt bị làm nhái nhiều nhất, chẳng hạn như Panadol, do Công ty SmithKline, Anh, nhượng quyền sản xuất cho Công ty liên doanh dược phẩm Sanofi Synthelabo Việt Nam, đã bị làm nhái dưới cái tên ... gần giống. Hay như viên Decolgen trị cảm, sổ mũi, Alaxan kháng viêm, giảm đau, hạ sốt của United Pharma Việt Nam, bị làm nhái thành Deogen, Prolaxan. Cầm hai hộp thuốc trên tay, tôi chỉ thấy nó khác nhau… cái tên, còn công thức thuốc, bao bì, cách trình bày viên thuốc đều y chang nhau.

Thuốc bổ cũng vậy: Homtamin, hộp gồm 12 vỉ, mỗi vỉ 5 viên nang mềm, ngoài bao bì ghi Công ty TNHH Korea United Pharm Inc, trụ sở ở thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương thì thuốc nhái là Dotamin, giống nhau như hai giọt nước. Nếu có khác, chỉ khác là Dotamin được sản xuất ở… một tỉnh phía Bắc.

Những thứ thuốc này rẻ hơn so thuốc chính hãng cả chục lần, nhưng là rẻ với những người chuyên mua bán, còn với bệnh nhân thì: "Loại thuốc mà anh, chị hỏi, tiệm em hết rồi. Anh, chị lấy loại tương tự đi, em bảo đảm tính năng cũng giống như nhau…". Do ngại phải đi chỗ khác tìm kiếm, nhất là ở những nơi mà các tiệm thuốc tây nằm thưa thớt,  người bệnh đành chấp nhận mua thuốc "tương tự" với giá tiền cũng… y như nhau!

Với thuốc giả, vẫn anh dược sĩ đã từng là giám đốc một công ty dược trực thuộc trung ương, cho tôi biết: Trước đây, thuốc giả thường được đưa từ Trung Quốc vào Việt Nam qua các cửa khẩu phía Bắc như Tân Thanh, Lạng Sơn, Móng Cái, Quảng Ninh - và Hà Nội hoặc TP HCM là điểm đến cuối cùng rồi sau đó, nó được "phân phối" đến từng nhà bán lẻ.

Một hướng khác: Thuốc giả từ Trung Quốc đến Lào, sang Campuchia rồi về Việt Nam qua các cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, Xà Xía, Kiên Giang, Vĩnh Xương, An Giang, Thường Phước, Đồng Tháp, hoặc qua những lối mòn biên giới nhưng hiện nay, dân buôn không còn chọn những con đường này bởi sự truy quét gắt gao của Bộ đội Biên phòng, Hải quan dù rằng họ có đầy đủ chứng từ nhập khẩu - dĩ nhiên là được phía bên bán làm giả rất tinh vi - mà họ sang Quảng Châu, Trung Quốc, mua công nghệ sản xuất thuốc giả.….". Chỉ với khoảng từ 60 triệu đến 100 triệu đồng, sẽ có ngay máy dập viên, máy ép vỉ, thậm chí cả máy tạo hình viên nang.

Đem chuyện này ra hỏi một anh bạn thân - chuyên xuất khẩu cá cơm khô sang Trung Quốc, anh nói: "Ở Quảng Châu, ông muốn làm giả thứ gì cũng được, chỉ cần đưa mẫu cho họ và thống nhất giá tiền là xong. Hàng sẽ được giao ngay biên giới còn ông vận chuyển đi đâu, bằng cách nào, bán cho ai là chuyện của ông".

Nguồn nguyên liệu để làm thuốc giả ở trong nước thì vô tư: Bột bắp, bột sắn, tinh bột gạo trộn với phẩm màu. Còn  nang thuốc ư? Vỏ tôm ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có sẵn, mua lúc nào cũng được. Đem về tẩy trắng, nghiền thành bột, lọc bỏ tạp chất, trộn phẩm màu và chất chống mốc rồi cho vào máy tạo hình là xong.

Trước vấn nạn thuốc giả, những năm qua, cơ quan chức năng đã phát hiện được một số cơ sở, đường dây sản xuất thuốc giả mà điển hình là Huỳnh Ngọc Quang, trùm đường dây làm thuốc giả lớn nhất Việt Nam.

Chỉ với vài dụng cụ thô sơ, nhóm của Quang đã sản xuất hàng loạt thuốc giả, thuốc nhái, chữa bệnh tim mạch, huyết áp, thuốc bổ, kháng sinh…, mang nhãn hiệu của nhiều hãng dược phẩm lớn ở nước ngoài như: Novartis, Roche, Thụy Sĩ, Gedeon Richter, Hungary, Janssen Cilag, Mỹ, Solvay, Hà Lan…

Vũ Cao
.
.