Thành phố hai bên bờ sông Hồng: Một tầm nhìn xa

Thứ Ba, 01/01/2008, 09:30
Là người Hà Nội hay người vùng lân cận, ai chẳng có một đôi lần ngắm cảnh sông Hồng. Ông cha ta quả có một tầm nhìn sâu sắc khi đã chọn vùng đất gần sông, mở ra chốn kinh thành phồn hoa, tấp nập người qua lại. Nhưng một ngày nào đó, hãy đứng bên dòng sông mở rộng tầm mắt, nhìn sang bờ bắc và từ bờ bắc nhìn về Hà Nội, rồi suy nghĩ, chúng ta thấy gì ở sông Hồng, thủ đô...

Là vùng đất cổ, thủ đô Hà Nội được sông Hồng và các phụ lưu bồi đắp tạo nên. Đoạn sông Hồng ôm lấy vùng đất Hà Nội dài hàng chục kilômét.

Hà Nội gắn bó với sông Hồng mật thiết nhưng thật buồn khi phải nhìn vào hai bên bờ sông. Ở đó chỉ có những ngôi nhà xây dựng chẳng theo một kiểu kiến trúc nào, cái thì cao, cái thì thấp, cái thò ra cái thụt vào, cái méo, cái mỏng;... đường vào khu dân cư thì ngoằn ngoèo, lắt léo, lúc to, lúc nhỏ.

Ngẩng mặt lên trời, dây điện chằng chịt như ổ mạng nhện nên nhiều người cứ ngỡ rằng đây chỉ là xóm trọ tạm trú của người lao động ngoại tỉnh. Lẽ ra nơi đây phải là thành phố đôi bờ sông đầy thơ mộng, một thành phố du lịch đem về cho Hà  Nội, đất nước nhiều nguồn lợi

Mặt khác, một số người dân đang đổ rác rưởi xuống dòng sông và làm ô nhiễm môi trường mà không hề hay biết.

Hiện tại, tốc độ phát triển của Hà Nội diễn ra một cách chóng mặt nhưng lại đang thiếu những nơi vui chơi, những công trình hiện đại để chỉ cần nhìn vào đó là người ta có thể nhận ra ngay là thủ đô văn hóa, văn minh. Nhiều khách nước ngoài đã nhận xét: "Hà Nội còn hẹp quá, lại chưa tận dụng đất hai bên bờ sông Hồng để xây dựng".

Đã đến lúc chúng ta không thể để Hà Nội như thế mãi được. Chúng ta phải tạo nên một thành phố đôi bờ sông, một kỳ tích của thế kỷ XXI. Một thành phố vừa hiện đại lại bảo tồn được những di tích xưa. Thành phố có cả xưa và nay.

Không chỉ vậy mà đôi bờ còn có thêm những di tích lịch sử cần được tôn tạo. Khi khách du lịch đến mang theo những nét văn hóa, bản sắc dân tộc từ nhiều châu lục trên thế giới sẽ góp phần tô đậm cho dòng sông thơ mộng hơn.

Còn nhớ, cách đây hơn chục năm, khi đó Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định xây dựng đường dây 500KV Bắc - Nam, Khu lọc dầu Dung Quất, đã có nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau. Người thì bảo không nên xây dựng vì quá tốn kém và mất quá nhiều công sức, người thì bảo cần phải làm. Và nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến đã được tổ chức...

Dù có nhiều ý kiến trái ngược nhau nhưng có thể khẳng định đến bây giờ lợi ích từ những công trình trên đã và sẽ đem lại là không thể phủ nhận.

Xây dựng thành phố hai bên sông Hồng sẽ giúp Hà Nội phát huy được những tiềm năng của hai dải đất ven sông. Đây là dự án mang tầm cỡ quốc gia, có liên quan trực tiếp đến đời sống của hàng nghìn hộ dân. Hơn nữa, sông Hồng là dòng sông dễ chuyển dịch dòng chảy.

Cách đây 70 - 80 năm, mé sông mới chỉ sát đường Trần Nhật Duật vậy mà nay mép nước đã cách xa hàng kilômét, dòng chảy chính đã chuyển sang phía Gia Lâm. Vì thế, nhiều người băn khoăn khi quy hoạch thành phố ra bờ sông là điều trái quy luật bình thường.

Tuy nhiên, nếu ngẫm nghĩ, tính toán kỹ thì chúng ta cũng không nên lo lắng quá. Với đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, cùng với sự tiến bộ của khoa học như hiện nay, vấn đề về quy hoạch, kiến trúc, trị thủy... nằm trong tầm tay chúng ta.

Về vấn đề kinh phí xây dựng, nhiều người có trách nhiệm lo ngại. Việc này giải quyết cũng không khó lắm. Chúng ta có quy hoạch rõ ràng đến từng lô đất, từng tòa nhà nên chúng ta có thể mở thầu, bán từng hạng mục cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đối với người dân, ta có chế độ bán trả góp, trả tiền trước, khi nhận nhà sau từ 2 năm đến 20 năm. Như vậy nhiều nhà đầu tư có thể mua nhà cho con cháu, chúng ta sẽ có một phần kinh phí. Với cách làm này thì người công dân đầu tiên đặt tiền mua nhà khi dự án bắt đầu và người tái định cư đầu tiên sẽ định cư tại đây chỉ sau 2 năm.--PageBreak--

Chúng ta biết, đất nước Singapore lúc mới tách ra khỏi Malaysia năm 1965 còn bộn bề khó khăn, thiếu thốn nhưng Chính phủ nước này đã đề ra việc quy hoạch dòng sông và định hướng xây dựng khu trung tâm.

Khi Thủ tướng Lý Quang Diệu đề xuất cải tạo sông Singapore vào tháng 2/1977, rất nhiều người, đặc biệt là các nhà công nghiệp, đã hỏi: “Tại sao phải làm sạch? Kênh đào Rochore (chảy vào Kallang Basin) và sông Singapore luôn luôn dơ bẩn là một phần di sản của Singapore!”.

Việc làm sạch sông SingaporeKallang Basin là một công trình quy mô lớn và đụng chạm đến lợi ích của hàng trăm nghìn người dân sống trên sông và hàng nghìn doanh nghiệp...

Nhưng với quyết tâm của mình, Chính phủ Singapore đã kiên quyết di dời các hộ dân, xóa bỏ những khu chăn nuôi gia súc có ảnh hưởng xấu đến nguồn nước, thiết lập khu tái định cư để giải quyết vấn đề nhà ở cho những người bán hàng rong, người dân hoặc người làm nghề thủ công, rồi tiến hành cải tạo dòng sông.

Kết quả như thế nào, hẳn chúng ta đã biết, chỉ trong vài năm Singapore đã khai thông sông SingaporeKallang Basin. Các dòng sông trong sạch đã tạo nên một chất lượng cuộc sống khác. Giá trị và việc sử dụng đất tăng lên đáng kể, đặc biệt là trong thành phố và những nơi tiếp giáp với dòng sông và kênh rạch...

Singapore đã trở thành một nước giàu mạnh với môi trường xanh, sạch, đẹp, cuốn hút khách du lịch. Như một giấc mơ khi thả bộ dọc theo hai bên bờ sông Singapore, chúng ta như lạc vào một chốn sôi động với những trung tâm mua sắm, nhà hàng, khách sạn và khu vui chơi.

Để có được một nước Singapore như ngày nay không phải là điều đơn giản. Thủ tướng Lý Quang Diệu cho hay: “Nếu chúng tôi không nỗ lực thuyết phục dân chúng thay đổi cách sống, chúng tôi, không được coi là một xã hội có học thức có văn hóa.

Để làm được điều này, đầu tiên, chúng tôi giáo dục và hô hào dân chúng. Sau đó, chúng tôi thuyết phục và lôi kéo số đông, chúng tôi lập pháp để trừng phạt những thiểu số ngoan cố. Kết quả đã biến Singapore trở thành một môi trường sống thú vị hơn”.

Kinh nghiệm này, âu cũng đáng để chúng ta suy ngẫm, học hỏi để phát triển thành phố hai bên bờ sông Hồng. Đây là điều hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Bởi hiện nay, thành phố đang ở thế thấp hơn sông lại che kín sông, cảm giác là không có sông trừ khi đi trên cầu.

Hơn nữa, do sự thay đổi dòng chảy của sông Hồng nên Hà Nội đã thụt sâu vào, để ra một vùng đất bãi rộng lớn. Việc quy hoạch lại thành phố hai bên sông sẽ phát huy được tiềm năng của hai dải đất này.

Trên thế giới, rất nhiều thành phố có sông chảy qua đã được xây dựng hướng ra sông để kết hợp du lịch như: sông Sein (Pháp), Volga (Nga), Hàn (Hàn Quốc), Châu Giang, Hoàng Phố (Trung Quốc), Them (Anh)...

Với một thủ đô như hiện nay, việc quy hoạch phát triển thành phố hai bên bờ sông là một việc nên làm. Vấn đề cần quan tâm là quy hoạch phải hợp lý, tiết kiệm, kiến trúc bảo đảm tính dân tộc và tính thời đại, để thủ đô ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trên thế giới

Hoàng Trang (CTDV TM Đông Đô thị xã Hưng Yên)
.
.