“Thế giới hình sự” vào phim “Bão ngầm”

Thứ Ba, 18/06/2019, 17:45
“Bão ngầm” - series phim truyền hình Cảnh sát hình sự gồm 45 tập chuẩn bị được bấm máy trong những ngày tới, được kỳ vọng sẽ mang tới cho khán giả màn ảnh nhỏ những chuyện chưa biết về “thế giới ngầm” và sự khốc liệt của cuộc chiến đấu bài trừ ma túy. Bởi lẽ, kịch bản do một cựu trinh sát hình sự viết ra, người từng thực hiện những nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm.


“Trốn ngủ” kể chuyện nghề

“Bão ngầm” là tiểu thuyết của Trung tá, nhà báo Đào Trung Hiếu (Chuyên đề An ninh thế giới, Báo Công an nhân dân) về đề tài đấu tranh phòng chống tội phạm, đã vượt qua hơn 600 tác phẩm và đoạt giải cao nhất trong cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, do Bộ Công an và Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, giai đoạn 2012-2015.

Xuất thân từ trinh sát phòng chống tội phạm về ma túy, điều tra viên Đội điều tra trọng án, Phó đội trưởng Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội, từ thực tiễn gần 20 năm trực tiếp cầm súng chiến đấu với tội phạm, Đào Trung Hiếu đã viết nên một tác phẩm phản ánh chân thực tính khốc liệt của cuộc đấu tranh bài trừ ma túy và tội phạm hình sự của lực lượng công an nhân dân.

Tiểu thuyết “Bão ngầm”.

Từ thành công của tiểu thuyết, được sự động viên, khích lệ của độc giả và đồng đội, Trung tá Hiếu đã dành mọi tâm huyết, năng lượng, miệt mài gần 2 năm trời để chuyển thể và phát triển câu chuyện đó thành kịch bản phim cảnh sát hình sự cùng tên gồm 45 tập, với hơn 2.250 trang viết.

Anh tâm sự: “Chưa được học qua lớp đào tạo biên kịch điện ảnh nào nhưng tình yêu nghề nghiệp đã thôi thúc tôi “đánh vật” với giới hạn của chính mình. Sau nhiều đêm “trốn ngủ”, tôi đã làm được một việc, đó là thay mặt đồng đội ngày nào kể lại bằng ngôn ngữ điện ảnh về những vất vả, hy sinh thầm lặng của người lính, để có những chiến công, đem lại bình yên cho cuộc sống. Từ đó mong nhận được sự cảm thông, thương yêu, giúp đỡ của nhân dân, để lực lượng công an hoàn thành nhiệm vụ”.

Nhận xét về giá trị nội dung và nghệ thuật của kịch bản phim “Bão ngầm”, Hội đồng Thẩm định phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng: “Đây thực sự là một kịch bản hay, bởi tác giả đã đưa ra được cả một “thế giới hình sự” với những tội ác ghê gớm, những nhân vận quái kiệt, những âm mưu, thủ đoạn với những tình huống rợn người. Tất cả được trình bày trong một câu chuyện rất tường tận, phong phú và tỉ mỉ.

Có thể thấy rõ đặc tính nổi bật trong kịch bản này là sự tâm huyết, đau đáu, được hun đúc, tích tụ qua rất nhiều năm tháng bám sát, thấu hiểu hiện thực cuộc sống đã thúc đẩy tác giả viết ra kịch bản này. Các sự kiện, tình huống được miêu tả sống động, chân thực ngay từ những trang viết đầu tiên đến những cảnh cuối cùng. Đây là ưu điểm vượt trội mà không nhiều kịch bản ở mảng đề tài đấu tranh chống tội phạm có được”.

Hứa hẹn một bộ phim hay

So với tiểu thuyết “Bão ngầm” thì ở kịch bản phim có sự kế thừa và phát triển rất lớn. Trung tá Hiếu chia sẻ: “Mãi tới tập 30 mới chớm vào câu chuyện trong tiểu thuyết. Những tập trước đó tạo ra những tiền đề để vào mạch chính.

Poster phim “Bão ngầm”.

Trong tiểu thuyết, vì giới hạn của cuốn sách, nên câu chuyện về hành trình truy tìm, khám phá ra đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia... được tôi viết nén chặt, nghĩa là tập trung cho mạch chuyện chính, không có nhiều tuyến truyện bện thừng, đan xen. Còn trong phim, với 45 tập, “đất đai” rộng rãi, nên tôi tãi ra từng chuyện, từng vấn đề, bện các vấn đề đương đại song song với mạch chính của chuyện là hành trình phá đường dây ma túy.

Bên cạnh vụ án lớn, có nhiều vụ án nhỏ như những mắt xích, dẫn lực lượng phá án đi từ nút thắt này đến nút thắt khác. Tổng thể kết quả mở nút, cho ra chân dung tên trùm tội phạm đội lốt doanh nhân.

Bên cạnh cuộc chiến đấu chống tội phạm, là cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập trong cơ quan đơn vị, trong đáy sâu nội tâm người lính. Có thể nói cuộc chiến với tội phạm, tôi dùng như một cái cớ, để kể về cuộc chiến đấu bên trong. Sự khốc liệt không thua kém với cuộc chiến đấu bên ngoài”.

Được biết, bộ phim “Bão ngầm” có tiết tấu nhanh, với những tuyến truyện đan bện vào nhau một cách logic. Những cuộc đấu trí, đấu mưu đầy ly kỳ, mưu lược của lực lượng công an đối với tội phạm; những trận đánh gay cấn, dữ dội, cùng sự ác hiểm trong thế giới tội phạm... đã được tái hiện và phản ánh sinh động qua lăng kính của tác giả - một trinh sát trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.

Nhưng không chỉ có vậy, phim “Bão ngầm” còn miêu tả một cuộc chiến khác ở đáy sâu tâm lý nội tâm người lính khi đứng trước những sự lựa chọn giữa trung thực hay giả dối, liêm chính hay tha hóa, phụng công hay tư lợi... Tất cả âm thầm nhưng khốc liệt như những cơn bão ngầm khó nhìn thấy được bằng mắt thường...

Những xung đột nội tâm được đẩy tới cùng, khốc liệt như chính bản chất cuộc sống, vì chất liệu làm phim gồm những gì mà tác giả kịch bản đã trải nghiệm trong thực tiễn gần 20 năm trực tiếp chiến đấu phòng, chống tội phạm.

Bên cạnh đó, những vấn đề thời sự đương đại, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, nhóm lợi ích... để làm trong sạch bộ máy được cập nhật liên tục và mô tả sinh động.

Ê-kíp làm phim “Bão ngầm”.

Xuyên suốt bộ phim là tư tưởng nhân văn, nhấn mạnh những gì là giả tạo và lạc hậu sẽ bị nghiền nát trong vòng quay luật đời, mọi tráo trở, lừa lọc và bội phản sẽ bị quy luật đào thải làm văng ra khỏi quỹ đạo vận động của xã hội. Đồng thời tôn vinh những giá trị chân - thiện - mỹ, những mầm thiện trồi lên từ thực địa cuộc xung đột chính - tà.

Chia sẻ về sự khác biệt giữa series phim cảnh sát hình sự “Bão ngầm” với rất nhiều bộ phim về đề tài hình sự, Trung tá Hiếu nói: “So với các bộ phim thể loại trinh thám hình sự, dưới mũ phim cảnh sát hình sự đã công chiếu tại Việt Nam thì bộ phim “Bão ngầm” có điểm khác biệt lớn nhất, đó là tính chân thực hiện ra từ câu chuyện, lời thoại, hành động, đến diễn biến tâm lý nội tâm nhân vật. Người khác làm phim về công an, về tội phạm, họ buộc phải tưởng tượng về mảng đề tài mang tính khu biệt này. 

Còn tôi là người trong cuộc, đi ra từ cuộc chiến đấu khốc liệt ấy nên tôi có cảm xúc và có chất liệu thật sự về đời sống trong lĩnh vực này. Công việc trước đây từng cho tôi cơ hội thực hiện những nhiệm vụ bí mật trong hang ổ tội phạm, nên tôi có thể kể đúng nhất về những gì đã xảy ra trong thế giới ấy, trong nội tâm người trinh sát khi đối diện với thử thách sống chết ở nơi hang hùm, miệng sói. Việc còn lại là chuyển tải vào phim thế nào cho hay nhất mà thôi, chứ nguyên liệu thì ngồn ngộn”. 

Phim “Bão ngầm” do Hãng phim Phương Sáng (TP Hồ Chí Minh) sản xuất với sự đầu tư tài chính rất lớn của doanh nhân Trịnh Minh Phúc - Chủ tịch Công ty Hoàng Trà My ở tỉnh Bình Dương. Ngày 14-6-2019 đoàn làm phim đã ra mắt công chúng tại Hà Nội, với đạo diễn là Đinh Thái Thụy, Nguyễn Tấn Phước - những người đã đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh trong nước. 

Dàn diễn viên trong phim gồm nhiều “ngôi sao” trong làng điện ảnh, như Đại tá - NSƯT Nguyễn Hải; NSND, diễn viên Trần Nhượng; NSND, diễn viên Minh Châu; diễn viên - người mẫu Hà Việt Dũng; Cao Thái Hà; Thanh Bi; Hoàng Phúc; Mã Hiểu Đông; Phạm Tiến Lộc; Kim Phương...

Cố vấn văn học của phim là bà Hoàng Thị Hạnh - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; tổng chỉ đạo võ thuật là Võ sư Ngô Xuân Nhuần - Phó Chủ tịch Liên chi hội di sản võ cổ truyền Sông Lam Nghệ An.

Bản thân Đào Trung Hiếu được mời tham gia làm phó đạo diễn về chuyên môn cho bộ phim này. Bộ phim được khởi quay vào ngày 17-6 tới đây, với kỹ thuật thu tiếng trực tiếp tại hiện trường, ghi hình tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, như Yên Bái, Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương. Trong đó, 70% nội dung phim sẽ quay sẽ quay tại tỉnh Yên Bái. Thời gian sản xuất bộ phim khoảng 8 tháng, dự kiến phim sẽ phát sóng trong quý 2-2020.

Hình tượng người trinh sát 

Từng trực tiếp đấu tranh với các ổ nhóm tội phạm ma túy, Trung tá Hiếu có lợi thế khi kể về những điều diễn ra ở một lĩnh vực rất ít người biết đến. Anh có một đúc kết khá thú vị từ trải nghiệm thực tiễn của mình, đó là “Trinh sát phải giống tội phạm hơn cả tội phạm, mới bắt được tội phạm”.

Do đó, đối với diễn viên nam chính Đào Hải Triều, anh yêu cầu phải diễn xuất sao cho toát ra được trạng thái “lưỡng cực” của người lính khi thâm nhập vào thế giới tội phạm. Đó là phải tỏ ra, phải hòa nhập khi “xã hội hóa”, vừa không quên mình là ai, vì sao có mặt ở đó.

Khi diễn xuất vai này, từ phong thái, cử chỉ, hành vi, lời nói... vừa phải đậm chất du côn, bụi bặm, ngang tàng, bạo liệt... như những biểu hiện thường thấy ở bọn tội phạm, vừa cho thấy được sự liêm chính, ngay thẳng, nhiệt huyết vì công việc, yêu thương con người, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cuộc sống của người lính trinh sát.

Điều này không đơn giản, vì đòi hỏi từng ánh mắt, nhóm cơ biểu thị cảm xúc trên khuôn mặt, điệu bộ, động tác... của diễn viên phải ăn nhịp, logic với bối cảnh, tình huống trong phim. Nhiều khi, chỉ cần diễn tới tầm một cái nhìn sắc lạnh, dò xét hay trấn áp, sẽ cho hiệu quả hơn nhiều lời thoại. Khi đó, sẽ giấu được ý đồ để câu chuyện khó đoán, kích thích sự tò mò, gia tăng kịch tính cho sự kiện.

Được biết, người mẫu Hà Việt Dũng đã lọt vào mắt ê-kíp sáng tạo khi chọn diễn viên thủ vai nam chính. Trung tá Hiếu kể: “Ngoại hình của Hà Việt Dũng có cái vẻ phong trần, ngang tàng, hảo hán như tôi hình dung về nhân vật Triều. Về diễn xuất, với vai trò phó đạo diễn, tôi sẽ hướng dẫn em ấy diễn sao cho ra đúng chất trinh sát luồn sâu, biểu cảm, hành động sao cho đúng vai, hợp cảnh”.

Về hình tượng người chiến sĩ công an trong phim, Trung tá Hiếu xây dựng ở cả 2 tuyến chính diện và phản diện.

Anh cho biết: “Với tình yêu nghề nghiệp và ân tình đồng đội, tôi muốn kể với mọi người về sự hy sinh thầm lặng của người chiến sỹ công an nói chung, của trinh sát đấu tranh chống tội phạm ma túy nói riêng. Họ cũng là con người, có đầy đủ nhu cầu, tình cảm như bất kỳ ai. 

Sự cao cả nằm ở chỗ họ dám hy sinh lợi ích, nhu cầu chính đáng của mình để làm việc công, xả thân vì bình yên cuộc sống của người dân. Họ không phải là thánh nhưng làm những việc của thánh thần, khi đem tính mạng của mình ra để bảo vệ người dân khỏi những hiểm nguy đến từ tội phạm. 

Và trong hành trình đó, cũng có người vì tham vọng tiền, quyền mà gục ngã, để rồi trượt dốc, tha hóa, thậm chí tiếp tay cho quỷ dữ, cản trở hành trình truy lùng tội phạm của đồng đội. Tôi mô tả chân thực những điều đã và đang xảy ra trong đời sống, không né tránh hiện thực. Bởi vì chủ trương của Đảng ta là “không có vùng cấm” trong cuộc đấu tranh làm trong sạch bộ máy”.

Cự Nhật
.
.