Thế giới cùng chống thất nghiệp

Thứ Tư, 15/04/2009, 09:15
Trước tình trạng thất nghiệp tràn lan, ngoài các biện pháp vĩ mô nhằm kích thích nền kinh tế nói chung, chính phủ các nước đã có những biện pháp gì để cứu việc làm cũng như hỗ trợ người thất nghiệp?

Những con số biết nói

Trong một thông báo cuối tháng 2 vừa qua, Tổng giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Juan Somavia cảnh báo, số người thất nghiệp trên thế giới có thể lên đến mức kỷ lục, tăng từ 190 triệu người năm 2007 lên 210 triệu vào cuối 2009.

Ông cho biết thêm thất nghiệp tăng đang đe dọa gây ra một cuộc "khủng hoảng xã hội". Nếu như trước đây, khủng hoảng kinh tế thường tác động tới tầng lớp người nghèo, thì cuộc khủng hoảng lần này còn giáng cả vào các tầng lớp trung lưu trên toàn thế giới.

Mỹ, xuất phát điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, hiện đang phải chứng kiến tỉ lệ thất nghiệp trầm trọng nhất từ 25 năm nay. Tháng 2 vừa qua là tháng khủng khiếp nhất trong lĩnh vực xã hội tại Mỹ. 8,1% dân số ở tuổi lao động của Mỹ không có việc làm, tỉ lệ cao nhất kể từ năm 1983.

Công nghiệp và dịch vụ bị mất đi tổng cộng hơn 650 nghìn nhân viên. Tính chung, số người thất nghiệp có khai báo là 12,5 triệu. Trong khi đó tại đất nước đông dân nhất thế giới, Trung Quốc, mặc dù có mức độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao trong những năm qua, nay cũng lên tiếng cảnh báo biến động do thất nghiệp.

Tạp chí Liễu vọng - do Tân Hoa xã xuất bản - cảnh báo có tới 20 triệu người nhập cư từ nông thôn bị mất việc làm trong thời gian qua khi tăng trưởng kinh tế sụt giảm. Theo các khảo sát mới nhất, tổng số người thất nghiệp ở Trung Quốc có thể lên đến 25 triệu người.

Tại châu Âu, hàng nghìn người đã bị sa thải sau khi nhiều ngân hàng, công ty bảo hiểm bị phá sản. Tại Anh, tỉ lệ thất nghiệp đã tăng mạnh lên tới 5,7% trong tháng 2/2009. Theo Bộ Lao động Tây Ban Nha, số người thất nghiệp tại nước này chiếm tỉ lệ 11,3%, cũng là mức cao nhất châu Âu.

Còn tại Pháp, "đội quân thất nghiệp" được bổ sung thêm gần 60 nghìn người trong tháng 2 vừa qua. Bà Tatyana Golikova, Bộ trưởng Phát triển xã hội Nga, tại cuộc gặp ở Roma của Bộ trưởng Lao động các nước thành viên nhóm G-8 mới đây thông báo: Tính chung con số người thất nghiệp ở Nga hiện nay là gần 6,4 triệu!

Chung tay tìm giải pháp

Trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng nghiêm trọng, làm sao giảm bớt việc sa thải nhân công? Đây là câu hỏi đau đầu mà Hàn Quốc và Nhật Bản đang tìm lời giải. Phương thức mà Tokyo và Seoul đang khuyến khích áp dụng là chia sẻ thời giờ làm việc.

Ngày 19/3 vừa qua, Bộ trưởng Xã hội Nhật Bản, Yoichi Masuzoe, đã tiết lộ một dự thảo kế hoạch 1.500 tỉ yen (11,6 tỉ euro) để hỗ trợ cho việc duy trì việc làm. Chính phủ Nhật sẽ trợ giúp các công ty để giảm giờ phụ trội, phân phối lại công việc, tránh sa thải công nhân.

Tại Hàn Quốc, giới chủ và công đoàn cũng đã ngồi lại để tìm phương cách tạo công ăn việc làm. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc đã cam kết trợ giúp cho những công ty thực hiện phương thức mới này. Cuộc vận động đã bắt đầu với một ngân sách khoảng 258 triệu euro, với mục tiêu là duy trì 200 nghìn việc làm trong năm 2009.

Chính quyền Thái Lan cũng vừa công bố một kế hoạch đào tạo hướng nghiệp trị giá 195 triệu USD nhằm hỗ trợ người đang thất nghiệp. Tờ Bangkok Post cho biết theo kế hoạch, chính phủ sẽ mở các lớp đào tạo hướng nghiệp miễn phí kéo dài một tháng cho 240 nghìn người trong năm 2009 và 260 nghìn người khác trong năm 2010.

Trong thời gian học, người thất nghiệp sẽ được đào tạo các kỹ năng cần thiết trong công việc, được nhận tiền sinh hoạt và đi lại. Sau khi kết thúc khóa học, những ai muốn trở về quê tìm việc sẽ được nhận tiền tàu xe cộng với số tiền hỗ trợ 135 USD/tháng trong vòng 3 tháng. Trong khi đó, chính quyền Philippines đã có một "kế sách" độc đáo: tạo việc trồng cây cho người thất nghiệp.

Theo đó, 180 nghìn người thất nghiệp tại Philippines sẽ được chính phủ trả công để trồng cây phủ xanh đất nước. Chương trình trị giá 148 triệu USD này là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm hỗ trợ số người thất nghiệp ngày càng tăng ở Philippines do khủng hoảng kinh tế.

Vào tháng 1/2009, Chính phủ Malaysia đã ngăn cấm việc tuyển dụng lao động nước ngoài trong khu vực dịch vụ và công nghiệp nhẹ, sau khi theo một bản báo cáo dự phòng nước này sẽ mất 45 nghìn công ăn việc làm trong các tháng sắp tới. Malaysia là quốc gia nhập khẩu lao động quan trọng tại Đông Nam Á.

Hiện nay, có khoảng 2,2 triệu người nước ngoài làm việc tại đây, trong các xưởng máy và đồn điền. Cũng giống Malaysia, mới đây, Chính phủ Ai Cập thông báo sẽ trả về nước khoảng 1 triệu lao động nước ngoài, chủ yếu là người của Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Arập Xêút và một số nước vùng Vịnh khác.

Biện pháp này được Cairo giải thích là để tạo việc làm cho người dân bản địa. Tuy nhiên, có thông tin cho biết, các nước có người lao động bị Ai Cập trục xuất đe dọa sẽ có biện pháp trả đũa. Hiện Australia cũng là nước đang siết chặt lượng lao động nhập cư để bảo hộ thị trường lao động trong nước.

Trong số các biện pháp chống thất nghiệp của Nga có việc dạy nghề mới, di dân đến những vùng đang thiếu lao động, tạo ra công ăn việc làm mới, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Còn tại Pháp, chính quyền nước này cũng khuyến khích người dân tự lập công ty để đối phó với nạn thất nghiệp.

Đây là một biện pháp đang gặt hái nhiều thành công vì hiện nay đã có 90 nghìn người chọn lựa quy chế mới được thành lập từ đầu năm nay. Ước tính từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 200 nghìn người chọn quy chế này trong số những người về hưu hoặc bị thất nghiệp hoặc đang là sinh viên, và thậm chí, đang là công chức nhà nước

Hà Bắc (tổng hợp)
.
.