Tham nhũng ám ảnh cuộc đua vaccine COVID-19
Nhu cầu với vaccine COVID-19 hiện đang rất cấp bách bởi khi chưa có vaccine, việc ngăn chặn hoàn toàn các tác động của loại virus chết người này là điều vô cùng khó khăn. Ngay cả ở nhiều quốc gia đã kiểm soát được sự lây lan của COVID-19, nguy cơ tái bùng phát luôn hiện hữu và các ổ dịch vẫn còn xuất hiện lẻ tẻ.
Bên trong một cơ sở sản xuất vaccine COVID-19 của Sinovac. |
Khoản cược rủi ro
Thực tế việc phát triển thành công vaccine sẽ đem lại cho Trung Quốc rất nhiều lợi thế, vừa để xoa dịu làn sóng chỉ trích nhằm vào cách xử lý yếu kém giai đoạn đầu của đại dịch, vừa thể hiện vị thế như là một cường quốc về khoa học và y tế toàn cầu. Vì lẽ đó, giới lãnh đạo Bắc Kinh đã đặt nhiệm vụ phát triển vaccine COVID-19 làm mục tiêu ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đang đặt cược vào một ngành công nghiệp vaccine từ lâu đã bị sa lầy trong hàng loạt bê bối với nhiều vấn đề về chất lượng. 2 năm trước, Trung Quốc từng rúng động bởi hơn 250.000 liều vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván không đảm bảo chất lượng. Dù không gây ra ca tử vong nào, song bê bối này đã làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của công chúng với ngành sản xuất vaccine nội địa và đi kèm với đó là những lo ngại về tình trạng tham nhũng, lạm quyền trong các tập đoàn dược phẩm đang đe dọa đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người dân.
Các nhà quản lý Trung Quốc còn bị chỉ trích là thường "mắt nhắm mắt mở" về hoạt động của các doanh nghiệp quốc doanh, chiếm khoảng 40% thị phần ngành công nghiệp vaccine. Điều này dễ dẫn đến việc nhiều nhà sản xuất vaccine ỷ lại rằng họ sẽ không bị trừng phạt dù tung ra những sản phẩm kém chất lượng hoặc bỏ qua các quy trình cần thiết trước khi phân phối trên thị trường.
Danh tiếng và những vết đen
Sinovac Biotech được biết đến là một trong hai công ty Trung Quốc đang ở vị trí tiên phong của cuộc đua vaccine phòng COVID-19, với các thử nghiệm lâm sàng đã ở giai đoạn cuối, tương tự những sản phẩm của Moderna và Pfizer-BioNTech. Trên thị trường nội địa, vaccine của Sinovac không được ưu tiên nhiều như sản phẩm của doanh nghiệp quốc doanh Sinopharm, vốn được quản lý theo chương trình sử dụng khẩn cấp.
Một loại vaccine khác của Trung Quốc, do CanSino và một viện nghiên cứu quân sự phát triển, cũng được quân đội Trung Quốc chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đổi lại, vaccine của Sinovac - Coronavac - có nhiều tiềm năng tại một số thị trường đang phát triển.
Danh tiếng của Sinovac gắn liền với không ít bê bối và đáng chú ý nhất trong đó là vụ hối lộ liên quan đến Giám đốc điều hành Doãn Vệ Đông (Yin Weidong), người tuyên bố đã thành khẩn hợp tác với các công tố viên và không bị buộc tội. Thực tế danh tiếng của Sinovac không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề liên quan đến mức độ an toàn và cũng không có bằng chứng cho thấy bất kỳ loại vaccine nào được phê duyệt trong các trường hợp liên quan đến vụ hối lộ kể trên có vấn đề.
Một loại vaccine phòng COVID-19 của Sinovac đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3. |
Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cho rằng người ta vẫn cần xem xét kỹ các tuyên bố của Sinovac, nhất là khi doanh nghiệp này liên quan tới các vấn đề đạo đức. Báo cáo điều tra mới đây của Washington Post còn cho rằng tiền sử hối lộ của Sinovac làm dấy lên những nghi ngờ về các dữ liệu chưa được công bố hoặc được giữ kín của doanh nghiệp, từ đó khiến người ta rất khó để đưa ra các đánh giá chân thực cho sản phẩm mà Sinovac công bố.
Theo các tài liệu mà phóng viên tờ The Washington Post có được, Sinovac vươn lên hàng đầu trong ngành công nghiệp vaccine Trung Quốc một phần nhờ các dự án được Bắc Kinh ưu ái và các khoản “hoa hồng” mà doanh nghiệp này gửi lại cho các quan chức có liên quan tới các đánh giá và thương vụ mua bán.
Trong lời khai trước tòa năm 2016, người sáng lập kiêm CEO của Sinovac Doãn Vệ Đông, thừa nhận đã đưa hơn 83.000 USD hối lộ trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2011 cho Doãn Hồng Chương (Yin Hongzhang) cựu Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, Cục Quản lý thực phẩm, dược phẩm Trung Quốc và vợ của ông này. Doãn Hồng Chương sau đó thú nhận đã đẩy nhanh việc ban hành các chứng nhận về vaccine của Sinovac để đổi lại khoàn tiền đã nhận được.
Thời điểm diễn ra bê bối trên là trong giai đoạn Sinovac có những bước phát triển đột phá với việc công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học được thành lập năm 2001 này được giới chức Bắc Kinh lựa chọn dẫn đầu hoạt động phát triển các loại vaccine phòng bệnh SARS, cúm gia cầm và cúm lợn.
9 năm “hối lộ”
Tham nhũng trong ngành dược phẩm của Trung Quốc là một vấn nạn, thậm chí còn bị xem là “thâm căn cố đế” dù tình trạng này đã được hạn chế đáng kể sau chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay của chính quyền, đặc biệt là từ năm 2012. Năm 2018, đối thủ lớn hơn của Sinovac là Sinopharm đã thu hồi 400.000 mũi vaccine bạch hầu, uốn ván và ho gà vì chất lượng không đạt tiêu chuẩn.
Trước đây, Trung Quốc chỉ điều tra bên nhận hối lộ song mọi chuyện đã thay đổi sau vụ việc liên quan đến công ty dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK). Doanh nghiệp này đã bị phạt 490 triệu USD vì hối lộ các bác sĩ và quan chức để tăng doanh số bán hàng. CEO của GSK bị kết án tù treo.
Đối với Sinovac, các bê bối hối lộ hầu như không có ảnh hưởng rõ rệt ngoài việc làm trầm trọng thêm các cuộc đấu đá nội bộ, khiến các giao dịch cổ phiếu của công ty này bị đóng băng trên sàn Nasdaq từ tháng 2-2019.
Sinovac bị cáo buộc đã hối lộ các quan chức để đẩy nhanh quá trình phê duyệt vaccine suốt nhiều năm qua. |
Bước ngoặt lớn của Sinovac diễn ra vào tháng 4-2003 khi dịch SARS lan rộng. Doãn Vệ Đông đã gọi điện cho các quan chức thành phố và tình nguyện giúp phát triển một loại vaccine. Vài ngày sau, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã bổ nhiệm ông làm người lãnh đạo dự án quốc gia về phá triển vaccine phòng SARS, với sự hỗ trợ của chính phủ và các nhà nghiên cứu.
Thành công của dự án đem lại cho Sinovac những kinh nghiệm thực tiễn quan trọng trong việc phát triển loại vaccine phòng virus Corona. Sinovac cũng đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Bắc Kinh trong việc phát triển vaccine phòng bệnh cúm gia cầm và H1N1.
Tại tòa, Doãn Hồng Chương khai nhận từng đề cập với Doãn Vệ Đông hồi năm 2002 rằng ông ta muốn mua một chiếc xe hơi và sau đó nhanh chóng nhận món quà là khoản tiền mặt trị giá 15.200 USD từ CEO của Sinovac. Cùng năm đó, sản phẩm chủ lực đầu tiên của Sinovac, vaccine viêm gan A Healive đã được cấp phép.
Năm 2006, Doãn Vệ Đông tiếp tục đưa cho vợ chồng Doãn Hồng Chương 7.600 USD tiền mặt, nói rằng số tiền đó là để giúp họ mua sắm nội thất căn hộ mới, theo lời khai của vợ quan chức này. Doãn Vệ Đông trong lời khai sau đó còn thừa nhận đã đưa cho vợ chồng Doãn Hồng Chương thêm 15.200 USD khi được mời tới thăm tư gia. Trong giai đoạn này, Sinovac đã nhanh chóng có được giấy phép phân phối vaccine cúm, cúm gia cầm và cúm lợn. Vaccine cúm lợn của Sinovac được phê duyệt để bán trên thị trường Trung Quốc chỉ nửa năm sau khi virus này được phát hiện ở Mexico.
Năm 2011, Doãn Hồng Chương yêu cầu Doãn Vệ Đông cho mình vay khoảng 45.600 USD để mua biệt thự ở vùng ngoại ô phía Bắc Bắc Kinh. Theo lời khai của Doãn Vệ Đông, ông đã chuyển tiền qua một bên trung gian để tránh vướng vào các vấn đề cá nhân nhạy cảm. Vợ của Doãn Hồng Chương khẳng định đã cùng chồng nhận tiền tại sảnh một khách sạn và chưa từng có ý định trả khoản vay này.
Doãn Hồng Chương, người có cùng họ với CEO Doãn Vệ Đông nhưng không có quan hệ gì, đã bị kết án tù 10 năm vào năm 2017 vì tội nhận hối lộ từ Sinovac và 7 công ty khác. Doãn Vệ Đông không bị buộc tội và tiếp tục là người lãnh đạo chương trình phát triển virus phòng COVID-19.
Sinovac cho biết vào năm 2017 họ đã mở một cuộc điều tra nội bộ để xử lý và ngăn chặn các vụ hối lộ. Tuy nhiên, kết quả cuộc điều tra này chưa được công bố.
Trong báo cáo thường niên được công bố vào tháng 4 vừa qua, Sinovac tuyên bố Doãn Vệ Đông “không bị buộc tội vì bất kỳ hành vi hình sự hoặc không đúng đắn nào. Ông ấy đã hợp tác với tư cách là nhân chứng trong các cuộc điều tra của viện kiểm sát. Giới chức Trung Quốc cũng không có các yêu cầu về pháp lý hoặc đòi hỏi gì đặc biệt với ông Doãn”. Báo cáo thường niên cho biết Sinovac duy trì các chính sách chống tham nhũng nghiêm ngặt nhưng “các chính sách này có thể không hoàn toàn hiệu quả”.
Trong khi đó, Doãn Vệ Đông trong lời khai của mình nói rằng ông "không thể từ chối" các yêu cầu từ quan chức quản lý.
Dương (Yang), một nhân viên kinh doanh giấu tên của Sinovac thừa nhận với tờ Washington Post rằng “Trong ngành vaccine, hoa hồng cho người phụ trách là điều hiển nhiên, để cảm ơn và khuyến khích họ sử dụng vaccine của chúng tôi”. Ít nhất 20 quan chức và nhân viên bệnh viện đã thú nhận tại tòa án Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 2015-2018 về việc nhận hối lộ từ các nhân viên của Sinovac.
“Hồ sơ hối lộ” của Sinovac có thể sẽ khiến một số khách hàng tiềm năng xa lánh doanh nghiệp này song một số quốc gia có thể vẫn ưu ái sản phẩm mà họ phát triển do nhiệt độ bảo quản của Coronavac gần với nhiệt độ phòng hơn sản phẩm của Pfizer-BioNTech và Moderna. Hơn thế nữa, giá thành và khả năng dễ tiếp cận hơn cũng là một lợi thế cho vaccine mà Sinovac phát triển.
New York Times mới đây cũng vừa vạch trần bê bối trong quá khứ của hãng dược được coi là “vua vaccine” ở Trung Quốc - Công ty Shenzhen Kangtai Kangtai. Sự yếu kém trong khâu quản lý và giám sát của các cơ quan chức năng Trung Quốc đã góp phần dẫn đến các vụ bê bối về vaccine kém chất lượng. Sau mỗi vụ việc này, giới hữu trách thường tuyên bố sẽ làm nhiều hơn nữa để làm trong sạch ngành công nghiệp vaccine, song các cơ quan quản lý hiếm khi cung cấp thông tin về những gì đã xảy ra và có một thực tế là các công ty dính bê bối tiếp tục được phép hoạt động.
Rõ ràng, việc tìm ra vaccine là chưa đủ. Các công ty Trung Quốc cần lấy lại lòng tin từ công chúng ở cả trong và ngoài nước.