Thần kiếm trấn quốc của Thiên hoàng Nhật Bản
Nhưng liệu kiếm Kusanagi, dù nó đang tồn tại, có phải là một phần của lịch sử hay không? Hay chỉ là những huyền thoại nhằm tô thêm vẻ lung linh cho một bảo vật của hoàng cung?
Tam chủng thần khí
Thiên Tùng Vân kiếm (Kusanagi-no-Tsurugi), là một trong Tam chủng thần khí linh thiêng của Hoàng cung Nhật Bản. Cùng với Thiên Tùng Vân kiếm còn có 2 bảo vật thiêng liêng khác là Bát Chỉ Kính (Yata-no-Kagami) và Bát xích quỳnh khúc ngọc (Yasakani-no-Magatama).
Ba bảo vật chí tôn này được cho là tượng trưng cho 3 đức tính quán xuyến xã hội Nhật Bản cổ đại và hiện đại, trong đó Bát xích quỳnh khúc ngọc tượng trưng cho sự nhân từ, thì Bát chỉ kính tượng trưng cho trí tuệ, còn Thiên Tùng Vân kiếm là hiện thân của sự dũng mãnh. Kể từ thế kỷ thứ 7, các hòa thượng giảng về Tam Chủng Thần Khí cho Thiên Hoàng chính là một nghi thức bắt buộc và phải có trong nghi lễ đăng quang ngai báu.
Lễ đăng cơ là một truyền thống bí mật, trong dịp đặc biệt đó chỉ đó vị Hòa thượng cao quý và đức Hoàng đế mới có phúc được chiêm ngưỡng 3 bảo vật chí tôn. 2 bảo vật là Bát xích quỳnh khúc ngọc và Thiên Tùng Vân kiếm đã được nhìn thấy lần cuối cùng vào năm 1989 ngay trong lễ đăng cơ của Thiên hoàng Minh Nhân (Akihito).
Nguồn gốc xa xưa của Thiên Tùng Vân kiếm theo huyền sử thì bắt nguồn từ một trận thư hùng dữ dội giữa Thần Bão (Susanoo) và con mãng xà 8 đầu (Bát Thủ Kỳ Xà, Yamata-no-Orochi). Ngày xửa ngày xưa, theo dân gian Nhật Bản, có một con mãng xà 8 đầu cực kỳ hung ác. Suốt một thời gian dài, con quái ấy đã tác yêu tác quái ở tỉnh Izumo, nó gây tang tóc cho thị tộc Ashinazuchi khi đó là gia tộc cai trị tỉnh Izumo.
Gia tộc này có 9 người con gái, nhưng mãng xà đã nuốt chửng 8 người và đang mon men muốn nuốt luôn người cuối cùng. Không muốn mất con, người đứng đầu thị tộc Ashinazuchi bèn cầu khẩn nhờ Thần Bão thương tình giúp đỡ, tiêu trừ hoạn tai. Dù mới nghe phong phanh câu chuyện về Bát Thủ Kỳ Xà, Thần Bão cũng không ngần ngại ra tay giúp đỡ, nhưng ngay cả quyền phép của Thần Bão cũng bị lép vế trước yêu quái. Không đấu trí bằng sức mạnh và pháp thuật thì buộc phải chuyển sang bằng mưu kế.
Mưu kế của Thần Bão vô cùng ảo diệu. Thần Bão lên kế hoạch bày tiệc rượu để dụ mãng xà, còn bản thân ngài biến hình thành 8 cốc rượu sake (rượu gạo kiểu Nhật). Không mảy may nghi ngờ, mãng xà mắc mưu và chui lọt vào bẫy. Say ngắc ngư, quái xà không động cựa được và bị Thần Bão vung kiếm chém bay 8 cái đầu. Để chắc chắn quái xà không thể mọc đầu ra và sống lại, thần bão đã vung kiếm chém nát đuôi con quái. Thanh kiếm trảm xà của Thần Bão sau này có tên là Thiên Tùng Vân kiếm.
Các mô phỏng Tam chủng thần khí linh thiêng của Hoàng cung Nhật Bản: Thiên Tùng Vân kiếm, Bát Chỉ Kính và Bát xích quỳnh khúc ngọc. Ảnh: rakuten.jp. |
Kiếm sĩ đầu tiên
Thần Bão không giữ Thiên Tùng Vân kiếm được lâu. Sau một cuộc cãi vã với người chị gái là Thần Thái Dương (Ameterasu), để giữ vững hòa khí tình chị em, Thần Bão đã tặng thần kiếm cho chị mình. Nhiều thế kỷ sau đó, thần Thái Dương đã tặng thần kiếm cho đại kiếm thủ Yamato Takeru (tương truyền ông là con trai của Cảnh Hành Thiên hoàng, vị Hoàng đế thứ 12 của Nhật Bản). Nhờ niềm sùng kính vào báu kiếm của Takeru mà cây kiếm này mới ăn sâu vào gốc rễ của Hoàng cung Nhật Bản.
Tục truyền rằng báu kiếm Thiên Tùng Vân có phép kỵ hỏa, hễ lia kiếm về hướng nào thì trời sẽ nổi cuồng phong về hướng đó để đánh bạt lửa, và chính vì pháp thuật này mà Takeru nhiều phen thoát chết do kẻ thù hãm hại. Để ghi công nhờ báu kiếm mà mình thoát chết, Thái tử Takeru đã đổi tên Thiên Tùng Vân kiếm thành “Thảo Bạt kiếm”.
Yamato Takeru trở thành người đầu tiên cầm thanh kiếm huyền thoại. Báu kiếm làm khiếp vía kẻ thù khiến Takeru trở thành hoàng đế quyền lực nhất Nhật Bản. Cùng với thần kiếm Thiên Tùng Vân và 2 bảo vật khác mà chúng trở thành vật đại diện khi các tân vương đăng cơ ngai báu.
Nơi lưu giữ Thiên Tùng Vân kiếm
Tài liệu sớm nhất đề cập tới Thiên Tùng Vân kiếm đã xuất hiện trên trước tác cổ đại Kojiki. Vì Kojiki là một tuyển tập những câu chuyện huyền thoại, thế nên tài sản lịch sử đề cập đến thần kiếm còn khá sơ sài và nghe có mùi tiểu thuyết hơn. Tư liệu lịch sử đầu tiên đáng tin cậy có đề cập đến thanh kiếm này là tìm thấy trong Nihonshoki.
Mặc dù phân nửa quyển sách này có bao gồm các câu chuyện thần thoại, nhưng Nihonshoki cũng chứa đựng các sự kiện lịch sử thật sự được ghi lại bởi những người viết đương thời.
Sách Nihonshoki, viết rằng thần kiếm được lấy khỏi hoàng cung ở Nara vào năm 668 sau Công nguyên sau khi cây kiếm này bị ngờ hoặc là căn nguyên khiến Thiên Vũ thiên hoàng lâm bệnh. Mang ra khỏi hoàng cung, thần kiếm được chuyển tới đền Atsuta để làm phép trấn yểm bởi các cao tăng tại đây.
Được xây dựng từ cách đây hơn 1.900 năm, đền Atsuta nằm trong số những địa điểm tâm linh nổi tiếng nhất vào thời cổ đại ở Nhật Bản. Đền Atsuta đã trải qua vài lần trùng tu dưới thời kỳ Giang Hộ (1603-1868), sư tăng Matsuoka Masanao tuyên bố rằng ông đã nhìn thấy Thiên Tùng Vân kiếm (Thảo Bạt kiếm) và viết lại về bảo vật như sau: “Một cái hộp đá được đặt trong một cái hộp gỗ dài 150cm, một mảnh đất đỏ được nhét vào khe hở, một khúc cây long não giống như hình cái hộp được nhìn thấy trong cái hộp đá, và thanh kiếm nằm trong đó. Thanh kiếm dài 84cm, có hình dáng như cây thạch xương bồ, giữa thanh kiếm khá rắn, sống kiếm dài 18cm nhìn như xương sống cá, ánh kiếm màu trắng kim loại, và được bảo quản nguyên vẹn”.
Gần như sau khi phát giác là đã nhìn trộm thần kiếm, sư tăng Matsuoka đã bị trục xuất khỏi đền, còn các sư tăng đột ngột qua đời trong những tình huống bí hiểm.
Ngày hôm nay, nhiều người vẫn tin rằng Thiên Tùng Vân kiếm được canh gác cẩn mật như trong thời cổ đại, có lẽ nó đang nằm đâu đó ở một nơi tuyệt mật bên trong các bức tường của ngôi đền Atsuta ở thành phố Nagoya (tỉnh Aichi). Ngoài thanh thần kiếm này, thì 2 bảo vật còn lại là Bát Chỉ Kính và Bát xích quỳnh khúc ngọc vẫn chưa một ai từng nhìn thấy chúng ngoài chính bản thân các vị Thiên hoàng.
Có hay không các bảo vật huyền bí này vẫn đang là câu hỏi lớn thu hút sự quan tâm của dư luận Nhật Bản. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, các thánh vật cổ xưa dù mang tính truyền thuyết hay là một phần của lịch sử, thì đều đã tạo dựng nên mảnh đất Nhật Bản như thứ mà chúng ta đang thấy ngày hôm nay.