Thế giới ngầm hàng hiệu giả ở Viễn Đông

Thứ Năm, 22/11/2012, 16:30

Hàng giả, hàng nhái đang lan tràn khắp thế giới gây thất thu hàng tỷ USD cho các công ty làm ăn tuân thủ pháp luật. Đặc khu Hồng Công (trung quốc) được coi là trung tâm của những nhãn hiệu tiêu dùng xa xỉ được... làm giả.

Tại mỗi góc đường Nathan Road ở thành phố Cửu Long của đặc khu Hồng Công, nhiều người đứng chào mời khách qua đường những chiếc đồng hồ Thụy Sĩ bắt mắt với giá rẻ bất ngờ! Còn tại khu mua sắm Mong Kok xa hơn về phía bắc thành phố là những gian hàng - nằm xen giữa các nhà hàng sang trọng và các cửa hàng điện máy - đầy ắp mọi sản phẩm hàng hiệu lóa mắt. Đến đây, mọi người sẽ dễ dàng tìm thấy những sản phẩm mơ ước như: ví da Daria đủ màu sắc của thương hiệu Mulberry, túi xách Marc by Marc Jacobs hay Louis Vuitton.

Tại khu chợ Stanley của Hồng Công, hàng hiệu giả cũng ngập tràn từ dây thắt lưng, giày dép cho đến đồ chơi trẻ con lẫn mặt hàng thư pháp. Theo số liệu của Công ty bảo vệ thương hiệu MarkMonitor, hàng giả gây tổn thất gần 100 tỷ USD hàng năm cho tất cả các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Tổng cộng có 27 trường hợp bán hàng hiệu giả và hàng nhái được phát hiện trên các trang đấu giá trên Internet  vào ngày 7/9/2012 kể từ khi hải quan Hồng Công tiến hành chiến dịch đặc biệt vào tháng 5/2012.

Trong thời gian diễn ra chiến dịch, khoảng 3.500 hàng hiệu giả hay nhái bao gồm túi xách, ví da, kính đeo mắt, quần áo, giày và vớ v.v… bị bắt giữ với tổng giá trị vào khoảng 540.000 HKD (khoảng 69.624 USD), theo báo cáo của hải quan Hồng Công. 32 người, gồm 17 nam và 15 nữ thuộc độ tuổi giữa 18 và 55, cũng bị bắt giữ. Hải quan Hồng Công vẫn tiếp tục chiến dịch chống buôn bán hàng hiệu giả trên Internet, đặc biệt vào những kỳ lễ hội trong năm. Mức án tối đa dành cho loại tội phạm nhập khẩu, xuất khẩu, bán hay sản xuất hàng giả hàng nhái ở Hồng Công là 500.000 HKD tiền phạt cộng với 5 năm tù giam.

Tháng 10 vừa qua, nhãn hiệu hàng da thuộc Mulberry nổi tiếng của Anh quyết định ngưng bán các sản phẩm của công ty trong nhiều cửa hàng ở Italia vì những túi xách hàng hiệu đắt tiền bị tuồn ra "thị trường đen" và bán ở Trung Quốc. Thị trường Hồng Công là nơi tiêu thụ hàng giả.

Jeremy Hertzog - lãnh đạo nhóm tài sản trí tuệ ở Mishcon de Reya, tổ chức đại diện cho các nhãn hiệu xa xỉ chống lại hàng giả, hàng nhái - cho biết các kênh phân phối là vấn đề lớn nhất của các công ty hàng hiệu và chúng có các mạng lưới tinh vi ở Mỹ, Anh, châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ.

Một gian bán hàng hiệu thời trang ở chợ Stanley, Hồng Công.

Theo Ruth Orchard, Tổng giám đốc Cơ quan chống hàng giả (ACG), thông thường người tiêu dùng hy vọng sắm được một món hàng hiệu giá hời trên eBay hay trang web hạ giá mà họ tin là làm ăn đàng hoàng mà không hề biết đã mua phải hàng giả. ACG được thành lập ở Anh vào năm 1980 với chỉ 18 thành viên và hiện nay tổ chức đại diện cho hơn 170 công ty trên toàn cầu, cung cấp đội ngũ chuyên gia cố vấn về chống hàng giả.

Người ta có thể nghĩ rằng hàng giả chỉ tác động đến các nhãn hiệu thời trang xa xỉ, ví dụ thương hiệu Prada, sản phẩm kem dưỡng da L'Occitane, túi xách hay áo thun, song thật ra tầm quy mô của "công nghiệp hàng giả" rộng lớn hơn nhiều - bao gồm ngành dược phẩm, thức uống có cồn, phụ tùng ôtô , phần mềm và phần cứng vi tính v.v…

Thậm chí mọi thứ từ bao cao su cho đến kem đánh răng đều có thể làm giả được. Thế cho nên, hiện tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái trên đường Nathan Road ở thành phố Cửu Long thật ra chỉ là bề nổi của tảng băng. Sự lan tràn đến chóng mặt của hàng giả buộc cựu sĩ quan cảnh sát cao cấp Steve Vickers của Hồng Công - hiện lãnh đạo Công ty an ninh tư nhân International Risk đặt trụ sở tại Hồng Công - phải buộc miệng thốt lên: "Đây thật sự là cuộc chiến tranh chứ không chỉ là hiện tượng vi phạm tài sản trí tuệ".

Theo nhận xét của Liên minh quốc tế chống hàng giả (IACC), Trung Quốc vẫn là trung tâm sản xuất hàng giả, hàng nhái và tiếp tục là nguồn lớn nhất cung cấp các sản phẩm giả ra toàn thế giới.

Túi xách Louis Vuitton được làm giả hiện nay khá tinh xảo.

Hải quan Hồng Công cho biết, trong thời gian qua lực lượng đã bắt giữ được số hàng giả khổng lồ trị giá đến 278 triệu HKD (khoảng 35,7 triệu USD) - bao gồm các sản phẩm giả như đồng hồ, quần áo thời trang và mặt hàng da thuộc. Nhưng, các chuyên gia hiện nay lo ngại trước hiện trạng hàng giả ngày càng được sản xuất tinh vi hơn và một bộ phận người tiêu dùng thích sở hữu hàng hiệu để chứng tỏ đẳng cấp xã hội của cá nhân sẵn sàng mở túi tiền mua những sản phẩm giả được cải thiện chất lượng. Đó là một yếu tố giúp nền "công nghiệp hàng giả, hàng nhái" tiếp tục sống khỏe!

Đôi khi hàng hiệu giả bán ở Hồng Công tinh xảo đến mức ngay đến đội ngũ chuyên gia của thương hiệu vẫn không thể nói được sự khác biệt giữa giả và thật! Một sự nguy hiểm khác là có những trường hợp chính những nhân viên công ty tham nhũng, các cựu nhân viên và những nhà phân phối không trung thực tiếp tay cho bọn làm hàng giả hàng nhái.

Các chuyên gia cho biết, lợi nhuận từ việc bán hàng giả trên toàn thế giới thường chảy vào các hoạt động tội phạm nguy hiểm như sản xuất ma túy, rửa tiền, buôn người và khai thác sức lao động trẻ con. Và, không giống như ngành dược phẩm và thực phẩm, bọn người làm giả hoặc sao chép hàng hiệu thời trang được coi là loại tội phạm "không có nạn nhân chết người" cho nên khó mà truy tố chúng vào tội hình sự

Diên San (tổng hợp)
.
.