Sau 2 tháng thực hiện NĐ 02 và 20 của UBND TP Hà Nội về việc quản lý lòng lề đường:

Thấy gì từ việc vỉa hè Hà Nội bị “tái chiếm"

Thứ Năm, 18/09/2008, 08:00
Sau 2 tháng thực hiện NĐ 02 và 20 của UBND TP Hà Nội về việc quản lý lòng lề đường, vỉa hè, đường phố thủ đô lại xuất hiện ngày càng nhiều các trường hợp tái phạm. Các cơ quan chức năng TP Hà Nội đã quyết tâm không “đánh trống bỏ dùi” nhưng thực trạng đã cho thấy sự “hụt hơi” của các nhà quản lý khi không soạn thảo đầy đủ lộ trình trước khi áp dụng quy chuẩn này vào cuộc sống.

Vỉa hè lại bị “tái chiếm”

Ngày 1/7/2008, cả  Hà Nội rầm rộ ra quân với quyết tâm “trả lại vỉa hè cho người đi bộ”. Liên tiếp những ngày sau đó, nhiều lực lượng được huy động: công an, dân phòng, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng... rà soát liên tục trên các tuyến phố cấm.

Chính sách này được sự cổ vũ nhiệt tình của các cơ quan tuyên truyền, thông tin đại chúng, các báo, đài Trung ương và Hà Nội.

Sau vài ngày ra quân rầm rộ, vỉa hè Hà Nội đã thực sự được trả lại cho người đi bộ. Hà Nội không còn cái cảnh “quán cóc” liêu xiêu, hàng ăn uống tự phát, không còn cái cảnh người đi bộ phải đi xuống lòng đường vì vỉa hè đã bị trưng dụng làm bãi đỗ xe.

Vỉa hè Hà Nội trở lại với chức năng vốn có của nó “dành cho người đi bộ”.

Người dân thủ đô đã khấp khởi mừng thầm bởi viễn cảnh sáng sáng tập thể dục ngay trên vỉa hè trước nhà mình, dắt trẻ em đi dạo mát...

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ sau khoảng 3 tuần triển khai chiến dịch, các cơ quan chức năng đã bắt đầu chùng xuống cũng là lúc hàng rong xuất hiện trở lại chiếm dụng vỉa hè. Nhiều tuyến đường, các bãi đỗ xe tự phát lại bắt đầu xuất hiện.

Theo thống kê của Thanh tra Giao thông công chính (GTCC) thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội trong việc thực hiện quyết định 20/2008/QĐ-UBND từ 28/8 đến 4/9/2008, phải có đến trên 20 tuyến phố, địa điểm được “thừa nhận” là vẫn còn nhiều vi phạm như: Trần Phú, Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, phố Huế, xung quanh Vincom...

Những gánh hàng rong đã xuất hiện trở lại, dù có phần dè dặt với những chiêu lách luật như bán hàng trên xe đạp, len lỏi vào ngõ, tận dụng các giao lộ... Những trường hợp công khai mua bán bất chấp ở gần đó có xe tuần tra không còn hiếm thấy. Sự lơ là, “du di” của lực lượng tuần tra với những trường hợp “xé rào” đã là một trong những nguyên nhân dẫn đến chuyện hàng rong “vô tư tái xuất”.

Các quán nước vỉa hè xuất hiện trở lại nhiều trên các tuyến như phố Huế, Nguyễn Lương Bằng, Cát Linh, Xuân Thủy... Có những phố như Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch... ban ngày thì chỉnh tề đâu ra đấy, vỉa hè thoáng đãng nhưng ban đêm thì người đi bộ chỉ còn nước xuống lòng đường mà đi vì vỉa hè đã bị biến thành khu “chợ đêm” sầm uất.

Các cửa hàng bán quần áo, giày dép trên phố trưng dụng tối đa vỉa hè làm nơi bán hàng, đỗ xe cho khách... Các mặt hàng quần áo được bày la liệt và rất... “dã chiến”. Tất cả được bày ra một tấm bạt, khi có lực lượng tuần tra đi qua là các chủ hàng túm lấy 4 góc bạt, gom hàng chạy thẳng vào trong ngõ.

Các gánh hàng rong thì có trăm phương ngàn kế để lách luật. Các bác, các chị bán cá, rau, dưa... vẫn bán đều đặn trên vỉa hè nhưng bằng cách gánh hàng đi đi lại lại, vắng bóng lực lượng tuần tra kiểm soát thì ghé vào gốc cây nào đó giở hàng ra. Các gánh thức ăn như bánh cuốn, cháo, xôi thì “cơ động” hơn bằng cách di chuyển liên tục, đợi có “thượng đế” gọi thì gánh thẳng vào nhà phục vụ tận nơi. Chúng tôi hỏi chuyện chị Hương, 40 tuổi, bán xôi dạo trên phố Lý Thường Kiệt.

Chị bán dạo quanh mấy con phố này được hơn 10 năm. Những ngày đầu bị đuổi, chị phải nghỉ bán hàng nhưng ngơi tay thì con đói nên đành chấp nhận kiểu “hàng rong di động”.

Chị quẩy gánh đi đi lại lại liên tục trước khu vực cổng khách sạn Melia. Khi có trật tự phường đi tuần qua thì ghé cổng khách sạn hoặc chui tạm vào chợ nhỏ ở gần đó. Chị Hòa cho biết: “Vẫn bán tốt nếu chịu khó, mỏi chân còn hơn đói chú ạ!”.

Ở các con phố cấm để xe trên vỉa hè như Kim Mã, Thanh Niên, Liễu Giai, Hàng Bông... hình thức đối phó còn “tinh vi” hơn. Cấm để xe trên vỉa hè thì ta để dưới lòng đường. Trên các con phố này, mỗi khi có khách hàng vào cửa hàng là lập tức nhân viên quán chạy ra ngồi lên yên xe.

Khi có lực lượng tuần tra đi qua họ đối phó bằng cách dắt xe chạy tiến chạy lui chờ đi khuất lại đâu vào đó. Trên 56 tuyến phố quy định không được để xe máy, xe đạp, ôtô trên vỉa hè, lực lượng Thanh tra GTCC đã xử phạt 413 trường hợp với xe đạp, xe máy và 362 trường hợp với các chủ xe ôtô.--PageBreak--

Nỗ lực cũng cần phải có... tầm nhìn

Nghị định 02 và 20 của UBND TP Hà Nội nhằm lập lại trật tự trên các vỉa hè, tuyến phố nhận được sự đồng tình  của người dân vì tính chất “cần phải có” của nó. Tuy vậy, cũng phải thẳng thắn nhìn vào thực tế là các cơ quan chức năng chưa soạn thảo được một lộ trình tốt nhất cho việc thực hiện các quy định này.

Thực hiện quy định cấm để ôtô, xe đạp, xe máy trên một số tuyến vỉa hè nhưng chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ phải “bó tay” khi người dân hỏi: Không để vỉa hè thì để vào đâu?

Câu hỏi này đến từ việc trước khi triển khai nghị định này, UBND TP Hà Nội chưa chuẩn bị đầy đủ các bãi, điểm đỗ, trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô. Ví dụ như phố Huế, cả phố không có lấy một điểm trông giữ xe.

Đây là phố có nhiều loại hình dịch vụ, nếu thực hiện thật nghiêm quy định này thì không ít cửa hàng kinh doanh... khó có cơ may tồn tại.

Trên 60% các cơ quan Trung ương tại Hà Nội đóng ở các đường phố cấm để xe trên vỉa hè, nhiều đơn vị không biết để xe cho cán bộ nhân viên vào đâu. Trong một cuộc họp, ông Phạm Quốc Bản – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phát biểu: “Có đơn vị đã phải đi xin bãi đỗ xe vì không biết xoay xở thế nào, mà một cơ quan xin được thì các cơ quan khác cũng xin theo. Thế thì còn gọi gì là cấm!”.

Làm theo kiểu “đến đâu hay đó”, khi đi vào thực hiện, TP vẫn chưa có các quy định về mái che, mái vẩy... dẫn đến việc các lực lượng tuần tra kiểm soát phải giải thích cho từng nhà dân khi có vi phạm.

Hàng rong, kinh doanh trên vỉa hè lâu nay vẫn được “gán” cho là “văn hóa của người Hà Nội” - có thực nó là văn hóa hay không thì còn phải bàn nhưng rõ ràng, chính quyền cũng chưa chuẩn bị kỹ việc chuyển đổi thói quen của người dân một cách hợp lý.

Không có hàng rong, sẽ phải quy hoạch lại rõ ràng các hệ thống chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng, các điểm được phép bán hàng rong... Thực tế mà ai cũng phải thừa nhận rằng: nhiều người, nhiều gia đình đang tồn tại chỉ bằng những gánh hàng rong hàng ngày trên phố.

Trong ngày ra quân thực hiện các quy định này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo cũng từng tuyên bố: “Không ai đuổi hàng rong ra khỏi phố” - các gánh hàng rong vẫn được quyền bán trên nhiều khu phố.

Nhưng rõ ràng tại các điểm để hàng rong bán tập trung chưa được quan tâm, đầu tư, quy hoạch hợp lý nên khó thu hút các hộ kinh doanh loại hình này vào đây.

Điều thứ hai mà chúng tôi muốn đề cập ở đây là phong cách làm việc theo kiểu “chiến dịch”, “ra quân” - mà đã làm kiểu “chiến dịch” thì đuối sức lại... nghỉ. Việc chưa hình thành được lực lượng chuyên trách cũng có thể xem là sự thiếu triệt để trong việc soạn thảo lộ trình của chính quyền TP trước khi thực hiện các quy định về vỉa hè, lòng lề đường.

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, cho đến ngày 4/9/2008, UBND TP Hà Nội đã huy động nhiều lực lượng công an, thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng, dân phòng, tự quản... với tổng số lên đến 6.906 lượt người thực hiện tuần tra, kiểm soát.

Lực lượng hùng hậu là vậy nhưng chưa hề có một đội ngũ chuyên trách nào thực hiện nghĩa vụ trật tự trên từng tuyến phố. Chính sự nghiệp dư này dẫn đến việc vi phạm đang tái diễn từng ngày.

Trao đổi với PV ANTG, ông Hoàng Văn Mạnh – Phó chánh Thanh tra GTCC – Sở GTVT Hà Nội cho rằng: các chế tài, phương tiện xử phạt cũng chưa đủ mạnh để lực lượng đảm bảo trật tự làm việc.

Ví dụ: Thanh tra giao thông hoạt động trên địa bàn Hà Nội chỉ có 1 chiếc xe cẩu loại nhỏ. Khi gặp những vi phạm của các loại xe ôtô thì gần như chỉ nhắc nhở hoặc phạt tại chỗ mà không thể tạm giữ để răn đe. Gặp tình huống ôtô đỗ sai quy định mà lái xe không có mặt ở đó thì chỉ còn nước bỏ qua, tháo biển số hoặc dài cổ đứng chờ lái xe ra để phạt.

Hơn nữa sự phân cấp quản lý lòng lề đường quá tách bạch (vỉa hè do Công an phường quản lý, lòng đường thuộc trách nhiệm của CSGT) cũng làm khó thêm công tác thi hành lệnh cấm. Trong khi xử phạt, các lực lượng trật tự thường quát nạt, cãi cọ, giành giật với người dân vô tình đã tạo ra hình ảnh không được đẹp cho lắm.

Ông Hoàng Văn Mạnh cho biết thêm: Thành phố đã nghiên cứu và bắt đầu từ ngày 15/9/2008 sẽ thực hiện mô hình khoán trật tự công: “Lấy dịch vụ công nuôi trật tự công”.

Chính quyền các quận sẽ lập các bãi đỗ xe trên một số địa điểm rồi tiến hành đấu thầu, đơn vị nhận thầu sẽ có trách nhiệm tham gia bảo đảm trật tự trên chính tuyến phố mà mình đang kinh doanh đó. Trước tiên, mô hình này sẽ được thí điểm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm để từ đó nhân rộng ra toàn TP Hà Nội.

Những nỗ lực của các lực lượng liên quan nhằm lấy lại bộ mặt, hình ảnh của một thủ đô văn minh là rất đáng ghi nhận. Đường phố Hà Nội đang ngày một sạch hơn, đẹp hơn, bộ mặt đô thị đang ngày một được chỉnh trang.

Và câu chuyện về vỉa hè Hà Nội có lẽ nên xem như một bài học – bài học của các nhà quản lý trong việc soạn thảo lộ trình trước khi áp dụng một chính sách nào đó vào cuộc sống

Hoàng Thắng
.
.