Thế giới “nín thở” chờ giá dầu

Thứ Hai, 13/01/2020, 19:12
Cái chết của tướng Qassem Soleimani đặt Trung Đông trước nguy cơ bùng nổ chiến tranh. Sau động thái này, hàng loạt “kịch bản” trả đũa được đưa lên bàn phân tích, trong đó đáng chú ý hơn cả là những chiến lược tác động lên thị trường dầu mỏ, vốn đã và đang trải qua nhiều biến động sau cuộc không kích.

Toan tính trả đũa

Theo giới quan sát, biến động thị trường dầu mỏ (đa phần theo xu hướng tăng) là phản ứng gần như hiển nhiên sau mỗi biến động lớn ở Trung Đông. Vì thế, chỉ một ngày sau khi tướng Soleimani thiệt mạng trong vụ tấn công do Mỹ thực hiện, giá dầu thô đã tăng lên mức gần 69USD/thùng.

Cho đến ngày 7-1, giá dầu thô toàn cầu đã chạm mốc hơn 70 USD/thùng, mức cao nhất kể từ giữa tháng 9-2019 - thời điểm chứng kiến giá dầu lập kỷ lục tăng vọt sau khi các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia bị tấn công. Ở vào thời điểm hiện tại, tuy vẫn chưa xuất hiện những dấu hiệu “nguy hiểm” nhưng giới quan sát vẫn bày tỏ lo ngại về khả năng xuất hiện một cú sốc giá dầu trong bối cảnh Iran sẽ đáp trả động thái không kích của Mỹ.

Một số kịch bản Tehran trả đũa Washington được đưa ra, trong đó đặc biệt nhấn mạnh khả năng Iran nhắm vào “điểm yếu” eo biển Hormuz - vị trí giao thương quan trọng nhất thế giới đối với các nguồn cung cấp dầu. Quốc gia Trung Đông này từng đe dọa chặn tuyến đường thủy - nằm giữa Oman và Iran - nơi vận chuyển hơn 1/5 lượng dầu của thế giới.

Iran biết rõ sự cần thiết phải bảo vệ ngành công nghiệp dầu mỏ nên muốn tránh một cuộc đối đầu vũ trang.

Chưa hết, Iran có thể nhắm vào các tàu được gắn cờ Mỹ thường xuyên đi vào Vùng Vịnh, các tiền đồn của Mỹ hoặc các mục tiêu mềm ở nơi khác mang lợi ích rõ ràng liên quan đến Mỹ ở Trung Đông. Các nguồn tin cho biết, chi nhánh hải quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) gần đây đã hồi sinh một kế hoạch dự phòng trong trường hợp Mỹ tấn công.

Nhiều ý kiến khẳng định, nỗ lực của Iran nhằm phong tỏa eo biển Hormuz hoặc làm gián đoạn quá trình vận chuyển “vàng đen” qua đường thủy sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến nguồn cung dầu trên toàn cầu. Theo thống kê, chỉ có hai quốc gia là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab (UAE) thống nhất hiện có hệ thống ống dẫn làm nhiệm vụ vận chuyển dầu thô ra ngoài Vùng Vịnh nhưng công suất chỉ đạt khoảng 6 triệu thùng mỗi ngày.

Ngược lại, sản lượng dầu thô lưu chuyển qua eo Hormuz có thể đạt gấp 3 lần. Từ đây, không sai khi cho rằng “chiêu bài” dầu mỏ tương đối hiệu quả nếu Iran đóng cửa Hormuz, không chỉ gây ít nhiều thiệt hại cho Mỹ mà còn khiến nhiều quốc gia khác rơi vào trạng thái lao đao.

Phải nhắc đến Trung Quốc - với khoảng gần 40% nguồn dầu nhập khẩu từ Vùng Vịnh. Khi mà bối cảnh chiến tranh thương mại Trung - Mỹ vẫn chưa hạ nhiệt, việc nguồn cung dầu suy giảm sẽ trở thành một thách thức lớn cho Bắc Kinh. Còn với Nhật Bản, 80% lượng dầu nhập khẩu phải đi qua eo biển Hormuz.

Việc Iran tác động lên cửa ngõ quan trọng Hormuz buộc Nhật Bản phải có nhiều động thái để giảm thiểu ảnh hưởng, như việc điều động tàu chiến sang khu vực Trung Đông để bảo vệ cho tàu chở hàng và dầu mỏ liên quan Nhật Bản.

Cân nhắc của Mỹ

Khi mà Iran toan tính sử dụng chiêu bài dầu mỏ để trả đũa Mỹ thì Tổng thống Donald Trump vẫn rất kiên quyết tuyên bố tiếp tục trừng phạt bằng các hình thức “chưa từng xuất hiện trước đây”. Điều này cũng dễ hiểu khi mà hiện tại, Mỹ đã giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu thô nước ngoài, giúp ông Trump không quá lo lắng như những người tiền nhiệm về một cú sốc giá dầu.

Trên thực tế, cuộc cách mạng dầu đá phiến đã khiến Mỹ trở thành quốc gia sở hữu nhiều dầu mỏ và hiện đang xuất khẩu hàng triệu thùng mỗi ngày, cùng các sản phẩm dầu mỏ tinh chế.

Theo ước tính, “người trong cuộc” là Mỹ có tỷ lệ nhập khẩu dầu từ khu vực Trung Đông ở mức không quá lớn, khoảng 15% so với khả năng tự chủ đến 85% nhu cầu nội địa. Từ quan điểm thanh toán và an ninh năng lượng, Mỹ ít bị tổn thương so với các đồng minh châu Á và châu Âu trước sự gián đoạn nguồn cung dầu.

Một kịch bản mà Tehran trả đũa Washington nhấn mạnh khả năng Iran phong tỏa “điểm yếu” eo biển Hormuz.

Thế nên, Tổng thống Trump đã có “lời hứa đáng tin” về dầu mỏ với cử tri Mỹ, từ đó thúc đẩy ông gây áp lực với Iran. Ngoài ra, Washington cho rằng các cơ sở hạ tầng dầu mỏ Tehran tương đối... mong manh, khiến Mỹ toan tính chiến lược tấn công các mỏ ngoài khơi của Iran hoặc các cơ sở bên ngoài Iran ở xa khu vực dân thường.

Mạnh tay với Iran, tuy nhiên Mỹ cũng cần chú ý đến Iraq khi vụ không kích Qassem Soleimani diễn ra trên đất Iraq. Động thái này khiến giới lập pháp Iraq bỏ phiếu quyết định Mỹ phải rút toàn bộ binh lính khỏi nước này, trong khi Washington tuyên bố sẽ... thẳng tay trừng phạt Iraq.

Cần nhớ rằng, Iraq là một trong những nhà sản xuất dầu quan trọng nhất thế giới, với vai trò nguồn cung dầu mỏ thứ tư cho Mỹ và sẽ đóng góp lớn thứ ba vào nguồn cung dầu toàn cầu đến năm 2030. Từ đây, Tổng thống Trump tiếp tục “rơi vào thế khó” khi phải đối diện với những khó khăn mới liên quan đến dầu mỏ.

Giới quan sát nhận định, các biện pháp trừng phạt liên quan đến dầu mỏ, cho dù xuất phát từ bên nào, cũng sẽ tác động tới giá dầu toàn cầu, có khả năng làm tổn thương cả nền kinh tế Mỹ và Iran. Trước tình hình này, Tổng thống Donald Trump sẽ phải cực kỳ cẩn trọng bởi vì chỉ cần một toan tính sai lầm cũng sẽ ảnh hướng tới cơ hội tái đắc cử của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chỉ còn 10 tháng nữa.

Về phía Iran, quốc gia này cũng biết rõ sự cần thiết phải bảo vệ ngành công nghiệp dầu mỏ được xây dựng trong nhiều thập kỷ, nên cũng muốn tránh một cuộc đối đầu vũ trang. Tehran từng phát đi tuyên bố, chiến tranh với Mỹ không phải là mục tiêu, khi suy cho cùng xung đột sẽ phá nát tất cả...

Trần Quân (tổng hợp)
.
.