Thành tựu công nghệ sinh học mới làm thay đổi y khoa

Thứ Bảy, 04/04/2009, 06:35
Từ test nước bọt để dò tìm ung thư cho đến mũi tiêm giúp tái tạo những dây thần kinh nằm dọc theo tủy sống, những tiến bộ mới này trong thế giới y khoa sẽ xóa bỏ lằn ranh giữa sinh học và công nghệ - giúp phục hồi, cải thiện và kéo dài sự sống của chúng ta.

Vi khuẩn chống sâu răng

Công ty ONI BioPharma ở Florida (Mỹ) đã thiết kế giống vi khuẩn mới có tên gọi SmaRT có tác dụng ngăn cản quá trình sinh lactic acid từ những vi khuẩn sống bám trên răng. Ngoài ra vi khuẩn còn tiết ra một chất kháng sinh để tiêu diệt dòng vi khuẩn tự nhiên gây sâu răng. Giới nha sĩ chỉ cần trát lớp SmaRT lên bề mặt răng là chúng ta có được hàm răng mạnh khỏe đến suốt đời!

Hạch bạch huyết nhân tạo

Các nhà khoa học của Viện RIKEN, Nhật Bản, đã phát triển thành công một thế hệ hạch bạch huyết nhân tạo, cơ quan sinh ra các tế bào miễn dịch chống nhiễm trùng. Ban đầu, hạch bạch huyết nhân tạo được sử dụng như cơ cấu tăng cường miễn dịch tùy biến. Các bác sĩ có thể lắp đầy hạch với các tế bào đặc biệt để chữa trị một số bệnh, như là ung thư hay HIV.

Test nước bọt dò ung thư

Hãy quên đi kỹ thuật sinh thiết! Một thiết bị được thiết kế bởi các nhà nghiên cứu ở Đại học California-Los Angeles dò được ung thư miệng từ một giọt nước bọt. Các protein kết hợp với các tế bào ung thư phản ứng lại với chất màu trên bộ cảm biến, phát ra ánh sáng huỳnh quang có thể dò được qua kính hiển vi. Nhà khoa học Chih-Ming Ho cho biết cùng nguyên tắc này cũng có thể được ứng dụng để chẩn đoán nhiều bệnh khác dựa theo mẫu nước bọt.

Gene điều hòa nhịp tim sinh học

Máy trợ tim điện tử đã duy trì tính mạng cho nhiều người, nhưng trong tương lai sẽ không còn phổ biến nữa.

Hiện nay nhóm nhà nghiên cứu ở vài trường đại học đang cố gắng phát triển một thiết bị thay thế không sử dụng pin - đó là gene điều hòa nhịp tim từ tế bào gốc được tiêm thẳng vào những vùng tim bị tổn hại. Rất thích hợp cho người bệnh, gene điều hòa này duy trì nhịp tim đúng mức mà không gây biến chứng.

Thiết bị giúp kiểm soát chi giả

Trở ngại của chi giả là người mang không giám sát được nó. Nhà nghiên cứu Karlin Bark ở Đại học Stanford đang nghiên cứu phát triển thiết bị làm căng phần da gần chi giả để giúp người mất chi nhận biết được vị trí và chuyển động của chi.

Bộ cảm biến dò triệu chứng suyễn

Suyễn là chứng bệnh ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong cuộc sống của con người, nhưng bộ cảm biến được phát triển ở Đại học Pittsburgh có thể giúp bệnh nhân yên tâm hơn.

Bên trong thiết bị cầm tay này, một ống nano (nhỏ hơn sợi tóc 100.000 lần) carbon phủ polymer sẽ phân tích hơi thở đánh giá lượng nitric oxide, khí do phổi sinh ra trước khi xuất hiện triệu chứng suyễn.

Ghế lăn tự vận hành

Các nhà nghiên cứu ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã phát triển loại ghế lăn tự vận hành có thể đưa người ngồi đi đến nơi mong muốn.

Ghế nhận biết môi trường xung quanh khi nghe tiếng nói của chủ nhân xác định vị trí - như là "đây là phòng của tôi" hay "chúng ta đang ở trong nhà bếp" - và lập ra bản đồ nhờ sử dụng Wi-Fi hoạt động tốt trong nhà (khác với GPS). Ghế lăn này trong tương lai sẽ được trang bị camera, thiết bị đo độ xa bằng laser và hệ thống tránh chướng ngại.

Máy scan gan tương lai

Từ trước đến nay muốn biết tình trạng sức khỏe của lá gan, bác sĩ cần phải chỉ định sinh thiết - một kỹ thuật gây đau cho bệnh nhân. Công ty Pháp EchoSens đã nghiên cứu phát triển máy scan gan có tên gọi Fibroscan tìm thương tổn chỉ trong vòng 5 phút.

Các nghiên cứu cho thấy lá gan bị thương tổn sẽ trở nên cứng và kém đàn hồi, do đó Fibroscan sử dụng sóng siêu âm để đánh giá độ đàn hồi của gan.

Thiết bị phục hồi tiếng nói

Đối với những người bị mất khả năng nói, thiết bị nói tự động "Audeo" của Ambient Corporation ở Illinois (Mỹ) sẽ phát ra tiếng nói rõ ràng. Được phát triển với sự hợp tác của Texas Instruments, Audeo sử dụng các điện cực để dò các tín hiệu thần kinh đi từ não đến dây thanh âm.

Bệnh nhân tưởng tượng mình đang phát âm - sau đó thiết bị không dây (đeo nơi cổ) sẽ truyền những xung động này đến máy vi tính hay điện thoại di động để từ đó phát ra âm thanh tiếng nói.

Thiết bị tái sinh dây thần kinh

Các sợi thần kinh không thể phát triển dọc theo tủy sống bị thương tổn vì bị mô sẹo cản trở. Nanogel phát triển ở Đại học Northwestern sẽ loại trừ chướng ngại này. Được tiêm dưới dạng lỏng, nanogel tự động gắn chặt vào bộ khung của bó sợi thần kinh. Sau đó các peptide trong sợi thần kinh sẽ chỉ thị cho tế bào gốc tạo thành mô sẹo sản sinh ra các tế bào kích thích phát triển dây thần kinh. Trong khi đó các sợi trục thần kinh (axon) cũng được phát triển ở trên và dưới tủy sống.

Miếng dán nanoscale

Chân con tắc kè được phủ lớp lông cực nhỏ khai thác lực giữa các phân tử giúp nó bám chắc trên một bề mặt thẳng đứng. Mô phỏng theo chân con tắc kè, các nhà khoa học ở MIT đã phát triển miếng dán có thể dán kín được miệng vết thương hay đắp vá lại lỗ thủng do chứng loét dạ dày gây ra. Miếng dán của MIT có tính đàn hồi, không thấm nước và được làm bằng chất liệu sẽ phân rã sau khi vết thương lành lại

Thục Miên (theo Live Science)
.
.