Thế hệ siêu robot giống như người

Thứ Bảy, 27/04/2013, 08:15

Kỹ nghệ điều khiển tự động hóa đang phát triển như vũ bão trong giai đoạn mở đầu Thiên niên kỷ thứ 3. Các nhà khoa học Anh thuộc Viện Silsoe đã từng nghiên cứu thành công việc chế tạo ra người máy biết chọn lựa và phân biệt các loại nấm khác nhau, phục vụ cho công tác xuất khẩu nông phẩm; còn tại Viện bảo tàng Los Angeles, Mỹ, suốt cả thập niên nay là một robot-cảnh sát thường xuyên đi tuần liên tục 24/24 giờ nhằm phát hiện mọi biến cố xảy ra…

Cách đây gần 5 năm, tháng 10/2008, tại Triển lãm Kỹ thuật tiên tiến quốc tế được tổ chức lần đầu ở Toulouse (Pháp), Công ty Sinters chuyên chế tạo người máy đầy uy tín đã tung ra model "Sylvia" làm sửng sốt khách thăm quan: Sylvia biết sử dụng thị giác điện tử cùng khả năng phối hợp thông tin để ứng xử thích nghi với các tình huống xảy ra.

Cánh tay máy của Sylvia có thể di chuyển theo 6 trục - qua một phần mềm điều khiển cùng lúc tính toán 2 việc: xác định tuyến đường đi và di chuyển theo một trong 6 trục định hướng. Đây là dạng robot đầu tiên trên thế giới có khả năng thực hiện mọi hoạt động như con người, nắm bắt được mọi vật dụng cho dù vật ấy đang ở bất cứ tư thế nào trong khoảng không gian kề cận xung quanh.

Nhờ được lắp một máy quay phim có thấu kính lập thể, Sylvia còn có khả năng thực hiện được thứ công việc giống như một sinh vật sống hoàn hảo là mô tả những gì mà nó nhìn thấy.

Một phần mềm vi tính khác sẽ giúp robot điều chỉnh độ sáng tối của thấu kính nhằm nhìn đối tượng được rõ hơn, cũng như ước lượng được "chiều sâu không gian" để xác định khoảng cách chính xác. Qua đó, Sylvia sẽ tự tính toán nên cần phải vận động như thế nào, nhằm nắm bắt hay thao tác vật dụng. Người máy dạng Sylvia đã mở đường cho một thế hệ robot mới biết tự điều khiển động tác sao cho hòa hợp nhuần nhuyễn với thực tế trước mặt.

Sản xuất người máy có "bắp thịt nhân tạo" cũng là một hướng nghiên cứu khác của các nhà sáng chế. Ngay từ giữa thế kỷ trước, tạp chí Life của Mỹ đã đăng bức ảnh về một thiếu nữ bị bệnh viêm tủy, ngồi trên xe lăn đang thao tác một cánh tay máy. Cha của nữ bệnh nhân này chính là giáo sư tiến sĩ nguyên tử học lừng danh Joseph McCiben, người từng được tôn vinh là "cha đẻ của cơ bắp nhân tạo". Đó là một quả bóng hoạt động bằng hơi nén và co duỗi được, dùng để phục vụ người bị liệt cơ hay bị đoản chi.

Robot - cảnh sát tại Bảo tàng Los Angeles.

Nhưng tiếc rằng suốt nửa thế kỷ sau đó ý tưởng này bị rơi vào quên lãng, bởi người ta chỉ chú tâm vào công việc chế ra các cánh tay cơ học mà thôi. Tuy nhiên, cho dù người máy công nghiệp có biết hàn, tiện, đánh bóng, xi mạ, cắt, vẽ, vận chuyển hàng hóa… nhưng những khả năng ấy không giúp gì được cho người khuyết tật cả. Để giải quyết vấn đề này, một nhóm nhà khoa học quốc tế Pháp và Nhật Bản đã cùng hợp tác nhằm chế tạo một thế hệ người máy mới có cơ bắp nhân tạo hoàn toàn giống như cơ bắp tự nhiên.

Hãng Bridgestone của người Nhật đã thành công bước đầu với một hệ thống cơ bắp nhân tạo có tên là Mac Riben, chỉ nặng có 50g và tạo ra một lực bằng 100kg. Lực "co cơ" của Mac Riben đạt mức tối đa giống như bắp thịt con người và cũng mang đặc tính mềm dẻo đàn hồi, nên không làm bị thương người đến gần và tiếp xúc với nó (cần lưu ý Nhật Bản là nước có tỉ lệ người tử vong do bị người máy tấn công cao nhất thế giới).

Người máy đá bóng dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo.

Hai nhà khoa học người Pháp Piere Lopez và Bertrand Tondu thuộc Học viện Nghiên cứu khoa học ứng dụng Paris, đã tận dụng những đặc điểm riêng của chất polymere để làm cho tay máy cử động được y như tay người thật. Hiện một nhóm chuyên gia khác của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp đang xúc tiến một hướng nghiên cứu mới: chế tạo cánh tay máy của robot hiểu biết rõ về các mối quan hệ phức tạp giữa các nhóm cơ bắp của một sinh vật sống.

Hẳn chúng ta cũng nên nhớ rằng Nhật Bản là quốc gia đứng đầu hành tinh với tỉ lệ 310 người máy/10.000 dân; kế tiếp là Cộng hòa Liên bang Đức với 62 robot/10.000 dân; xếp tiếp theo là Mỹ - 30 người máy/10.000 dân; rồi đến Pháp - 28 robot/10.000 dân và Anh - 18 người máy/10.000 dân

Thu Hường (theo Discovery)
.
.