Thế giới giải trí, chính trường và yakuza ở Nhật Bản

Thứ Bảy, 10/08/2019, 14:25
Yoshimoto Kogyo - một trong những công ty giải trí lớn của Nhật Bản - đã công khai kỷ luật 11 diễn viên hài vào trung tuần tháng 7-2019 do bắt tay với thế giới ngầm và tham dự bữa tiệc của một nhóm tội phạm có tổ chức. Yoshimoto Kogyo là đại diện tiêu biểu nhất cho ngành “kinh doanh nụ cười” ở Nhật Bản.

Vụ bê bối liên kết với thế giới ngầm

Các sự kiện gần đây cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa giới xã hội đen và ngành giải trí Nhật Bản. Vào đầu tháng 7-2019, một tạp chí lá cải tiết lộ một số diễn viên hài hàng đầu của Nhật Bản đã kiếm tiền từ “các lực lượng chống xã hội” - đó là yakuza.

Yoshimoto Kogyo - một trong những công ty giải trí lớn của Nhật Bản - đã công khai kỷ luật 11 diễn viên hài vào trung tuần tháng 7-2019 do bắt tay với thế giới ngầm và tham dự bữa tiệc của một nhóm tội phạm có tổ chức. Yoshimoto Kogyo là đại diện tiêu biểu nhất cho ngành “kinh doanh nụ cười” ở Nhật Bản.

Tin tức về Shinsuke Shimada, người nổi tiếng trên truyền hình có quan hệ với yakuza, trên trang nhất các tờ báo ở Nhật Bản.

Nhiều diễn viên hài ưu tú của đất nước Phù tang đều nằm dưới trướng doanh nghiệp này. Nhiều chương trình của các đài truyền hình Nhật cũng do nhân viên của Yoshimoto Kogyo thực hiện.

Trong thông báo của mình, Yoshimoto Kogyo muốn nhấn mạnh rằng các diễn viên hài đã thực sự lạc lối khi không tham khảo ý kiến trước với ban lãnh đạo công ty. Trong khi đó, người ta tự hỏi liệu các diễn viên hài này có được bỏ qua hay không nếu họ chia tiền với công ty. Thật vậy, Yoshimoto Kogyo có một lịch sử lâu dài liên quan đến tội phạm có tổ chức kể từ thập niên 1960.

Một trong những diễn viên hài hàng đầu của họ, Shinsuke Shimada, đã bị loại trừ khỏi mọi hoạt động kinh doanh vào năm 2011 sau khi có thông tin rõ ràng việc ông có quan hệ chặt chẽ với băng nhóm tội phạm có tổ chức lớn nhất Nhật Bản là Yamaguchi-gumi. Những mối quan hệ bao gồm các giao dịch bất động sản và các giao dịch khác vốn không còn được chấp nhận sau khi các quy định luật pháp loại trừ tội phạm có tổ chức của Nhật Bản có hiệu lực.

Shinsuke Shimada là diễn viên hài và người dẫn chương trình truyền hình Nhật Bản. Vào ngày 23-8-2011, Shinsuke Shimada chính thức tuyên bố nghỉ hưu sau khi thừa nhận có quan hệ với tội phạm có tổ chức. Shimada, người đã tham gia vào các băng đảng đường phố khi còn trẻ và luôn có một hình ảnh nổi loạn, đã bị phơi bày mặt tối của mình trong quá khứ. Sự nghiệp của ông đã bị đe dọa trở lại vào năm 2004, sau khi một nữ nhân viên Yoshimoto đưa ra các yêu sách tấn công chống lại ông và đưa ông ra tòa.

Những người đàn ông phô bày hình xăm truyền thống yakuza trong lễ hội Sanja Matsuri hàng năm ở quận Asakusa của Tokyo vào ngày 20-5-2018.

Vài năm sau, một tòa án ở Tokyo yêu cầu diễn viên hài bồi thường cho người phụ nữ. Vụ việc diễn ra vào khoảng năm 2014, khi các danh hài nổi tiếng – bao gồm Shinya Irie, Hiroyuki Miyasako và Ryo Tamura – cùng tham dự một bữa tiệc cuối năm truyền thống của Nhật Bản gọi là “Bonenkai” (có thể hiểu là tiệc ăn mừng tiễn biệt năm cũ) do một nhóm lớn các nghệ sĩ giả danh tổ chức.

Nhóm 40 nghệ sĩ giả danh này thực chất được một phe trong băng đảng Yamaguchi-gumi hậu thuẫn và họ đã lừa gạt hơn 1.000 người ở 17 quận ở Tokyo hơn 19 triệu USD. Nhóm này có cả một đội ngũ thành viên trung thành, hung dữ chuyên đi gặp các đối tượng mà họ đã chọn lựa trước, ép dụ bán cổ phần của các công ty điện mặt trời hay buộc tội những người khác đã xem phim ảnh hay dịch vụ tình dục dành cho người lớn mà không chịu trả tiền và yêu cầu phải bồi thường từ các vụ bảo kê khác.

Những nghệ sĩ hài bị sa thải nói họ không biết buổi tiệc họ dự là do băng đảng yakuza tổ chức nhưng khi có thông tin tiết lộ những người tới dự tiệc đều được trả một số tiền khá lớn cho sự tham dự của họ, văn phòng Công ty Yoshimoto Kogyo liền có thái độ tránh né yêu cầu bình luận mà chỉ tuyên bố quyết định sa thải nhóm nghệ sĩ hài vì họ đã không giữ đúng cam kết khi làm việc với công ty.

Shinsuke Shimada xin lỗi công chúng.

Diễn viên hài Hiroyuki Miyasako bị đình chỉ hoạt động diễn xuất bởi vì ông đã không chịu học được một điều là ở Nhật Bản hành vi nhận tiền từ băng đảng yakuza là bất hợp pháp trong thời gian làm việc với Công ty giải trí Yoshimoto Kogyo. Trong lời xin lỗi công khai trước công chúng hâm mộ, Miyasako thú thật đã rất hối tiếc vì đã nhận tiền từ tổ chức yakuza cho dù nhận một cách gián tiếp.

Từ sự việc này, nhiều đài truyền hình hay phát thanh đều ngưng trình chiếu hay truyền thanh các chương trình của nhóm nghệ sĩ bị sa thải, và ngay cả đài truyền hình NHK của chính quyền cũng chấm dứt phát hình.

Bóng dáng tổ chức tội phạm trong thế giới giải trí

Giống như ngày xưa của nền điện ảnh Hollywood nơi các băng đảng có ảnh hưởng bao trùm lên mọi hoạt động, ở Nhật Bản các nhóm yakuza cũng can dự một cách mạnh mẽ tới kỹ nghệ giải trí, phim ảnh và ca nhạc. Một hồ sơ được tiết lộ từ năm 2007 của cảnh sát cho biết có nhiều công ty đại diện nghệ sĩ nổi tiếng là khách hàng của các băng đảng tội phạm. Trong những ngày còn nắm giữ quyền lực tối cao, ông trùm Yakuza Tadamasa Goto điều khiển các công ty đại diện nghệ sĩ và diễn viên phim ảnh bằng bàn tay sắt và cảnh sát biết việc này.

Tháng 10-2008, tuần báo Shukan Shincho đăng tấm ảnh chụp ngày sinh nhật của Goto với hình ông trùm bên cạnh nhiều diễn viên nổi tiếng mà một trong số đó là người đóng vai chính trong bộ phim về yakuza được người Nhật ưa thích.

Nghệ sĩ hài Hiroyuki Miyasako, 49 tuổi, đã tham dự một sự kiện của yakuza khoảng năm 2014.

Đã có lúc phim về băng đảng yakuza đem lại số tiền thu lớn tại Nhật Bản, đặc biệt trong thập niên 1960, khi số lượng yakuza tăng lên 184.000 thành viên. Ken Takakura, một trong số những diễn viên có nhiều người hâm mộ nhất, đóng vai đàn anh yakuza luôn luôn tôn trọng nguyên tắc võ sĩ đạo. Các bộ phim thường diễn tả thành viên băng đảng yakuza là những kẻ ngoài vòng pháp luật cao quý, bảo tồn giá trị truyền thống Nhật Bản, chống lại ảnh hưởng của phương Tây và cũng là những người “thế thiên hành đạo” giúp người yếu thế chống kẻ mạnh.

Yamaguchi-gumi thậm chí còn sở hữu công ty giải trí của riêng có tên Kobe Geinosha. Khi cảnh sát buộc công ty phải đóng cửa, vợ của nhà lãnh đạo thế hệ thứ 3 lặng lẽ giữ một vai trò trong việc quản lý Yoshimoto Kogyo.

Thời “hoàng kim” làm mưa làm gió của băng đảng yakuza kéo dài cho tới năm 1992, khi đạo diễn nổi tiếng Juzo Itami thực hiện bộ phim với nội dung diễn tả thành viên yakuza thật ra chỉ là những tên tống tiền, lừa gạt, bạo động giết người. Đó là một phim hài nặng ký tựa “The gentle art of Japanese extortion” (tạm dịch: Nghệ thuật tống tiền tinh tế của Nhật Bản) được cho là bộ phim đầu tiên thuộc loại này cho thấy tất cả thành viên của băng đảng yakuza là những tên xấu xa mà người dân thường, giới luật sư hay cảnh sát đều chống lại họ.

Tadamasa Goto.

Ông trùm Tadamasa Goto chẳng thấy phim này hay ho chỗ nào và nhiều đàn em của ông ta đã tấn công đạo diễn Itami tại nhà ông, rạch mặt ông, để lại không biết bao nhiêu là vết sẹo khi lành và qua hành động này người ta coi băng đảng yakuza không có một chút tình người.

Trong cuốn tự truyện “Habakarinagara” (Trong khi do dự), Goto tuyên bố rằng phần lớn thế giới ngầm đã chấp thuận cuộc tấn công, nhưng phản ứng của công chúng là vô cùng tiêu cực. Cảnh sát đã tăng cường đàn áp yakuza, và theo một cách nào đó, sự suy giảm hiện tại của các nhóm xã hội đen có thể được truy nguyên trực tiếp từ hành động của Goto.

Chuyện buồn cười là vào năm 2018, Goto đã chi đến gần 4 triệu USD để làm một bộ phim về tiểu sử của ông ta từ thời vàng son cho tới giai đoạn cuối cùng nhưng kết quả là không có một hãng phim và rạp chiếu phim nào chịu… trình chiếu!

Chính trường, chính khách và Yakuza

Trong thực tế, băng đảng yakuza là tổ chức của những người theo chủ nghĩa cơ hội cho nên không chỉ có mặt trong kỹ nghệ giải trí mà còn có sự liên quan đáng kể đến chính trường Nhật Bản. Công ty giải trí quản lý nghệ sĩ Yoshimoto Kogyo cũng có mối liên quan với Thủ tướng Shinzo Abe, như gần đây ông đã xuất hiện trong một buổi biểu diễn hài của công ty.

Danh tiếng của ông Abe cũng bị xáo trộn trong vụ bê bối mới nhất dẫn đến việc lật lại một số vấn đề trong quá khứ. Bạn thân của Thủ tướng Abe, cựu Bộ trưởng Giáo dục Hakubun Shimomura, bị buộc phải từ chức vì dính líu tới nhiều vụ tai tiếng và có tin là ông có liên quan tới tiền bạc của những người làm ăn với băng đảng yakuza.

Cũng vì có quan hệ với băng đảng Inagawa-kai trong việc đảng Dân chủ Nhật Bản bổ nhiệm Tanaka Keishu vào chức vụ Bộ trưởng Tư pháp mà vào năm 2012, sự thất cử của đảng Dân chủ đã đưa ông Abe trở lại nắm chính quyền. Bản thân ông Abe đã bị buộc tội sử dụng yakuza để phục vụ cho mục đích riêng mỗi khi cần.

Hình ảnh ông Abe chụp chung với một ông trùm hàng đầu của Yamaguchi-gumi lưu hành vào năm 2012 và được đăng tải trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế. Năm 2018, hai nhà báo đã công bố một chi tiết vạch trần cáo buộc Thủ tướng thuê một cộng sự yakuza là Saichi Koyama để tiêu diệt một đối thủ chính trị.

Tadamasa Goto trên trang bìa cuốn tự truyện “Habakarinagara” (Trong khi do dự), phát hành năm 2010.

Khi ông Abe bị cáo buộc từ bỏ các khoản thanh toán đã hứa, Koyama cùng với các thành viên khác của yakuza đốt cháy nhà và văn phòng ông Abe. Nếu không thể tách băng đảng yakuza khỏi chính trị thì chuyện tống khứ bọn chúng ra khỏi lĩnh vực kỹ nghệ giải trí cũng không phải là chuyện dễ dàng nhất là khi mà thế giới băng đảng vẫn còn là một cái gì đó khá phổ thông trong công chúng – ví dụ trên màn hình máy tính.

Một trường hợp điển hình là trò chơi điện tử có tên “Ryu Ga Gotoku” ở Nhật Bản đã bán ra hàng triệu bản trên khắp thế giới và một số diễn viên lồng tiếng trong trò chơi bị cáo buộc có dính líu tới băng đảng yakuza. Và mặc dù số lượng yakuza ở Nhật Bản đang giảm xuống hàng năm, nhưng vẫn còn rất đông những người hâm mộ các bộ phim do yakuza thực hiện. Người ta chứng kiến một sự bùng nổ các bộ phim điện ảnh và phim truyền hình đi sâu vào thế giới của bọn xã hội đen Nhật Bản.

Trên thực tế, băng đảng Takara-gumi còn sở hữu một công ty giải trí khác ở Tokyo, với phần lớn nhân viên có xuất thân từ các băng đảng xã hội đen. Nếu một ngày nào đó, những thành viên của các băng đảng yakuza không còn quyền lực hay bị loại ra khỏi kỹ nghệ giải trí, có lẽ chúng sẽ là những tay anh chị thất nghiệp chỉ có thể kiếm ra tiền bằng cách làm việc một cách hợp pháp, và lúc đó trên màn ảnh hay sân khấu là nơi duy nhất mà họ được chào đón để biểu diễn những hình xăm mình đủ màu chằng chịt trên thân người hay những ngón tay bị chặt đứt nhiều đoạn giờ đã chai cứng. Sự thật là như thế.

Diên San (tổng hợp)
.
.