Thể thao giờ đã thành mục tiêu của khủng bố?

Thứ Ba, 18/04/2017, 13:36
Làng bóng đá thế giới lại vừa rúng động trước vụ khủng bố nhằm vào xe buýt chở đội Dortmund ngay trước thềm trận tứ kết lượt đi Champions League 2016-17 giữa Dortmund và Monaco. Thêm một lần nữa, bóng đá tiếp tục trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ khủng bố...


Nghi phạm chính là IS?

Thay vì diễn ra vào 1h45 ngày 11-4-2017 trận tứ kết lượt đi Champions League giữa Dortmund và Monaco đã buộc phải chuyển sang đá muộn hơn vào 23h45 ngày 12-4-2017 (giờ Việt Nam). Vụ đánh bom xe nhằm vào chiếc xe buýt chở số cầu thủ Dortmund bị đánh bom trong khi đang di chuyển từ khách sạn L'Arrivee tới sân Signal Iduna Park, sân nhà của Dortmund là một dấu hiệu cho thấy những hành vi khủng bố giờ đây đã nhằm cả vào tinh thần thể thao, vào các đội bóng, một lĩnh vực vốn xưa nay được cho là nhân tố hòa đồng và gắn kết mọi tầng lớp, văn hóa, tôn giáo trong xã hội với nhau, bất kể những khác biệt về chính trị, địa lý.

Toàn cảnh vụ xe buýt chở đội Dortmund bị đánh bom.

May mắn, chỉ có trung vệ Marc Bartra và một nhân viên cảnh sát đi hộ tống nhập viện do mảnh kính vỡ văng vào và sức ép từ vụ nổ. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, 3 thiết bị phát nổ là những thiết bị tự tạo và có dạng hình ống chứa nhiều mảnh kim loại sắc nhọn bên trong. Đặc biệt, dựa theo lộ trình di chuyển của chiếc xe buýt cũng như thời điểm thiết bị phát nổ, khá nhiều chuyên gia đã cùng cho rằng, chúng đều đã được thủ phạm kích hoạt bằng điện thoại di động.

Giả thuyết này càng được thêm khẳng định hơn nữa khi một số nhân chứng cung cấp thông tin quý giá về sự xuất hiện đầy khả nghi của một chiếc xe hơi gắn biển số nước ngoài ngay gần hiện trường vụ nổ. Chẳng hiểu do trùng hợp ngẫu nhiên hay cố tình mà tay tài xế chỉ chịu lái xe đi sau khi cả 3 thiết bị gài trong hàng rào phát nổ. Ngoài 3 thiết bị đã phát nổ, một thiết bị tình nghi khác tiếp đó đã được thu giữ ngay tại khách sạn L'Arrivee, nơi số cầu thủ Dortmund trú chân.

Theo tin mới nhận, cảnh sát Đức đã tiến hành bắt giữ khẩn cấp một người đàn ông 25 tuổi người Iraq bị tình nghi liên quan đến vụ khủng bố. Bên cạnh đó, cảnh sát Đức đang truy lùng ráo riết nghi phạm thứ hai là một người đàn ông 28 tuổi người Đức sinh sống tại khu vực Froendenberg, gần với Unna (ngoại ô Dortmund).

Cả hai đối tượng này trước đó đã bị cảnh sát cũng như cơ quan tình báo Đức đưa vào tầm ngắm do có những liên hệ với  tổ chức khủng bố nhà nước hồi giáo tự xưng (IS). Một trong hai nghi phạm cũng đã bị nhận diện khi lảng vảng tại hiện trường vụ đánh bom chiếc xe buýt chở đội Dortmund ngay trước thời điểm 3 thiết bị phát nổ.

Frauke Koehler, người đại diện cơ quan công tố Đức cho hay, không loại trừ khả năng cả hai nghi phạm trên đã hành động sau khi được IS giật dây. Cần biết, phía cảnh sát đã phát hiện một lá thư nhận trách nhiệm về vụ khủng bố. Trong đó, nội dung của lá thư đã chỉ trích kịch liệt hành động quân sự của Đức trong cuộc chiến chống IS trong thời gian qua.

Bóng ma khủng bố với bóng đá thế giới

Như lời chia sẻ từ Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), Gianni Infantino, cho dù xuất phát với động cơ gì, cá nhân ông cũng như mọi thành viên còn lại của FIFA đều cực lực phản đối vụ tấn công gây sự hoang mang, lo sợ. Đồng thời, ông Gianni Infantino cũng đã kêu gọi thế giới bóng đá hãy sát cánh hơn nữa để xua tan đi nỗi ám ảnh đưa lại từ khủng bố. Thực tế, chỉ trong thời gian ngắn trở lại đây, bóng đá đã trở thành mục tiêu tấn công liên tiếp từ những phần tử khủng bố.

Phần thân xe bị hư hỏng nặng.

Hồi đầu tháng 12 năm 2016, những kẻ khủng bố  đã gây ra 2 vụ đánh bom ngay bên ngoài sân vận động Vodafone Arena tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ sau trận đấu giữa đội chủ nhà Besiktas và đội khách Bursaspor khiến 46 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Đa số nạn nhân bị thiệt mạng là cảnh sát chống bạo động được điều đến làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trước đó trên sân vận động Vodafone Arena.

Còn trước đó, ngày 13-11-2015, ba vụ đánh bom liên tiếp đã được thực hiện ngay bên ngoài sân vận động Stade de France tại Paris của Pháp. Gây sốc ở chỗ vụ tấn công xảy đến vào đúng thời điểm đang diễn ra trận đấu giao hữu giữa hai đội tuyển Pháp và Đức. Hậu quả từ vụ tấn công khủng bố này đã khiến 3 người thiệt mạng.

Ngoài hai sự vụ kể trên, làng bóng đá thế giới còn bị ám ảnh bởi vụ chiếc xe buýt chở đội tuyển Togo trên đường di chuyển tham dự vòng chung kết CAN 2010 qua khu vực Cabinda (Angola) bị những kẻ khủng bố dùng súng tấn công vào ngày 8-1-2010 làm 3 người thiệt mạng và 9 người khác bị thương.

Quá sốc trước những gì xảy đến, đội tuyển Togo đã xin rút lui không tham dự Vòng Chung kết CAN 2010. Có thể thấy bóng ma khủng bố có lẽ sẽ còn trở thành nỗi ám ảnh với làng túc cầu và các hoạt động thể thao thế giới, vốn luôn là những sự kiện nóng bỏng, tập trung sự chú ý và tụ tập của nhiều người.

Bảo Quyên
.
.