Thất thu hàng trăm tỉ đồng từ hoạt động của xe khách trá hình

Thứ Bảy, 13/09/2014, 18:25

Việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kiên quyết lập lại trật tự vận tải khách ở TP HCM và các tỉnh, thành lân cận bằng cách tạm giữ xe khách núp bóng opentour tuyến TP HCM - Đà Lạt và đồng loạt triển khai các hoạt động thanh kiểm tra với các doanh nghiệp (DN) vận tải khách núp bóng, trá hình khiến giới vận tải khách kỳ vọng: việc thiết lập lại trật tự vận tải khách - hoạt động đặc thù liên quan đến trên dưới 40 sinh mạng con người trên mỗi xe chỉ còn là vấn đề thời gian.

Xe ngoài bến vây ép xe trong bến    

Hiện tại, ngoài 34 điểm đón trả khách bất hợp pháp là các trạm xăng, trạm rửa xe, trạm du lịch và bãi xe của công ty vận tải… trên địa bàn TP HCM còn xuất hiện nhan nhản các tụ điểm "bến cóc" đón khách ở khu vực chợ Tân Hương, quận Tân Phú; khu vực xung quanh trung tâm thương mại Thuận Kiều Plaza; khu dân cư Bàu Cát rồi KCN Tân Bình… mà theo khảo sát do Bến xe Miền Đông thực hiện vào tháng 7 vừa qua, mỗi ngày lực lượng xe dù bến cóc, xe chạy tuyến cố định trá hình núp bóng dưới hình thức hợp đồng, Opentour đang gom ít nhất 10.000 hành khách phía ngoài các bến xe từ TP HCM đi các tuyến như Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế...

Lý do hết sức đơn giản khiến hành khách không ra bến mua vé, đi xe để được bảo vệ là do được xe ngoài bến tổ chức đưa đón tận nơi trong khi bến xe khách nghịch đường; khách đã  ngại do phải đi xa lại còn phải mang vác hành lý lỉnh kỉnh đi theo…

Xe trong bến nằm chờ khách.

Không chỉ ngang nhiên đón khách hàng ngày tại các điểm bến cóc, trụ sở DN vận tải, ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, từ lâu còn có 2 tụ điểm xe dù bến cóc núp bóng bãi giữ xe ôtô khách án ngữ ngay tại cổng Bến xe Miền Đông; tại địa chỉ 391 và 397 đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 26 quận Bình Thạnh. Ở 2 bãi giữ xe này thường xuyên có 30 - 40 xe khách đậu đỗ, tổ chức lên xuống khách, hàng hóa không đúng với chức năng trông giữ xe.

Hoạt động trái phép đã nhiều năm nhưng không bị xử lý, không những vậy, 2 bãi xe này còn tổ chức san lấp, lấn chiếm kênh rạch để tăng diện tích đậu xe. Không đảm bảo an toàn, song vẫn không bị lực lượng chức năng kiểm tra, nên hậu quả là ngày 21-7 vừa qua xe khách 45 chỗ mang biển số 48B - 00045 đã bị rơi xuống rạch Xuyên Tâm khi đang đỗ tại đây, rất may không có thiệt hại về người.

Cũng do không bảo đảm an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ, dịch bệnh, nên 2 bến cóc này đang ngày đêm đe dọa đến hàng vạn hành khách và hàng ngàn đầu xe hoạt động tại bến xe Miền Đông gây mất trật tự âvà uy hiếp đến an toàn giao thông tại cửa ngõ thành phố này.

Bến xe đối mặt với nguy cơ mất tuyến

Xe dù, bến cóc và xe núp bóng hợp đồng, opentour hoành hành ngoài bến với số lượng rất lớn và rộng khắp, nên lượng khách đi xe ở bến xe đầu mối lớn nhất của cả nước là Miền Đông ngày càng ít đi.

Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, nếu như những năm trước đây hàng ngày tại bến bình quân có 23 - 24 ngàn hành khách đi xe cùng với 1.150 đầu xe xuất bến. Thì nay, con số này đã giảm xuống còn 18 - 19 ngàn khách với chừng 900 đầu xe lên tài. Bị xe ngoài vây ép một cách bất bình đẳng, nhiều nhà xe trong bến cũng đã nối gót nhau bỏ bến ra ngoài mở phòng vé, đón khách tại trụ sở DN đặt ngoài bến xe.

Trước đây tuyến TP HCM đi Đà Lạt lúc cao điểm mỗi ngày đạt 2 - 3 ngàn khách, nay ngày chỉ còn trên 200 khách. Với tuyến đông khách khác là TP HCM đi Quảng Nam, trước đây mỗi ngày có 5 - 6 chuyến xe thương hiệu xuất bến, nhưng nay ở Bến xe Miền Đông đã không còn chuyến nào để giữ tuyến. Tương tự, trên chặng TP HCM đi Vũng Tàu, dù các đội tàu cánh ngầm vận chuyển số lượng từ 8 - 12 ngàn khách mỗi ngày phải tạm ngưng hoạt động trong thời gian dài. Song lượng khách vào bến đi xe tuyến này cũng không tăng lên.     

Thực tế tại Bến xe Miền Đông, hãng vận tải khách Kumho - Samco, mỗi ngày chỉ có chừng 40 - 50 tài chạy trên các tuyến ngắn từ TP HCM đi Vũng Tàu, Phan Thiết, Buôn Ma Thuột… nhưng ngoài các khoản phí, lệ phí bến bãi, DN này đã đóng thuế lên tới con số 20  tỉ đồng mỗi năm. Thực tế ấy càng phản ánh rõ, với lượng khách tới cả chục ngàn người hàng ngày không vào bến đi xe, DN vận tải, nhà xe đã né được khoản thuế VAT 10% rất lớn trên giá vé; các nhà xe tư nhân áp dụng hình thức thuế khoán cũng trốn được khoản thuế 4,5% trên giá vé không nhỏ. Khai nộp bao nhiêu tùy vào sự tự giác của DN, chủ xe. Do vậy tiền thuế thu từ các DN vận tải loại lớn như T.B với 80 tài mỗi ngày; hay P.T lúc cao điểm có tới 600 chuyến xe với sức chứa trên 25 ngàn khách chạy trên đường mỗi ngày cũng chỉ nộp thuế chưa tới con số 10 tỉ đồng mỗi năm.

Về bảo hiểm tai nạn cá nhân, ông Hải khẳng định hành khách khi mua vé xe tại bến trên vé đã bao gồm phí bảo hiểm. Còn với xe ngoài bến, nhà xe, chủ DN vận tải có mua bảo hiểm tai nạn cho bên thứ 3 hay không là chuyện không ai kiểm soát.

Để giải quyết dứt điểm thực trạng trên, ông Thượng Thanh Hải cho rằng Bộ GTVT chỉ cần cho phép nhà xe sử dụng xe trung chuyển khách như trước đây. Nhà xe, DN vận tải khách vẫn được phép đưa đón khách tận nhà để tăng khả năng cạnh tranh nhưng phải tập trung lên khách tại các bến xe và xuất bến tại đây. Cùng lúc truy quét, xử phạt thật nghiêm với xe vi phạm. Có làm được như vậy, trật tự hoạt động vận tải khách mới được lập lại, câu chuyện xe không vào bến mới có thể chấm dứt

Thái Bảo
.
.